Về phúc trình tình hình nhân quyền thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Không được chính trị hóa vấn đề nhân quyền

10:36 02/03/2014
Vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại công bố Bản “Phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền thế giới”(PTTN). Vẫn như hằng năm, văn bản này nói chung không có gì mới về quan điểm, về thông tin, nhất là cách tiếp cận có tính chất cường quyền mà nhiều quốc gia đã lập tức phản hồi kịch liệt.

Quyền con người là giá trị chung của các dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị, thể chế quốc gia và bản sắc văn hóa. Đó là giá trị cốt lõi, trung tính của nhân loại. Chính vì vậy, các quốc gia không chấp nhận bất cứ hành động nào nhằm chính trị hóa vấn đề nhân quyền.

Trong PTTN năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định rằng: Việt Nam là một quốc gia theo “chế độ toàn trị, độc đảng, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam…; “Những vòng bầu cử Quốc hội gần đây nhất, năm 2011, là những cuộc đầu phiếu không tự do mà cũng chẳng công bằng”…; “Quyền chính trị của công dân Việt Nam, đặc biệt quyền đòi hỏi phải có sự thay đổi thể chế tiếp tục bị kiểm soát và bị cấm đoán gắt gao…”; “Nhà cầm quyền Việt Nam… bắt bớ tùy tiện và giam giữ oan ức những nhà hoạt động dân chủ, các blogger và những người trẻ yêu nước” . Như vậy là PTTN năm 2013 tiếp tục chỉ trích Việt Nam không chỉ là những vụ việc vi phạm nhân quyền dựa trên các thông tin mạng mà còn chỉ trích, bài bác chế độ xã hội, thể chế quốc gia và chính sách, pháp luật của Việt Nam. Bởi vậy, có thể xem đây là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Điều này không thể chấp nhận được.

Trước hết, Hiến chương Liên hợp quốc cũng như luật pháp quốc tế nói chung, không quy định các quốc gia phải xây dựng xã hội theo một mô hình, một thể chế như thế nào, tư bản chủ nghĩa (TBCN) hay xã hội chủ nghĩa (XHCN)? “đa đảng” hay “độc đảng”? cũng như không quy định như thế nào là bầu cử “tự do và công bằng”. Tất cả những điều mà PTTN của Hoa Kỳ vừa công bố chỉ là những nhận xét mang tính chủ quan, áp đặt, dựa trên quan điểm của Hoa Kỳ. Chỉ Hiến pháp của mỗi quốc gia mới có quyền đưa những quy định cụ thể về bầu cử, ứng cử của mình.

Chế độ XHCN của Việt Nam ngày nay là do nhân dân Việt Nam lựa chọn. Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là do Quốc hội thừa nhận và được ghi vào Hiến pháp. Đến nay, chế độ xã hội Việt Nam là Cộng hòa XHCN; thể chế Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ở Việt Nam, từ khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (1946) đến nay, các cuộc bầu cử Quốc hội được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp. Quyền bầu cử, ứng cử tự do của công dân được bảo đảm nghiêm túc. Chế độ nhiệm kỳ của Quốc hội và các chức danh quan trọng của Nhà nước (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp.

Pháp luật Việt Nam cũng như các quốc gia khác, không có cái gọi là “quyền đòi hỏi phải có sự thay đổi thể chế”. Trong thời đại văn minh, thể chế của một chế độ xã hội nếu cần có sự thay đổi thì đó phải là bằng con đường hợp hiến, chứ không phải là quyền của cá nhân, của tổ chức, kể cả những đòi hỏi của đám đông trên đường phố!

Thứ hai, PTTN 2013 đã thiếu tinh thần cầu thị, khách quan, công bằng khi đưa ra những chứng cứ gọi là vi phạm các quyền con người. Những vụ án mà Tòa án Việt Nam xét xử, cho dù là về tội vi phạm an ninh quốc gia hay tội phạm kinh tế, đều dựa trên các chứng cứ và theo quy định của pháp luật. Mỗi một quốc gia có một hoàn cảnh chính trị nhất định, do đó khái niệm tội phạm an ninh quốc gia cũng có những quy định cụ thể của mình. Một số vụ án về tội vi phạm an ninh quốc gia, các bị cáo đã thừa nhận họ đã câu kết với tổ chức Việt Tân âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Hoặc bị can về tội trốn lậu thuế thì các luật sư cũng chỉ có thể đưa ra những con số khác nhau để bảo vệ thân chủ của mình, chứ không thể phủ nhận được cáo trạng về tội trốn thuế. Còn người đó có vi phạm những tội khác hay không thì đó lại là chuyện khác. Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, đa dân tộc. Sự tồn tại và phát triển của Việt Nam trước hết nhờ chính sách đại đoàn kết toàn dân của Đảng Cộng sản và Nhà nước. Đáng tiếc trong PTTN năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cố ý đưa ra những thông tin dẫn đến sự xuyên tạc chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chẳng hạn PTTN ghi: Nhà nước đã kết án tù nặng đối với “thanh niên Công giáo”, hoặc đã kết án bất công ông ta là nhà “bất đồng chính kiến”… để kích động dư luận chống chế độ xã hội hiện hữu. Việc làm đó là thiếu thiện chí, không minh bạch, khách quan, công bằng.

Cũng trong PTTN 2013, người ta không khỏi ngạc nhiên khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định hồ đồ, vô căn cứ rằng Việt Nam “ bắt bớ tùy tiện và giam giữ oan ức những nhà hoạt động dân chủ, các blogger và những người trẻ tuổi yêu nước”. Nhận định này đã gây ra những phản cảm đối với tuyệt đại đa số người Việt Nam, nhất là những chiến sỹ đang cầm súng bảo vệ từng tấc đất, vùng trời, vùng biển của Việt Nam. Nói cách khác, PTTN đã đánh đồng, thậm chí còn xem những kẻ lợi dụng dân chủ, nhân quyền để vi phạm pháp luật cao hơn những chiến sỹ đang chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ nơi đảo xa để giữ gìn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Thứ ba, đưa ra nhận xét, đánh giá, mà thực chất là chỉ trích, phủ nhận hàng trăm chế độ xã hội, thể chế quốc gia, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã mặc nhiên đặt mình lên trên các thể chế quốc tế song phương và đa phương có quan hệ chính thức với Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam. Có thể nói, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lặp lại những khiếm khuyết của Ủy ban nhân quyền trước đây - tổ chức tiền thân của Hội đồng nhân quyền ngày nay là đã lạm dụng vai trò là một cường quốc để áp đặt quan điểm, thậm chí là bày tỏ thái độ kỳ thị với nhiều chế độ xã hội, thể chế quốc gia mà Hoa Kỳ không ưa thích. Một trong những thay đổi quan trọng trong hoạt động của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là thực hiện cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR). Đây là quy trình đánh giá định kỳ về tình hình nhân quyền của tất cả các thành viên Liên hợp quốc. Quy trình này dựa trên nguyên tắc đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia, đồng thời nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cải thiện tình trạng nhân quyền ở mỗi quốc gia và với cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với PTTN, chỉ trích tùy tiện hàng trăm quốc gia, đã đi ngược lại mục tiêu, nguyên tắc của cơ chế UPR. 

Hiện nay, Liên hợp quốc có tới trên 190 quốc gia thành viên với 8 thể chế khác nhau: (1) Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân, (2) Nhà nước cộng hòa XHCN, (3) Nhà nước quân chủ, (4) Nhà nước quân chủ nghị viện,(5) Nhà nước cộng hòa tổng thống,(6) Nhà nước cộng hòa đại nghị, (7) Nhà nước cộng hòa lưỡng thể, (8) Nhà nước tôn giáo. Tất cả các quốc gia này đều là thành viên của Liên hợp quốc. Kỳ thị, phân biệt đối xử với thể chế chính trị của một quốc gia không chỉ là một sai lầm về tư duy chính trị - pháp lý quốc tế mà còn là một sai lầm về chính sách đối ngoại, có thể dẫn đến những tổn thất về nhiều mặt không thể lường hết. Tôn trọng và đối xử công bằng với tất cả các thể chế chính trị là bài học lớn nhất đối với nền ngoại giao thế giới trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Không phủ nhận rằng Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang còn nhiều khiếm khuyết trên lĩnh vực quyền con người. Chẳng hạn như tình trạng phân hóa giầu nghèo, lợi ích nhóm, sự vi phạm nào đó quyền công dân, quyền con người do hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, do nhận thức của cán bộ, công chức và người dân còn hạn chế, song không thể phủ nhận được những nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực này.

Năm 2013, trên bình diện pháp lý, sự kiện quan trọng nhất về nhân quyền là Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Hiến pháp năm 2013), trong đó các quyền và tự do cơ bản của con người đã được nhận thức và ghi nhận đầy đủ. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam lần đầu tiên đã dành riêng một chương (Chương II) quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Nhiều chuyên gia cho rằng, Hiến pháp mới đã thể hiện bước tiến nhảy vọt về tư duy lập pháp nói chung, về quyền con người nói riêng. Trong đó những nguyên tắc cơ bản của pháp luật nói chung, của quyền con người nói riêng được ghi nhận. Chẳng hạn, Điều 14 quy định trách nhiệm của Nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ các quyền con người: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm…”. Nguyên tắc “hạn chế quyền” cũng được quy định tại Khoản 2 Điều 14: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Về đối ngoại, trong những năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thành lập “Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR)”, và ra “Tuyên bố Nhân quyền ASEAN”. Năm 2013, Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới nhiệm kỳ 2014-2016. Sự kiện này thêm một bằng chứng khách quan về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người theo những chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế.

Cũng như các PTTN về quyền con người những năm trước, PTTN năm nay vẫn bám giữ những quan điểm cổ hủ, với những thông tin thiếu tin cậy, không cập nhật và đặc biệt vẫn tự đặt mình lên trên các cơ chế song phương và đa phương, trong đó có cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát. PTTN mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa đưa ra đã làm cho nhiều người thất vọng đối với một siêu cường lẽ ra có thể có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, ổn định và xây dựng tình hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa các dân tộc. Hy vọng Hoa Kỳ sớm thay đổi cách tiếp cận đối với vấn đề nhân quyền cho phù hợp với xu thế của thời đại

T.H.

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文