Việt Nam thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất giữa các thành viên APEC

18:30 03/11/2017
Với vai trò nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã thúc đẩy các thành viên đạt đồng thuận cao về chủ đề và 4 ưu tiên của Năm APEC 2017, giữ vững cam kết và quyết tâm thúc đẩy thương mại và đầu tư mở, tạo thuận lợi cho kinh doanh… Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã khẳng định như vậy trong cuộc gặp gỡ báo chí hôm 1-11.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết tầm quan trọng của APEC đối với Việt Nam?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Mỗi một cơ chế hợp tác đều đem lại giá trị nhất định cho Việt Nam. APEC cũng vậy. Có thể nói, kể từ khi Việt Nam tham gia APEC năm 1998, Diễn đàn này đã trở thành một động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, và đưa hội nhập kinh tế của nước ta lên tầm toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau này.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC Việt Nam Bùi Thanh Sơn.

Tham gia APEC, trước hết giúp Việt Nam đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương, góp phần củng cố môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển. Các hội nghị APEC tổ chức hàng năm là dịp để các thành viên tiếp xúc, gặp gỡ song phương ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao nhất, nhằm củng cố quan hệ hợp tác với các đối tác trong khu vực, trong đó có nhiều đối tác hàng đầu. Đến nay, trong tổng số 25 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam, có 13 đối tác là thành viên APEC. Hai là, việc tham gia APEC đã góp phần nâng cao nội lực của đất nước, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam với các đối tác APEC. APEC hiện chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 79% tổng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Là thành viên APEC, chúng ta có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận khoa học công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến, tranh thủ nguồn lực quốc tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu…. Các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập của Việt Nam có điều kiện trưởng thành thêm thông qua triển khai các cam kết và dự án hợp tác của APEC. Ba là, việc tham gia và giải quyết các vấn đề, quan tâm chung của APEC về tăng trưởng và liên kết kinh tế cũng như nâng cao vai trò của Diễn đàn đã khẳng định hình ảnh Việt Nam đổi mới, năng động, gắn kết khu vực, góp phần tạo thêm thế và lực mới cho Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

PV: Thứ trưởng có thể tóm lược những kết quả nổi bật đã đạt được từ cuối năm 2016 đến nay, nhất là việc thực hiện 4 ưu tiên mà Việt Nam đã đặt ra?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Năm 2017, chúng ta tiếp tục chứng kiến nhiều chuyển biến nhanh và phức tạp của tình hình thế giới và khu vực. Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu tích cực hơn song về dài hạn còn nhiều rủi ro, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng. Trong bối cảnh đó, kết quả đầu tiên phải kể đến là Việt Nam đã bước đầu thúc đẩy các thành viên đạt đồng thuận cao về chủ đề và 4 ưu tiên của Năm APEC 2017, giữ vững cam kết và quyết tâm thúc đẩy thương mại và đầu tư mở, tạo thuận lợi cho kinh doanh… Với một diễn đàn có tầm vóc và ảnh hưởng quan trọng như APEC, thông điệp như vậy có tác dụng tích cực đối với hoạt động của doanh nghiệp cũng như với tăng trưởng khu vực và toàn cầu.

Kết quả thứ hai là, với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã tiếp tục dẫn dắt, thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất giữa các thành viên thông qua việc xây dựng và đồng thuận thông qua các sáng kiến cụ thể, tập trung vào những lĩnh vực thiết thực với lợi ích của người dân và doanh nghiệp như phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, phát triển du lịch bền vững, doanh nghiệp nhỏ và vừa xanh, sáng tạo và bền vững, phát triển đô thị - nông thôn, an ninh lương thực, thúc đẩy khởi nghiệp, phụ nữ và kinh tế…. Bên cạnh đó, sáng kiến của Việt Nam về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, và triển khai các bước chuẩn bị cho xây dựng tương lai APEC sau năm 2020 cũng được các thành viên hưởng ứng tích cực và cùng đồng hành thúc đẩy.

Tất cả các kết quả này đều gắn với việc thực hiện bốn ưu tiên của Năm APEC 2017, và hướng tới mục tiêu tạo ra động lực mới cho tăng trưởng ở khu vực và đưa hợp tác APEC gần hơn tới người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, là tiền đề quan trọng, góp phần làm rõ hơn những nội dung mà các Bộ trưởng và các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC sẽ thảo luận tại Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

PV: Một trong những kỳ vọng của Việt Nam trong Năm APEC 2017 là “có thể đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tiến trình APEC, làm cho hợp tác APEC thực chất và có hiệu quả hơn”. Thứ trưởng có thể cho biết trong thời gian qua, chúng ta đã làm gì để cụ thể hóa kỳ vọng đó?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Với những kết quả đạt được đến thời điểm này mà tôi đã đề cập ở trên, có thể khẳng định những đóng góp của Việt Nam đều có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với tiến trình hợp tác APEC. Tính thiết thực đó được thể hiện trên 4 khía cạnh. Đầu tiên, với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã cùng với các thành viên APEC khơi dậy những động lực mới cho tăng trưởng và liên kết của khu vực thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp; tạo điều kiện cho người lao động có các kỹ năng mới để tìm được việc làm trong thị trường lao động thời kỳ công nghệ số; bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ tới ngành nông nghiệp của khu vực; hỗ trợ phụ nữ và những đối tượng yếu thế tham gia vào kinh tế và hưởng các thành quả của phát triển kinh tế; bảo đảm tính bao trùm trong phát triển… Tiếp nữa, nhiều nội dung hợp tác năm nay mang tính kế thừa của hợp tác APEC những năm trước đó, song chúng ta đã gắn thêm với những yếu tố mang tính thời sự. Đây là một đóng góp thiết thực của Việt Nam nhằm nâng cao khả năng thích ứng của APEC trong một thế giới đang trải qua những chuyển dịch to lớn, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng hàng loạt thách thức khu vực và toàn cầu đang nổi lên...

Năm nay cũng được đánh giá là một trong những năm thách thức nhất đối với các cơ chế hợp tác đa phương trên toàn cầu, và APEC không phải là ngoại lệ. Trong tình hình đó, đến thời điểm này chúng ta đã phát huy tốt vai trò của chủ nhà, vận dụng hiệu quả các nguyên tắc hợp tác đồng thuận, tự nguyện, không ràng buộc, bình đẳng và cùng có lợi để thúc đẩy các thành viên giữ đà hợp tác, liên kết, đi đến đồng thuận trên nhiều vấn đề hợp tác chuyên ngành. Những kết quả tôi vừa nêu trên là một số ví dụ tiêu biểu. Cuối cùng, các hoạt động chúng ta tổ chức đã góp phần quan trọng nâng cao vai trò, vị thế của APEC trong cục diện khu vực đang định hình. Đại diện và chuyên gia của nhiều tổ chức quốc tế đã đến tham dự và phát biểu tại các hoạt động APEC chúng ta tổ chức, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Cộng đồng doanh nghiệp và học giả cũng tham gia và đóng góp tích cực tại các hoạt động này. Qua đó, APEC đang từng bước khẳng định vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng hợp tác, liên kết và khả năng “hội tụ” trí tuệ của cộng đồng khu vực và quốc tế.

PV: Thúc đẩy hoàn tất các Mục tiêu Bogor của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 được coi là then chốt trong Năm APEC 2017. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những nỗ lực và tiến bộ của APEC từ cuối năm 2016 đến nay nhằm thúc đẩy việc hoàn tất các mục tiêu đó?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Thúc đẩy hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 là một mục tiêu xuyên suốt của hợp tác APEC kể từ năm 1994 đến nay. Qua các năm, nhiều chương trình hành động, kế hoạch cụ thể đã được các thành viên APEC đề ra nhằm triển khai mục tiêu này. Chương trình hành động Osaka, Lộ trình Busan, Chương trình hành động Hà Nội… là một số ví dụ. Việc thực hiện các Mục tiêu Bogor được triển khai thông qua hai kênh: các kế hoạch hành động tập thể của APEC và các chương trình hành động của mỗi nền kinh tế thành viên APEC.  Qua 23 năm triển khai các Mục tiêu Bogor, các thành viên APEC đã gặt hái được những kết quả tích cực. Mức thuế quan trung bình trong khu vực đã giảm hơn từ 17% xuống còn 5,6%. Thương mại nội khối APEC cũng đạt gần 70%, thuộc mức cao so với nhiều cơ chế hợp tác. Tuy nhiên, các thành viên cần nỗ lực hơn nữa trên một số lĩnh vực cụ thể, như thuận lợi hóa đầu tư, cắt giảm các rào cản phi thuế…

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC Việt Nam Bùi Thanh Sơn.

Trong năm 2017, các thành viên APEC tiếp tục đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến góp phần triển khai các Mục tiêu Bogor, thúc đẩy triển khai các cam kết trên những lĩnh vực còn tiến triển chậm. Đến thời điểm này, một số kết quả cụ thể đã được các thành viên nhất trí báo cáo lên các Bộ trưởng và các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC vào tháng 11 tới. Các kết quả này gắn với thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối cung ứng, nâng cao năng lực cho các thành viên trong tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do, hài hòa chính sách… Hợp tác APEC mang tính tiệm tiến, đòi hỏi các nền kinh tế chủ nhà phối hợp chặt chẽ với nhau và với các thành viên khác nhằm bảo đảm sự tiếp nối qua các năm. Có thể khẳng định, những kết quả trên là rất tích cực, góp phần từng bước hiện thực hóa các Mục tiêu Bogor mà APEC theo đuổi đến năm 2020.

PV: Thứ trưởng có thể tiết lộ những nội dung chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC 2017?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hội nghị Cấp cao APEC là sự kiện quan trọng nhất của Năm APEC, dự kiến các nhà Lãnh đạo Kinh tế sẽ thảo luận và thông qua những kết quả hợp tác lớn đạt được trong suốt cả năm, và định hướng cho hợp tác của Diễn đàn trong những năm tiếp theo. Với ý nghĩa đó, chương trình nghị sự của Hội nghị sẽ gắn liền với việc cụ thể hóa chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung” và bốn ưu tiên của Năm APEC 2017 về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh mới với nhiều thách thức, các nhà Lãnh đạo cũng sẽ trao đổi, thảo luận các biện pháp nhằm tiếp tục giữ đà hợp tác, liên kết của Diễn đàn, góp phần thể hiện tầm vóc APEC đi đầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực, ngày càng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Trong Tuần lễ Cấp cao cũng diễn ra nhiều hoạt động với sự tham gia của lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực. Đây là điểm đặc biệt của APEC so với hội nghị thượng đỉnh của các diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc tế khác, thể hiện sự gắn bó mật thiết của APEC với cộng đồng doanh nghiệp.

PV: Xin cám ơn Thứ trưởng.

P.V.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文