Việt Nam kêu gọi cộng đồng Pháp ngữ lên tiếng về Biển Đông
Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ lần thứ 36 đã diễn ra từ ngày 30 đến 31-10, tại Công quốc Monaco, với sự tham dự của hơn 80 đoàn các nước và vùng lãnh thổ là thành viên và quan sát viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF). Đoàn Việt Nam do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp dẫn đầu tham dự Hội nghị.
- 'Sắc màu Pháp ngữ' tôn vinh Ngày Quốc tế Pháp ngữ 2019
- Việt Nam luôn tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm vào cộng đồng Pháp ngữ
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới và Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như bất ổn, khủng bố, di cư, biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, trước thềm kỷ niệm 50 năm ra đời Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (1970-2020), các nước cũng kỳ vọng Pháp ngữ có đóng góp hơn nữa trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu.
Với chủ đề “Hòa giải giữa nhân loại và hành tinh: những triển vọng trong không gian Pháp ngữ”, Hội nghị là dịp để các nước trao đổi về định hướng hợp tác ưu tiên và việc cải tổ quản trị của Pháp ngữ trong thời gian tới, nhằm đưa Pháp ngữ thành một tổ chức hợp tác hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các nước thành viên, dựa trên nền tảng tiếng Pháp và sự chia sẻ các giá trị chung là đoàn kết, hợp tác và chia sẻ.
Đoàn Việt Nam do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp dẫn đầu tham dự Hội nghị. Ảnh: MOFA |
Chính vì vậy, việc tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các nước thành viên trong khuôn khổ Pháp ngữ và thông qua cách tiếp cận của Pháp ngữ nhằm giải quyết khủng hoảng, chống khủng bố, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo bình đẳng giới, hợp tác trong các lĩnh vực số, văn hóa và ngôn ngữ… là nội dung được quan tâm xuyên suốt trong thảo luận tại Hội nghị.
Hội nghị đã thông qua bốn Nghị quyết về đại dương, về vai trò của đổi mới, sáng tạo trong thúc đẩy khoa học, giáo dục và kinh tế số, về kỷ niệm 30 năm Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và về kỷ niệm 50 năm sự ra đời Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Nguyễn Thiệp hoan nghênh những nỗ lực và đóng góp của OIF trong thời gian qua, khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với những nỗ lực chung của Cộng đồng, đặc biệt trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, tăng cường kết nối giữa các khu vực, đặc biệt là châu Phi và ASEAN, hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững cũng như việc cải cách quản trị và phương thức hoạt động …
Trong khi nhấn mạnh hòa bình và ổn định là những điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững, Đại sứ Nguyễn Thiệp bày tỏ quan ngại của Việt Nam trước những bất ổn gần đây tại Biển Đông do các hành động cải tạo và tôn tạo đảo đá, quân sự hóa, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trong các vùng biển của Việt Nam được xác định bởi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông của các bên (DOC), thúc đẩy đàm phán sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Đại sứ Nguyễn Thiệp cũng kêu gọi Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục có tiếng nói khách quan và ủng hộ nỗ lực của các bên liên quan nhằm đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác. Đại sứ Nguyễn Thiệp khẳng định với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ nỗ lực góp phần vào việc đảm bảo hòa bình và an ninh trong không gian Pháp ngữ, đặc biệt tại các nước thành viên Pháp ngữ ở châu Phi.
Được thành lập vào năm 1970, OIF hiện có 88 nhà nước và vùng lãnh thổ thành viên. Việt Nam là thành viên tích cực và đóng vai trò quan trọng của OIF tại châu Á-Thái Bình Dương. |