UBTVQH đồng ý cho phép phạm nhân lao động ngoài trại giam

14:22 22/05/2019

“UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại Điều 33 dự thảo Luật theo hướng cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam cho phạm nhân”, báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ.


Chiều nay, 22-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Phạm nhân không lao động sẽ phát sinh vấn đề phức tạp

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật cho biết: Về tổ chức cho phạm nhân lao động (Điều 33), đa số ý kiến tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là: “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội…” (Điểm e khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự).

Do đó, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ và là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù. Việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tổ chức cho họ lao động thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam.

Vì vậy, công tác tổ chức lao động cho phạm nhân vừa nhằm giáo dục cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả.

Trong 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ 1 phạm nhân bỏ trốn 

Để có cơ sở đầy đủ cho ĐBQH xem xét, cho ý kiến về phương án quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật, UBTVQH đã chỉ đạo Bộ Công an có báo cáo đầy đủ về công tác tổ chức lao động tại các trại giam và việc thí điểm đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam. 

Kết quả cho thấy, cả nước có 54 trại giam do Bộ Công an quản lý, hầu hết đều được đóng tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là về giao thông. Phần lớn các trại giam tại khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích đất hạn chế, phân tán, thổ nhưỡng xấu, rất khó khăn trong việc phát triển sản xuất, dạy nghề cho phạm nhân. Lao động trong các trại giam từ trước đến nay vẫn chủ yếu chỉ làm nông nghiệp mang tính “tự cấp, tự túc”, năng suất, hiệu quả lao động và các khoản thu được để lập các quỹ theo quy định là thấp, Nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam. Điều này đã hạn chế rất lớn tới các mục tiêu đặt ra trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Toàn cảnh phiên họp

Để giải quyết tình trạng khó khăn nêu trên, thời gian qua, các trại giam đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân. Tại một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm, cho phép các trại giam được tổ chức “Khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các “Điểm lao động” ngoài trại giam.

Tiêu chí để lựa chọn các phạm nhân ra ngoài lao động gồm: Loại tội phạm, mức án, thời gian phải chấp hành hình phạt tù còn lại, nhân thân, thái độ chấp hành án, giới tính, sức khỏe... Trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn khu vực phạm nhân lao động. Tổng kết cho thấy, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn.

“Từ thực tiễn nêu trên, UBTVQH nhận thấy, việc đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam theo đề nghị của Chính phủ, tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam là cần thiết” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại Điều 33 dự thảo Luật theo hướng cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam cho phạm nhân. Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, các khoản 3, 4 và 5 Điều 33 quy định về nguyên tắc, điều kiện đưa phạm nhân ra ngoài lao động.

Khoản 3, khoản 4 Điều 33 dự thảo Luật quy định:

“3. Trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng phải bảo đảm chế độ giam giữ, các chế độ, chính sách đối với phạm nhân theo quy định của Luật này và thực hiện theo các quy định tại Điều 32 của Luật này. Trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm về an ninh, trật tự và giám sát việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam.

Không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước trong việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam; không tổ chức khu sản xuất, điểm lao động trong khu vực dân cư và tại những địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự hoặc có thể ảnh hưởng xấu tới công tác quản lý phạm nhân.

4. Phạm nhân có kết quả xếp loại chấp hành án của quý tại thời điểm xét từ mức khá trở lên, đồng ý ra lao động ngoài trại giam và thuộc một trong các trường hợp sau thì có thể được xem xét đưa ra lao động tại khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam:

a) Có mức án phạt tù trên 15 năm hoặc tù chung thân, lần đầu bị kết án, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà thời hạn chấp hành án còn lại dưới 7 năm;

b) Có mức án phạt tù trên 7 năm đến 15 năm, lần đầu bị kết án, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù ít nhất 1 lần;

c) Có mức án phạt tù từ 7 năm trở xuống thì phải thuộc trường hợp lần đầu bị kết án hoặc chỉ có 1 tiền án.

5. Không đưa ra các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam đối với phạm nhân thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có từ 2 tiền án trở lên;

b) Tái phạm nguy hiểm;

c) Đã có hành vi trốn khỏi nơi giam hoặc bỏ trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc;

d) Chủ mưu, cầm đầu hoặc phạm tội có tính chất côn đồ;

đ) Có tiền sử sử dụng ma túy;

e) Phạm một trong các tội: xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; khủng bố; hiếp dâm; hiếp dâm người dưới 16 tuổi; giết người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự; cướp tài sản, cướp giật tài sản hoặc trộm cắp tài sản có tính chất chuyên nghiệp”.


Quỳnh Vinh

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文