Ưu tiên phát triển giao thông vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
- Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 11: Tìm giải pháp đột phá về phát triển giao thông
- Hà Nội cần tới 1,2 triệu tỷ đồng để phát triển giao thông
- Tìm hiểu công nghệ Pháp để phát triển giao thông đô thị
- Đẩy nhanh GPMB Dự án phát triển giao thông đồng bằng Bắc Bộ
Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho biết: sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37/NQ-TW, quy hoạch vận tải đã hình thành 5 hành lang vận tải, tổ chức vận tải một cách hợp lý trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên và kết nối vùng.
Các chiến lược, quy hoạch đã được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội vùng có xét đến điều kiện tự nhiên của vùng và tính đến mối liên kết giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt. Các tuyến giao thông đường bộ đối ngoại chính yếu đã được đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển, đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa các tỉnh trong vùng và với Thủ đô Hà Nội…
Phát triển đường bộ là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển Trung du miền núi Bắc Bộ |
Tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra thì kết cấu hạ tầng giao thông của vùng còn cần tiếp tục đầu tư; tỷ lệ vận tải đường bộ vẫn chiếm ưu thế trong giao thông vùng, điều này đã gây nhiều áp lực đối với vấn đề đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường của vùng.
Sự phối hợp giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không) chưa hợp lý và đồng bộ, tính kết nối không cao. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải trong vùng có quy mô nhỏ lẻ, chưa tham gia sâu rộng và đầy đủ vào chuỗi cung ứng vận tải của cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh quá trình tổng kết tại trung ương và các địa phương trong vùng đều đánh giá chung Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong vùng; thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân cả nước nói chung cũng như của vùng trung du miền núi Bắc Bộ nói riêng, trong đó có những đóng góp hết sức to lớn của ngành Giao thông vận tải và chính quyền địa phương các cấp.
Gợi mở một số phương hướng giải quyết vấn đề giao thông của vùng, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị cần có quy hoạch theo trục dọc để kết nối vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với vùng đồng bằng sông Hồng; nghiên cứu quy hoạch theo trục ngang để kết nối các tỉnh trong vùng với nhau đồng thời kết nối vùng ra hướng biển với các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ.
Là vùng biên giới, nằm trên cửa ngõ ra biển và kết nối các nước Asean với các tỉnh phía nam Trung Quốc, cần nghiên cứu để khai thác được các tiềm năng từ thị trường rộng lớn này. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị cần nghiên cứu kết nối trục Đông – Tây với Lào để tạo hành lang giao thông từ nước bạn ra hướng Biển.
Với những đặc thù của vùng, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị thời gian tới cần xác định ưu tiên phát triển các loại hình giao thông vận tải theo thứ tự là: đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. Nghiên cứu giải pháp nâng cấp sân bay Điện Biên nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội kết hợp với đảm bảo quốc phòng an ninh trong vùng.
Là cái nôi của dân tộc, cái nôi của cách mạng, là vùng phên dậu của đất nước, là nơi đảm bảo hệ sinh thái của toàn bộ miền Bắc, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị cần xác định rõ việc đầu tư cho giao thông và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Tại Hội nghị đồng chí cũng ghi nhận các ý kiến đề xuất của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương về việc cần có nghị quyết mới cho phù hợp với giai đoạn mới, tầm nhìn mới của vùng và đất nước trong thời gian tới.