Vì tôm cá, nhiều doanh nghiệp hạ giá nhau trên thị trường thế giới

11:32 14/09/2016
“Từ con tôm, con cá, cây lúa, trái cây… chúng ta đang có hiện tượng chính nội bộ các doanh nghiệp cạnh tranh nhau, nói xấu, hạ giá nhau trên thị trường thế giới. Ngay cả thế mạnh lớn của chúng ta là con cá ba sa cũng bị hạ giá…”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nói tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay, 14-9.

Sáng nay UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Quản lý ngoại thương. Tờ trình dự thảo luật do Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú trình bày bao gồm 8 chương, 114 điều.

Tham gia góp ý tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, khi chúng ta hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với hàng loạt hiệp định thương mại như FTA, TPP… thì quan điểm trọng tâm là phát triển ngoại thương. Nhưng nhìn vào luật thấy thiên về việc quản lý ngoại thương nhiều hơn là phát triển ngoại thương.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

“Những quy định rất nặng nề, quyền lực Bộ trưởng Bộ Công thương rất lớn, về hạn ngạch, áp định thuế suất, cho anh nào đi anh nào ở..”, ông Bình nói. Ông đề nghị làm rõ sự giám sát, minh bạch và sự công bằng của hoạt động ngoại thương và quy định vấn đề minh bạch hoá quyền lực của Bộ Công thương.

Ông cũng băn khoăn về việc xử lý những cạnh tranh thu mua, đấu đá nội bộ giữa các doanh nghiệp Việt. “Từ con tôm, con cá, cây lúa, trái cây… chúng ta đang có hiện tượng chính nội bộ các doanh nghiệp cạnh tranh nhau, nói xấu, hạ giá nhau trên thị trường thế giới. Ngay cả thế mạnh lớn của chúng ta là con cá ba sa cũng bị hạ giá…”, đại biểu phân tích.

“Đó là chưa kể những thương lái Trung Quốc đi về vùng đồng bằng Sông Cửu Long đưa tiền hẳn vào các hộ nông dân thu mua. Và doanh nghiệp ta thua ngay vì với giá nào họ cũng móc tiền ra mua… Vậy sự cạnh tranh đó ta đang xử lý ở điều khoản nào, mà tôi chưa thấy?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chất vấn thêm.

Ngoài ra, ông cũng đặt vấn đề vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, nghề nghiệp trong việc bảo vệ doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. “Hình bóng của các hiệp hội rất mờ nhạt, từ lúa đến tôm, điều… của chúng ta khi đi ra nước ngoài đều không được hỗ trợ nhiều”, ông nhận xét.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Về phạm vi điều chỉnh, nhiều đại biểu cho rằng nên bổ sung vấn đề ngoại thương dịch vụ. “Ngoại thương đang chiếm thị phần dịch vụ lớn nhưng phạm vi Luật chỉ nêu ngoại thương hàng hoá. Chúng ta biết, hoạt động ngoại thương dịch vụ đi kèm rất quan trọng, như xuất khẩu, nhập khẩu. Nếu tách ra thì sợ không thuận”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng bổ sung: Trong thời điểm hiện nay chúng ta quản lý được ngoại thương hàng hoá là tốt, nhưng thực ra ngoại thương hàng hoá với ngoại thương dịch vụ gắn liền với nhau và không biết được cái nào hơn cái nào. Vì ngoại thương dịch vụ gắn với nền kinh tế tri thức, và nền kinh tế tri thức thì gắn liền với tài sản vô hình.

“Tài sản vô hình đôi khi còn lớn hơn cả tài sản hữu hình, ví dụ Uber mới ra vài năm nhưng tài sản gần 50-70 tỷ USD rồi… Thế giới bắt đầu đánh thuế nó 5%/năm. Tôi đề nghị cần phải nghiên cứu và đưa vào nội dung này”, ông nói.

“Nếu không điều chỉnh ngoại thương dịch vụ thì những dịch vụ liên quan trực tiếp đến xuất nhập khẩu hàng hoá, gắn liền hoạt động ngoại thương thì sao? Những dịch vụ về logicstic, kho bãi cũng gắn liền hoạt động ngoại thương, tại sao ta lại không điều chỉnh?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh. Theo ông, nên đưa một số loại dịch vụ gắn liền trực tiếp với hoạt động ngoại thương vào điều chỉnh trong luật.

Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát thêm một số vấn đề, giao đồng chí Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp rà soát, nếu đảm bảo sẽ trình ra Quốc hội.

Q.Vinh

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

Để đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, trong những ngày lễ 30/4 và 1/5, không quản ngại nắng nóng gay gắt, lực lượng CSGT các địa phương vẫn “đội nắng”, “bám đường”, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, xuyên lễ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文