Việt Nam sẵn sàng đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN 2020 với trách nhiệm cao nhất
Thủ tướng nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan. (Ảnh: VGP) |
Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan?
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan đã cơ bản khép lại năm Chủ tịch của Thái Lan và bước đầu chuyển giao vai trò này cho Việt Nam (Việt Nam sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN từ 1/1/2020). Hội nghị đã ghi nhận nhiều kết quả hợp tác tích cực của ASEAN trong năm 2019 trên cả ba trụ cột dưới chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”:
Về chính trị: ASEAN tiếp tục duy trì được đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm cũng như tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác.
Về kinh tế: xây dựng cộng đồng được đẩy mạnh, đàm phán RCEP tiến triển, 15 nước trừ Ấn Độ đã đạt được nhất trí.
Về văn hóa xã hội: vai trò trung tâm của người dân được quan tâm. ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác vì lợi ích người dân như hợp tác đối phó với cơ cấu dân số già hóa, thành lập các trung tâm về tuổi già năng động…
Ngoài ra, qua Hội nghị, quan hệ hợp tác với các đối tác được tăng cường thêm về chất. Hoa Kỳ đưa ra sáng kiến “Mạng các điểm xanh” về các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Trung Quốc đề xuất mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN-Trung Quốc đạt mức 1.000 tỷ USD và đầu tư đạt 150 tỷ USD năm 2020; Nhật Bản tăng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối, hỗ trợ đào tạo an ninh mạng, hợp tác an ninh biển, ứng phó thiên tai, xử lý rác thải…
Hội nghị đã thông qua 16 văn kiện hợp tác trong ASEAN và 15 văn kiện với các đối tác, ghi nhận 16 văn kiện của các kênh hợp tác chuyên ngành.
Sự tham gia của Việt Nam tại các Hội nghị lần này?
Đoàn ta tham gia chủ động, tích cực tại các Hội nghị và đã lồng ghép được các ưu tiên của Việt Nam vào định hướng công tác năm 2020. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những ý kiến đóng góp quan trọng và nêu các đề xuất cụ thể tiếp tục thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng, đẩy mạnh liên kết kinh tế và kết nối; đề cao đoàn kết ASEAN và xây dựng quan hệ cùng có lợi giữa ASEAN với các Đối tác phù hợp với quan tâm của các nước, được hoan nghênh và ủng hộ.
Tại lễ chuyển giao vai trò chủ tịch ASEAN, Thủ tướng ta đã có bài phát biểu quan trọng, chính thức công bố Chủ đề, các ưu tiên trong năm 2020 và sự chuẩn bị của Việt Nam cho nhiệm vụ quan trọng và vinh dự này.
Ngoài ra, Đoàn cũng đã có nhiều hoạt động đa phương, song phương rất phong phú để tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối với năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tham dự Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 24 (ACC-24). |
Xin Thứ trưởng cho biết vấn đề Biển Đông được quan tâm đề cập như thế nào tại các Hội nghị và quan điểm của Việt Nam?
Từ nhiều năm nay, Biển Đông vẫn luôn là chủ đề được quan tâm tại các Hội nghị của ASEAN. Riêng lần này, tôi thấy sự quan tâm của các nước có vẻ cao hơn, mạnh mẽ hơn; nhiều ý kiến phản đối các hoạt động quân sự hóa, cải tạo đảo, các hành vi ngăn cản hoạt động kinh tế hợp pháp trên biển, không tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước và trái với luật pháp quốc tế. Lý do có thể do vụ việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vừa qua đã khiến các nước lo ngại sâu sắc.
Tại các Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn ta đã khẳng định lập trường rõ ràng, nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Việt Nam đã đề nghị các nước ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện nghiêm túc DOC, tạo môi trường thuận lợi cho các tiến trình pháp lý, đặc biệt là việc xây dựng COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, công ước luật biển Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS 1982) và được quốc tế thừa nhận.
Xin Thứ trưởng cho biết thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN?
Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ là:
- Khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng với ý thức trách nhiệm cao nhất để đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam vui mừng chào đón các nước đến với Việt Nam năm 2020.
- Công bố chủ đề, giới thiệu các ưu tiên của Việt Nam cho năm Chủ tịch ASEAN 2020.
- Khẳng định “tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng” là điều ASEAN cần nhất để xây dựng thành công Cộng đồng.
Xin Thứ trưởng cho biết sau đây Việt Nam sẽ triển khai những công việc gì?
Cho đến nay, chúng ta đã sẵn sàng về bộ máy tổ chức, nhân lực, đã có các đề án, kế hoạch hành động tổng thể cho năm 2020. Giờ là lúc chúng ta bắt tay vào triển khai cụ thể.
Trước mắt, chúng ta sẽ tập trung chuẩn bị cho Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra vào tháng 1/2020 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Đây là hoạt động lớn đầu tiên, mở đầu cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020, với trọng tâm là thống nhất các định hướng, ưu tiên xuyên suốt năm 2020 của ASEAN dưới sự chủ trì và điều hành của Việt Nam.
Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ tiếp tục phát triển các ý tưởng, sáng kiến đề ra cho năm Chủ tịch, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong ASEAN để đưa vào triển khai trong thực tiễn.