Xây dựng Tòa án thân thiện, phục vụ nhân dân
Đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TAND tối cao và đồng chí Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND tối cao đồng chủ trì buổi gặp mặt.
Theo báo cáo của TAND tối cao, năm 2015 là năm đầu tiên thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014. TAND tối cao đã khẩn trương sắp xếp nhân sự, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy vàđã hoàn thành việc xây dựng 4 cấp Tòa án, gồm: TAND tối cao; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Lãnh đạo TAND tối cao chủ trì buổi họp báo ngày 15-3. |
Trong tháng 4-2016, TAND tối cao sẽ tổ chức hội nghị triển khai thành lập các Tòa chuyên trách tại các Tòa án, đặc biệt là thành lập “Tòa Gia đình và người chưa thành niên” theo quy định của pháp luật, trong đó có nhiều đề xuất mới liên quan đến việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có điểm mới là: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đây là quy định rất tiến bộ nhằm bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về TAND thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Luật Tố Tụng Hành Chính năm 2015 cũng có quy định mới là: TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong giải quyết vụ án.
Ngày 29-10-2015, TAND tối cao đã công bố Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ, để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án mà còn đối với mỗi công dân và cộng đồng xã hội.
Triển khai thực hiện tinh thần của Nghị quyết 49, một trong 5 giải pháp đột phá mà TAND tối cao đề ra trong những năm qua là, đổi mới công tác hành chính- tư pháp tại các Tòa án, nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân truy cập vào website của Tòa án để biết được đầy đủ thông tin về vụ việc của mình đang được Tòa án giải quyết. Đồng thời giáo dục cán bộ Tòa án về quy tắc ứng xử và tinh thần, ý thức tận tụy phục vụ nhân dân đảm bảo nhanh chóng, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hợp tác với các Tòa án phản ánh, góp ý, tố giác các hành vi, thái độ hống hách, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, đòi hối lộ, tham nhũng; kiên quyết chống hành vi bồi dưỡng, đưa hối lộ.
Các nội dung nêu trên nhằm hướng đến mục tiêu là tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động hành chính tư pháp của Tòa án, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2020.
Đồng thời hướng đến việc xây dựng Tòa án thân thiện, gần dân, phục vụ nhân dân, từng bước xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.