Xây dựng hệ sinh thái số để phát triển mạng xã hội “made in Vietnam”

08:08 12/09/2018
Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ TT&TT chủ trì xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam và trọng tâm là mạng xã hội và công cụ tìm kiếm “made in Vietnam”.


Theo ông Hùng, cùng với các biện pháp kinh tế và kỹ thuật để buộc các ông lớn như Facebook, Google tuân thủ pháp luật Việt Nam thì chúng ta cũng cần phải có hệ sinh thái số, mạng xã hội nội địa để có thể “cân bằng sức mạnh” khi đàm phán mà không phải băn khoăn chuyện bị cắt dịch vụ.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay doanh thu quảng cáo mạng xã hội trung bình hằng năm tại Việt Nam là 370 triệu USD. Tuy nhiên, phần lớn thị phần “béo bở” này lại nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại như Google đạt 135 triệu USD với 35 triệu người dùng, Facebook 235 triệu USD với 60 triệu người dùng. Trong khi đó, mạng xã hội nước ngoài hiện chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về thuế, yêu cầu về thanh toán, an ninh...

“Câu chuyện nghịch lý ở đây là các mạng xã hội nước ngoài sang làm giàu, hưởng nhiều lợi ích ở Việt Nam nhưng chưa tuân thủ pháp luật, chưa đóng thuế đầy đủ, chưa thực hiện các yêu cầu an ninh mạng của Chính phủ Việt Nam. Tình trạng này đã kéo dài và không thể tiếp tục tồn tại. Đã đến lúc buộc phải dùng các biện pháp kinh tế hoặc kỹ thuật để quản lý mạng xã hội”, ông Hùng nhấn mạnh.

Việc phát triển mạng xã hội nội địa không chỉ là khát vọng của doanh nghiệp mà còn là nguyện vọng của người dân. Ảnh minh họa.

Cũng theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, mặc dù có tới 436 mạng xã hội nội địa song thị phần, doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam lại rất nhỏ. Ngay đơn vị có tên tuổi nhất là Zalo với 40 triệu người dùng thì doanh thu cũng chỉ đạt 7 triệu USD. Để khai thác tốt thị trường tiềm năng này, ông Hùng đề cập đến việc xây dựng những gì là "made in Vietnam" để cạnh tranh với các "ông lớn" như Google, Facebook.

Theo đó, ông đề xuất một số chính sách ủng hộ mạng xã hội Việt Nam, tạo điều kiện phát triển trong giai đoạn đầu. Mục tiêu là đến năm 2022, có thể bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam là khoảng 60 triệu.

Cùng với việc phát triển mạng xã hội Việt, người đứng đầu Bộ TT&TT cũng đặt mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong top 10 nước về phát triển sinh thái số, với 60 - 70% người dân dùng hệ sinh thái nội.

“Việt Nam cần có hệ sinh thái số Việt Nam bao gồm: Mạng xã hội, Công cụ tìm kiếm, Trình duyệt, hệ điều hành và phần mềm diệt virus. Trong đó, quan trọng nhất là mạng xã hội và công cụ tìm kiếm. Việc xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam sẽ huy động chủ yếu là các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp.

Không nhất thiết phải là doanh nghiệp nhà nước nhưng phải là doanh nghiệp Việt Nam bởi nếu không có hệ sinh thái nội dung số Việt Nam thì chúng ta sẽ không có sức mạnh để đàn phám với Facebook, Google. Họ sẽ tiếp tục không tuân thủ pháp luật Việt Nam trong khi chúng ta lại không dám cắt dịch vụ”,Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cũng cho rằng: Việc phát triển mạng xã hội “made in Viet Nam” hiện nay có 4 “cái đúng” gồm: Đúng về xu thế phát triển của thế giới, công nghệ trong nước đủ để thực hiện; đúng với mong muốn của công dân mạng Việt Nam và đúng về mục tiêu đưa Việt Nam thành một nước phát triển về CNTT.

Tuy vậy, ông Hợp cũng cho biết, để hiện thực hóa được mục tiêu này không dễ. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, trước trào lưu mạng xã hội đang bùng nổ khắp thế giới, điển hình là các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như MySpace, Google, Facebook... Trong đó, nhiều mạng xã hội đã xâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt Nam, tạo ra ảnh hưởng lớn đến cư dân mạng và là cơ hội kinh doanh quảng cáo.

Nắm bắt cơ hội kinh doanh bằng mạng xã hội, một số "sản phẩm nội" như thegioiblog.com, thehetre.vn, www.vietspace.net.vn... đã ra đời. Tuy nhiên, trước những điều kiện khắc nghiệt của loại hình kinh doanh này như mức đầu tư lớn, chậm thu lợi nhuận, các mạng xã hội nội địa dù khai sinh nhiều nhưng số lượng trưởng thành và phát triển mạnh khoẻ còn rất khiêm tốn.

Ngoài các mạng xã hội như Zalo và Zing.vn, Go.vn... được khá đông người dùng “biết mặt, đặt tên”, số còn lại chủ yếu đang phải phát triển theo mô hình “xé lẻ”.  Do vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển mạng xã hội nội địa, cần chú trọng giải quyết tốt một số vấn đề đặt ra như: tầm nhìn, mô hình phát triển, hiểu biết văn hóa bản địa, năng lực quản trị và đặc biệt là quyền lực để thực hiện.

Huyền Thanh

Hoà cùng không khí cả nước phấn khởi, tự hào kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), trong hai ngày 11 và 12/5, Đoàn công tác của Báo CAND do Thiếu tướng, nhà văn Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND dẫn đầu đã về tỉnh Quảng Bình tổ chức chương trình sinh hoạt chính trị, dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trao kinh phí 140 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tặng 2 CBCS Công an tỉnh Quảng Bình có hoàn cảnh khó khăn.

Tối 12/5, Công an huyện Tiên Phước (Quảng Nam) cho biết, trên địa bàn thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước vừa xảy ra vụ nổ khí gas trong lúc hàn khiến 2 người thương vong.

Đây là thông tin đáng chú ý được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phối hợp quản lý thị trường vàng ngày 12/5.

Có 9 cán bộ trẻ của Công an TP Hồ Chí Minh và các quận huyện trong số 263 điển hình trẻ tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong nhiều lĩnh vực dự Đại hội “Thanh niên tiên tiến TP Hồ Chí Minh làm theo lời Bác” lần thứ VIII được tuyên dương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文