Vẫn băn khoăn phương án xử lý tài sản cán bộ không rõ nguồn gốc

18:20 10/08/2018

Chiều 10-8, UBTVQH tiếp tục phiên họp, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo một số vấn đề lớn của Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cho biết, liên quan đến Điều 57 về xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, ngoài hai phương án thu thuế thu nhập cá nhân và phương án xử phạt hành chính trước đây, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với những tài sản này (phương án 3) theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Về phương án 3 (tố tụng dân sự), theo bà Nga, ưu điểm của phương án này là vừa thể hiện thái độ mạnh mẽ của Nhà nước, lại giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Phương án này cũng không phải sửa đổi pháp luật về dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự.

Uỷ ban Tư pháp lý giải, về tố tụng dân sự, đối với trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đồng ý bằng văn bản với kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có đơn yêu cầu và Tòa án tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự. Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện và Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại Phần thứ 2 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Về trách nhiệm chứng minh, Uỷ ban Tư pháp cho rằng, phương án này không mâu thuẫn với quy định về trách nhiệm chứng minh trong tố tụng dân sự. Bởi vì Luật PCTN hiện hành quy định người có nghĩa vụ kê khai phải có tránh nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và quy định này tiếp tục được kế thừa trong dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Mặt khác, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai. Qua cân nhắc các phương án, Uỷ ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đều lựa chọn theo phương án 3 này.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến tranh luận khác nhau được UBTVQH và các đại biểu đưa ra. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, đưa ra toà thì rất văn minh nhưng lo lắng về tính khả thi. “Như nạn tham nhũng vặt, nhiều khi ta đi thấy người nọ người kia kẹp phong bì… nhưng để xử lý kỷ luật, thu hồi rất khó khăn. Do đó thu thuế là khả thi nhất” – bà Hải nói.

Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, UBTP đã nêu phương án 1 là thông qua con đường tố tụng dân sự, thể hiện tính công khai, minh bạch, thẩm quyền thuộc về cơ quan tư pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

“Đây là phương án ưu thế hơn, nhưng băn khoăn về tính khả thi khi thực hiện như Chủ tịch Quốc hội đã lưu ý. Nếu cơ quan quản lý và kê khai tài sản có năng lực thực sự và vị trí độc lập thì được. Chứ hiện nay, cơ quan quản lý tài sản, thu nhập là bộ phận tổ chức, thanh tra, là cơ quan tham mưu trong một cơ quan thì anh có dám khẳng định kê khai của các đồng chí lãnh đạo giải trình không hợp lý và yêu cầu ra tòa hay không? Khi luật này ban hành thì e rằng sẽ không có vụ nào bị đưa ra toà. Đề nghị UBTVQH cân nhắc” – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phân tích.

Ông Nguyễn Thái Học khẳng định, Ban Nội chính không ủng hộ phương án đánh thuế, vì nếu đánh thuế thì vô tình thừa nhận tài sản đó là hợp pháp, và người dân sẽ không đồng tình. “Tôi đề nghị chọn phương án xử phạt hành chính thì vừa bảo đảm tính nghiêm minh của Nhà nước, vừa xử phạt được 45% tài sản”, ông nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, tài sản tham nhũng là tài sản được hình thành từ hành vi tham nhũng, có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng. Do vậy khi chứng minh được thì phải tịch thu 100%. Bày tỏ không đồng tình với cả 3 phương án vì các phương án này đều chưa hợp lý, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, căn cứ để nói là thu nhập bất hợp lý rất mơ hồ: “Thế này cứ như là cao su, lúc giãn ra, lúc co vào. Trong khi đã là luật thì phải rõ ràng”

Toàn cảnh phiên họp

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nêu ý kiến, chúng ta phải đi từ bản chất là phòng tham nhũng đã, như thói quen sử dụng tiền mặt, tường minh về tài sản rất khó khăn, những giao dịch lớn không qua tài khoản, không có hoá đơn chứng từ… Ông cũng bày ngại phương án toà án gặp khó khăn. “Ví dụ một năm mà 10 vụ như thế này thì có khi không đủ thời gian làm việc khác. Chưa kể cơ quan toà án đang tinh giản biên chế thì có đủ điều kiện để làm việc này hay không?” – Thứ trưởng Bộ Tư pháp băn khoăn.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu lưu cho rằng phương án nào cũng có lý lẽ, lập luận nhưng qua quá trình thảo luận có thể gút lại 2 phương án: Giải quyết bằng tố tụng dân sự tại toà và phương án thu thuế. “Dù phương án nào thì cũng phải thống nhất rằng, tài sản do tham nhũng mà có và có nguồn gốc tham nhũng thì phải tịch thu. Nếu có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật thì phải chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý” – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chốt lại.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau khi các cơ quan thống nhất với nhau sẽ báo cáo Bộ Chính trị quyết định phương án xử lý. Đồng thời sẽ tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách, xin ý kiến các cơ quan, chuyên gia trước khi trình UBTVQH cho ý kiến và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6…


Bảo Quân

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc ngày 3/5 với Công an tỉnh Điện Biên và các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đánh giá, rút kinh nghiệm chương trình sơ duyệt khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hằng đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng để nhờ người xin cấp phép “Chuyến bay giải cứu” và bị tuyên phạt 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". Trong vụ án mới đây, Hằng đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản là 4 xe ô tô trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Ngày 3/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phú (SN 1996, trú xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) để tiếp tục điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh phân công 3 tổ công tác đồng loạt thi hành lệnh khám xét tại 3 điểm sản xuất, mua bán phân bón liên quan đến Công ty TNHH Hasa Mặt Trời tại huyện Hàm Tân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文