Thủ tướng: Tìm giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

16:19 06/05/2019
Ngày 6-5 tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Vùng KTTĐ), vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 


Dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo một số bộ ngành và các địa phương thuộc vùng KTTĐ phía Nam và đông đảo các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, nhà đầu tư... 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay cả nước có 4 vùng KTTĐ, gồm vùng KTTĐ Bắc bộ với 7 tỉnh, thành; vùng KTTĐ Trung bộ với 5 tỉnh, thành; vùng KTTĐ phía Nam với 8 tỉnh, thành và vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long gồm 4 tỉnh, thành.

Bốn vùng kinh tế trọng điểm với 24 tỉnh, thành, chỉ chiếm trên 27% diện tích tự nhiên và 27% dân số nhưng đóng góp 89% GDP của cả nước. Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vùng KTTĐ phía Nam có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, trước hết là về GDP. 

Đây là nơi hội tụ, phát triển đầy đủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhất là phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là  trung tâm dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics, vận tải với hạ tầng được tập trung xây dựng tương đối đồng bộ hơn các vùng khác.

Những năm qua, tăng trưởng GDP bình quân của vùng KTTĐ phía Nam đạt 8,34%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của vùng đạt khoảng 5.474 USD, gấp hơn 2 lần trung bình cả nước. 

Trong đó TP Hồ Chí Minh là hạt nhân của vùng và một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có sự tăng trưởng ổn định thời gian qua. Vùng KTTĐ phía Nam là vùng công nghiệp trọng yếu lớn nhất cả nước, nhất là liên kết được mạng lưới các khu công nghiệp, các ngành công nghiệp mũi nhọn. 

Do đó đây là vùng duy nhất của cả nước hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế cho phát triển công nghiệp, dịch vụ để có thể tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bền vững. 

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung vào bàn cách tháo gỡ vướng mắc cũng như để các địa phương, các ngành đưa ra những giải pháp, đề xuất nhằm mục tiêu tạo động lực để khu vực bứt phá; làm sao để vùng KTTĐ phía Nam đi đúng hướng, tiếp tục khẳng định là một động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước. Đặc biệt phải tiếp tục là đầu tàu của cả nước trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Với 8 tỉnh, thành, gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước, nhưng báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại hội nghị cho thấy, GDP của vùng chiếm trên 45% GDP cả nước; chiếm 42% tổng thu ngân sách và trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong khi dân số chỉ chiếm 21%, diện tích tự nhiên chiếm 9,2% so với cả nước.

Cũng theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm ngoái, thu ngân sách của vùng KTTĐ phía Nam đã đạt khoảng 608 nghìn tỉ đồng và khu vực này cũng dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Đến nay, trên địa bàn các tỉnh vùng KTTĐ phía Nam có đã có trên 121 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với 15.716 dự án FDI còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 157 tỉ USD. TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước cũng như của vùng KTTĐ phía Nam về thu hút vốn FDI với 8.382 dự án, tổng vốn đăng ký đạt trên 45 tỉ USD. Đến nay, TP Hồ Chí Minh cũng là trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực về tài chính, thương mại, du lịch giao lưu quốc tế; đi đầu trong hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Tuy nhiên, nhiều tồn tại khó khăn và thách thức của vùng KTTĐ phía Nam cũng đặt ra. 

Cụ thể, tăng trưởng có xu hướng chậm. Hai ngành mũi nhọn là công nghiệp, dịch vụ của vùng tăng trưởng giảm dần so với cả nước…  đồng thời, chất lượng nguồn nhân lực cũng là thách thức trước cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0. Tình trạng tăng dân số cơ học cao nhất cả nước cũng gây ra tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ngập úng, kẹt xe ở một số địa phương…

Những năm qua vùng KTTĐ phía Nam là nơi được Chính phủ ưu tiên nguồn vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho các khu vực lân cận. Hàng loạt dự án giao thông lớn được quy hoạch, triển khai như: các đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường vành đai 3... 

Những dự án lớn trên khi hoàn thành, kết nối với các tỉnh, thành sẽ tạo ra những bước tăng trưởng nhanh về kinh tế - xã hội cho vùng, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp. Tại hội nghị, đại diện các bộ ngành, địa phương và đại diện các đơn vị, DN tham gia cũng đã nêu ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của cả vùng KTTĐ phía Nam trong thời gian tới. 

Trong đó nhiều giải pháp tập trung vào việc khắc phục khó khăn của chính các địa phương và phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương trong vùng.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các vùng KTTĐ khác đang cố gắng vươn lên trong khi tăng trưởng của vùng KTTĐ phía Nam đang chậm lại. Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, cơ chế chính sách của vùng còn yếu kém, liên kết vẫn còn tình trạng manh mún. Là vùng kinh tế động lực, nhưng chỉ số PCI chưa cao, còn tình trạng doanh nghiệp kêu ca. 

Tại đây cũng chưa xây dựng được một chiến lược phát triển chung nào, cơ chế phối hợp các ngành, các tỉnh thành mang tính tự phát, mới chỉ dừng lại ở mức cam kết giữa một số địa phương. Kết nối giao thông nội vùng, liên vùng còn hạn chế. Những tồn tại trên không phải căn bản nhưng cần chỉ rõ để khắc phục. 

Thủ tướng đề nghị vùng KTTĐ phía Nam phải tiếp tục là đầu tàu, dẫn dắt mạnh hơn, bền vững hơn đối với kinh tế của đất nước; từng tỉnh thành cần nỗ lực sáng tạo, năng động hơn nữa. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, muốn là đầu tàu, các tỉnh, thành phải xây dựng cơ chế đặc thù cho toàn vùng. Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao để đưa vùng KTTĐ phía Nam trở thành nơi phát triển doanh nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, cần đẩy mạnh gắn kết trong và ngoài vùng trong đầu tư hạ tầng, đào tạo, chuyển giao công nghệ… 

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu phát triển khu công nghệ cao, chế biến, chế tạo. 

Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng; thu hút đầu tư cần có chọn lọc, tập trung công nghệ cao, chất lượng cao. Thủ tướng cũng giao các tỉnh, thành tập trung tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời dân để thực hiện các dự án. Trong đó dự án sân bay Long Thành cuối năm 2020 phải được khởi công; tuyến đường Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, con đường huyết mạch kết nối miền Tây với miền Đông Nam bộ phải sớm được khánh thành để tạo động lực phát triển cho cả khu vực

Bảo Sơn

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文