Quy định chuyển giao bắt buộc đối với tổ chức tín dụng yếu kém

09:04 19/09/2017
Quy định chuyển giao bắt buộc đối với tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những điều khoản được quan tâm nhất trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 18-9.


Do những quan điểm khác nhau, vấn đề này sẽ được Đảng Đoàn Quốc hội báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị cùng với một số nội dung khác.

Làm rõ bản chất pháp lý của phương án chuyển giao bắt buộc

Dự thảo luật mới nhất quy định phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là một trong các phương án sau đây: a) Phương án phục hồi; b) Phương án giải thể; c) Phương án chuyển giao bắt buộc; d) Phương án phá sản. Trong đó, phương án chuyển giao bắt buộc (c) là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác nhận chuyển giao.

Và tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác nhận chuyển giao là tổ chức tín dụng trong nước, tổ chức tín dụng nước ngoài, nhà đầu tư khác có đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ định nhận chuyển giao bắt buộc cổ phần, phần vốn góp của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận.

Dự thảo luật quy định: “Kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định chuyển giao bắt buộc, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chấm dứt”. 

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc hạn chế quyền cổ đông theo định hướng của luật là hoàn toàn phù hợp và bảo đảm tính hợp hiến, do về bản chất, tình trạng tài chính của ngân hàng đã quá yếu kém, không thể phục hồi và các cổ đông của ngân hàng không thể có giải pháp phục hồi ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng này đã âm (tài sản nợ nhiều hơn tài sản có). Quy định này cũng phù hợp với thông lệ nhiều nước đã áp dụng.

Giải trình thêm về quy định này, do nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: “Theo dự thảo luật, Nhà nước sẽ không mua bắt buộc nữa, mà là các tổ chức khác. Trong trường hợp TCTD quá yếu kém, cổ đông không đủ năng lực tài chính để phục hồi hoạt động thì đương nhiên họ mất quyền và nghĩa vụ của họ với tư cách là cổ đông, phải chuyển giao cho tổ chức nào tự nguyện và có đủ năng lực theo quy định của luật tiếp quản việc đó. Chúng tôi cho rằng, quy định này không vi hiến, vì cổ đông còn khả năng”.

Đối với 3 ngân hàng 0 đồng Nhà nước đã mua bắt buộc, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết cũng nằm trong phạm vi xử lý theo dự luật này: Hiện phương án xử lý cuối cùng đối với ngân hàng 0 đồng vẫn còn lúng túng vì cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, Chính phủ chưa thể thông qua phương án xử lý dù chúng tôi chỉnh đi chỉnh lại rất nhiều lần. Đây là vấn đề rất cấp bách, vì nếu có cơ sở pháp lý trong luật thì Chính phủ cũng không đủ cơ sở đưa ra quyết sách xử lý ngân hàng đã mua.

Sau giải trình của Thống đốc Lê Minh Hưng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng vẫn đề nghị việc mua bắt buộc phải hết sức thận trọng, do liên quan đến quyền tài sản của cổ đông. Nếu chỉ vì vài ba người làm sai mà toàn cổ đông bị tước hết quyền tài sản thì phải xem xét cẩn thận.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải chuẩn bị giải trình rõ, làm rõ bản chất pháp lý của phương án chuyển giao bắt buộc; làm rõ sự tương quan và sự khác nhau giữa chuyển giao bắt buộc và mua 0 đồng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Đã đến lúc phải xem lại dưới góc độ Hiến pháp bản chất của việc mua 0 đồng”. 

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ giải trình thêm, Ủy ban Kinh tế xem xét để đưa ra Quốc hội thảo luận và xin ý kiến Bộ Chính trị.

Chưa nhất trí miễn trách nhiệm hình sự đối với người tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém

Về đề xuất miễn trách nhiệm hình sự và dân sự đối với những cá nhân tham gia xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt quy định tại Điều 147, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tỏ ra rất băn khoăn. Theo bà Nga, dù Ủy ban Kinh tế có đưa ra một số thông lệ Quốc tế, nhưng từ xưa đến nay, căn cứ miễn trách nhiệm hình sự không được quy định tại luật chuyên ngành, mà chỉ quy định tại Bộ Luật Hình sự. Nếu quy định miễn trách nhiệm hình sự tại luật này, theo bà Nga, “là thay đổi quan điểm về lập pháp”. Do đó, bà Nga đề nghị cân nhắc kỹ Điều 147.

Chung nỗi băn khoăn đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giải trình thêm, vì điều này cũng liên quan đến Luật Cán bộ công chức. “Theo luật này, cán bộ, công chức phải thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao và có quyền được pháp luật bảo vệ khi thực thi công vụ. Như vậy, nếu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình đúng quy định pháp luật, thì không có lý do gì mà không được pháp luật bảo vệ. Vậy miễn ở đây là miễn gì? Miễn thì sẽ xung đột (với luật khác). Không ai miễn trách nhiệm dân sự, hình sự, trách nhiệm hành chính… mà đã có quy định trong luật rồi. Đề nghị giải thích chỗ này”.

Giải trình thêm, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: Những người tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt của các TCTD không chỉ có công chức, mà trưng tập cả các cán bộ của các ngân hàng thương mại nhà nước, nên không trái với Luật Cán bộ, công chức. 

Thống đốc cũng nhấn mạnh: “Tâm lý anh em hiện nay rất hoang mang. Vào làm Ban Kiểm soát đặc biệt mà không thể lường hết được các rủi ro có thể xảy ra, tâm lý anh em rất nặng nề, nên đề nghị Thường vụ Quốc hội cân nhắc thêm”. 

Tuy nhiên, kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị bỏ Điều 147 vì còn chông chênh, đưa ra Quốc hội sẽ không đồng tình. Sẽ chỉ xem xét vấn đề này khi sửa luật liên quan.

Loại 3 dự án luật khỏi chương trình kỳ họp thứ 4

Chiều 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 4. Theo đó, Đại biểu Quốc hội sẽ được báo cáo kết quả giải quyết thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất; thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để xử lý việc quá tải của sân bay và giao thông khu vực xung quanh sân bay; Các sự cố liên quan đến tàu vỏ sắt.

Theo báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày: Có 2 dự án luật được rút ra khỏi dự kiến chương trình kỳ này, gồm: Luật Hành chính công và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp để tiếp tục hoàn thiện. Như vậy, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 10 dự án luật thay vì 12 dự án luật. 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng: Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường, thì “tôi hiểu là Thường vụ bác rồi, nên phải là rút 3 dự án chứ không phải 2”. 

Điều này được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật trên) xác nhận, do dự án còn nhiều ý kiến khác nhau, trong khi thời gian chỉ còn hơn 1 tháng, sợ rằng cơ quan soạn thảo chưa chỉnh lý được căn cơ, nên 2 cơ quan này đã thống nhất để dự án này đến Kỳ họp tháng 5 năm sau.

Về Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông: Căn cứ kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng, sau khi xem xét tình hình chuẩn bị dự án tại phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc bổ sung nội dung này vào dự kiến chương trình kỳ họp. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Chưa bố trí nội dung này trong dự kiến chương trình gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 23 ngày. Trong đó, xây dựng luật: 10,75 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 10,75 ngày; khai mạc, bế mạc: 1,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 23-10-2017 và dự kiến bế mạc vào 22-11-2017.

Vũ Hân

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文