Tuổi thơ và những ngày đầu tham gia cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh

06:56 27/04/2019
Cuốn hồi ký “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh” được viết công phu, đã phản ánh sinh động cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí. Báo CAND xin trân trọng giới thiệu phần I trích từ cuốn hồi ký...


Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước là một vị tướng, một nhà lãnh đạo xuất sắc, đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời của đồng chí Lê Đức Anh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và Quân đội. Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Lê Đức Anh đã từ trần hồi 20h10 ngày 22-4-2019 tại nhà Công vụ, số 5A phố Hoàng Diệu, thành phố Hà Nội.

Cuốn hồi ký “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh” được viết công phu, đã phản ánh sinh động cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí. Báo CAND xin trân trọng giới thiệu phần I trích từ cuốn hồi ký.

Tôi tuổi đã cao nên quên nhiều... Nhưng, quê hương với những kỷ niệm thời thơ ấu và những ngày tham gia cách mạng, đi theo Đảng vẫn in đậm trong trí nhớ.

Tôi sinh ngày 1-12-1920 trong một ngôi nhà tranh tại gia đình ông bà nuôi ba tôi ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quê gốc của tôi ở xứ Truất, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Tên ba má đặt là Lê Văn Giác. Năm đầu tiên đi học, mắt kém, lại tên là Giác, vần G thì phải ngồi ở phía sau, nên thầy giáo nói với ba má tôi đổi tên sang vần A để được ngồi lên phía trên, nhìn bảng cho rõ hơn. Ba má tôi nhất trí với thầy đổi tên Giác thành tên Anh. Và tôi mang tên Lê Đức Anh từ đó. 

Gia đình tôi mấy đời làm ruộng. Ông nội tôi là Lê Thảng, sinh ngày 6-11-1861, mất ngày 11-5-1939. Ông là một sĩ phu từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Bà nội là Cung Thị Quyến, ngày tháng năm sinh, gia đình không nhớ, chỉ nhớ là bà mất ngày 18-9. Ông bà sinh được sáu người con (hai trai, bốn gái). Ba tôi là con trai cả, tên khai sinh là Lê Quang Túy, sinh ngày 25-11-1885, dân làng thường gọi là "Thầy khóa Túy".

Đại tướng Lê Đức Anh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp Tết Đinh Sửu 1997.

Ba tôi mất ngày 23-6-1969. Khi đó, tôi đang cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chỉ huy đánh địch trên chiến trường miền Tây Nam Bộ. Má tôi là Lê Thị Thoa, sinh năm 1886, mất ngày 16-11-1967. Khi đó, tôi đang cùng Bộ Chỉ huy Miền khẩn trương chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Ông bà nội, ông bà ngoại và ba má tôi đều ở xứ Truồi, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Phú Lộc là huyện cửa ngõ phía Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách thành phố Huế 39km.

Quê tôi có núi Truồi và sông Truồi. Sông Truồi bắt nguồn từ vùng rừng núi phía tây của huyện Phú Lộc đổ ra phá Tam Giang. Sông Truồi có nguồn nước dồi dào làm cho làng xóm hai bên bờ trở nên sầm uất và làm cho cánh đồng quê tôi tươi tốt.

Bà cô của ba tôi là Lê Thị Kiêm lấy chồng ở làng Trường Hà, xã Vĩnh Phú, huyện Phú Vang. Chồng bà là ông Lý Quang Cảnh làm thầy thuốc và dạy chữ Nho. Ông bà sống hiền lành, chân chất nhưng không có con.

Theo sự sắp xếp của gia đình, ba tôi sang làm con nuôi của ông bà. Ông bà nuôi truyền nghề làm thuốc Đông y cho ba tôi và cho ba tôi học chữ Nho, rồi cưới vợ cho. Ba má tôi sinh được 13 người con, 4 người chết lúc nhỏ, còn 9 người. Anh chị em chúng tôi đều sinh ra ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang.

Trường Hà là một làng quê nghèo bên phá Tam Giang. Ruộng canh tác rất ít, đất pha cát rất khó cấy trồng và trồng cây gì cũng phải khổ công chăm bón. Ngày trước, người dân quê tôi thường xuyên phải chịu cảnh làm ruộng nhờ trời. Mùa màng thất bát liên miên. Đa số các gia đình trong làng quanh năm thiếu ăn, nên người dân phải đi các nơi làm thuê kiếm sống. Người dân đi làm cật lực từ lúc gà gáy sáng đến tối mịt mới về, vậy mà tiền công chỉ được một hào mỗi ngày; trong khi đó còn phải nộp thuế thân, mỗi suất đinh là một đồng mỗi năm.     

Thực dân Pháp coi chế độ thuế thân là nguồn thu quan trọng. Thuế điền thổ cũng là gánh nặng đối với nông dân. Ai không có tiền nộp thì bọn hương kiểm, trương tuần bắt ra đình làng, lấy cây đóng nẹp dưới nền đất và cột hai chân vào đó. Người nhà phải mang khoai sắn ra nuôi, rồi chạy cầm cố ruộng nương, vườn tược để lấy tiền đóng sưu nộp thuế.

Thừa cơ, bọn địa chủ lợi dụng lúc người dân khó khăn xùy tiền, xùy thóc cho vay nặng lãi. Nhà thiếu sưu thuế, có người đau ốm phải đến vay để thuốc thang, chạy chữa. Vay đến hạn không trả nổi thì địa chủ xiết ruộng đất, nhà cửa và cho người đến ăn vạ, đòi nợ. Khi nào gia đình trả hết nợ, chúng mới ra khỏi nhà. Quê hương xơ xác, tiêu điều, người dân lương thiện sống lam lũ, khổ nhục, ốm đau, sợ hãi quanh năm suốt tháng. Bộ máy cai trị ở quê tuy ít nhưng quản lý người dân rất chặt. Nhà nào, người nào làm gì, đi đâu hương kiểm đều biết hết.

Người dân sống nghèo đói nên thường xuyên ốm đau, bệnh tật mà không có thuốc chữa. Những trận dịch đậu mùa, rồi dịch thổ tả như những cơn gió độc đã quét đi hàng loạt mạng sống của người dân. Một trận dịch đậu mùa đã khiến tôi bị hỏng một bên mắt trái, đôi chân yếu không đi lại được. Tôi tự luyện tập kiên trì cũng phải mất một năm trời. Nạn đói kém, ốm đau, bệnh tật, cộng với sự bóc lột hà khắc của chế độ thực dân, phong kiến đã đẩy người dân quê tôi đến bước khốn cùng. Tôi đã nghe nhiều cụ già than thở: Cơ sự thế này thì rồi dân làng mình cũng chết mòn chết mỏi hết thôi!               

Sự nghèo đói cũng đi liền với thất học. Hầu hết người dân quê tôi không biết chữ, một vài người được gọi là có học thì cũng chỉ học được một ít chữ Nho, biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ, và biết mấy phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Muốn học lên tiếp thì phải đi xa nhà, nhưng cũng chỉ được đi học một vài năm khi còn nhỏ tuổi, lớn lên một chút là phải đi làm để kiếm sống.

Nhà tôi, ông và ba tôi có thêm nghề thầy thuốc, phần lớn là chữa bệnh cứu người, làm phúc, song cuộc sống cũng đỡ cơ cực hơn. Tuy nhiên, gia đình đông con nên ba má tôi phải tần tảo, bươn chải, vừa làm ruộng, vừa làm thuốc, vừa đi làm thuê kiếm sống.

Làm lụng vất vả, ăn uống kham khổ, khoai sắn là chính, nhưng ba má tôi vẫn chăm lo cho các con học hành. Tôi được ba má cho là sáng dạ nên ưu tiên cho đi học từ nhỏ. Lên 5 tuổi, tôi học chữ Nho tại nhà. Từ 6 tuổi đến 10 tuổi, tôi học chữ Quốc ngữ ở làng Dưỡng Mong và Trường An Lương Đông, huyện Phú Lộc. Trường xa nhà, nên buổi sáng đi học tôi thường nhịn đói. Ngày ấy, những đứa học trò nhà quê như chúng tôi không có giày dép, đi đâu cũng chân trần. Trên chặng đường tới trường ở Dưỡng Mong phải qua một trảng cát, những ngày trời nắng, cát bỏng như rang, chúng tôi phải lấy những cái bẹ nang của cây tre, rồi dùng dây bẹ chuối cột dưới bàn chân để đi qua trảng cát cho đỡ bỏng chân.

Năm tôi 11 tuổi, ba má cho tôi ra thành Vinh (Nghệ An) để chị gái Lê Thi Hiệp (tức Nở) và anh rể nuôi ăn học. Anh rể tôi là Trần Quát, cũng người làng Trường Hà, Phú Vang, làm nghề dạy học ở thành Vinh. Người xứ Nghệ cũng nghèo, bữa ăn chỉ khoai, sắn, tương, cà, thường có canh chua và một món rất phổ biến, hầu như nhà nào cũng có, đó là xơ mít muối với dọc mùng, dân xứ Nghệ gọi là món "nhút". Tôi ở với anh chị, hằng ngày ăn cơm độn khoai, sắn, với canh chua và món "nhút" cổ truyền ấy. Dân thành Vinh hồi đó sống trong không khí trầm lặng bao trùm, suốt ngày cặm cụi làm ăn.

Thực ra đây là kết quả của sự đàn áp, kìm kẹp của chính quyền thực dân Pháp. Sau khi cao trào cách mạng 1930 -1931, mà đỉnh cao là Xô Viết – Nghệ Tĩnh bị Thực dân Pháp dìm mong "biển máu", phong trào cách mạng ở Nghệ - Tĩnh những năm sau đó gặp muôn vàn khó khăn. Cuộc khủng bố, tàn sát những năm 1930, 1931 để lại nỗi uất hận, buồn đau cho người dân nơi đây.

Phú Vang quê tôi cũng nghèo khó, nhưng thỉnh thoảng còn có chút văn nghệ, người dân vừa làm nương vừa hát đôi câu hò xứ Huế để vơi bớt nhọc nhằn. Còn ở Nghệ An thì không khí thật buồn. Thời gian đầu, nhớ nhà, nhớ quê..., tôi định bỏ về, vì anh tôi lương cũng chẳng có bao nhiêu, nay lại phải nuôi thêm tôi ăn học và gửi tiền nuôi em ăn học ở Huế. Anh chị nhủ tôi:

- Nhiều no, ít đủ, em cố gắng nán lại học thêm chút đỉnh.

- Anh chị xem có việc gì để em làm thêm, giúp anh chị? Tôi hỏi anh chị.

- Em cứ tập trung học cho tốt, về quê không có điều kiện để học đâu - Anh chị tôi lại động viên.

Người xứ Nghệ hiếu học, cùng học với tôi có nhiều bạn học giỏi và rất thương nhau. Học trò tiểu học phải học toàn bằng tiếng Pháp. Những ngày sống ở thành Vinh, một hình ảnh đã ăn sâu trong ký ức của tôi là dân ta nghèo khổ quá, đói triền miên.

Học hết tiểu học ở trường Vinh, tôi trở về quê Phú Vang giúp đỡ ba má, ông bà làm nông nghiệp. Các anh chị tôi dạy tôi cách trồng khoai, trồng sắn. Hằng ngày, tôi và chị tôi lội xuống phá Tam Giang lấy cây rong về làm phân và phủ lên luống khoai, luống sắn, rồi gánh nước tưới cho khoai, sắn. Khoai, sắn quê tôi trồng trên đất cát nên rất ngon, khoai ngọt, sắn bùi, nhiều bột. Anh chị em tôi sống và lớn lên nhờ củ khoai, củ sắn là chính. 

Ba má tôi yêu thương nhau hết mực và tất cả vì con cái, sống chan hòa, gắn bó với bà con xóm giềng. Ba má tôi luôn dạy con cái phải biết thương yêu, kính trọng mọi người, biết ơn những người giúp đỡ gia đình lúc khó khăn.

Ba má tôi quanh năm làm lụng vất vả, bươn chải để nuôi 9 anh chị em tôi gồm 2 trai, 7 gái. Tôi là con thứ bảy. Các gia đình anh chị em tôi đều tích cực tham gia hai cuộc kháng chiếnchống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Có gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng dưới hầm nhà; hai anh đều là liệt sĩ: Anh Trần Mạnh Kiếp - chồng chị Lê Thị Ngọc Tỷ và anh Hồ Nguyên - chồng chị Lê Thị Kha - đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đến nay, sáu anh chị tôi đã qua đời, chỉ còn tôi và hai em gái Lê Thị Thể (hiện đang sống ở Đà Nẵng) và Lê Thị Xoan (hiện sống ở Huế).

O Lê Thị Xoan, thường gọi là Soan, tham gia cách mạng từ lúc còn trẻ, làm cán bộ Hội Phụ nữ cứu quốc huyện Phú Lộc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Còn nhớ, cuối năm 1953, sau khi dự hội nghị ở Việt Bắc, tôi trở vào Nam Bộ, về đến chiến khu Phú Lộc, tình cờ tôi gặp o Xoan hoạt động ở đây. Phải mấy phút sau o Xoan mới nhận ra tôi. O xúc động nói:

- Anh Lê Đức Anh phải không? Trời ơi, khi em đọc tờ Báo Nhân Dân có bài "Đồng Tháp Mười đánh giặc" ký tên anh, thì em và gia đình mới tin là anh còn sống. Anh gầy và đen quá.

- Gia đình, ba má cùng các anh chị và các em vẫn khỏe chứ? – Tôi hỏi.

- Gia đình ta trong vùng địch hậu, em hoạt động ở chiến khu nên cũng ít gặp - O Xoan trả lời.

- Em hãy giữ gìn sức khỏe, hoạt động công tác cho tốt. Anh có ít tiền công tác phí, nhờ em mua tấm vải lụa may quần áo cho ba má và nói là anh gửi về biếu ba má để ba má vui - Nói xong, tôi lại vội đi theo đoàn.

Thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, o Xoan làm Bí thư Chi bộ làng Bàn Môn, bám trụ hoạt động ở quê nhà. O Xoan bị địch bắt, kết án và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ ba năm. Sau giải phóng miền Nam, o Xoan công tác tại trường trung cấp y tế tại Huế. Nay o Xoan đã nghỉ hưu.

Hồi đó, sáng sáng ba tôi ăn khoai hoặc sắn luộc, uống nước chè xanh rồi đi làm đồng, trưa về ăn mấy bát cơm độn khoai hoặc sắn rồi ngồi đọc sách chữ Nho. Do tính tình ba tôi cởi mở, hiền hòa nên bạn bè chòm xóm thường đến nhà tôi trò chuyện vào các buổi tối và những lúc rỗi việc nông. Bên ấm nước chè xanh và điếu thuốc rê, chuyện mùa màng, chuyện làng, chuyện nước thật rôm rả.

Má tôi rất cần cù, quanh năm suốt tháng bận việc đồng áng, việc nội trợ gia đình hầu như không lúc nào ngơi tay. Má tôi ít khi kêu ca, phàn nàn điều gì. Có lẽ cuộc sống khó khăn đã rèn luyện cho má tôi đức tính kiên nhẫn. Má thường dạy chúng tôi phải biết kiên trì vượt lên khó khăn và luôn vui vẻ đón nhận khó khăn. Chính tính nhẫn nhịn, chịu thương, chịu khó của má tôi và người dân quê tôi đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của anh chị em tôi.

Ông bà nuôi coi ba má tôi như con đẻ và yêu quý chúng tôi như cháu ruột của mình. Ba má tôi ngày ngày chăm sóc tận tình ba má nuôi lúc khỏe cũng như lúc đau yếu và chúng tôi cũng rất yêu quý, kính trọng ông bà nuôi.

Khi bố nuôi của ba tôi qua đời, đám tang được tổ chức rất lớn, người dân cả vùng đến đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó, mẹ nuôi của ba tôi cũng qua đời. Ba má và anh chị em tôi sinh sống ở đây một thời gian, rồi gia đình trở về xứ Truồi, làng Bàn Môn, huyện Phú Lộc phụng dưỡng ba má đẻ.

(Còn nữa)
PV

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文