Đặc trưng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam
Trong đó, Đảng ta nhận thức rõ, đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; phải tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát và bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Trong vấn đề này, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tôn trọng quy luật khách quan luôn được Đảng ta quán triệt, vận dụng sáng tạo.
Trải qua thực tiễn đổi mới, nhận thức lý luận của Đảng ta về các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa được phát triển qua các nhiệm kỳ đại hội, nhất là trong Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011.
Đó là: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Xác định quyền làm chủ của nhân dân là đặc trưng nổi bật, thể hiện rõ mục tiêu, bản chất của chủ nghĩa xã hội. Bản chất của chủ nghĩa xã hội Việt Nam được thể hiện ở quyền làm chủ về kinh tế của nhân dân (bản chất kinh tế), ở xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (bản chất chính trị), ở xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (bản chất văn hóa); bản chất, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội Việt Nam còn hướng tới con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Xác định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một đặc trưng quan trọng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, thông qua sự ủy quyền và kiểm soát quyền lực của nhân dân.
Những bổ sung, phát triển nổi bật của Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 là những bước tiến của nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội của Đảng ta, được thể hiện ở những điểm sau đây: Nhân dân làm chủ; quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; quan hệ dân tộc trong quốc gia đa dân tộc là quan hệ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; quan hệ quốc gia - dân tộc với cộng đồng quốc tế trong hội nhập là quan hệ hữu nghị, hợp tác; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Tám đặc trưng được xác định trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 vừa phản ánh quan niệm tổng quát về chủ nghĩa xã hội vừa làm rõ nội dung các lĩnh vực của đời sống xã hội phải thực hiện. Tám đặc trưng đó trải qua xây dựng sẽ từng bước hình thành, từ định hướng tới định hình, bảo đảm yêu cầu phát triển hài hòa, bền vững chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đặc biệt quan trọng là vai trò lãnh đạo của Đảng với tư cách là lực lượng tiên phong, lãnh đạo và cầm quyền được khẳng định chẳng những trong các văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới mà còn được hiến định trong Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013.
Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tám phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ghi trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 có những phát triển mới so với Cương lĩnh năm 1991. Đặt lên hàng đầu là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Thực hiện phương hướng này vừa phản ánh đặc điểm nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, vừa tính đến xu thế phát triển của thế giới đương đại.
Các phương hướng tiếp theo bao quát các mặt, các lĩnh vực của mô hình chủ nghĩa xã hội ở nước ta: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đảm bảo vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Thực hiện tám phương hướng cơ bản tạo cơ sở để đạt được tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây là quan hệ giữa định hướng xã hội chủ nghĩa với định hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, được thực hiện trong một quá trình lâu dài, phản ánh đúng đặc điểm, yêu cầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.