Việt Nam đóng góp 3 sáng kiến giảm nhẹ rủi ro thiên tai
- Quy định rõ các cấp độ rủi ro thiên tai
- Rủi ro thiên tai chia thành 5 cấp
- Nỗ lực tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai
Đại diện các nước tham gia thảo luận các tiểu đề mục về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, chống biến đổi khí hậu, tình trạng sa mạc hóa và hạn hán, công ước về đa dạng sinh học, đảm bảo tiếp cận năng lượng hiện đại và chống bão cát. Có 60 nước đăng ký tham gia phát biểu về đề mục này.
Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội đã giới thiệu 7 báo cáo của Ban thư ký về đề mục này, khẳng định, sau 2 năm kể từ khi được thông qua, chương trình nghị sự 2030 đang ở trên đà triển khai mạnh mẽ ở các nước thành viên. Tuy nhiên, những tiến bộ đã đạt được vẫn ở tốc độ chậm so với lộ trình dự kiến đến năm 2030. Vì vậy, các báo cáo và thảo luận lần này nhằm nhìn lại thực tế, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện chương trình nghị sự 2030.
Phát biểu tại phiên thảo luận chung, đại diện Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, ông Ngô Gia Thuận, Bí thư thứ nhất, khẳng định, là một trong những quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, Việt Nam đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu với sự giúp đỡ quý báu từ các cơ quan LHQ trong những năm qua, như nâng cao nhận thức của người dân về rủi ro thiên tai, cập nhật bổ sung các nội dung về phòng chống rủi ro thiên tai vào khung pháp luật quốc gia, tăng cường Ban Chỉ đạo quốc gia, thành lập Ủy ban quốc gia cũng như Chiến lược quốc gia về chống biến đổi khí hậu.
Từ kinh nghiệm thực tế tại nước mình, Đại diện phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh 3 giải pháp góp phần tăng cường phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo đó, giải pháp đầu tiên là vấn đề giảm nhẹ rủi ro thiên tai phải được giải quyết trong bối cảnh tổng thể thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và cần sự tương tác đồng bộ với các vấn đề khác như khoa học-công nghệ, bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ…
Đại diện Việt Nam cho rằng, cần tập trung hỗ trợ phát triển bằng các khoản đầu tư cho năng lực phục hồi ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai. Việt Nam cũng kêu gọi chia sẻ trách nhiệm trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai với các thành phần khác có lợi ích liên quan, cả trong khu vực nhà nước và tư nhân.