Vẫn tổ chức thi tốt nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định chống dịch

13:14 29/07/2020
Sáng 29/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã bàn thảo về diễn biến tình hình dịch bệnh; chuẩn bị trang thiết bị xét nghiệm, điều trị; tổ chức thi tốt nghiệp, lễ hội, hoạt động du lịch;… trong bối cảnh dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo các chuyên gia, về cơ bản đã khoanh vùng được ổ dịch thực sự, phần lớn là từ cụm 3 BV tại Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo các chuyên gia, phân tích tình hình dịch tễ của Đà Nẵng cho thấy sẽ còn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới nhưng về cơ bản đã khoanh vùng được ổ dịch thực sự, phần lớn là từ cụm 3 cơ sở điều trị là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương, chỉnh hình.

Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ ổ dịch tại 3 bệnh viện trên, chúng ta cũng phải theo dõi sát các trường hợp không liên quan đến nhóm bệnh viện nêu trên và những địa điểm có các ca nhiễm từ các bệnh viện này đi qua. Nếu xuất hiện các ổ dịch mới phải có biện pháp xử lý kịp thời, cách ly, khoanh vùng dập dịch.

Đáng lưu ý, vừa qua nhiều địa phương có người giao lưu đi lại, du lịch tại thành phố Đà Nẵng (trong đó có thành phố Hà Nội và TP HCM), do vậy những địa phương này hoàn toàn có khả năng cao là sẽ xuất hiện ca bệnh mới.

Về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cho rằng, các văn bản, quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã có rất đầy đủ, trong đó Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị 19 có lơi lỏng, cho nên bây giờ các bộ ngành, địa phương phải siết lại, phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, các chuyên gia đặc biệt lưu ý người dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi đông người, nhất là khi đi trên phương tiện giao thông công cộng; giữ gìn vệ sinh cá nhân; rửa tay bằng xà phòng.

Về cơ bản chưa có hạn chế đi lại nhưng các chuyên gia khuyến nghị trong mùa dịch, như từ trước đến nay, người dân không nên đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết.

Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh trao đổi tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam.
Qua thực tiễn ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng, các chuyên gia cho rằng Bộ Y tế phải tăng cường công tác tầm soát, sàng lọc, bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ tại các cơ sở khám chữa bệnh. 

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh ngành y tế là lực lượng xung kích đi đầu trong chống dịch, phải gương mẫu trong việc nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các quy định; tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm; sẵn sàng lực lượng, cơ sở vật chất, kỹ thuật để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh khi có diễn biến mới.

Về công tác tổ chức đón công dân Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch về nước, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tính toán kỹ lưỡng, rà soát, điều tiết kế hoạch đưa công dân về nước phù hợp với năng lực cách ly, điều trị trong nước. 

Đối với hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội,… đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch nêu quan điểm cần hạn chế tối đa để bảo đảm an toàn. Theo đó, những địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền công bố có dịch sẽ huỷ hoàn toàn; còn tại các địa phương có nguy cơ cao, sẽ hạn chế, tạm dừng tổ chức lễ hội lớn, tập trung đông người và sự kiện không cần thiết;…

Ban Chỉ đạo và các chuyên gia cũng đề nghị lực lượng chức năng, các địa phương không được chủ quan, lơ là, phải đề cao cảnh giác; tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác xuất nhập cảnh, đường biên giới, đường mòn lối mở; quản lý các tổ bay; nâng cao năng lực truy vết, đi từng ngõ, gõ từng nhà để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, sẵn sàng khoanh vùng, dập dịch để bảo vệ thành quả chống dịch của đất nước.

Vẫn tổ chức thi tốt nghiệp

Về công tác tổ chức thi tốt nghiệp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2020 vẫn sẽ diễn ra trong hai ngày 9-10/8. Hiện nay, Bộ đã xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 trước diễn biến của tình hình dịch COVID-19. Đối với những địa phương có dịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn rất cụ thể để các địa phương áp dụng phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh: VGP/Đình Nam

Dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phân các đối tượng thí sinh theo 4 nhóm: F0; F1; F2 và các thí sinh khác. Việc phân nhóm đối tượng dự thi nhằm bảo đảm quyền lợi của học sinh cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, với nhóm đối tượng thí sinh F0 (phải điều trị trong bệnh viện và không có điều kiện dự thi), các em sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp theo quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường đại học có phương thức xét tuyển phù hợp, đảm bảo tối đa quyền lợi cho các học sinh, đồng thời bảo đảm quyền chủ động tuyển sinh của các trường.

Đối với nhóm đối tượng thí sinh F1 (phải cách ly tại các khu cách ly tập trung), Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương theo hướng tổ chức thi tại các điểm thi đặt ở trong khu cách ly hoặc khu vực phù hợp, lân cận khu cách ly tùy theo số lượng đối tượng thí sinh; bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh F1 có điều kiện dự thi.

Đối với nhóm đối tượng thí sinh F2 (tiếp xúc gần với F1), tuỳ theo số lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tổ chức thi tại phòng thi dự phòng của điểm thi. Nếu số lượng các học sinh đông thì tổ chức một điểm thi riêng và có phương án đưa đón các học sinh phù hợp.

Trường hợp còn lại, các em thi tại các điểm thi bình thường, tùy theo nguy cơ mức độ lây nhiễm của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương đưa ra hướng dẫn giãn cách bảo đảm yêu cầu như: Khử khuẩn, đeo khẩu trang, vệ sinh trường lớp.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh: VGP/Đình Nam
Theo chinhphu.vn

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文