Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về hoà bình, thịnh vượng và người dân
- Thủ tướng Việt Nam - Ấn Độ điện đàm, trao đổi về hợp tác chống dịch COVID-19
- Khai mạc Liên hoan Hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 10
Tại Hội đàm, hai nhà Lãnh đạo đã trao đổi về nhiều vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu; cùng đề ra Tầm nhìn chung về hòa bình, thịnh vượng và người dân để định hướng phát triển cho quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Ấn Độ - Việt Nam trong tương lai:
Về hòa bình
1. Khẳng định lại mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trên nền tảng các mối liên kết lịch sử và văn hóa lâu đời, các giá trị và lợi ích tương đồng, sự tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau cũng như cam kết chung đối với luật pháp quốc tế, hai nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác giữa hai nước.
Hai bên sẽ tăng thêm nội hàm và động lực mới cho hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp vào sự phát triển của mỗi nước và hướng tới xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh, tự do, rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ.
2. Nhận thức được vai trò quan trọng của hợp tác song phương trong bối cảnh các nhân tố địa chính trị và địa kinh tế mới đang nổi lên ở trong và ngoài khu vực, hai nhà Lãnh đạo nhất trí rằng quan hệ đối tác tăng cường về quốc phòng và an ninh giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ là nhân tố quan trọng đối với ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo đó, hai bên sẽ thúc đẩy các chương trình trao đổi quân sự, đào tạo và nâng cao năng lực cho ba quân chủng và cảnh sát biển; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng sử dụng các gói tín dụng quốc phòng của Ấn Độ dành cho Việt Nam.
Hai bên sẽ tăng cường thể chế hóa giao lưu quốc phòng thông qua các hoạt động tương hỗ hậu cần, các chuyến thăm thường xuyên của tàu hải quân, diễn tập chung, trao đổi về khoa học và công nghệ quân sự, chia sẻ thông tin và hợp tác trong hoạt động g ìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực an ninh thông qua các cơ chế đối thoại sẵn có nhằm ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống về hàng hải và trong không gian mạng, khủng bố, thiên tai, an ninh y tế, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia..., gồm cả thông qua tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp khi cần thiết.
3. Nhấn mạnh mối quan hệ giữa giữa an ninh và thịnh vượng, hai nhà Lãnh đạo khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và kiềm chế trong hành động của các bên tuyên bố chủ quyền và tất cả quốc gia khác, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.
Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh UNCLOS là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, và là cơ sở để xác định phạm vi các vùng biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển.
Hai nhà Lãnh đạo tiếp tục kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán thực chất để sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tất cả các quốc gia, kể cả các quốc gia không tham gia đàm phán.
4. Ghi nhận tầm quan trọng của hợp tác ASEAN - Ấn Độ trong việc duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực, hai bên hoan nghênh các cơ hội thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa ASEAN và Ấn Độ trên các lĩnh vực then chốt, phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc nêu trong Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến của Ấn Độ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác ở khu vực này, trong đó hai bên cùng coi trọng thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN.
Hai bên sẽ tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới và thực chất nhằm tăng cường năng lực về kinh tế biển, an ninh và an toàn hàng hải, môi trường biển và sử dụng bền vững tài nguyên biển, kết nối hàng hàng, nhằm bảo đảm an ninh và tăng trưởng cho cả khu vực.
5. Phát huy thế mạnh từ sự tương đồng trong cách tiếp cận và quan điểm của hai bên về các vấn đề khu vực và toàn cầu, cùng tôn trọng luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ, chia sẻ niềm tin về tính bao trùm và bình đẳng trong trao đổi về các vấn đề toàn cầu, hai bên sẽ tăng cường hợp tác đa phương và khu vực, trong đó có Liên hợp quốc, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt và hợp tác tiểu vùng Mê Công.
Hai bên sẽ tích cực thúc đẩy cải tổ các thể chế đa phương để các tổ chức quốc tế, trong đó có Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mang tính đại diện cao hơn, phù hợp với thực tiễn và đủ năng lực ứng phó với các thách thức hiện nay.
Hai bên khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác trong ứng phó với đại dịch COVID-19, hỗ trợ đào tạo trực tuyến cho đội ngũ y tế, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chuyên môn trong phát triển vắc-xin, thúc đẩy chuỗi cung ứng mở và tạo thuận lợi cho đi lại qua biên giới phục vụ mục đích thiết yếu của người dân, cũng như duy trì liên hệ và phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức đa phương như WHO.
6. Nhận thức mối đe dọa từ khủng bố, bạo lực và chủ nghĩa cực đoan đối với nhân loại và hòa bình thế giới, hai nước quyết tâm chống khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện, bao gồm cả khủng bố xuyên biên giới, các mạng lưới tài trợ và bao che cho khủng bố, cụ thể hoá bằng việc tăng cường phối hợp trong các nỗ lực song phương, khu vực và toàn cầu. Hai bên sẽ đẩy mạnh nỗ lực chung để xây dựng đồng thuận cho việc sớm thông qua Công ước Toàn diện về Chống Khủng bố Quốc tế (CCIT).
Thịnh vượng
7. Nhận thức được những thách thức cũng như cơ hội mới do đại dịch COVID-19 đem lại, hai bên sẽ hợp tác xây dựng các chuỗi cung ứng đáng tin cậy, vững bền và hiệu quả, đồng thời thúc đẩy toàn cầu hóa lấy con người làm trung tâm.
Hai bên phấn đấu sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 15 tỷ USD trong thời gian sớm nhất và sẽ đề ra những mục tiêu tham vọng hơn cho thương mại song phương dựa trên một kế hoạch hành động cụ thể và các chuỗi cung ứng mới tại hai nước.
8. Nhận thấy sự bổ sung rất lớn cho nhau giữa một bên là thị trường nội địa rộng lớn với tầm nhìn tự cường của Ấn Độ và một bên là sức sống và năng lực kinh tế ngày càng cao của Việt Nam, cả hai bên sẽ không ngừng nâng cấp quan hệ đối tác kinh tế song phương thông qua việc tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư dài hạn vào nền kinh tế của nhau, thúc đẩy liên doanh, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu mới, tăng cường kết nối cứng và kết nối số, khuyến khích thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho việc đi lại của doanh nghiệp, nâng cấp cấu trúc thương mại khu vực và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường. Mục tiêu trở thành nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD vào năm 2024 của Ấn Độ và tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam sẽ mở ra những chân trời mới cho quan hệ đối tác giữa hai nước, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và cộng đồng nông dân của hai nước khai thác tối đa.
9. Nhấn mạnh mục tiêu chung về tiến bộ và thịnh vượng của hai nền kinh tế mới nổi với dân số trẻ, quan hệ đối tác kinh tế và phát triển giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ ngày càng được thúc đẩy bởi triển vọng về công nghệ mới, đổi mới sáng tạo và số hóa, để xây dựng một nền quản trị tốt, tăng quyền cho người dân, cũng như phát triển bền vững và bao trùm.
Theo đó, hai bên sẽ khai thác sự tương đồng giữa mục tiêu “Ấn Độ số” của Ấn Độ và tầm nhìn “xã hội số” của Việt Nam, cũng như tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hạt nhân dân sự và công nghệ vũ trụ, các công nghệ chuyển đổi trong công nghệ thông tin và truyền thông, các ngành khoa học đại dương, nông nghiệp bền vững, quản lý tài nguyên nước, chăm sóc sức khỏe toàn diện, vắc-xin và dược phẩm, đô thị thông minh và khởi nghiệp.
10. Khẳng định lại cam kết chung về phát triển bền vững và hành động vì khí hậu, đồng thời giải quyết vấn đề an ninh năng lượng của hai nước đang phát triển, hai bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, bảo toàn năng lượng và các công nghệ thích ứng với khí hậu. Việc Việt Nam có thể tham gia Liên minh Năng lượng mặt trời Quốc tế trong tương lai có thể mang đến những cơ hội hợp tác mới trong khai thác năng lượng mặt trời quy mô lớn. Đồng thời, hai bên sẽ củng cố hơn nữa quan hệ đối tác lâu năm trong lĩnh vực dầu khí, bao gồm cả hợp tác trong các dự án thăm dò ở nước thứ ba và các dự án hạ nguồn. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Ấn Độ mong muốn Việt Nam tham gia Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai thiên tai trong tương lai gần.
11. Ghi nhận vai trò quan trọng của quan hệ Đối tác phát triển nhằm đem lại lợi ích cụ thể và đa dạng cho cộng đồng tại các địa phương, đóng góp vào việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững, Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ phát triển và xây dựng năng lực cho các địa phương của Việt Nam, trong đó có mở rộng các Dự án tác động nhanh (QIP) trong khuôn khổ sợp tác Mê Công - Sông Hằng và các chương trình của Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế Ấn Độ (ITEC) và ITEC số (e-ITEC) trong nhiều lĩnh vực.
Người dân
12. Nhấn mạnh sự gắn kết lâu đời về văn hóa, lịch sử giữa Ấn Độ và Việt Nam, hai bên sẽ kế thừa và tăng cường tìm hiểu, nghiên cứu về di sản văn hóa, văn minh chung của hai nước, bao gồm Phật giáo, văn hóa Chăm, các phong tục truyền thống và kinh cổ. Hợp tác bảo tồn di sản văn hóa chung sẽ được coi như một trụ cột chính trong quan hệ đối tác phát triển của hai nước. Hệ thống y học cổ truyền có ý nghĩa quan trọng với cả hai nước trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững số 2 và 3. Nhờ sự giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia trong hàng nghìn năm qua, các hệ thống y học truyền thống như Ayurveda và y học cổ truyền Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong kho tàng kiến thức y học sâu rộng. Yoga đã trở thành một biểu tượng của hòa bình, hòa hợp và hành trình cùng tìm kiếm hạnh phúc và sức khoẻ tâm hồn. Hai nước cam kết hợp tác để tăng cường hệ thống y học cổ truyền và y học chứng cứ vì sức khoẻ của người dân. Hai bên sẽ tích cực hợp tác để xuất bản Bách khoa toàn thư về Quan hệ Văn hóa và Văn minh Ấn Độ - Việt Nam để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ - Việt Nam vào năm 2022.
13. Nhận thức về sức mạnh và sự ủng hộ dành cho quan hệ của hai nước xuất phát từ tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước, hai bên sẽ nỗ lực tăng cường thắt chặt giao lưu nhân dân bằng cách tăng các chuyến bay thẳng, tạo thuận lợi cho đi lại thông qua đơn giản hóa thủ tục thị thực và thúc đẩy du lịch. Hai bên sẽ tăng cường xây dựng các cơ chế kết nối như trao đổi nghị viện, quan hệ giữa các bang của Ấn Độ và các tỉnh Việt Nam, giao lưu giữa các chính đảng, các tổ chức xã hội, các nhóm hữu nghị và các tổ chức thanh niên, hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và học thuật, các viện nghiên cứu, các chương trình nghiên cứu chung, học bổng giáo dục, giao lưu truyền thông, điện ảnh, truyền hình và thể thao. Hai bên cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa các cơ quan liên quan để đưa các nội dung về quan hệ và sự gắn kết lịch sử lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ vào hệ thống sách giáo khoa phổ thông của hai nước.
Hai Thủ tướng tin tưởng rằng Tầm nhìn chung trên đây sẽ là nền tảng cho một kỷ nguyên mới trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Ấn Độ - Việt Nam. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, hai bên sẽ xây dựng các Kế hoạch hành động triển khai cụ thể theo từng giao đoạn, bắt đầu từ giai đoạn 2021-2023.
Hà Nội - New Delhi,
Ngày 21 tháng 12 năm 2020
***
Kết quả
(a) Cùng với việc thông qua Tuyên bố tầm nhìn chung này, hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh việc ký kết Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2023.
(b) Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về kết quả triển khai thành công dự án đóng tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam bằng Gói tín dụng quốc phòng 100 triệu USD của Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam và việc chuyển giao tàu đã hoàn thành cho Việt Nam, hạ thuỷ các tàu sản xuất tại Ấn Độ, đặt ky các tàu sản xuất tại Việt Nam.
(c) Hai nhà Lãnh đạo đánh giá cao việc hoàn thành bảy Dự án phát triển bằng nguồn viện trợ không hoàn lại của Ấn Độ trị giá 1,5 triệu đô la Mỹ phục vụ cộng đồng địa phương tại tỉnh Ninh Thuận của Việt Nam.
(d) Hai Thủ tướng cũng bày tỏ hài lòng về việc ký kết các Bản ghi nhớ, Thỏa thuận và việc công bố các chương trình, dự án tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực dưới đây:
Các Bản ghi nhớ/Thoả thuận:
- Thoả thuận triển khai giữa Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cục sản xuất quốc phòng, Bộ Quốc phòng Ấn Độ về hợp tác công nghiệp quốc phòng.
- Thoả thuận triển khai Dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thuộc Trung tâm Công nghệ Thông tin và Ngoại ngữ giữa Trường Đại học Thông tin liên lạc, Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Nha Trang và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam.
- Thoả thuận triển khai giữa Cục gìn giữ hoà bình Việt Nam và Trung tâm Gìn giữ hoà bình Ấn Độ về hợp tác trong lĩnh vực Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.
- Bản ghi nhớ về hợp tác an toàn hạt nhân và bảo vệ bức xạ giữa Cục An toàn bức xạ hạt nhân Việt Nam (VARANS) và Ban Pháp quy về Năng lượng nguyên tử Ấn Độ (AERB).
- Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện dầu khí Ấn Độ (CSIR-IIP) và Viện Dầu khí Việt Nam (VPI).
- Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch giữa Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) và Liên đoàn năng lượng mặt trời Ấn Độ (NSEFI).
- Bản ghi nhớ về chữa trị bệnh ung thư giữa Bệnh viện K và Bệnh viện Tata Memorial.
Công bố:
- Tăng số lượng dự án Tác động nhanh (QIP) hỗ trợ thường niên của Ấn Độ dành cho Việt Nam từ 05 lên 10 dự án từ năm tài khoá 2021-2022.
- Các dự án hỗ trợ phát triển mới trong lĩnh vực bảo tồn di sản ở Việt Nam (Nhóm tháp F ở Mỹ Sơn, Thiền viện Phật giáo Đồng Dương ở Quảng Nam và Tháp Nhạn ở Phú Yên).
- Khởi động dự án xây dựng Bách khoa toàn thư về liên kết văn hoá, văn minh Việt Nam - Ấn Độ.