Việt Nam dự Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á

14:00 31/05/2019

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cao cấp giữa ASEAN với các Đối tác, ngày 30-5 tại Bangkok, Thái Lan, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng các quan chức cao cấp ASEAN của Việt Nam (SOM) Nguyễn Quốc Dũng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị các quan chức cao cấp các nước ASEAN+3 và các nước tham gia Cấp cao Đông Á(EAS).

Hội nghị đã trao đổi về tình hình và phương hướng thúc đẩy hợp tác trong các khuôn khổ ASEAN+3 và EAS, chuẩn bị cho các Hội nghị cấp bộ trưởng dự kiến diễn ra trong tháng 8/2019, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 và Hội nghị Cấp cao Đông Á vào tháng 11-2019 tại Thái Lan, đồng thời trao đổi về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Tại các Hội nghị, các nước Đối tác hoan nghênh và ủng hộ chủ đề và các ưu tiên của ASEAN trong năm 2019 về “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”, khẳng định ủng hộ ASEAN hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đẩy mạnh kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển tiểu vùng và tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên. 

Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng các quan chức cao cấp ASEAN của Việt Nam (SOM) Nguyễn Quốc Dũng phát biểu.

Các đối tác nhấn mạnh ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, tiếp tục tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác do ASEAN chủ trì, dẫn dắt như ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+, đóng góp vào mục tiêu hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.

Trong khuôn khổ ASEAN+3, Hội nghị ghi nhận những kết quả hợp tác tích cực về kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, nông nghiệp, lương thực, quản lý nguồn nước, du lịch, giáo dục, y tế, giao lưu văn hóa, nhân dân, đáng chú ý là việc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN để bảo đảm an ninh lương thực khu vực, triển khai Tuyên bố của các Lãnh đạo ASEAN+3 về hợp tác chống kháng thuốc kháng sinh (thông qua vào tháng 11/2018), thiết lập Mạng lưới các thành phố văn hóa ở Đông Á và ASEAN, hoàn tất Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Đông Á của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO)...

Các nước ASEAN+3 khẳng định lại cam kết củng cố hệ thống thương mại đa phương quốc tế công bằng, dựa trên luật lệ, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, trong đó phấn đấu hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2019, và tranh thủ các cơ hội của cách mạng Công nghiệp 4.0 mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như kết nối số, kinh tế số, thương mại điện tử, thành phố thông minh và phát triển nguồn nhân lực.

Các đại biểu chụp ảnh chung.

Các quan chức các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) tái khẳng định EAS là diễn đàn của các Nhà Lãnh đạo đối thoại về các vấn đề chính trị-kinh tế mang tầm chiến lược ở khu vực, là một bộ phận quan trọng của cấu trúc khu vực. Các nước nhất trí cần tiếp tục củng cố và phát huy vai trò và giá trị của EAS, đồng thời tăng cường năng lực của EAS trong ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra, nâng cao tính gắn kết và phối hợp giữa EAS với các cơ chế khác như ARF, ADMM+ trong tổng thể cấu trúc khu vực. 

Các nước ghi nhận các kết quả tích cực trong thực hiện Kế hoạch hành động Manila (2018-2022), nhất là về hợp tác biển, là lĩnh vực mới được bổ sung vào Kế hoạch trong năm 2018. Để tiếp tục triển khai hiệu quả các cam kết và định hướng của các nhà Lãnh đạo tại Cấp cao Đông Á lần thứ 13 (Singapore, 11-2018), các nước nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác chống khủng bố, an ninh mạng, rác thải nhựa, an ninh biển, hợp tác thành phố thông minh và kết nối; hoan nghênh một số đề xuất mới về hợp tác chống ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, phát triển bền vững… chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 14 tại Thái Lan vào tháng 11-2019.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nước khẳng định lại ủng hộ các nỗ lực đối thoại và ngoại giao vì hoà bình, ổn định và phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên; đề nghị các bên tiếp tục giải quyết các khác biệt trên tinh thần xây dựng,triển khai nghiêm túc và hiệu quả các cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Các nước nhấn mạnh tiếp tục ủng hộ Chính phủ Myanmar trong nỗ lực ổn định tình hình, giải quyết vấn đề nhân đạo ở bang Rakhine.

Về Biển Đông, các nước chia sẻ về tiến triển trong đàm phán xây dựng Bộ quy tắc COC giữa ASEAN và Trung Quốc, song cho rằng vẫn còn những hoạt động gây lo ngại, làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh và ổn định trên Biển Đông như quân sự hóa, cản trở khai thác tài nguyên trên biển... 

Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết các tranh chấp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển UNCLOS 1982, các đòi hỏi chủ quyền cần được đưa ra trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả.

Phát biểu tại các Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế ASEAN+3 và EAS trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác, xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác, phát triển ở khu vực. Thứ trưởng đề xuất tăng cường hợp tác về kết nối, hợp tác biển, thích ứng với cách mạng 4.0 trong khuôn khổ ASEAN+3, khẳng định Việt Nam sẵn sàng tham gia thúc đẩy các sáng kiến hợp tác mới trong khuôn khổ EAS, trong đó có hợp tác chống lan tràn ma túy trái phép. 

Thứ trưởng chia sẻ quan điểm của các nước tại Hội nghị về tình hình Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, bang Rakhine, Myanmar; khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông và cam kết của Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả.

Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Canada,  Mỹ, và EU.

Tiên An

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文