Xây dựng Chính phủ điện tử là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam
- Củng cố Quỹ tín dụng nhân dân, thúc đẩy chính phủ điện tử
- Hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử vào năm 2025
- Thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử
Ngày 13-4 (giờ địa phương), tại Washington, D.C., Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã tham dự và phát biểu tại phiên họp mở đầu của chuyên đề ứng dụng kỹ thuật, đổi mới trong quản trị công (GovTech) thuộc Hội nghị mùa Xuân 2019 do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức về Quản trị số, phát triển Chính phủ số.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp mở đầu GovTech thuộc Hội nghị "Spring Meetings 2019".
Tại phiên mở đầu nhằm mục tiêu phản ánh và trao đổi về những thách thức và cơ hội liên quan đến việc thiết kế và triển khai GovTech với đại diện các Chính phủ, các nhà đổi mới công nghệ, đối tác phát triển và đại diện xã hội, đồng chí Mai Tiến Dũng đã trả lời câu hỏi của đại biểu về việc Việt Nam đã bắt đầu hành trình chuyển đổi số như thế nào và những trăn trở của người tham gia vào quá trình này.
Đồng chí Mai Tiến Dũng cho biết, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2000 và đạt được một số kết quả nhất định. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2018 đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, so sánh với mặt bằng chung trong khu vực và trên thế giới, kết quả này là rất khiêm tốn.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.
Với vai trò là Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đồng thời là Ủy viên thường trực, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, ông Mai Tiến Dũng cho biết luôn trăn trở với 2 câu hỏi lớn, đó là: Rào cản phát triển Chính phủ điện tử là gì, tại sao Việt Nam triển khai xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tương đối dài như vậy mà kết quả không tương xứng; thứ hai là làm thế nào để vượt qua các rào cản đó, triển khai nhanh, có hiệu quả chương trình Chính phủ điện tử.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã tham dự và phát biểu tại phiên họp mở đầu của chuyên đề ứng dụng kỹ thuật, đổi mới trong quản trị công (GovTech) thuộc Hội nghị "Spring Meetings 2019".
Rào cản trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam là về thể chế thiếu các nền tảng pháp lý quan trọng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; định danh, xác thực điện tử; giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Từ những hạn chế đã xác định, đồng chí Mai Tiến Dũng cho biết những cách làm mà Việt Nam đề xuất và triển khai có hiệu quả trong thời gian vừa qua cũng theo đúng chủ đề của Hội nghị GovTech lần này là "Đặt người dân lên trên hết với Chính phủ đơn giản, hiệu quả và minh bạch".
Đồng chí Mai Tiến Dũng chia sẻ bài học lớn nhất là phải triển khai đồng thời cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ (BPR) và ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, minh bạch thông tin, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp mới tạo yếu tố quyết định thành công. Ngoài ra cần phải có chiến lược quản lý để thay đổi thói quen làm việc từ giấy tờ truyền thống sang môi trường điện tử. Do vậy cần thiết phải triển khai song song việc đào tạo, tập huấn và tạo áp lực từ trên xuống.