Vì sao không cần giữ lại sổ hộ khẩu giấy sau 1/7/2021?

18:39 04/09/2020
Điều kiện đăng ký thường trú đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ cần bảo đảm yêu cầu về diện tích bình quân tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Chiều 19/8, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã nêu ý kiến của Bộ Công an về một số vấn đề còn chưa thống nhất giữa các đại biểu Quốc hội. 

Cụ thể, gồm 4 vấn đề đó là điều kiện đăng ký thường trú (Điều 21); Về xóa đăng ký thường trú (Điều 25) và xóa đăng ký tạm trú (Điều 30); Về thời hạn tạm trú, gia hạn tạm trú (khoản 10 Điều 2, Điều 28, Điều 29) và về thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp (Điều 40 dự thảo Luật).

Nhà thuê, mượn phải đảm bảo diện tích tối thiểu 8m2/người mới được nhập khẩu

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Bộ Công an thống nhất với quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là điều kiện đăng ký thường trú đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ cần bảo đảm yêu cầu về diện tích bình quân tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; tuy nhiên, cần quy định mức tối thiểu là không dưới 8m2 sàn/người để bảo đảm điều kiện sống và phù hợp với điều kiện của đa số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng cho biết, cơ quan soạn thảo không bổ sung quy định tiêu chí về thời gian tạm trú nhất định tại địa bàn là điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. “Điều kiện về thời gian tạm trú là quy định hiện hành, chỉ áp dụng đối với các thành phố trực thuộc trung ương, đây là rào cản để công dân đang sinh sống tại các thành phố trực thuộc trung ương khó đăng ký thường trú vào các đô thị này; quy định này tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các công dân. Do vậy, không nên tiếp tục giữ quy định này và mở rộng phạm vi áp dụng đối với tất cả các tỉnh trong cả nước”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Vắng mặt tại nơi cư trú quá 12 tháng không khai báo bị xoá thường trú

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, việc xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp “công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên…” là để nâng cao trách nhiệm của công dân trong việc chấp hành pháp luật về cư trú; giúp chính quyền địa phương các cấp có thể hoạch định chính sách phát triển kinh tế được chính xác, sát với nhu cầu của người dân trong địa bàn quản lý, bố trí nguồn lực hợp lý cho các đối tượng thụ hưởng hợp pháp đang thực tế sinh sống trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận nội dung Luật Cư trú (sửa đổi)

Việc sử dụng thuật ngữ xóa đăng ký thường trú, tạm trú mang tính truyền thống, dễ hiểu, gần gũi với nhân dân. “Xóa đăng ký thường trú, tạm trú không có nghĩa là xóa toàn bộ thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà tất cả thông tin của công dân trong 2 cơ sở dữ liệu này vẫn được lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng như bình thường. Những trường hợp bị xóa sẽ được thể hiện rõ cả lý do bị xóa và thời điểm bị xóa ở trường thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc xóa đăng ký thường trú, tạm trú của công dân còn được thực hiện và thể hiện trong cả hồ sơ lưu trữ của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú. – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Về thời hạn tạm trú, gia hạn tạm trú, Bộ Công an đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về thời hạn tạm trú và gia hạn tạm trú, bởi vì: để phù hợp với đặc điểm, khái niệm “nơi tạm trú” quy định tại Điều 2 dự thảo Luật là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú; tức là tạm trú là có thời hạn nên phải quy định thời hạn, gia hạn và thủ tục thực hiện. 

Thứ 2, việc quy định tạm trú là có thời hạn để phân biệt giữa tạm trú với thường trú và quy định như vậy để kế thừa quy định của Luật Cư trú hiện hành, đồng thời để nắm được thực trạng công dân cư trú trên địa bàn và bảo đảm chặt chẽ trong công tác quản lý cư trú (nắm người, nắm hộ). Nếu người đã đăng ký tạm trú mà không còn cư trú ở địa điểm đã đăng ký và không làm thủ tục gia hạn tạm trú thì sẽ bị xóa đăng ký tạm trú.

Không cần giữ lại sổ hộ khẩu giấy sau 1/7/2021

Về ý kiến một số đại biểu cho rằng, sau khi Luật có hiệu lực vào ngày 1/7/2021 thì vẫn giữ lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú  để giải quyết các giao dịch, giấy tờ, tài liệu đến 31/12/2022 để tiếp tục giải quyết các giao dịch, giấy tờ, tài liệu được thực hiện trước khi Luật có hiệu lực, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị chỉ để 1 phương án tại dự thảo Luật là như nội dung do Chính phủ trình Quốc hội. Nghĩa là không có quy định thời gian chuyển tiếp. “Vấn đề này Bộ trưởng Bộ Công an đã có ý kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 47 ngày 10/8/2020 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã kết luận theo định hướng này” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh đồng thời cung cấp thêm một số thông tin về tình hình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xác lập số định danh cá nhân.

Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến nay Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó, xác định thời gian thực hiện dự án là đến năm 2021. Bộ Công an có Kế hoạch triển khai thực hiện dự án; theo đó, sẽ đưa vào vận hành chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 01/7/2021 và đáp ứng được yêu cầu quản lý cư trú đối với công dân.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết thêm “Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 13/3/2017 về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; theo đó, Thủ tướng đã chỉ thị các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xác định nhu cầu, mức độ khai thác thông tin dân cư trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; khi xây dựng các dự án, nhiệm vụ có tổ chức thu thập thông tin cơ bản về công dân cần trao đổi, thống nhất với Bộ Công an để tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí”.

Về xác lập số định danh cá nhân, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, để bảo đảm việc đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt hiệu quả, Bộ Công an đã xây dựng quy trình thu thập dữ liệu dân cư phục vụ việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có nội dung thực hiện việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam; dự kiến đến tháng 12/2020 việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam sẽ hoàn thành.

“Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; dự án này sẽ được triển khai đồng bộ song hành cùng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến vận hành đầu năm 2021; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc sẽ thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin.


Phương Thuỷ

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文