UBKT Trung ương hướng dẫn thực hiện Quy định xử lý kỷ luật đảng viên
- Thực hiện nghiêm túc kết luận của UBKT Trung ương trên tinh thần “sai đâu sửa đó”
- UBKT Trung ương kết luận sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng7
Xử lý đảng viên vi phạm sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu
Khoản 2, Điều 1 trong hướng dẫn quy định: “Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này”.
Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu và đã chuyển sinh hoạt đảng mới phát hiện có vi phạm ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của các tổ chức đảng đó xem xét, xử lý theo quy định.
Khi đang xem xét, xử lý đảng viên vi phạm mà tổ chức đảng nơi đảng viên vi phạm đang sinh hoạt bị giải thể, sáp nhập, chia tách hoặc kết thúc hoạt động thì tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn tiếp tục xem xét, xử lý hoặc báo cáo tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đó xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên theo quy định.
Chứng cứ đến đâu kết luận đến đấy, không suy diễn
Về nguyên tắc xử lý kỷ luật, Khoản 3, Điều 2 quy định: “Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra”.
Chứng cứ đến đâu kết luận đến đấy, không suy diễn. Đồng thời, phải xét hoàn cảnh lịch sử cụ thể, khách quan, toàn diện nhằm đạt mục tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Đảng viên vi phạm bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) ở Khoản 2 của các điều từ Điều 7 đến Điều 34 thì tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ vào quy định nêu trên để xem xét, quyết định cụ thể: Cảnh cáo hoặc cách chức một, một số hoặc tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đảng viên đó.
Đảng viên vi phạm bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, nếu xét thấy không còn đủ uy tín thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định cho miễn nhiệm hoặc đề nghị cho thôi giữ chức vụ đó.
Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"
Khoản 5, Điều 2 quy định: “Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ”. Nếu bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tuỳ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp".
Cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra từ cấp huyện trở lên khi phát hiện đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không được giữ lại để xử lý nội bộ.
Đảng viên vi phạm pháp luật đang bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền thụ lý theo quy định của pháp luật thì tổ chức đảng không được can thiệp để đảng viên chỉ bị xử lý kỷ luật về Đảng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý về chính quyền, đoàn thể.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bản án của toà án tuyên phạt đối với đảng viên từ cải tạo không giam giữ trở lên có hiệu lực pháp luật thì toà án phải sao gửi bản án đến cấp uỷ, ban thường vụ cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra của cấp ủy quản lý đảng viên. Căn cứ vào nội dung bản án, uỷ ban kiểm tra quyết định hoặc đề nghị cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy quyết định xử lý kỷ luật khai trừ đảng viên theo quy định.
Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm
Khoản 1, Điều 3 quy định: “Thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật”.
Đảng viên vi phạm ở bất cứ thời điểm nào đều phải được tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra, làm rõ, kết luận và biểu quyết hình thức kỷ luật cụ thể. Sau đó căn cứ vào kết quả biểu quyết và đối chiếu với quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật để quyết định thi hành hoặc không thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm.
Ví dụ: Đảng viên A có vi phạm cách thời điểm xem xét kỷ luật là trên 10 năm. Tổ chức đảng có thẩm quyền sau khi xem xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, biểu quyết quyết định kỷ luật với kết quả là cảnh cáo. Đối chiếu với quy định về thời hiệu kỷ luật thì tại thời điểm quyết định kỷ luật đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật nên đảng viên đó không bị thi hành kỷ luật về Đảng. Trường hợp kết quả biểu quyết ở hình thức khai trừ, đối chiếu với quy định về thời hiệu, đảng viên đó bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ.
Điểm b, Khoản 1, Điều 3: “Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hạn xử lý kỷ luật được quy định tại Điểm a Khoản này, đảng viên có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới”.
Ví dụ: Đảng viên A có vi phạm vào ngày 02/5/2015 và còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật, đến ngày 08/9/2017 lại có vi phạm mới thì thời hiệu đối với vi phạm cũ được tính lại từ ngày 08/9/2017. Tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét từng nội dung vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật.
Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm đến thời điểm tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra, xem xét kỷ luật đảng viên; trường hợp vi phạm xảy ra liên tục kéo dài thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Ví dụ: Đảng viên A có hành vi vi phạm liên tục kéo dài trong thời gian 3 năm (từ ngày 08-3-2013 đến ngày 08-3-2016), đến nay mới bị phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian đó, thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi phạm ngày 08/3/2016 đến khi tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định kiểm tra, xem xét kỷ luật.
Không tính lại thời hiệu đối với đảng viên đã bị thi hành kỷ luật nhưng sau đó, tổ chức đảng cấp trên quyết định lại (chuẩn y, tăng hoặc giảm) hình thức kỷ luật đối với đảng viên đó.
Ví dụ: Đảng viên A bị kỷ luật khiển trách, đảng viên đó khiếu nại lên các tổ chức đảng cấp trên; tổ chức đảng giải quyết khiếu nại cuối cùng quyết định chuẩn y hình thức kỷ luật khiển trách đối với đảng viên đó (thời gian từ khi có hành vi vi phạm đến khi có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng là trên 5 năm), vì không tính lại thời hiệu nên đảng viên đó vẫn phải chấp hành quyết định kỷ luật của tổ chức đảng cấp trên.
Các trường hợp chưa xem xét, xử lý kỷ luật và không xử lý kỷ luật
Khoản 1, Điều 5 quy định: “Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (từ cấp huyện trở lên) xác nhận thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật”.
-“Bệnh hiểm nghèo” là bệnh nguy hiểm đến tính mạng của người bị mắc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
-Thời gian chưa xem xét, xử lý kỷ luật nêu trên không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng.
Ví dụ: Đảng viên A vi phạm cách đây 4 năm, khi tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, kỷ luật về Đảng thì đồng chí bị ốm phải điều trị nội trú ở bệnh viện thì thời gian điều trị này không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật.
Khoản 2, Điều 5 quy định:“Đảng viên vi phạm đã qua đời, tổ chức đảng xem xét, kết luận, không xử lý kỷ luật, trừ trường hợp đảng viên đó vi phạm kỷ luật đặc biệt nghiêm trọng”.
Đảng viên qua đời, sau đó mới phát hiện có vi phạm thì không tiến hành kiểm tra. Khi đang kiểm tra hoặc xem xét, xử lý kỷ luật mà đảng viên vi phạm qua đời thì chỉ kết luận, không thi hành kỷ luật. Trường hợp đảng viên vi phạm đặc biệt nghiêm trọng qua đời thì vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật.