Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu nhưng tinh gọn tổ chức, bộ máy

11:18 03/04/2019
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tại Phiên họp Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) mở rộng, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên sáng nay, 3-4.

Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam thay mặt Ban soạn thảo trình bày Tờ trình của Chính phủ cho biết: Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá IX thông qua ngày 27-8-1996, có hiệu lực thi hành từ ngày 9-9-1996. Sau hơn 20 năm thực hiện, Pháp lệnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên chưa được thể chế, cụ thể hoá; một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng dự bị động viên, như: Luật Quốc phòng, Luật Sỹ quan QĐND Việt Nam, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật dân quân tự vệ…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, việc xây dựng Luật Lực lượng dự bị động viên là hết sức cần thiết.

Dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên gồm 5 chương, 47 điều.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm UBQPAN, qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực UBQPAN nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; đồng thời cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên.

Khắc phục những vướng mắc, bất cập và hạn chế sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh lực lượng dự bị động viên; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, nhất là các luật về lĩnh vực QPAN mới được ban hành; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý và tạo điều kiện cho lực lượng dự bị động viên hoạt động hiệu quả, hiệu lực.

Tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc về sự cần thiết ban hành Luật, vì các nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã được Luật Sỹ quan QĐND Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và Luật Nghĩa vụ quân sự quy định.

Toàn cảnh phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung về nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật; về độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình; chế độ chính sách đối với quân nhân dự bị…

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Luật phải được xây dựng theo hướng thừa kế các quy định còn phù hợp, bổ sung các quy định mới nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các quy định của dự thảo Luật đã cơ bản đảm bảo phù hợp với chủ trương phát triển lực lượng dự bị động viên tại Nghị quyết 28 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị 16; các nghị quyết, chỉ thị về chiến lược Quốc phòng, chiến lược Quân sự Việt Nam. Tuy nhiên ông cũng cho rằng cần tiếp tục quán triệt để đảm bảo phù hợp với các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề tinh gọn tổ chức, biên chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp mới được ban hành.

“Chủ trương của luật là phải giải quyết hài hoà, hợp lý giữa vấn đề xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu nhưng lại phải tinh gọn trong tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực” – Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý. 

Ông đề nghị luật phải tạo điều kiện để xây dựng và tổ chức lực lượng dự bị động viên một cách khoa học, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống. Việc xây dựng lực lượng dự bị động viên phải bám sát tình hình, đặc thù trong xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Khẳng định Dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến tại phiên họp; Thường trực UBQPAN khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra sơ bộ để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sắp tới.


Quỳnh Vinh

Những ngày cuối tháng 4/1975, là một thanh niên Sài Gòn (tròn 19 tuổi), tôi cảm nhận rõ sự thay đổi lớn lao của đất nước đang đến rất gần. Và trong ngày 30/4 lịch sử ấy, tôi đã cầm chiếc máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn, ghi lại những khoảnh khắc quân Giải phóng tiến vào nội đô.

Chiến lược dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xác định là nguồn tài nguyên mới, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân. Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đàm Vĩnh Hưng, lại một lần nữa là Đàm Vĩnh Hưng, những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận trong lần xuất hiện hoành tráng của mình. Câu hỏi tại sao lại là Đàm Vĩnh Hưng có thể dễ được lý giải theo chủ quan của Hưng là "các thành phần xấu lợi dụng đẩy câu chuyện này đi xa", nhưng cũng sẵn sàng được một chiều khác của dư luận diễn dịch theo cách: "Vì sự tự tin thái quá dẫn đến quyết định phản cảm của chính Đàm Vĩnh Hưng".

Gần 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang tham gia liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời) như ngồi trên đống lửa khi lúa đã bán đi, tiền chưa nhận được, nợ chi phí sản xuất của vụ Đông Xuân chưa trả thì gánh nặng của đợt xuống giống vụ Hè Thu lại đến…

Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Điện Biên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của quan hệ hợp tác quốc tế, Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại trong đó có hợp tác quốc tế với Công an các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp thuộc 2 quốc gia Lào và Trung Quốc trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia…

Các đơn vị trúng thầu dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đi qua địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã san ủi đồi núi, đổ lấp xuống con sông chảy qua địa bàn xã này hàng nghìn m3 đất đá. Hậu quả của việc làm này không chỉ gây ra tình trạng sông suối bị chặn dòng, thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, sản xuất ở vùng hạ du, mà còn gây ô nhiễm môi trường xung quanh; gây bồi lấp, nhấn chìm ruộng đồng, nhà cửa của hàng trăm hộ dân ở đây vào mùa mưa lũ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文