Đồng chí Nguyễn Văn Linh với công tác Công an và đảm bảo an ninh, trật tự

08:09 30/06/2015
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn trăn trở với câu hỏi “Làm thế nào để củng cố và xây dựng vững mạnh Quân đội và Công an là hai lực lượng trụ cột của chính quyền nhân dân?”. Đồng chí đã có nhiều tư tưởng chỉ đạo quan trọng, mang tầm chiến lược về xây dựng lực lượng Công an, còn nguyên giá trị trong điều kiện hiện nay.

Quan tâm đời sống đồng bào, ngăn chặn hành động phá hoại, chia rẽ

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn luôn căn dặn Đảng ta nói chung, lực lượng Công an nhân dân nói riêng phải thường xuyên quan tâm đến đời sống của đồng bào các dân tộc. Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các dân tộc đã đoàn kết một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ để giành lại độc lập, tự do.

Để phát huy sức mạnh đoàn kết của các dân tộc, đồng chí đã chỉ đạo phải “thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc của Đảng, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân các dân tộc, không để xảy ra sơ hở, thiếu sót”. Tư tưởng chỉ đạo trên đây của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thực sự có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh các thế lực thù địch đang dùng mọi âm mưu, tăng cường hành động phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, trong khi đó đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc là những vùng có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt.

Đối với công tác đảm bảo an ninh trong lĩnh vực tôn giáo, đồng chí căn dặn: ở Việt Nam vì có đông đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; niềm tin tôn giáo đã ăn sâu vào đồng bào theo đạo, trở thành phong tục, tập quán mang tính truyền thống nhưng đồng bào các tôn giáo đều một lòng theo Đảng, gắn bó với dân tộc, có nhiều đóng góp cho cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh thăm Sở Công an TP Hồ Chí Minh. Ảnh: tư liệu.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy bọn đế quốc chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và sự nghiệp cách mạng, trái lại chúng luôn tìm mọi cách để thực hiện bằng được ý đồ đó. Chính vì thế, trong công tác đảm bảo an ninh tôn giáo, đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ đạo phải tăng cường công tác vận động tôn giáo và nhất quán khẳng định: “Chúng ta luôn luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng chúng ta cũng kiên quyết trừng trị bọn phản động đội lốt tôn giáo và những bọn xấu trong các tôn giáo chống lại nhân dân”.

Xử nghiêm những kẻ tham nhũng, ăn của dân

Là người đứng đầu Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn giữ gìn đức tính liêm khiết, khiêm tốn, cuộc sống đời tư vô cùng giản dị.  Trong điều kiện kinh tế của đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn, đồng chí Nguyễn Văn Linh cực lực phê phán và thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh, “trừng trị thẳng thừng” với những hành vi tham nhũng, tiêu cực, phá hoại nền kinh tế, đục khoét tài sản của Nhà nước, nhân dân, xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có lực lượng Công an nhân dân, cần tập trung giải quyết tốt để nâng cao uy tín của Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân vào chế độ.

Đồng chí chỉ rõ, để chống tham nhũng “phải thực hiện đồng bộ những biện pháp về xây dựng, hoàn chỉnh bộ máy, cơ chế quản lý và pháp luật, xử lý nghiêm những người vi phạm, đồng thời tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng và quản lý chặt chẽ nội bộ”. Phương hướng xử lý đối với những vụ việc, người có hành vi tham nhũng là: “những vi phạm pháp luật đã được phát hiện, tội đã rõ đến đâu thì xử lý đến đó, không chờ đợi. Mọi hành vi gây tổn hại đến lợi ích của nhân dân và của xã hội đều phải được xem là tội ác, phải được xử lý nghiêm khắc theo pháp luật nhà nước, không miễn trừ bất kỳ ai”.

Trước tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp, có chiều hướng phát triển mạnh, nhận rõ tác hại nhiều mặt của nó là “giết chết sản xuất trong nước; vàng và đô la chảy ra nước ngoài; đẩy giá cả tăng cao; Nhà nước thất thu thuế; làm thoái hóa biến chất cán bộ, đảng viên; bất công xã hội tăng lên, v.v…”, đồng chí Nguyễn Văn Linh giao nhiệm vụ cho lực lượng Công an “phải tham gia đắc lực và có hiệu quả vào mặt trận này. Nhưng đừng để ai sa ngã, tiếp tay cho buôn lậu”. Đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu là nhiệm vụ hết sức khó khăn, lâu dài, vì vậy đồng chí đòi hỏi phải biết dựa vào nhân dân, “nếu không dựa vào dân, vào các đoàn thể, không phát động nhân dân để nhân dân phát hiện bọn tham nhũng, buôn lậu”.

Lấy dân làm tai mắt

Để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, đồng chí Nguyễn Văn Linh khẳng định “Hoạt động của Công an nhất thiết phải dựa vào dân, phát động được nhân dân, lấy dân làm tai mắt hỗ trợ”. Vì vậy, lực lượng Công an phải làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng và phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Theo đồng chí, đây là vấn đề có tính nguyên tắc đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an. Trong vận động quần chúng, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng chí đã chỉ đạo lực lượng Công an phải “thường xuyên đi sát nhân dân. Rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chăm lo lợi ích của đồng bào từ việc ăn, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, bằng việc làm thiết thực, cụ thể...

Tuyên truyền hướng dẫn nhân dân nâng cao cảnh giác, thực hiện quyền làm chủ bảo vệ xóm làng, quê hương… Các cán bộ làm công tác an ninh, trật tự như Công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, hội đồng bảo vệ trật tự an ninh… phải thật sự gương mẫu, tôn trọng quyền làm chủ của dân, không được cậy quyền sách nhiễu nhân dân. Phải lắng nghe nhân dân góp ý về công tác an ninh, trật tự”.

Không chỉ vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, đồng chí Nguyễn Văn Linh còn yêu cầu lực lượng Công an phải “Tăng cường phối hợp chặt chẽ với quốc phòng và ngoại giao, với các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Chỉ bằng sức riêng của ngành thì không đủ sức giải quyết một vấn đề phức tạp và khó khăn như công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội”.

Xây dựng đội ngũ cán bộ Công an tinh thông nghiệp vụ, tôn trọng nhân dân

Trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn trăn trở với câu hỏi “Làm thế nào để củng cố và xây dựng vững mạnh Quân đội và Công an là hai lực lượng trụ cột của chính quyền nhân dân”.

Với những suy nghĩ, trăn trở đó, đồng chí đã nêu lên nhiều tư tưởng chỉ đạo quan trọng, mang tầm chiến lược về xây dựng lực lượng Công an như: Nói đến Công an trước hết phải nói đến bản chất, tính chất chính trị của lực lượng Công an, đó là lực lượng của ai, do ai lãnh đạo, chiến đấu, công tác vì mục đích gì?

Trước nguy cơ suy yếu, tan rã của lực lượng vũ trang một số nước xã hội chủ nghĩa, trước sự chống phá của các thế lực thù địch với luận điệu đòi “phi chính trị hóa” Công an, đồng chí đã rất tỉnh táo, nhạy bén chỉ đạo “Cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân... Nếu không vững vàng chỗ này thì sẽ vô hiệu hóa Quân đội và Công an, những công cụ sắc bén của chính quyền nhân dân, chỗ dựa tin cậy nhất của Đảng và Nhà nước”.

Để xây dựng lực lượng Công an, đồng chí chỉ rõ phải tập trung vào công tác cán bộ, coi đây là khâu đột phá, vì “Mọi sự đổi mới trước hết phụ thuộc vào việc đổi mới cán bộ… khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong xã hội cũng phải lấy việc giải quyết vấn đề cán bộ như một trong những mắt khâu quan trọng nhất”. Do đó, phải xây dựng đội ngũ cán bộ Công an đảm bảo các tiêu chí “tinh thông nghiệp vụ, biết công tác quần chúng, dân chủ với dân, tôn trọng nhân dân và phải rất trong sạch”.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sát sao, toàn diện của đồng chí Nguyễn Văn Linh, lực lượng Công an nhân dân đã ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, thực sự là “thanh bảo kiếm”, là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2015), lực lượng Công an nhân dân trân trọng và biết ơn những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng, với cách mạng và với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Những chỉ đạo của đồng chí đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội nói chung và đối với lực lượng Công an nhân dân nói riêng đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự, đã và đang được lực lượng Công an nhân dân nghiên cứu, quán triệt, phát huy trong các lĩnh vực công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Đại tá, TS Đinh Ngọc Hoa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị CAND

Chiều 29/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới khi TP Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc rà soát tuyến nội đô, các ngã tư lớn, các tuyến phức tạp về an toàn giao thông (ATGT) để tập trung xử lý nghiêm vi phạm, ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của CBCS để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông

Quy định 3 chế độ quản lý dao có tính sát thương cao gắn với mục đích sử dụng; bổ sung các loại vũ khí quân dụng; cắt giảm các giấy tờ, thủ tục cấp các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ... là một số điểm mới được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Sáng 29/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện bắt tạm giam Nguyễn Văn Linh (SN 2000, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) và Thái Nguyễn Triều (SN 2004, trú xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

100 sinh viên Học viện CSND đến hiến máu trong lễ phát động Chủ nhật Đỏ lần thứ 17 - năm 2025. Chủ nhật Đỏ đã thu được hơn 400 nghìn đơn vị máu, phục vụ công tác cấp cứu và điều trị cho hàng trăm nghìn người bệnh trong suốt 16 năm qua.

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Câu chuyện “lương, thưởng Tết cuối năm” luôn là vấn đề được hàng triệu người lao động quan tâm. Dù việc thưởng Tết không có quy định bắt buộc nhưng từ lâu đã trở thành văn hóa của các đơn vị, doanh nghiệp tại Việt Nam. Thưởng Tết cũng là một phần không thể thiếu trong các mối quan hệ nghề nghiệp, không chỉ mang lại niềm vui, sự quan tâm, còn là động lực để người lao động thêm gắn bó với nơi làm việc.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 161/2024/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ. Nghị định sẽ có hiệu lực chính thức từ 1/1/2025.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文