Tuyên bố chung Việt Nam-Indonesia về tăng cường Đối tác chiến lược

19:34 12/09/2018
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo và Phu nhân thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 11 đến 12-9-2018. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Joko Widodo sang thăm Việt Nam kể từ khi nhậm chức Tổng thống Indonesia vào năm 2014.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại lễ đón. (Ảnh: Duy Tiến)

Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Indonesia về tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược.

Dưới đây là toàn văn Tuyên bố chung:

1. Nhận lời mời của Ngài Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Phu nhân, Ngài Joko Widodo, Tổng thống Cộng hòa Indonesia và Phu nhân đã tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11-12/9/2018. Chuyến thăm thể hiện rõ sự gắn kết và tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước láng giềng và đối tác chiến lược. 

2. Trong chuyến thăm, Tổng thống Joko Widodo đã dự lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và dự quốc yến do Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì. Tổng thống Joko Widodo cũng đã chào xã giao Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 

3. Hai nhà Lãnh đạo đã có cuộc hội đàm sâu rộng về quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên khẳng định mối quan hệ hữu nghị lâu đời và trải qua nhiều thử thách giữa hai nước, được cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng thống Sukarno đặt nền móng cùng nhiều thế hệ Lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp.

4. Hai nhà Lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Indonesia giai đoạn 2019-2023 và Thông cáo chung về tự nguyện tham gia hợp tác quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thúc đẩy quản lý nghề cá bền vững.

CỦNG CỐ QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC


5. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng quan hệ Đối tác chiến lược hai nước đang phát triển tốt đẹp và ngày càng trở nên sâu sắc hơn với sự tin cậy mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội và giao lưu nhân dân.

6. Hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, và tạo thêm nhiều cơ hội để trao đổi quan điểm, ý tưởng, sáng kiến đối với các vấn đề chiến lược thông qua các cơ chế và tham vấn song phương, trong đó có Ủy ban Hợp tác Song phương (JCBC).

7. Hai nhà Lãnh đạo hài lòng trước việc hoàn thành Chương trình Hành động giai đoạn 2014-2018 và hoan nghênh việc ký kết Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Indonesia giai đoạn 2019-2023 nhân dịp này; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai đầy đủ và hiệu quả văn kiện này trong việc đặt nền móng cho các hợp tác thực chất giữa hai nước.

8. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận những tiến bộ đạt được trong đàm phán phân định Vùng Đặc quyền Kinh tế giữa hai nước và nhất trí giao Cuộc họp Nhóm Kỹ thuật đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm sớm đạt được thỏa thuận dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982.

9. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận những bước tiến đáng kể trong hợp tác quốc phòng, đặc biệt là việc triển khai Bản Ghi nhớ về Tăng cường hợp tác giữa quan chức quốc phòng và các hoạt động liên quan năm 2010 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2017-2022 giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Indonesia. Hai nhà lãnh đạo xác định cần mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng.

10. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia như buôn bán ma túy bất hợp pháp, buôn bán người, khủng bố, tội phạm công nghệ cao, rửa tiền. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ quyết tâm xúc tiến cân nhắc ký một thỏa thuận về phòng, chống buôn bán người.

11. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định cam kết tăng cường phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong việc bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của mỗi nước.

12. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác tương trợ tư pháp, đặc biệt là trong khuôn khổ Bản Ghi nhớ về Hợp tác Tư pháp và Pháp luật ký năm 2017, trong đó bao gồm việc trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật, cải cách hành chính, chống tham nhũng...

13. Hai nhà Lãnh đạo khuyến khích triển khai Bản Ghi nhớ giữa Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia ký năm 2010, đồng thời hoan nghênh việc thành lập Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-Indonesia nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước.

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC KINH TẾ

14. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm đưa thương mại hai chiều phát triển mạnh mẽ, cân bằng và bền vững, phấn đấu đưa kim ngạch đạt 10 tỷ đôla Mỹ trong thời gian sớm nhất, dựa trên nền tảng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và môi trường kinh doanh mở, ổn định và thuận lợi ở khu vực.

15. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí triển khai nhiều biện pháp mạnh hơn để tăng cường thương mại song phương, bao gồm xóa bỏ các rào cản và biện pháp thương mại không cần thiết và không phù hợp với quy định và thông lệ thương mại của khu vực và quốc tế, mở cửa thị trường hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ của mỗi nước. 

16. Trao đổi về sự phát triển của hợp tác kinh tế hai nước hiện nay, hai nhà Lãnh đạo nhất trí giao các bộ, ngành liên quan rà soát lại Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Indonesia về Hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật ký năm 1990.

17. Hai nhà Lãnh đạo khuyến khích tăng cường đầu tư hai chiều. Hai bên hoan nghênh và ủng hộ việc gia tăng đầu tư song phương trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin, y tế, giao thông, xây dựng, logistics... 

18. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí đảm bảo môi trường thương mại và đầu tư có lợi thông qua việc triển khai nhất quán các chính sách và quy định và giao các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

19. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khuyến khích sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của hai nước, nhất là trong thăm dò, sản xuất và dịch vụ dầu khí, công nghiệp lọc dầu.

20. Hai nhà Lãnh đạo cam kết hợp tác tích cực triển khai Bản Ghi nhớ về Hợp tác Nông sản hàng hóa ký năm 2013, bao gồm việc sớm tổ chức kỳ họp đầu tiên của Nhóm làm việc về Hợp tác nông nghiệp. Hai bên cũng tái khẳng định cam kết về khuyến khích và tạo điều kiện cho sản xuất nông sản hàng hóa thông minh.

21. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường kết nối hàng không và hàng hải nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa và con người. Phía Indonesia ghi nhận đề xuất của Việt Nam về chia sẻ kinh nghiệm vận tải đường thủy nội địa.

22. Để thích ứng với các thách thức của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, hai nhà Lãnh đạo nhất trí thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua các dự án chung về nghiên cứu, xây dựng năng lực về sở hữu trí tuệ (IP), hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo chuyên gia cho lĩnh vực này.

23. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác phát triển nông thôn thông qua triển khai Bản Ghi nhớ về Hợp tác Phát triển Nông thôn ký năm 2017; tăng cường hợp tác đối với các mặt hàng nông sản chủ lực nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn, tăng quyền năng cho người nông dân để phát triển các làng tự cường, chia sẻ các kinh nghiệm thiết thực trong phát triển nông thôn, các công nghệ phù hợp cũng như việc đào tạo và hỗ trợ phát triển nông thôn.

24. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác biển thông qua việc ưu tiên cho nền kinh tế biển bền vững, quản lý các nguồn lợi biển, các chương trình đầu tư trên biển, nghiên cứu và phát triển biển liên quan đến các hoạt động xây dựng năng lực và bảo tồn môi trường bền vững.

25. Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh việc ký Thông cáo chung về tự nguyện tham gia hợp tác quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thúc đẩy quản lý nghề cá bền vững, giao các Bộ trưởng liên quan thực hiện đầy đủ Thông cáo chung này.

26. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí các cam kết về hợp tác biển như nêu tại Biên bản Thỏa thuận của kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban Hợp tác Song phương và giao các Bộ trưởng đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết này.

THÚC ĐẨY HỢP TÁC VĂN HÓA XÃ HỘI

27. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục triển khai Bản Ghi nhớ về Hợp tác Giáo dục ký năm 2017, đồng thời mở rộng hợp tác giáo dục và đào tạo thông qua tăng cường trao đổi giáo viên, sinh viên.

28. Chia sẻ về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực, hai nhà Lãnh đạo nhất trí giao các bộ, ngành liên quan phát triển các mối liên kết trực tiếp giữa các cơ sở đào tạo nghề với các ngành công nghiệp của hai nước nhằm chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp.

29. Ghi nhận tầm quan trọng của việc khuyến khích hơn nữa giao lưu nhân dân, đặc biệt là giữa giới trẻ hai nước, hai nhà Lãnh đạo nhất trí giao các bộ, ngành liên quan tăng cường hoạt động giao lưu, trong đó có giao lưu thanh niên.

30. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định cam kết thúc đẩy quảng bá hình ảnh của mỗi nước tại nước kia thông qua trao đổi đoàn phóng viên, triển lãm và mở rộng hợp tác du lịch.

31. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận và khuyến khích Hội Hữu nghị Việt Nam-Indonesia và Hội Hữu nghị Indonesia-Việt Nam đóng góp tích cực hơn nữa cho việc tăng cường quan hệ giữa khu vực tư nhân hai nước cũng như quan hệ giữa nhân dân hai bên.

NÂNG CAO HỢP TÁC TRÊN CÁC DIỄN ĐÀN KHU VỰC VÀ ĐA PHƯƠNG

32. Hai nhà Lãnh đạo chia sẻ nhiều quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế; nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc ứng phó với các thách thức toàn cầu và khu vực, trong đó có tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, thiên tai, thách thức an ninh liên lĩnh vực lương thực-nước-năng lượng.

33. Hai nhà Lãnh đạo hài lòng về hợp tác tốt đẹp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, APEC, ASEM, WTO, Liên hợp quốc; nhất trí tiếp tục duy trì truyền thống này. Indonesia cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019-2020 và ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

34. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm duy trì vai trò trung tâm và sự thống nhất của ASEAN và cũng như bảo đảm triển khai đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Hai bên nhấn mạnh ủng hộ một cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.

35. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định cam kết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và sớm kết thúc đàm phán thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với các kết quả cân bằng và mang lại lợi ích chung, tạo điều kiện cho các nền kinh tế ở trình độ phát triển khác nhau được tham gia tích cực và hưởng lợi trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực rộng mở và bao trùm.

36. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và tuân thủ luật pháp, trong đó có an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không tại khu vực, bao gồm cả Biển Đông. Theo đó, hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định cam kết ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

37. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa, tự kiềm chế hoạt động có thể gây căng thẳng hoặc làm leo thang căng thẳng, tuân thủ hơn nữa các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và quy chuẩn đã được công nhận rộng rãi. Hai bên tái khẳng định ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh hợp tác đang tiến triển giữa ASEAN và Trung Quốc và vui mừng trước những tiến triển thực chất trong việc đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.

38. Hai nhà Lãnh đạo trao đổi quan điểm về một khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể đưa ASEAN trở thành động lực chính trong một cấu trúc khu vực rộng lớn hơn. Indonesia bày tỏ đánh giá cao Việt Nam ủng hộ sáng kiến về xây dựng một khái niệm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên cơ sở các nguyên tắc chính như lấy ASEAN làm trung tâm, mở, minh bạch, bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời giúp tăng cường lòng tin, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. 

39. Hai nhà Lãnh đạo tỏ hài lòng về cuộc hội đàm cởi mở và sâu rộng trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau cũng như kết quả tốt đẹp của chuyến thăm. Tổng thống Joko Widodo bày tỏ cảm kích trước tình cảm nồng hậu mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đoàn trong thời gian thăm Việt Nam; trân trọng mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Indonesia vào thời gian thuận tiện. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã vui vẻ nhận lời.
D.Tiến - A.Nhiên

Từ ngày 1/1 vừa qua, Luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có hiệu lực thực thi trong cuộc sống, cùng ngày, Nghị định 168 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng có hiệu lực với mức phạt tăng khá cao so với mức phạt cũ được quy định tại Nghị định 100 và Nghị định 123.

Sáng 8/1, TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm. Bị cáo Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước, đã bị buộc thôi việc từ ngày 19/9/2024) bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Tới đây, mô hình tổ chức có sự thay đổi, nhưng theo bà Nguyễn Minh Phương, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) vẫn sẽ giữ vững vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong thời đại 4.0, việc lưu giữ những khoảnh khắc riêng tư của các cặp tình nhân bằng hình ảnh hay video không còn xa lạ. Tuy nhiên, việc quay clip nhạy cảm, ban đầu xuất phát từ sự tin tưởng và tình cảm, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là khi mối quan hệ kết thúc trong căng thẳng hoặc thù hận. Ngày càng nhiều vụ việc sử dụng clip nhạy cảm để tống tình, tống tiền đã xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng cho cả nạn nhân lẫn xã hội.

Ít nhất 13 binh sĩ Cuba đã mất tích sau vụ nổ xảy ra tại một kho vũ khí và đạn ở tỉnh Holguin, miền Đông nước này, lực lượng vũ trang Cuba thông tin cho biết vào cuối ngày 7/1 (giờ địa phương).

Gần đây, các trò chơi mang tính may rủi như "xé túi mù" (ám chỉ hình thức mở hộp ngẫu nhiên mua trên mạng) đang trở thành xu hướng nổi bật trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, và YouTube.

Ngày 7/1, mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài khoảng 47 giây, ghi lại hình ảnh một người đàn ông chạy xe máy chặn trước đầu xe tải đang lưu thông, tay cầm cục gạch, có thái độ hung hăng, chửi bới người xung quanh, thách thức tài xế đánh nhau. Người đàn ông cầm cục gạch hô lớn "đường này của tao, mày xuống đây...", rồi lấy gạch đập vào xe tải và buông lời đe dọa, thách thức đánh nhau với tài xế xe tải, sau đó ném cục gạch về phía xe tải và bỏ đi.

Chỉ trong thời gian ngắn của những ngày cuối năm 2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã đấu tranh, bắt giữ các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai với số tiền chiếm đoạt lên đến nhiều tỷ đồng/vụ án. Điều đáng nói, mặc dù cơ quan chức năng đã từng cảnh báo, nhiều vụ án được đưa ra xét xử nghiêm minh nhưng vẫn không ít người dân “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo.

Sau khi thoả thuận, thống nhất giá mua bán, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người mua đặt cọc tiền từ 3 - 30 triệu đồng (tùy vào giá trị của xe máy, ô tô). Bọn chúng còn giả danh Cảnh sát giao thông gọi điện xác minh, đề nghị nộp tiền để làm giấy tờ nhưng khi nhận được tiền chúng sẽ khoá máy, chặn liên lạc.

Nằm trong kế hoạch ra quân đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, hơn một tuần qua, Công an huyện Tây Hòa, Công an huyện Phú Hòa và Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Phú Yên đã đánh sập 3 đường đánh bạc qua mạng Internet với tổng số tiền hơn 450 tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文