Ấm áp bữa cơm miễn phí của một cô giáo giàu lòng nhân ái

08:38 13/12/2018
4 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đã tự nguyện nấu cơm trưa miễn phí cho hàng chục học sinh. Nhờ tấm lòng thơm thảo của cô Nguyên mà nhiều học sinh nghèo được tiếp thêm nghị lực để theo đuổi con chữ.


Không đành lòng nhìn nhiều học sinh nghèo đi học xa nhà, lắm khi phải nhịn ăn bữa trưa để ở lại trường kịp học buổi chiều, hơn 4 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đã tự nguyện nấu cơm trưa miễn phí cho hàng chục học sinh. Nhờ tấm lòng thơm thảo của cô Nguyên mà nhiều học sinh nghèo được tiếp thêm nghị lực để theo đuổi con chữ.

"Người mẹ thứ 2" của học sinh nghèo

Khi được hỏi duyên cớ nào khiến mình quyết định nấu bữa trưa miễn phí cho học sinh nghèo, cô Nguyên chia sẻ: "Cách đây khoảng 5 năm, trong một lần lấy xe chuẩn bị về nhà, tôi trông thấy một em học sinh đang ngồi dưới gốc cây bàng mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Sau đó cô bé ấy giở trong túi bóng một nắm cơm trắng và một ít muối vừng ra ăn. 

Nhìn hình ảnh đó tôi bị ám ảnh rất nhiều. Về nhà, tôi cứ trăn trở suy nghĩ rằng mình phải làm được điều gì đó để giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cuối cùng tôi mạnh dạn thổ lộ với chồng là muốn nấu cơm trưa cho một số em học sinh nghèo, không ngờ chồng tôi đồng ý". Ban đầu, chỉ vài ba đứa trẻ đến nhà cô Nguyên ăn trưa. Sau dần, bọn trẻ mách nhau và đến mỗi ngày một đông, có thời điểm lên tới ba chục học sinh.

Bữa ăn ấm áp tại gia đình cô giáo Hạnh Nguyên.

Để phục vụ cho từng đó suất ăn của các em học sinh, trong nhà cô Nguyên lúc nào cũng phải tích ít nhất 2 bao gạo. Cô Nguyên cười bảo: "Các con đang tuổi ăn tuổi lớn nên ăn chỉ biết no chứ không biết chán". 

Hằng ngày, cô Nguyên phải dậy từ 5 giờ sáng để đi chợ mua thức ăn sau đó lại tất tả về nhà chuẩn bị nguyên liệu sẵn rồi sau đó mới đến trường dạy học. Hết tiết, cô Nguyên lại vội vàng phóng xe máy hơn 10 cây số về nhà để kịp nấu bữa trưa cho học sinh. Mới đầu, khi chứng kiến vợ chồng cô Nguyên nấu cơm cho bọn trẻ ăn, nhiều người ác khẩu nói "nhà đó thừa tiền thì cứ để cho thiên hạ tiêu bớt cho"; cũng có người bảo rằng: "Chắc lại cho ăn đồ vớ đồ vẩn, đồ bỏ đi chứ gì". 

"Lúc đầu nghe mọi người nói vậy tôi cũng buồn lắm chứ. Bởi rõ ràng mình có ý tốt mà người ta lại không hiểu đúng. Nhưng rồi tôi cũng kệ, không quan tâm nhiều nữa đến những lời dị nghị của thiên hạ, miễn mình cảm thấy việc mình làm là đúng, là tốt cho các con thì mình cứ làm thôi. Đến giờ này thì không ai còn nói gì về vợ chồng tôi nữa" - Cô Nguyên tâm sự. 

Để có tiền mua thực phẩm nấu ăn trưa cho các học sinh nghèo vợ chồng cô Nguyên đã phải bớt suất lương trung tá quân đội xuất ngũ của chồng cô. Chỉ vào đống xoong nồi trong bếp, cô Nguyên cười lớn: "Đấy, từ ngày nấu ăn trưa cho các con, tôi phải đi sắm toàn những thứ "khủng" thế này. Xoong chảo toàn hàng quân dụng, đủ có thể phục vụ cho cả một tiểu đội".

Để có được bữa trưa ngon miệng cho các em học sinh, buổi tối vợ chồng cô Nguyên phải lên thực đơn sẵn. Cô Nguyên bảo, nhiều lúc vợ chồng cô đã từng phải tranh luận gay gắt về các món ăn. 

"Chồng tôi rất tốt, anh ấy thường đảm nhiệm việc cắm sẵn cơm, nhặt và rửa rau để tôi về chỉ việc nấu nướng cho các con ăn. Tuy nhiên, về tâm lý ăn uống của các con thì chồng tôi lại không để ý. Ví dụ như các con là nữ thì chỉ thích ăn thịt nạc thôi, nhưng nam thì lại có thể ăn cả nạc lẫn mỡ nên phải làm thế nào để phù hợp khẩu vị của các con. Chính vì thế mà nhiều khi vợ chồng tôi tranh luận với nhau rất gắt. Quan điểm của tôi là đã không nấu thì thôi chứ một khi đã nấu rồi thì phải để cho các con ăn không những ngon miệng mà phải đủ chất dinh dưỡng".

Cô Nguyên không kịp thay bộ quần áo đi dạy đã tất bật vào bếp nấu bữa trưa cho các con.

Chỉ lo các con bỏ học giữa chừng

Năm 1990, cô Nguyên tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình sau đó về công tác tại trường Tiểu học Thạch Bình. Từ đó đến nay, gần 30 năm cô gắn bó với học sinh tại các điểm trường lẻ xã Thạch Bình. Sinh ra và lớn lên tại xã nghèo vùng cao nơi có đông đồng bào dân tộc nên cô Nguyên hiểu hơn ai hết những vất vả, khó khăn và thiệt thòi của những đứa trẻ nơi đây. Chính bởi vậy nên cô Nguyên lúc nào cũng mong muốn làm được điều gì đó thiết thực để giúp đỡ các em học sinh.

Xã Thạch Bình nơi cô Nguyên sinh sống có địa hình đồi núi, nhiều nơi xa trung tâm xã đến hơn chục cây số, nên để thuận tiện cho học sinh, Trường Tiểu học Thạch Bình phải mở thêm 3 điểm trường lẻ. Các em nhà xa trung tâm xã có thể học ở điểm lẻ từ lớp 1 đến lớp 3, lên lớp 4 phải về trường trung tâm xã theo học. 

Bản thân cô Nguyên hiện đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 2E điểm lẻ xóm Quảng Mào. Xóm Quảng Mào cách trung tâm xã gần chục cây số, đa phần học sinh ở đây đều là người dân tộc, thuộc hộ khó khăn. Vì thế, khi lên lớp 4 phải học tại trường trung tâm xã cả ngày nên nhiều em không có chỗ nghỉ trưa và phải gói cơm trắng với muối vừng mang theo. Những đứa trẻ này trước đó cô Nguyên từng dạy học nên cô thuộc gia cảnh của chúng. 

"Nếu là học sinh lớp 4 ở thành phố, có thể các em đã khá phổng phao nhưng học sinh ở vùng cao thì nhỏ bé và gầy gò lắm nên không thể đạp xe đi đi về về cả chục cây số được. Nhiều em từng tâm sự với tôi rằng, chúng muốn bỏ học vì quá mệt, và vì buổi trưa ăn uống luôn trong tình trạng đói bụng. Mỗi lần như vậy tôi chỉ biết động viên các con cố gắng vượt qua những khó khăn trước mắt, rằng chỉ có học mới giúp các con khỏi khổ. Tôi luôn rất sợ một em học sinh nào đó vì không chịu được vất vả mà bỏ học giữa chừng" - cô Nguyên trải lòng.

Chính nỗi lo đau đáu ấy đã giúp cô Nguyên có động lực vượt hàng chục cây số đường đồi núi nhấp nhô để về nấu cơm trưa cho các em học sinh nghèo. Bình thường nhà chỉ có 2 vợ chồng, đến bữa nấu chưa đến 1 bát gạo ăn cũng không hết nhưng kể từ khi nấu ăn cho học sinh thì chồng cô luôn phải cắm 2 nồi cơm rất to. 

Cô Nguyên chia sẻ, đúng là nếu chỉ đi dạy không thôi thì cuộc sống của vợ chồng cô thảnh thơi vô cùng. Ở nhà chỉ còn 2 "thân già", con cái cũng đã trưởng thành hết rồi. Nhưng 4 năm nay, vợ chồng cô Nguyên lúc nào cũng trong tình trạng bận rộn như có con mọn. Nhiều khi vừa về đến nhà, chỉ kịp cất chiếc cặp, bộ quần áo đi dạy còn chưa kịp thay cô Nguyên đã phải lao vào bếp nấu bữa trưa sao cho sớm nhất có thể để cho các con còn có thời gian nghỉ ngơi.

Các học trò giúp cô chuẩn bị cho bữa ăn trưa.

Em Bùi Văn Thạo, lớp 8B trường THCS Thạch Bình kể: "Nhà chúng cháu cách xa trường hơn 10 cây số nên muốn đến trường cho kịp học chúng cháu phải đi từ tờ mờ sáng. Buổi trưa thì không thể quay về nhà ăn cơm được vì về như thế vừa mệt vừa không kịp học buổi chiều nên chúng cháu thường phải mang cơm nắm đi ăn. Cô Nguyên biết thế nên thương chúng cháu lắm. Cô bảo cứ về tất nhà cô cô nấu cơm cho ăn để còn lấy sức mà học. Nhà cháu chẳng có gì góp cho cô, thỉnh thoảng chỉ mang được mớ rau để cô nấu canh thôi ạ. Chúng cháu biết ơn cô Nguyên nhiều lắm".

Em Bùi Thị Hiền, học sinh lớp 8A thì hào hứng khoe: "Nhà cháu nghèo, bữa cơm bình thường chẳng mấy khi có cá, thịt để ăn đâu. Đến nhà cô Nguyên ăn cơm, ngày nào cháu cũng được ăn cơm với cá, thịt nên cháu ăn nhiều lắm. Cô bảo các con cứ ăn đến khi nào no căng bụng thì thôi, cô đủ sức nuôi. Nhiều lúc cháu nghĩ nếu không được cô Nguyên nuôi chắc có khi cháu bỏ học mất rồi".

Không chỉ nấu cơm trưa miễn phí cho những học sinh nghèo của Trường tiểu học Thạch Bình, vợ chồng cô Nguyên còn nhận nuôi 2 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương. Hai em nhỏ này sẽ được vợ chồng cô Nguyên nuôi ăn, học đến tuổi trưởng thành. 

Cô Nguyên luôn tâm niệm "tiền bạc thì ai cũng quý nhưng có những thứ còn giá trị hơn tiền bạc rất nhiều". Hạnh phúc của cô Nguyên đôi khi chỉ đơn giản là nhìn thấy nụ cười tươi rói của các con sau khi đã "ấm bụng". Điều đó sẽ giúp chúng có thêm động lực trên con đường chinh phục "con chữ" đầy gian nan.

Cô Đào Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạch Bình cho biết: "Cô Nguyên nấu cơm trưa miễn phí cho học sinh nghèo tính đến nay cũng được 4 năm rồi. Thực sự việc làm này của cô Nguyên khiến không chỉ những giáo viên trong trường mà ngay cả những người trong làng, trong xã đều rất ngưỡng mộ. Nếu không có tấm lòng yêu thương học sinh chân tình thì không thể làm được việc làm ý nghĩa ấy trong suốt một thời gian dài. Chính nhờ vợ chồng cô Nguyên mà nhiều em học sinh đã được tiếp thêm động lực để đến trường học con chữ mong thay đổi cuộc đời".
Phong Anh

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước liên tục ghi nhận các vụ việc đua xe trái phép do nhóm thanh, thiếu niên thực hiện. Không chỉ gây nguy hiểm cho chính người tham gia, hành vi này còn là mối đe dọa trực tiếp đến an toàn giao thông, trật tự xã hội và sự bình yên của cộng đồng. 

Khoảng chiều và đêm 17/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 18-20 độ C, vùng núi có nơi dưới 15 độ C.

Ngày 16/11, báo cáo với đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy làm trưởng đoàn, đại diện đơn vị thi công Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan (đoạn qua địa bàn Đà Nẵng) cho biết hiện đang bố trí khoảng 30 mũi thi công để đáp ứng tiến độ; nhưng còn một số vướng mắc về mặt bằng, một số điểm người dân cản trở thi công; mưa nhiều, bụi mù, ùn tắc...

Ngày 16/11, Cục CSGT cho biết, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) đang củng cố hồ sơ xử lý một tài xế ô tô dừng xe ở làn khẩn cấp cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết để cả gia đình ngồi ăn tối.

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Lúc 8h ngày 16/11, tại khu vực biên giới gần cột mốc 172, thuộc ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), Đồn Biên phòng Phước Chỉ phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Công an thị xã Trảng Bàng bắt quả tang Xu Xin (SN 1997, quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.

Trận lũ quét xảy ra hôm 29/10 vừa qua đã để lại những hậu quả nặng nề về người và của, nằm ngoài tiên lượng của giới chức chính trị Tây Ban Nha và nghiêm trọng hơn, nó còn khiến cho giới chức chính trị Tây Ban Nha chỉ trích và đỗ lỗi cho nhau trong cách ứng phó thiên tai.

Ngày 16/11, Công an huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã di lý đối tượng Bùi Văn Hồng (SN 1988), từ xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh về địa phương để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文