Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu nhưng tinh gọn tổ chức, bộ máy

11:18 03/04/2019
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tại Phiên họp Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) mở rộng, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên sáng nay, 3-4.

Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam thay mặt Ban soạn thảo trình bày Tờ trình của Chính phủ cho biết: Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá IX thông qua ngày 27-8-1996, có hiệu lực thi hành từ ngày 9-9-1996. Sau hơn 20 năm thực hiện, Pháp lệnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên chưa được thể chế, cụ thể hoá; một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng dự bị động viên, như: Luật Quốc phòng, Luật Sỹ quan QĐND Việt Nam, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật dân quân tự vệ…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, việc xây dựng Luật Lực lượng dự bị động viên là hết sức cần thiết.

Dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên gồm 5 chương, 47 điều.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm UBQPAN, qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực UBQPAN nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; đồng thời cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên.

Khắc phục những vướng mắc, bất cập và hạn chế sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh lực lượng dự bị động viên; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, nhất là các luật về lĩnh vực QPAN mới được ban hành; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý và tạo điều kiện cho lực lượng dự bị động viên hoạt động hiệu quả, hiệu lực.

Tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc về sự cần thiết ban hành Luật, vì các nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã được Luật Sỹ quan QĐND Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và Luật Nghĩa vụ quân sự quy định.

Toàn cảnh phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung về nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật; về độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình; chế độ chính sách đối với quân nhân dự bị…

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Luật phải được xây dựng theo hướng thừa kế các quy định còn phù hợp, bổ sung các quy định mới nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các quy định của dự thảo Luật đã cơ bản đảm bảo phù hợp với chủ trương phát triển lực lượng dự bị động viên tại Nghị quyết 28 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị 16; các nghị quyết, chỉ thị về chiến lược Quốc phòng, chiến lược Quân sự Việt Nam. Tuy nhiên ông cũng cho rằng cần tiếp tục quán triệt để đảm bảo phù hợp với các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề tinh gọn tổ chức, biên chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp mới được ban hành.

“Chủ trương của luật là phải giải quyết hài hoà, hợp lý giữa vấn đề xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu nhưng lại phải tinh gọn trong tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực” – Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý. 

Ông đề nghị luật phải tạo điều kiện để xây dựng và tổ chức lực lượng dự bị động viên một cách khoa học, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống. Việc xây dựng lực lượng dự bị động viên phải bám sát tình hình, đặc thù trong xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Khẳng định Dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến tại phiên họp; Thường trực UBQPAN khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra sơ bộ để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sắp tới.


Quỳnh Vinh

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文