Chàng trai trẻ và chuỗi dự án xã hội miễn phí

08:12 11/06/2020
Với những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng, năm 2019, Bình đã vinh dự được nhận giải thưởng “Người tốt việc tốt” của Thủ đô Hà Nội.


Sáu năm qua, Hoàng Quý Bình, SN 1995 (Cẩm Giàng, Hải Dương) luôn bận rộn với các dự án xã hội như: “Dạy học miễn phí”; “Thư viện miễn phí”; “Đổi rác lấy quà”...

Với những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng, năm 2019, Bình đã vinh dự được nhận giải thưởng “Người tốt việc tốt” của Thủ đô Hà Nội. Tháng 9 tới đây, chàng trai trẻ này sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo” cho các dự án xã hội được tổ chức tại Singapore.

Mẹ là người truyền cảm hứng thiện nguyện

Dù mới chỉ 25 tuổi nhưng những gì chàng trai trẻ Hoàng Quý Bình đã làm được khiến nhiều người không khỏi khâm phục. Khi được hỏi, cơ duyên nào khiến mình đến với các hoạt động thiện nguyện thì Bình cười bảo: “Đó chính là mẹ mình. Ngay từ nhỏ mình đã nhiều lần chứng kiến tấm lòng nhân hậu của mẹ đối với những người ăn xin, những người có hoàn cảnh khó khăn. 

Có lần một người ăn xin vào nhà xin ăn, mẹ đã không chần chừ mà mang ngay bát cơm với hộp ruốc ra mời họ. Khi đó mình đã hậm hực nói với mẹ, sao trong nhà có cả lọ muối vừng mà mẹ không lấy cho họ ăn lại đi lấy lọ ruốc của con thì mẹ bảo: “Không phải lúc nào cũng có cơ hội để giúp đỡ người khác đâu con ạ. Thế nên nếu có cơ hội thì con hãy giúp đỡ hết lòng nhé!”.

Năm 2014, Bình đỗ đại học và lên Hà Nội học. Khi chứng kiến những đứa trẻ của mấy cô lao công trong trường lẽo đẽo theo mẹ làm việc, Bình đã ngỏ lời muốn được dạy học miễn phí cho bọn trẻ. 

Ban đầu những cô lao công nghi ngờ ý tốt của Bình nhưng trước sự chân thành và kiên nhẫn của Bình họ đã đồng ý. “Lớp học miễn phí” đầu tiên của Bình được tổ chức ngay ở phòng trọ của ký túc xá. Đó cũng là khởi đầu cho hành trình thiện nguyện sau này.

Hoạt động của dự án “Đổi rác lấy quà”.

Cuối năm thứ nhất đại học, Bình đến làng trẻ SOS Hà Nội xin dạy học miễn phí cho những đứa trẻ bất hạnh tại đây. Nhận được sự đồng ý, Bình dạy 10 học sinh của một trong 16 ngôi nhà tại làng trẻ khi đó, tuy nhiên nhiều lúc cậu thấy quá tải. 

Bình nghĩ phải tìm cách nào đó để tập hợp được nhiều người hơn nữa đến giúp các em nhỏ ở đây. Sau một thời gian kêu gọi tình nguyện viên trên trang facebook cá nhân, Bình đã nhận được rất nhiều sự đồng tình, ủng hộ của các bạn trẻ. Câu lạc bộ “Ngày mai tươi sáng – ACE” đã được thành lập ngay sau đó. 

Ban đầu ACE chỉ có 10 thành viên, rồi con số tăng lên từng ngày và đạt được 200 chỉ sau một tháng kêu gọi. Với sự điều phối của Bình, các thành viên câu lạc bộ ACE duy trì 16 lớp học cho 150 em nhỏ trong làng trẻ SOS. Có thêm tình nguyện viên nên với những học sinh cuối cấp, cần những kiến thức chuyên sâu hơn để thi tốt nghiệp, Bình đã bố trí tách riêng lớp và duy trì 3 buổi học mỗi tuần.

Hỏi động lực nào khiến Bình có thể duy trì lớp học tại làng trẻ SOS đều đặn suốt một thời gian dài đến thế thì Bình bảo: “Đó chính là tình yêu thương đối với các em nhỏ có hoàn cảnh bất hạnh. Nhiều khi trò chuyện, các em ấy kể với mình rằng 1 năm các em ấy chỉ về quê 2 lần thôi, 1 lần giỗ bố và 1 lần giỗ mẹ, rất thương. 

Cảm giác các em chỉ có một mình trên đời nên thấy thương nhiều hơn. Nhiều bài văn tả bố, tả mẹ thì các em không biết làm thế nào. Những lúc như thế mình lại hướng dẫn bọn trẻ hãy tả những người mẹ đang nuôi nấng các em tại làng SOS”.

Thư viện miễn phí – điểm đến của những người ham mê đọc sách.

Dự án “dạy học miễn phí” không chỉ diễn ra ở làng trẻ SOS mà còn ở 10 phường trên địa bàn Hà Nội như: Bách Khoa, Đồng Tâm, Mai Dịch, Trương Định, Láng Hạ... cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Trước khi dự định đến địa bàn nào đó để dạy học miễn phí, nhóm của Bình sẽ liên hệ trước với Bí thư đoàn phường. Tuy nhiên, dù được Bí thư đoàn giới thiệu trước với một số phụ huynh nhưng nhiều khi các thành viên của dự án vẫn gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ họ. 

“Nhiều người họ không tin bọn mình có ý tốt nên khi mình dạy con của họ, họ sẽ kè kè bên cạnh để giám sát. Nhưng có những người thậm chí còn chẳng thèm nghe bọn mình trình bày mà đuổi xơi xơi khiến nhiều bạn cũng cảm thấy buồn, thấy tủi thân. Tuy nhiên không phải vì những khó khăn ban đầu gặp phải mà chúng mình lùi bước” – Bình nhớ lại những ngày tháng khó khăn.

Thầy Bình hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em làng SOS.

Chàng trai "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"

Thành công với dự án “Dạy học miễn phí”, năm 2017, Bình tiếp tục khởi động một dự án xã hội khác có tên “Thư viện miễn phí” (D Free Book). Bình cho biết: “Sở dĩ mình có ý định thành lập thư viện miễn phí là do khi ấy mình đang có một tủ sách khoảng 300 quyển. 

Mình nghĩ rằng nếu để sách như thế thì rất lãng phí, trong khi có nhiều bạn sinh viên rất ham đọc sách nhưng lại không có tiền thể mua. Chính vì vậy nên mình nghĩ sẽ xây dựng một tủ sách miễn phí. Ban đầu tủ sách được đặt ngay tại chính phòng trọ của mình. Một năm sau mình bắt đầu thuê một gian rộng hơn để nhiều bạn có cơ hội đến đọc sách”. 

Hiện thư viện sách miễn phí của Bình đang có 2 cơ sở, một ở Lê Thanh Nghị và một ở Cầu Giấy. Số sách của 2 thư viện này cũng đã lên tới 5.000 cuốn với nhiều thể loại khác nhau như: sách văn học, tiểu thuyết, sách kỹ năng, sách tư duy, sách làm giàu, sách ngoại văn. 

Để duy trì thư viện sách miễn phí, kinh phí hầu hết do các thành viên của dự án tự nguyện đóng góp, phần khác nhóm sẽ tổ chức bán cây xanh ngay tại thư viện.

Trong 3 năm thành lập, “Thư viện miễn phí” đã có hơn 50.000 lượt bạn đọc đến mượn sách, chưa kể rất nhiều người khác đọc tại chỗ. Bạn đọc của thư viện D Free Book không chỉ là sinh viên mà còn có các em nhỏ đến cả các cụ già tóc bạc phơ. 

Cứ sau 3 tháng, nhóm của Bình sẽ mang sách tặng các em nhỏ vùng cao, gửi đến người cần. Việc làm này vừa làm mới sách của thư viện vừa lan tỏa ý nghĩa đến với cộng đồng.

Và cũng chính tại 2 thư viện này Bình đã mở thêm 1 dự án là “Lớp học dịu dàng”. Lớp học này được tổ chức vào tất cả các buổi tối trong tuần dành cho những bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. 

Tại đây các học viên sẽ có rất nhiều sự lựa chọn như tham gia các lớp học tiếng Anh, Trung, Nhật, Hàn, các lớp hội họa, ghi ta, lớp học thư pháp... Dự án này có khoảng 30 giảng viên tham gia, tất cả đều miễn phí.

Bình cùng các cộng sự trong dự án “Cuộc sống xanh”.

“Đổi rác lấy quà” cũng là 1 trong 4 dự án xã hội của Hoàng Quý Bình. Đây là một dự án về môi trường có tên là Green life (Cuộc sống xanh). Dự án này khuyến khích mọi người trong việc phân loại rác tại nguồn và tại nhà. 

Khi mọi người phân loại ra thì mọi người sẽ được đổi lấy những cây xanh và những sản phẩm thân thiện với môi trường như xà bông, nước rửa, nước giặt, bàn chải làm từ tre, gỗ, dừa… 

Đó là những món quà để khuyến khích hành động của mọi người và lan tỏa cuộc sống xanh. Từ khi dự án đi vào hoạt động, nhóm của Bình đã tổ chức được gần 40 sự kiện tại các khu đông dân cư như: trung tâm thương mại, trường học...

Hoạt động này thường được tổ chức vào cuối tuần. Thành viên chính thức của dự án này có khoảng 30 người nhưng số cộng tác viên trên khắp cả nước thì lên tới con số hàng nghìn người. 

“Nguồn quà để tặng mọi người xuất phát từ việc nhóm sẽ bán đồ trong các sự kiện. Ngoài ra khi bọn mình gửi rác đến các nhà máy rác thì họ sẽ hỗ trợ cho nhóm mình một khoản nên bọn mình mới có kinh phí để hoạt động. Khi bọn mình tổ chức sự kiện thì mọi người sẽ mang rác đến để đổi lấy quà”.

Khi được hỏi sao một chàng trai trẻ lấy đâu ra nhiều năng lượng để làm hết dự án xã hội này đến dự án xã hội khác thì Bình cười bảo: “Mình cũng không biết nữa. Chỉ thấy rằng khi làm các dự án đó mình “lãi” rất nhiều”. 

Đó là những người bạn, kỹ năng sống, những hiểu biết và cả các mối quan hệ. Hơn nữa, khi được làm những việc mình thích, bạn sẽ chỉ thấy hứng thú chứ hoàn toàn không thấy mệt mỏi chút nào. Bởi, cho đi cũng chính là hạnh phúc”.

Phong Anh

Với thủ đoạn giả danh công an, nhóm đối tượng đe dọa nạn nhân nghi vấn liên quan đến số tiền bất minh để chiếm đoạt hơn 2 triệu USD ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra đã xác lập chuyên án đấu tranh. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa Công an tỉnh Tây Ninh cùng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và công an nhiều tỉnh, thành phố khác đã nhanh chóng bắt giữ các đối tượng gây án, thu hồi toàn bộ tài sản.

Dòng sông Dâu cổ xưa đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh đã bị bồi lắng trở thành ruộng đồng từ hàng trăm năm qua. Cuối năm 2024, trong lúc nạo vét cải tạo một ao cá (thuộc khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành), người dân đã phát hiện hai chiếc thuyền cổ nằm song song với nhau, được đấu nối thành thuyền song thân.

Cuộc xung đột ở Ukraine dần đi đến hồi kết, mở ra hi vọng cho Kiev nhận được hàng tỷ USD hỗ trợ từ các nước phương Tây để tái thiết đất nước. Tuy vậy, để hiện thực hóa tiến trình đó, ngoài chi phí khổng lồ và một chính sách phát triển hợp lý, Ukraine còn cần nguồn nhân lực mạnh mẽ. Bài toán của Ukraine lúc này là làm sao thuyết phục hàng triệu người đã rời bỏ đất nước trở về.

Những concert đình đám với hàng chục ngàn khán giả tham dự, những TV show mang lại cả tỷ lượt xem, những MV hits với hàng trăm triệu lượt nghe, xem kéo theo doanh thu khủng đang cho khán giả cảm nhận về một thị trường âm nhạc nhộn nhịp của Việt Nam trong những năm gần đây.

16 năm trước, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) đã thực hiện di dời gần 1.000 hộ dân vạn đò trên sông Hương lên bờ tái định cư. Tuy nhiên, do không thuộc diện được cấp đất ở nên có nhiều hộ dân vạn đò phải dựng nhà tạm để sinh sống và chưa biết đến khi nào mới được an cư.

Giữa lúc chiến sự tại miền Đông Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/3 (giờ địa phương) đã đưa ra một đề xuất đáng chú ý: thành lập một chính quyền lâm thời ở Ukraine dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ), với sự tham gia của cả Nga, Mỹ và các nước châu Âu...

Từ những bất cập trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã đưa vào khai thác nhưng thiếu các trạm dừng nghỉ, nhà đầu tư đã bổ sung đầu tư các dự án trạm dừng nghỉ trên tuyến, đồng thời đốc thúc các địa phương nhanh chóng thực hiện khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai thi công các dự án đã được quy hoạch trên tuyến.

Quá nửa đêm, cả khoảng không lặng im. Trên những toà nhà cao chọc trời, từng ô cửa bắt đầu tối đèn… Giữa khoảng sân rộng gió lùa hun hút, người đàn ông đội chiếc mũ lưỡi trai che gần kín khuôn mặt, lặng lẽ quan sát làm nhiệm vụ. Anh là Thượng úy Nguyễn Đức Duy, nguyên cán bộ Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an quận Bắc Từ Liêm, nay là cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an TP Hà Nội- một trong 10 "Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu" năm 2024, vừa được biểu dương. 

Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Vân Đồn tại xã Đoàn Kết, huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh hoạt động từ năm 2018, là sân bay tiêu chuẩn cấp 4E, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay hiện đại, công suất khai thác 2,5 triệu lượt khách mỗi năm. Bảy năm qua, đã có hàng nghìn chuyến bay được tổ chức thành công nơi đây, góp phần kích cầu du lịch, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.