Vẫn còn tình trạng văn bản luật chất lượng chưa cao, thiếu khả thi

08:06 09/09/2017
Ngày 8-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.


Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết: Theo Chương trình ban đầu, năm 2017 Quốc hội sẽ thông qua 23 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Tuy nhiên, từ kỳ họp thứ nhất đến nay, chương trình đã được điều chỉnh 4 lần, với 4 dự án luật được rút khỏi chương trình, 2 dự án luật được điều chỉnh thời gian; 4 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết được bổ sung.

Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2017), Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua 5 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, 1 dự án luật theo quy trình tại một kỳ họp và cho ý kiến về 12 dự án luật khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, hiện đang phát sinh một số lượng lớn dự án được Chính phủ, đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung, điều chỉnh. Do đó, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng: Khối lượng công việc trong công tác xây dựng pháp luật từ nay đến hết năm 2018 và đặc biệt là việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 là rất lớn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua, công tác xây dựng luật, pháp lệnh được Ủy ban Pháp luật cho rằng “vẫn còn không ít bất cập, hạn chế và là những hạn chế đã tồn tại nhiều năm, chưa được khắc phục”. Cụ thể, nhiều bộ, ngành chưa thực sự đầu tư thời gian, công sức cho việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; nhiều đề nghị, kiến nghị chưa thực sự có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn; báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết còn sơ sài.

Có một số dự án, cơ quan soạn thảo chưa phát huy hết trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị; hoạt động của Ban soạn thảo còn mang tính hình thức, nhiều thành viên chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của Ban soạn thảo; cơ quan soạn thảo không làm hết trách nhiệm trong việc phối hợp tiếp thu, chỉnh lý với các cơ quan của Quốc hội; nhiều hồ sơ, tài liệu được các cơ quan soạn thảo gửi đến các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội chậm.

Kỹ thuật văn bản, chất lượng thông tin, tài liệu kèm theo một số dự án cũng được nhận định là chưa đầy đủ, khách quan, toàn diện. Trong nhiều dự án, văn bản quy định chi tiết thi hành luật chưa được trình đồng thời trong hồ sơ dự án luật, vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án có lúc còn hình thức, thời gian ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động của dự án luật.

Việc tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án mang tính hình thức, lấy lệ; một số cơ quan được lấy ý kiến chưa làm hết trách nhiệm, thường chỉ có ý kiến vào nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của mình, đối với những lĩnh vực khác thì cơ bản đồng ý; bên cạnh đó vẫn còn có tâm lý vị nể nên thường đưa ra ý kiến ủng hộ chung chung mà không có sự nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, chính xác. 

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng được cho là còn chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình; còn nể nang, ngại va chạm, xuôi theo ý kiến của cơ quan soạn thảo; tính phản biện chưa cao.

Tựu chung lại, Ủy ban Pháp luật cho rằng, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn những hạn chế, thiếu sót dẫn đến việc Chương trình phải điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn không bảo đảm thực hiện được đúng kế hoạch đề ra.

Chất lượng một số văn bản chưa cao, thiếu tính khả thi. Với nhiệm vụ xây dựng pháp luật vô cùng nặng nề trong thời gian tới, Ủy ban Pháp luật đề nghị các bên liên quan nâng cao trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

V. Hân

Ngày 15/7, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử 87 bị cáo liên quan đến sai phạm tại Công ty CP đầu tư kinh doanh Lộc Phúc có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Các bị cáo đã lập dự án bất động sản (BĐS) “ma” lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 20 ngày…

Chiều 15/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng là quản lý và nhân viên Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng về hành vi “Lừa dối khách hàng”, quy định tại khoản 2 Điều 198 BLHS. Trong số đó, Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam đối với 4 bị can; ra lệnh cấm đi khởi nơi cư trú 3 bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ sai phạm của phòng khám.

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra vào hồi 16h46', ngày 13/7 tại Km 32+100, Quốc lộ 46A, thuộc khối Ba Hà, xã Vạn An, tỉnh Nghệ An, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra đối với Trần Hữu Ba (SN 1988), trú tại xã Vạn An, tỉnh Nghệ An.

Phạm Đình Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội (nay là xã Chương Mỹ) đã chỉ đạo anh trai và nhân viên mua cồn công nghiệp 99% (có hàm lượng Methanol cao) để pha chế, sản xuất thành phẩm cồn y tế, sau đó dán nhãn mác giả và phân phối ra thị trường, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Cục Đào tạo đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.