Chuyện tình của cố Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Tùng
- Phó giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Bách: Cái tình còn mãi
- Bà Vi Nguyệt Hồ, vợ Giáo sư Tôn Thất Tùng: Nỗi buồn lặng lẽ
- Bác sĩ Tôn Thất Bách: Trung thực từ những việc nhỏ nhất
- Tết đầu tiên lẻ bóng của vợ cố PGS Tôn Thất Bách
Những bức thư tình vượt không gian
Đến thăm bà vào những ngày đầu đông Hà thành, căn nhà cổ trên đường Lê Thánh Tông yên ắng, tĩnh lặng mà trầm mặc như phảng phất câu chuyện cuộc đời của bà. Bà ngồi tiếp chuyện chúng tôi trong căn phòng làm việc của người chồng yêu dấu - GS.BS Tôn Thất Tùng. Căn phòng chỉ hơn 12 mét vuông mà chất đầy sách vở, tài liệu và kỷ vật của người chồng quá cố. Bà bảo, mọi thứ vẫn y nguyên như cách đây 33 năm ngày ông ra đi mãi mãi...
Bà Vi Nguyệt Hồ sinh ra trong một gia đình "danh gia vọng tộc" (bà là cháu nội của Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định) nhưng khi mới 15 tuổi bà đã bén duyên rồi lập gia đình. Bà cười vui bảo: "Nếu ở thời này thì bà và ông (cố GS - BS Tôn Thất Tùng) đã phạm luật rồi".
Bà kể cho tôi nghe về chuyện tình vượt thời gian, không gian của mình. 15 tuổi bà đã rung động trước người thanh niên tài đức vẹn toàn Tôn Thất Tùng. Bà tâm sự: "Mối lương duyên của bà với Giáo sư Tôn Thất Tùng bắt đầu từ cụ Hồ Đắc Di. Hồi đó, ông Tùng ở nhà nội trú của Trường Đại học Y, gần nhà với cụ Di. Mà bà với cụ Di lại có quan hệ họ hàng. Hai người gặp nhau, mến nhau rồi thương nhau lúc nào không biết. Năm 1944, đám cưới giản dị của ông bà diễn ra tại số nhà 59 Nguyễn Du, khi đó bà 15 tuổi, còn ông Tùng sang tuổi 32".
Bà Vi Nguyệt Hồ với những bức thư của chồng - GS.BS Tôn Thất Tùng. |
Chênh lệch tuổi tác nhiều như vậy, nhưng ai cũng bảo ông với bà là một cặp trời sinh. Đi đâu ông với bà cũng có đôi. Khi ông đi công tác, ông bà thể hiện tình cảm với nhau qua những lá thư "xuyên không" (lời bà Vi Nguyệt Hồ - PV). Bà bảo bà yêu ông, đã yêu là cưới, có duyên số cả rồi. Trước bà là cựu nữ sinh Trường Trung học nữ Felix Faure danh tiếng ở Hà Nội, nhưng vì chiến tranh nên bà đã không có điều kiện theo học hết khóa.
Lúc bà lấy ông, khi đó ông mới ngoài 30 tuổi nhưng danh tiếng đã nổi như cồn. Sau này ông được coi như là cha đẻ các công trình về cấu trúc mạch máu và phẫu thuật gan được giải thưởng Huy chương Bạc của Viện Hàn lâm Y học Paris và Trường Đại học Y Hà Nội. GS.BS Tôn Thất Tùng thường xuyên phải đi công tác nước ngoài để tiếp cận và giúp đỡ ngành y khoa của các nước. Bà bảo: "Hồi mới cưới, ông đi công tác. Bà đi làm nhưng không dám về nhà, cứ về nhìn thấy quần áo chồng là bà lại nhớ, rồi ôm lấy mà khóc".
Bà kể, trong chuyến công tác của ông những năm 1951-1952, ông phải di chuyển từ Liên Xô sang Trung Quốc. Chuyến máy bay ông đặt vé bị gặp nạn. Nghe tin đó bà rụng rời chân tay. Bà nghĩ bụng: "Từ bây giờ mẹ sẽ nuôi các con như thế nào?". Nhưng ngay chiều hôm đó, bà nhận được điện của ông báo rằng, ông đã bị trễ chuyến bay và may mắn thoát nạn.
GS.BS Tôn Thất Tùng đã rời xa bà hơn 3 thập kỷ nhưng tình cảm bà dành cho chồng càng dày lên, bền chặt... |
Biết vợ hay thương nhớ, nên mỗi chuyến đi xa, kể cả trong nước hay ngoài nước GS.BS Tôn Thất Tùng thường viết thư về cho bà. Trong mỗi lá thư ông kể về hành trình của mỗi chuyến đi, miêu tả cho bà thấy những địa danh ông đã đi qua, những khách sạn ông đặt chân đến và con người, thiên nhiên ở đất nước, vùng miền đó ra sao...
Ông kể cho bà nghe về cảnh đẹp, con người của New Delhi: "Hồ ơi! Anh đã tới New Delhi từ chiều hôm qua, đi máy bay 4 động cơ của Anh, hãng BOAC. Hotel ở đây sang quá, tính ra 90 rayne 1 ngày (trên 60 ngàn đồng, bằng 2 tháng lương của Hồ). Nhà cửa ở đây đồ sộ kiểu Anh, Mỹ, lạ lắm...". |
Bà mở cho chúng tôi xem nhưng chiếc hộp chứa cả ngàn bức thư ông viết cho bà, điều làm tôi ấn tượng nhất đó là các dòng chữ cuối cùng của mỗi bức thư. "Hôn em, nhớ em lắm" hoặc "Hôn Hồ của anh"... Ông luôn viết những lời yêu cho bà đầu tiên rồi mới đến cả nhà ngay cả khi ông bà đã có con và ông còn thể hiện tình cảm của mình qua những câu thơ ông tự sáng tác.
Khi tôi hỏi, trong cả ngàn bức thư GS.BS Tôn Thất Tùng gửi cho bà, bà viết lại gửi ông được mấy phần? Bà cười hiền từ: "Ông ấy là người yêu thơ, thích làm thơ. Nghề viết đã ngấm trong máu, ông ấy viết để xóa nhòa khoảng cách, khỏa lấp nỗi nhớ. Ngày đó bà chỉ viết lại mấy bức, trong những chuyến ông đi công tác dài ngày".
Khuôn mặt bà bỗng phảng phất một nỗi buồn khó tả. Cơn gió đông về cuốn theo những chiếc là vàng rơi lả tả ngoài khung cửa sổ, giọng bà trùng xuống khi nói về bức thư cuối cùng GS.BS Tùng đi Moskva viết gửi bà vào ngày 29-3-1982. Lá thư này bà cất cho riêng mình, các con cũng chưa được đọc. Đầu thư có dòng chữ viết thêm của bà, nét mực đã nhòa, chắc tại lúc viết bà đã khóc: "Lá thư và dòng chữ cuối cùng của anh yêu".
Một lá thư GS.BS Tôn Thất Tùng viết cho bà từ New Delhi năm 1957. |
Trong thư ông kể về hành trình bay, đến những nơi mà ông và bà từng đến: "Ở Moskva vui vẻ lắm. Thịt bò mềm như ở Mỹ (hơn cả Pháp nữa) và cá hộp thì tha hồ. Lúc về anh đem về nhiều hộp cá sardine và bánh cho em và cả nhà. Anh ở chỗ cũ, chỗ mà Hồ và anh đã ở rồi, yên tĩnh. Anh thấy khỏe nhiều và đã đi bộ chơi trên con đường cũ mà Hồ đã biết...".
Ông đã rời xa bà hơn 3 thập kỷ nhưng tình cảm bà dành cho chồng - cố GS.BS Tôn Thất Tùng càng dày lên, bền chặt. Đều đặn mấy chục năm từ ngày ông đi xa, hằâng tuần bà vẫn đến thăm ông tại nghĩa trang Mai Dịch, ngồi cả giờ bên mộ để tâm sự cùng ông những chuyện vui buồn trên đời.
Trước kia khi còn trẻ, chưa có điều kiện, bà lóc cóc đạp xe một mình. Giờ đây, sức khỏe yếu, bà thuê một taxi riêng cứ hằng tuần đến đón bà đi rồi lại đưa bà về. Bà không muốn nhờ con cháu, không để phiền ai vì theo bà, ai cũng có công việc, trách nhiệm với gia đình riêng của mình.
Làm nghề y phải lấy đức làm trọng
Lớn lên trong một gia đình danh giá, nhưng ngay từ khi lập gia đình, bà Vi Nguyệt Hồ đã chấp nhận rời bỏ cuộc sống giàu sang phú quý của một tiểu thư khuê các. Lấy chồng xong, bà bắt đầu làm y tá phụ giúp chồng.
Thế hệ của bà là những người đầu tiên học, làm nghề y tá. Bà kể, hồi đó bà tham gia "Hồng thập tự" (tiền thân của Hội Chữ Thập Đỏ ngày nay), chuyên chăm sóc những người nghèo, những người ốm đau, bệnh tật; tham gia vào phong trào của phụ nữ, vào các bệnh viện cứu thương cho bộ đội. Năm 1954-1955 khi vừa sinh con gái thứ ba được mấy tháng, bà theo chồng lên Việt Bắc, sống những ngày gian khó cùng chồng. Trong suốt chiến dịch Việt Bắc, có lần ông cùng các đồng nghiệp thực hiện các ca phẫu thuật liên tiếp trong suốt hai ngày đêm liền...
Gia đình GS.BS Tôn Thất Tùng. |
Sau giải phóng Thủ đô Hà Nội năm 1954, bà Vi Nguyệt Hồ bắt đầu làm công việc phụ mổ cho chồng tại bệnh viện, chia sẻ những vất vả khó khăn cùng ông trong công việc và cuộc sống. Với bà, GS.BS Tôn Thất Tùng là người rất trách nhiệm, yêu thương gia đình, ông luôn mong muốn gia đình ở bên nhau. Nên bà chọn làm một người lặng lẽ đứng sau cái bóng của chồng. Và bà hạnh phúc với điều đó. Bà kể, GS.BS Tùng vẫn đùa với mọi người "Trong một tháng tôi phải... "góa" vợ mất 2 ngày". 2 ngày đó là 2 ngày trực của bà.
Bà là một mẫu người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ. Và tự khẳng định mình bằng chính công việc y tá mà bà lựa chọn. Chồng là giám đốc bệnh viện nhưng bà vẫn một mình đạp xe đi làm, làm khối lượng công việc như một nhân viên y tá bình thường, có những hôm bà còn tăng ca, không lương. Hết giờ lại về cơm nước. Hôm nào phải trực, bà giao hết việc gia đình lại cho ông. Bà làm việc vì yêu thích, vì đam mê. Bà cười vui: "Tôi muốn người ta nhớ về tôi là một y tá Vi Nguyệt Hồ chứ không chỉ là vợ của GS.BS Tôn Thất Tùng".
Với bà, sống là phải biết hy sinh... Cuộc đời bà chỉ hối hận duy nhất một điều, đó là lúc các con còn nhỏ, bà không lo cho các con có được cuộc sống vật chất đầy đủ. Cuộc đời bà có hai nỗi đau lớn nhất không gì bù đắp nổi đó là: Mất chồng, mất con (GS.BS Tôn Thất Tùng mất 7-5-1982). 22 năm sau, ngày 26-3-2004, người con trai tài giỏi của ông bà, người đã kế nghiệp bố xuất sắc, GS Tôn Thất Bách cũng mất vì nhồi máu cơ tim trong chuyến đi công tác tại Lào Cai.
Chia sẻ những kinh nghiệm về nghề điều dưỡng nói chung, bà bảo: "Trước hết, làm điều dưỡng phải có tình yêu, phải thương người như thương chính bản thân mình. Phải làm đầy tớ của nhân dân, mang lại niềm vui cho người bệnh. Làm nghề điều dưỡng cũng phải học tử tế, cẩn thận, phải được thực hành nhiều rồi tự đúc rút kinh nghiệm...".
Khi xem truyền hình bà thấy buồn, đau lòng và thất vọng về thái độ, y đức của một số y, bác sỹ ngày nay. Đã là bệnh nhân không phân biệt kẻ giàu, người nghèo, ai cũng như ai. Làm nghề y phải lấy đức làm trọng; phải thân thiện, phải biết quan tâm, động viên, chia sẻ với bệnh nhân. Sự động viên của các thầy thuốc sẽ giúp các bệnh nhân bớt nỗi đau thể xác, củng cố thêm niềm tin, niềm lạc quan yêu đời, chiến đấu với bệnh tật của bệnh nhân. Bà đau đáu, thương thay những bệnh nhân phải chạy chữa trong môi trường y tế không lành mạnh... Bà bảo rằng, gia đình bà còn tiếp tục cống hiến cho ngành Y. Các con cháu bà sẽ nối gót ông cha phục vụ hết mình...
Cố GS.BS Tôn Thất Tùng có ba người con. Con trai cả của ông là PGS, Nhà giáo nhân dân, Viện sỹ Tôn Thất Bách (71 tuổi). Ông từng giữ chức vụ Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông được mệnh danh là người có "bàn tay vàng", thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật về gan và tim nổi tiếng trong nước và trên thế giới. Con gái thứ hai là Tôn Nữ Ngọc Trân (65 tuổi) nhiều năm học ở Nga. Là kỹ sư hóa học, làm việc ở Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Cô con gái út là Tôn Nữ Hồng Tâm, bác sỹ sinh hóa. Cháu ngoại - bác sỹ Phạm Hiếu Tâm, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức. |