Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới
- Công an các địa phương đã đóng góp quan trọng vào cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở
- Công an Lạng Sơn triển khai tổng điều tra dân số
- Các địa phương tích cực triển khai tổng điều tra dân số và nhà ở
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Tham dự hội nghị còn có, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương. Bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lê Quý Vương.
Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được thực hiện trong bối cảnh CMCN. 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đây là cuộc tổng điều tra đầu tiên ứng dụng CNTT trong tất cả các công đoạn, đặc biệt là công đoạn thu thập thông tin tại địa bàn với hình thức thu thập thông tin chủ yếu điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động động chiếm tới 99,9% các hộ dân cư.
Thời gian tiến hành từ ngày 1-4 đến 25-4-2019. Sau hơn 2 tháng kết thúc triển khai thu thập thông tin tại địa bàn đến nay công tác xử lý và làm sạch số liệu đã hoàn thành, sớm hơn so với cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 khoảng 1 năm.
Ông Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương cho biết, tổng điều tra dân số của Việt Nam vào thời điểm 0h ngày 1-4-2019 là 96.208.984 người trong đó dân số nam là 47.881.061 người chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người chiếm 50,2%.
Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia và Philippine. So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm 2 bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Kết quả Tổng điều tra 2019 cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong các khu vực. |
Sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14% năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước là 1,18%. Tỷ số giới tính là 99,1% nam/100 nữ, trong đó khu vực thành thị là 96,5% nam/100 nữ; khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính tăng liên tục trong những năm qua nhưng luôn thấp hơn 100 trên phạm vi toàn quốc.
Kết quả Tổng điều tra 2019 cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong các khu vực. Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2.
Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019, Việt Nam có 33.059.735 người cư trú ở khu vực thành thị, chiếm 34,4%; 63.149.249 người cư trú ở khu vực nông thôn, chiếm 65,6%. Sau 10 năm, tỷ lệ dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm. Mặc dù tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam trong những năm qua tăng nhanh nhưng tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị của nước ta năm 2019 vẫn đang ở mức thấp trong khu vực Đông Nam Á.
Tính đến 0 giờ ngày 01/4/2019 cả nước có 82.085.729 người dân tộc Kinh, chiếm 85,3% và 14.123.255 người dân tộc khác, chiếm 14,7% tổng dân số của cả nước. Trong 10 năm qua, tỷ lệ tăng dân số bình quân năm của nhóm dân tộc khác là 1,42%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước và cao hơn nhóm dân tộc Kinh (1,09%/năm).
Địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc khác là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên. Tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, số người dân tộc khác chiếm 56,2%; con số này ở vùng Tây Nguyên là 37,7%; ở vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền trung là 10,3%; ở các vùng khác, tỷ lệ này chiếm không quá 8%.
Cả nước có 26.870.079 hộ dân cư
Tính đến thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 cả nước có 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với năm 2009.
Tỷ lệ tăng số hộ dân cư giai đoạn 2009 - 2019 là 18,0%, bình quân mỗi năm tăng 1,8%/năm, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999 - 2009. Đây là giai đoạn có tỷ lệ tăng số hộ dân cư thấp nhất trong vòng 40 năm qua.
Bình quân mỗi hộ dân cư có 3,5 người, thấp hơn 0,3 người/hộ so với năm 2009. Quy mô này khu vực thành thị là 3,3 người/hộ, thấp hơn khu vực nông thôn 0,3 người/hộ. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số người bình quân một hộ cao nhất cả nước (3,8 người/hộ); vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có số người bình quân một hộ thấp nhất cả nước (3,3 người/hộ).
Quy mô hộ phổ biến trên cả nước là từ 2 đến 4 người/hộ, chiếm tỷ trọng 65,5% tổng số hộ. Đáng chú ý, trong khi tỷ lệ hộ chỉ có một người (hộ độc thân) tăng đáng kể so với năm 2009 (năm 2009: 7,2%, năm 2019: 10,9%) thì tỷ lệ hộ có từ 5 người trở lên có xu hướng giảm (năm 2009: 28,9%, năm 2019: 23,6%).
Điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện
Trong tổng số 26,9 triệu hộ dân cư, vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở; trung bình cứ 10.000 hộ dân cư thì có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở. Tình trạng hộ không có nhà ở đang dần được cải thiện trong hai thập kỷ qua, từ mức 6,7 hộ/10.000 hộ vào năm 1999 xuống còn 4,7 hộ/10.000 hộ năm 2009 và đến nay là 1,8 hộ/10.000 hộ.
Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, trong 10 năm qua, điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt đặc biệt ở khu vực thành thị. Có 93,1% hộ dân cư ở Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị đạt 98,2%, cao hơn 7,9 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn (90,3%).
Trong vòng 20 năm qua, kể từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỷ lệ hộ sống trong nhà ở kiên cố và bán kiên cố đã tăng mạnh (63,2% năm 1999 lên 84,2% năm 2009 và đến nay là 93,1%). Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy các chính sách phát triển nhà đã được thực hiện tốt và có hiệu quả trong thời gian qua, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5 m2/người, cao hơn 6,8 m2/người so với 10 năm trước. Diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn, tương ứng là 24,9 m2/người và 22,7 m2/người. Không có sự chênh lệch đáng kể về diện tích nhà ở bình quân đầu người giữa các vùng kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn 6,9% hộ dân cư đang sống trong nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ. Đặc biệt, có khoảng 1,4 triệu hộ với khoảng 5 triệu người đang sống trong các nhà đơn sơ, đây là đối tượng cần được quan tâm trong các chính sách cải thiện nhà ở dân cư trong thời gian tới.