Chuyện cảm động về một người mẹ kế

13:29 21/10/2015
Chồng mất được 20 năm, một mình người mẹ ấy tần tảo nuôi 5 đứa con riêng của chồng cho đến khi khôn lớn, dựng vợ gả chồng. Người mẹ ấy đã từng trải qua những ngày nhịn đói, những ngày ăn rau dại độn khoai sắn chỉ để có gạo gửi cho các con đi học. Hình ảnh người mẹ già tần tảo sớm hôm làm thuê nuôi con chồng trong căn nhà nhỏ ở thôn Thụy Điền (xã Tân Lập, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đã xua tan đi quan niệm "mẹ ghẻ, con chồng" vẫn tồn tại trong định kiến của nhiều người dân nơi đây...

Đi bước nữa vì thương... con chồng

Khi kể câu chuyện về cuộc đời của bà Nguyễn Thị Thăng ở thôn Thụy Điền không ai mà không cảm thấy ngưỡng mộ, thán phục. Cách đây nhiều năm, khi bà Thăng quyết định lấy chồng, nhiều người trong gia đình đã hết sức ngăn cản. Bởi lẽ, người mà bà muốn gắn bó cả đời lại có tới 5 đứa con riêng.

Vào thời điểm đó, người chồng trước của bà Thăng đã mất được một thời gian, hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, nhiều người cũng phân tích cho bà sự khó khăn nếu bước chân vào làm dâu, làm mẹ của 5 đứa trẻ nhỏ. Có những lúc bà cũng phân vân suy nghĩ, nhưng nhìn cảnh "gà trống nuôi con", nhìn cảnh 5 đứa trẻ thơ thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ, bà lại mủi lòng.

Nhớ lại thời mới lấy ông nhà, bà Thăng ngậm ngùi kể: "Lúc ấy, nghe gia đình, hàng xóm phân tích quả thật tôi cũng lo lắng lắm. Bởi ông có tới 5 người con, trong số ấy có 3 con trai, đứa lớn cũng độ 10 tuổi, đứa nhỏ đã lên 7, đều cũng đã biết chuyện rồi. Sợ hơn nữa là quan niệm của người đời. Thời ấy nhắc tới chuyện mẹ ghẻ con chồng là người ta chỉ thấy toàn những chuyện cay nghiệt, mọi sự ghét bỏ soi mói đều dồn lên mẹ ghẻ.

Nhiều người trong dòng họ cũng không đồng ý vì sợ định kiến. Nhưng tôi vẫn nhất định lấy ông ấy, và hứa với bản thân làm tròn trách nhiệm của một người mẹ". Chưa hết, bà Thăng lúc đó còn có một người con gái nuôi, đó là chị Thoa, con gái út của bà bây giờ. Bỏ mặc những lời khuyên can ngoài tai, bà Thăng vẫn quyết định về với ngôi nhà ấy, trở thành mẹ của 6 đứa trẻ một lúc.

Bà Thăng bên bữa cơm quây quần cùng con cháu.

Ngày mới về nhà chồng, dù là con riêng hay con chồng, bà không có khái niệm thiên vị, ai cũng nhận được tình yêu thương như nhau, thậm chí, con chồng còn được bà ưu ái hơn vì con lớn sẽ chăm cho các em. Bà Thăng từng tâm sự với chồng trước ngày hai người đến với nhau: "Tôi thương anh thì ít mà thương 5 đứa con anh thì nhiều bởi chúng nó mất mẹ từ sớm. Nhìn mấy đứa con nheo nhóc, tôi luôn nghĩ rằng có cực mấy tôi cũng cố gắng làm lụng để nuôi các con ăn học". Bằng tình thương thật sự của một người mẹ, sau những tháng ngày sống cùng các con, những đứa con riêng của chồng đều rất ngoan ngoãn vâng lời, thậm chí yêu thương bà như mẹ ruột của mình.

Khi nói về người mẹ kế của mình, anh Trần Thai Mai (con trai thứ 3 người chồng sau của bà Thăng hiện đang làm cán bộ huyện Lập Thạch) không giấu được ánh mắt đầy yêu thương và cảm kích: "Ngày mẹ Thăng về nhà, mới đầu chúng tôi cũng sợ. Lúc đó nhận thức được sự lạ lẫm nên cũng không thích. Nhưng rồi thời gian trôi qua, mẹ đã chứng minh cho chúng tôi thấy mẹ yêu thương chúng tôi thật lòng.

Cho tới cả khi bố chúng tôi mất, mẹ vẫn luôn giữ tình yêu thương như vậy và giờ thì mẹ là mẹ của chúng tôi thật sự. Ngày đó cuộc sống còn khổ, gia đình lại đông người, những bữa cơm độn khoai, độn sắn, mẹ thường hớt lấy phần cơm cho các con, phần khoai sắn về mình. Tuy không sinh ra nhưng mẹ đã có công dưỡng dục, nuôi nấng chúng tôi trưởng thành".
Bà Thăng chia sẻ về những đứa con.

Nhịn đói nuôi con

Theo thời gian, cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi mà không có bất kỳ một điều tiếng gì về "mẹ ghẻ, con chồng" trong gia đình này. Những lời khuyên can năm xưa của gia đình, bạn bè hàng xóm bà Thăng cũng đã không còn. Nhiều người bắt đầu tin tưởng vào câu chuyện "bánh đúc có xương" khi chứng kiến sự chăm sóc của bà Thăng đối với những đứa con chồng.

Là mẹ của 6 đứa con thơ, bà Thăng đã chung lưng đấu cật với chồng, quyết nuôi dưỡng các con nên người. Đồng lương giáo viên ít ỏi, chỉ vẻn vẹn 47 đồng của chồng khi ấy không đủ để mua gạo cho các con. Bà âm thầm làm lụng, đổi công, đổi sức, làm hết việc nhà, bà lại đi làm thuê cho nhiều nhà khác trong làng và sang cả làng lân cận để lấy gạo cho các con đang tuổi ăn tuổi lớn được đủ no.

Khi những đứa con khôn lớn, biết phụ giúp bố mẹ công việc nhẹ như chăn vịt, cắt cỏ, mò cua... khiến cho cuộc sống bớt đi sự vất vả thì một chuyện buồn xảy đến khiến gánh nặng trên vai người mẹ khắc khổ ấy lại thêm phần khó khăn. Đó là vào năm 1995, chồng bà Thăng mất đột ngột, đó là một cú sốc lớn đối với người mẹ và 6 đứa con thơ. Gia đình không có bàn tay của người chồng, người cha, trách nhiệm mưu sinh, chăm sóc các con đều dồn cả lên vai bà Thăng.

Một lần nữa, sự yêu thương hết mực với những đứa con chồng của bà lại khiến nhiều người bội phục. Khi đó, cả 6 đứa con đều ở tuổi ăn học, gia sản không có gì đáng giá khiến cuộc sống càng túng thiếu. Thêm nữa, những đứa con lớn lại đi học xa nhà phải ở trọ bên ngoài, bà Thăng vẫn cố gắng chu cấp tất cả cho các con từ tiền trọ tới gạo ăn.

Căn nhà nhỏ ngày nào vẫn là nơi bà Thăng cùng các con tụ họp.

Anh Mai kể lại: "Cuộc sống vất vả thiếu thốn, vậy mà khi chúng tôi đi học xa nhà phải trọ ở ngoài, mẹ vẫn gửi cho chúng tôi đều đều 3 cân gạo mỗi tuần. Còn chút gạo ít ỏi, mẹ độn với những thứ khác để ăn, thậm chí phải ăn khoai lang, rau nấu cho lợn. Có những bữa không đủ đồ ăn, mẹ còn nhịn đói nhường cho các con".

Khi các con trưởng thành, cũng chính tay bà Thăng dựng vợ, gả chồng cho cả 6 người con. Chị Phượng (vợ anh Mai - giáo viên trường cấp 2 địa phương) chia sẻ về người mẹ chồng đáng kính: "Khi tôi và anh Mai chưa lấy nhau, nghe mọi người đàm tiếu, dọa dẫm này nọ, tôi cũng phân vân, sợ hãi rất nhiều. Bởi, phận phụ nữ đi làm dâu đã như canh bạc không biết sướng khổ thế nào. Trong khi đó, mẹ lại không phải mẹ ruột rất khó để hòa hợp. Nhưng thời gian đã chứng minh sự lựa chọn của tôi là hoàn toàn chính xác, bà là bà mẹ chồng tuyệt vời mà tôi may mắn gặp được".

Bà Thăng giờ đã lên chức bà, chức cụ. Các con được bà nuôi nấng và dạy dỗ đến nơi đến chốn, cho ăn học cẩn thận nên ai cũng thành đạt: Con trai cả của bà Thăng hiện đang là giám đốc đài truyền thanh của huyện, con trai thứ 2 thì làm giáo viên trường quân sự quân khu 2, người con trai thứ 3 (anh Mai - đang sống cùng bà) cũng đang làm cán bộ huyện. Ba cô con gái còn lại người làm giáo viên, người bác sĩ…

Có nhà cao cửa rộng, mong muốn đáp đền công ơn dưỡng dục của mẹ, các con bà muốn đón mẹ lên để chăm sóc nhưng bà nhất quyết không đồng ý vì bà muốn ở lại ngôi nhà nhỏ nơi thôn quê, chăm sóc hương khói cho tổ tiên, giữ nếp cho con, cho cháu sau này nhớ tới cội nguồn của cha ông mình. Ngày nghỉ con cháu lại kéo nhau về thăm. Bà cháu quấn quýt bên nhau thật vui vẻ và đầm ấm. Cháu kể chuyện cho bà nghe về thành tích học tập, bà chăm cháu từng miếng cơm, ngụm nước.

Giờ tuổi bà đã cao, nhiệm vụ của bà lại là chăm lo cho các cháu việc học hành. Bà nói: "Chúng phải được học hành đàng hoàng, có học thì mới nên người được, nhìn các con, các cháu thành đạt, giỏi giang thì không có tấm bằng khen, không có một niềm hạnh phúc nào có thể đổi được đâu". Gia đình nhà bà Thăng năm nào cũng nhận được danh hiệu gia đình văn hóa và là tấm  gương cho mỗi gia đình trong  xã. Người làng, người xóm không ngớt những lời cảm phục. Nhưng với bà Thăng, điều đó không quan trọng, bà chỉ mong muốn nhất là giữ được nền nếp của một gia đình gia giáo, thuận hòa, con cháu nên người.

Ông Nguyễn Văn Ba, người hàng xóm của gia đình bà Thăng từ rất lâu cảm động nói: "Quả thật, nhìn vào gia đình nhà bà ấy nhiều khi chúng tôi cảm thấy thèm. Nhất là bà Thăng lại là mẹ kế của chúng nó". Người dân trong xóm, trong làng, có nhiều gia đình lục đục cãi vã khi nhìn thấy mái nhà êm ấm của bà Thăng cũng cố gắng để sống tốt và giữ hạnh phúc của gia đình.

Chia sẻ bí quyết để có một gia đình đầm ấm hạnh phúc, bà Thăng cười: "Không khó, đơn giản mình hãy luôn làm tròn trách nhiệm của một người mẹ vì mình là mẹ. Tình yêu của một người mẹ sẽ làm được tất cả".

Lê Phong

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文