Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia

15:08 18/03/2018
Ngày 18-3, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia đã thông qua Tuyên bố chung. Báo Công an nhân dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung.

Sydney, Australia, ngày 18 tháng 03 năm 2018

1. Chúng tôi, những Người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các Quốc gia Thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Australia, gặp tại Sydney, Australia, vào ngày 18 tháng 03 năm 2018 tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Australia, lần đầu tiên chúng tôi gặp tại Australia. 

2. Chúng tôi công nhận rằng Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Australia đánh dấu một kỷ nguyên mới trong quan hệ ngày càng khăng khít giữa ASEAN và Australia, đã được nâng lên tầm lên Đối tác Chiến lược vào năm 2014. Hội nghị Cấp cao này tái khẳng định chúng ta là đối tác cùng có chung lợi ích thiết yếu trong một khu vực năng động đang trải qua những đổi thay lớn. Chúng tôi cam kết đẩy mạnh nỗ lực chung nhằm định hình một khu vực an toàn và thịnh vượng cho người dân của chúng ta. 

3. Chúng tôi tái khẳng định cam kết đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình dựa trên luật lệ, rộng mở, minh bạch, bao trùm, và thúc đẩy ổn định và thịnh vượng thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Chúng tôi thừa nhận vai trò đặc biệt quan trọng của một ASEAN mạnh mẽ, đoàn kết, tự cường và sáng tạo trong tạo dựng hoà bình, ổn đinh, và tăng trưởng bao trùm, và những đóng góp của ASEAN cho hoà bình và thịnh vượng khu vực trong 50 năm qua. Chúng tôi đánh giá cao đóng góp của Australia trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, bao gồm thông qua hỗ trợ triển khai ASEAN 2025: Vững vàng cùng tiến bước.

4. Chúng tôi chia sẻ cam kết mạnh mẽ đối với hoà bình và an ninh khu vực cũng như giải quyết hoà bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, kiềm chế, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế và trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ. Chúng tôi thừa nhận vai trò thiết yếu của các thể chế khu vực và đa phương trong tạo dựng hợp tác, hoà bình và thịnh vượng. 

5. Chúng tôi tái khẳng định tôn trọng các nguyên tắc về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, không can thiệp và độc lập chính trị của tất cả các quốc gia như được quy định trong Hiến chương Liên Hợp quốc, Hiến chương ASEAN, và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Các nguyên tắc về cùng có lợi và chia sẻ trách nhiệm trong thúc đẩy hoà bình và an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta.  

An ninh Khu vực của Chúng ta

6. Chúng tôi lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Chúng tôi nhắc lại cam kết phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm tăng cường hợp tác khu vực chống khủng bố, bao gồm ngăn chặn và trấn áp việc di chuyển của các phần tử khủng bố nước ngoài vào khu vực, và giải quyết các nhân tố và điều kiện tiềm ẩn dẫn đến sự phát triển và lan rộng của bạo lực cực đoan và cực đoan hoá. Bản ghi nhớ giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Chính phủ Australia về Hợp tác Chống Chủ nghĩa Khủng bố Quốc tế được ký vào ngày 17 tháng 3 năm 2018 sẽ làm sâu sắc và mở rộng quan hệ hợp tác chặt chẽ hiện nay của chúng ta.

7. Chúng tôi quan ngại sâu sắc về gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên bao gồm các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, đe doạ hoà bình và an ninh khu vực và toàn cầu. Chúng tôi thúc giục mạnh mẽ CHDCND Triều Tiên thực hiện lập tức và đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo tất cả các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và kêu gọi tất cả các Quốc gia Thành viên Liên Hợp quốc thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Chúng tôi nhắc lại sự ủng hộ của chúng tôi đối với việc phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên một cách hoàn toàn, được kiểm chứng và không thể đảo ngược theo phương thức hoà bình, cũng như các sáng kiến hướng tới thiết lập hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ liên Triều. Chúng tôi cũng hoan nghênh sự sẵn sàng đóng vai trò xây dựng của ASEAN đóng góp cho hoà bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.   

8. Với những lợi ích biển to lớn, chúng tôi khẳng định quan điểm chung về tầm quan trọng của việc sử dụng hoà bình các vùng biển và đại dương, điều thiết yếu đối với sự thịnh vượng kinh tế của chúng ta.

9. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và sự cần thiết tăng cường tin cậy lẫn nhau và lòng tin, thực hiện tự kiềm chế trong các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp tình hình. Chúng tôi tái khẳng định các quốc gia cần theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp hoà bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), và tuân thủ các chuẩn mực liên quan và thông lệ được khuyến nghị bởi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Về phương diện này, chúng tôi ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Cách ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và mong đợi sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biên Đông (COC) hiệu quả. 

10. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề biển chung và phức tạp, bao gồm an ninh lương thực và sinh kế, cướp biển và cướp có vũ trang tàu thuyền và các tội phạm khác trên biển, cùng với khả năng tìm kiếm an toàn tàu thuyền tốt hơn, cũng như thông qua triển khai Tuyên bố Hội nghị Cấp cao Đông Á về Tăng cường Hợp tác biển ở Khu vực.

11. Chúng tôi tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài về thực thi pháp luật, hải quan và di cư để chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực, trong đó có buôn ma tuý, buôn lậu vũ khí, buôn bán trái phép động vật hoang dã và gỗ, tội phạm mạng và các hình thức tội phạm xuyên quốc gia mới khác. Chúng tôi tái khẳng định cam kết đẩy mạnh hợp tác chống buôn bán người và đưa người vượt biên trái phép và thúc đẩy di cư an toàn, có trật tự và trong khuôn khổ. 

12. Để thúc đẩy hoà bình và an ninh khu vực, chúng tôi cam kết tăng cường và mở rộng phạm vi và tầm mức của hợp tác quốc phòng thông qua cả các cơ chế song phương và đa phương, bao gồm Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+).  

Thịnh vượng Tương lai của Chúng ta

13. Là những nền kinh tế dựa vào thương mại cao, chúng tôi tái khẳng định ủng hộ tăng cường thương mại và đầu tư cũng như chống lại tất cả các hình thức bảo hộ nhằm thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của khu vực. Chúng tôi cam kết mở cửa thị trường tự do và nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa làm sâu sắc hơn hợp tác và liên kết kinh tế ASEAN – Australia, bao gồm chia sẻ chuyên môn kỹ thuật và các biện pháp tăng nâng cao năng lực khác; tăng cường các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng như là các công cụ thử nghiệm để đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai các thoả thuận của ASEAN; tích cực tham gia vào đàm phán thương mại khu vực; rà soát hiệu quả các biện pháp phi thuế quan có thể tạo ra rào cản thương mại không cần thiết, phù hợp với Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN – Australia – New Zealand và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, một môi trường kinh doanh cạnh tranh, tạo việc làm, đổi mới và khởi nghiệp hỗ trợ cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN. 

14. Với việc công nghệ mạng trở thành yếu tố quan trọng trong nền kinh tế, chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác về an ninh mạng và các vấn đề thương mại số. Chúng tôi cùng cam kết thúc đẩy một môi trường công nghệ thông tin truyền thông mở, an toàn, ổn định, có thể tiếp cận và hoà bình, phù hợp với luật pháp và quy định của mỗi quốc gia. Chúng tôi khẳng định cam kết thúc đẩy ổn định quốc tế về không gian mạng dựa trên luật pháp quốc tế hiện có, tăng cường năng lực hợp tác, các biện pháp xây dựng lòng tin thực chất, tự nguyện và các chuẩn mực về hành vi có trách nhiệm, dựa trên Báo cáo 2015 của Nhóm Chuyên gia Chính phủ của Liên Hợp quốc về các Diễn biến trên lĩnh vực Thông tin và Viễn thông trong Bối cảnh An ninh Quốc tế. Chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng bền vững, bao trùm, thông qua hỗ trợ thương mại điện tử, khởi nghiệp, hình thành lực lượng lao động sẵn sàng đáp ứng công nghệ số, và thúc đẩy hơn nữa hội nhập khu vực vào thị trường toàn cầu.   

15. Chúng tôi ghi nhận vai trò đặc biệt quan trọng của phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, bền vững và minh bach, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận tài chính, và quy hoạch đô thị thông minh và bền vững tại các thành phố đang phát triển của chúng tôi trong đối với tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. ASEAN hoan nghênh Australia tiếp tục hỗ trợ nội dung này thông qua việc triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025.

16. Chúng tôi sẽ hỗ trợ khu vực tư nhân tăng cường các quan hệ kinh doanh, bao gồm thông qua đẩy mạnh đối thoại giữa các phòng thương mại ASEAN – Australia, các cơ quan và các nhà hoạch định chính sách của các ngành chủ chốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện kết quả kinh doanh thông qua các biện pháp đẩy mạnh thương mại và đầu tư trong khuôn khổ Khu vực Thương mại Tự do ASEAN – Australia – New Zealand và làm sâu sắc hơn liên kết kinh tế ASEAN. Chúng tôi sẽ thúc đẩy sáng tạo và cạnh tranh, tài chính bao trùm và khởi nghiệp. Một trọng tâm sẽ là tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ hưởng lợi từ sự chuyển đổi số và tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị khu vực.

17. Chúng tôi cam kết đẩy mạnh các nỗ lực trong 2018 hướng tới sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hiện đại, toàn diện, chất lượng cao, và có lợi cho tất cả các bên. 

18. Chúng tôi sẽ thúc đẩy các nền kinh tế mở, năng động, và cạnh tranh, mang lại lợi ích cho toàn dân và đề cao quản trị tốt, trong đó có việc tăng quyền kinh tế cho phụ nữ. Chúng tôi sẽ hợp tác để đảm bảo rằng thương mại và đầu tư thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững. ASEAN hoan nghênh Australia tiếp tục hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI). Chúng tôi cũng tái khẳng định cam kết chung đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững và hoan nghênh các nỗ lực thúc đẩy tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự Liên Hợp quốc về Phát triển Bền vững 2030. 

19. Chúng tôi sẽ hợp tác để bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và ứng phó với các nguy cơ đe doạ những nguồn tài nguyên này, trong đó có đánh bắt cá trái phép, không thông báo và không kiểm soát. 

Người dân của Chúng ta

20. ASEAN và Australia chia sẻ mối liên kết lâu đời, sâu sắc và năng động về văn hoá và xã hội. Chúng tôi cam kết tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa người dân, đặc biệt chú trọng đầu tư vào những sự gắn kết lâu dài giữa các nhà lãnh đạo tương lai. Chúng tôi hoan nghênh đóng góp của Kế hoạch Colombo mới trong việc xây dựng sự gắn kết giữa thanh niên và cam kết đẩy mạnh các chương trình trao đổi giáo dục và thể thao rất thành công, trong đó có Chương trình Học bổng “Giải thưởng Australia”, Học bổng “Nỗ lực Australia” và các chương trình trong khuôn Hội đồng ASEAN – Australia.

21. Chúng tôi cam kết thúc đẩy các giá trị chung như hoà bình, hoà hợp, hiểu biết giữa các nền văn hoá, thượng tôn pháp luật, quản trị tốt, tôn trọng, tin cậy, khoan dung, thu nạp, ôn hoà, trách nhiệm xã hội và sự đa dạng. 

22. Chúng tôi chia sẻ cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong khu vực vì hoà bình và thịnh vượng và phát triển kinh tế bền vững và bao trùm, cũng như xoá bỏ các rào cản đối với sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trong nền kinh tế. Chúng tôi cũng khẳng định cam kết đối với các nguyên tắc của chương trình nghị sự về phụ nữ, hoà bình, và an ninh, và tăng cường hợp tác thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong tạo dựng và duy trì hoà bình. Sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ trong tất cả các khía cạnh của tiến trình đảm bảo hoà bình và an ninh giúp ngăn ngừa xung đột, gìn giữ hoà bình lâu dài, và hỗ trợ phục hồi và tăng trường kinh tế. 

23. Chúng tôi khẳng định lại quyết tâm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người của người dân, thông qua hoạt động của Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền, Uỷ ban Nhân quyền Australia và Uỷ ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền Phụ nữ và Trẻ em. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại và hợp tác về thúc đẩy và bảo vệ các

quyền như được ghi nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát và các văn kiện nhân quyền quốc tế phù hợp khác mà tất cả chúng ta là thành viên. 

24. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường năng lực tự cường của khu vực thông qua hợp tác lập kế hoạch, quản lý và giảm thiểu rủi ro thảm hoạ, bao gồm việc hỗ trợ Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo trong Quản lý Thảm hoạ. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác chống lại các bệnh lây lan và truyền nhiễm, đối phó với các thách thức y tế đang gia tăng khác như già hoá, nâng cao khả năng ứng phó với dịch bệnh bằng cách hỗ trợ các hệ thống giám sát, phòng ngừa, và ứng phó hiệu quả.

25. Chúng tôi ủng hộ các hành động nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, cụ thể là việc triển khai hiệu quả và đầy đủ Thoả thuận Paris và các mục tiêu liên quan của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường quản lý tích hợp nguồn nước; quản lý rừng bền vững; sử dụng năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng khác và công nghệ xanh; quản lý bền vững môi trường biển và ven biển và bảo tồn đa dạng sinh học. Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, bao gồm hợp tác với Nhóm công tác ASEAN về Biến đối Khí hậu và Trung tâm ASEAN về Đa dạng Sinh học. 

26. Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong triển khai Đồng thuận ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của Lao động Di cư. 

Thúc đẩy Đối thoại và Hợp tác 

27. Chúng tôi cam kết tiếp tục đối thoại chính trị cấp Lãnh đạo Nhà nước/Chính phủ, phát huy đối thoại sâu rộng cấp Bộ trưởng và Quan chức Cao cấp, và tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN – Australia tổ chức hai năm một lần; tăng cường cấu trúc an ninh khu vực để hỗ trợ trật tự khu vực dựa trên luật lệ, đặc biệt là tại Hội nghị Cấp cao Đông Á, diễn đàn chiến lược hàng đầu của khu vực do các Lãnh đạo dẫn dắt; và thúc đẩy phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

28. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác triển khai đầy đủ và hiệu quả Kế hoạch Hành động triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN – Australia (2015-2019). 

29. Chúng tôi hoan nghênh các sáng kiến đưa ra tại Hội nghị Cấp cao này trên các lĩnh vực chống khủng bố; chống buôn bán người; an ninh mạng và thương mại số; quốc phòng; hợp tác biển; kinh tế; đô thị hoá và cơ sở hạ tầng; kết nối; giáo dục; y tế; phụ nữ, hoà bình và an ninh nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta. Chúng tôi trông đợi hai bên tiếp tục tham vấn để triển khai các sáng kiến này.  

Tiên An

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Mang cái tên đặc biệt, Võ Thị Nở (SN 1979, không nơi cư trú nhất định) từng có 5 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng ngựa quen đường cũ, Nở vẫn tiếp tục thực hiện nhiều vụ móc túi, lấy trộm ĐTDĐ đắt tiền tại khu vực rạp chiếu phim và bệnh viện xung quanh khu vực quận 1, quận 3, TP Hồ Chí Minh…

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Israel và Lebanon đã chấp nhận đề xuất của Washington nhằm chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc giữa Israel và Hezbollah, mở đường cho việc kết thúc gần 14 tháng giao tranh xuyên biên giới đã giết chết hàng nghìn người.

Những tuyên bố gần đây của NATO về khả năng thực hiện các cuộc tấn công “phòng ngừa” nhằm vào Nga đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên, đẩy thế giới đến gần hơn với nguy cơ xung đột trực tiếp.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 26/11 cho biết sẽ áp thuế đáp trả Mỹ, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa Mexico nếu nước này không ngăn chặn dòng ma túy và người di cư qua biên giới.

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam. Vậy nhưng đến nay, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 720,4/721,25km (đạt khoảng 99,9%), trong đó, nhiều địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng.

Ngày 27/11, Công an TP Hà Nội cho biết, một người đàn ông ở tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã bị mất hơn 200 triệu đồng khi cài đặt phần mềm “giả mạo” để đóng thuế điện tử. Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên; tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文