Chuyện tình mùa xuân của nhà văn thích viết bằng bút nhặt ngoài đường

10:00 18/01/2016
Ông "cũ" là bởi vì ông có tiền rủng rỉnh gửi ngân hàng nhưng vẫn ở trong một ngôi nhà chật chội, hơi xập xệ, "cũ" là vì ông vẫn giữ nếp sống tiết kiệm từ thời xa xưa, không biết hưởng thụ. Dù con cái có mua cho ông những hộp bút đắt tiền, nhưng ông chỉ giữ làm kỷ niệm, còn tự mình đi nhặt bút rơi ngoài đường để viết sách. Ngay cả giấy ông dùng để viết văn, cũng là loại đã sử dụng một mặt. Ông là nhà văn Dương Thu Ái, người đã dịch và biên soạn hàng trăm cuốn sách.


Nhà văn "cũ"

Dương Thu Ái là nhà văn không chỉ giản dị trong lối sống, mà cả trong sinh hoạt. Dù tuổi đã cao, không cần phải mưu sinh nhưng ông vẫn cần mẫn làm việc trong căn phòng đầy sách, chật chội đến nỗi co chân, duỗi tay đều chạm vào sách. 

Hỏi: "Ông nhiều tiền thế, chỉ gửi ở ngân hàng thôi, sao không kiếm lấy một căn hộ rộng hơn, ngồi phòng điều hòa mà làm việc. Hoặc căn phòng này, ông chỉnh trang lại, lắp điều hòa, có phải sướng hơn không?". 

Nhà văn Dương Thu Ái cười khề khề: "Các con tôi đều trưởng thành, đúng là tôi chẳng thiếu gì tiền, nhưng tôi thấy nhu cầu của mình chỉ có thế. Bây giờ đã 80 tuổi, tôi phải chạy đua với thời gian, phải làm những cuốn sách mà mình tâm huyết, đâu có thời gian mà nghĩ đến chuyện lắp điều hòa hay hưởng thụ. Số tôi làm sao ấy, chẳng biết hưởng thụ cái sướng gì cả".

Nhà văn Dương Thu Ái.

Một cái nếp cũ của Dương Thu Ái là suốt 35 năm qua, ông vẫn cùng vợ mình là bà Nguyễn Kim Hanh giữ được thói quen đi tản bộ. Ngày nào cũng hai buổi sáng, chiều dạo mỗi lần 3 cây số, kể cả ngày mồng Một Tết, nắng thì che ô, mưa thì mặc áo mưa. Lão nhà văn bảo: "Tôi đi bộ cốt để khỏe người, sống lành mạnh. Ngoài ra, nếu có duyên thì gặp những chiếc bút rơi vãi, tôi nhặt về dùng".

Bà Hanh, người bạn đời chung thủy của lão nhà văn lý giải chuyện nhặt bút viết sách của chồng rằng, do ông nhà sống tiết kiệm, cũng bởi ông ảnh hưởng lối sống từ thời bao cấp. Còn bản thân nhà văn, điều đó chỉ đi một nhẽ, nhẽ khác là do ông thương những chiếc bút, được sinh ra bởi biết bao công sức của con người, mà nó vẫn chưa làm tròn sứ mệnh (vẫn còn mực) của mình, giúp con người viết ra những dòng chữ. Thêm nữa, nhà văn nhận thấy, những chiếc bút đó đã để mình nhìn thấy, thì coi như một cái duyên số. Cao hơn một một chút, là do trời ban cho. 

Ông coi điều đó là thiêng liêng, và càng trân trọng những chiếc bút. Nên mỗi khi nhặt được bút, ông đều mang về rửa sạch, cái nào còn mực thì dùng, cái nào đã hết mực cũng cẩn thận cất đi. Và khi tất cả những chiếc bút dù đã hoàn thành sứ mệnh (hết mực) ở trên cõi đời này, thì nhà văn Dương Thu Ái vẫn giữ lại, để chúng hiện diện cùng hành trình sống và viết của mình. Hàng vạn chiếc bút nhặt được ấy, đều là những kỷ niệm đáng nhớ của lão nhà văn. Hiện những chiếc bút đó được cất trong những hộp các-tông, ai hỏi đến thì ông đem ra khoe. 

Ông nói: "Nhiều cái rất xịn, viết rất tốt và nhờ đó tôi có cảm hứng. Cứ như những chiếc bút rơi vãi biết trả ơn tôi vì đã nhặt chúng về". Tôi hỏi đùa nhà văn rằng: "Vậy có ngày nào ông nhặt được nhiều bút, đến nỗi không cầm hết và phải để bà cầm đỡ?". Ông Ái trả lời: "Đâu phải ngày nào cũng có duyên với bút. Có ngày nhặt được vài cái, cũng có ngày chẳng được cái nào. Bút rơi ở đâu ra mà nhặt được nhiều thế"!

Tình yêu đẹp

Ông Dương Thu Ái sinh năm 1936 tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, còn bà Nguyễn Kim Hanh là người gốc Hà Nội. Hai người gặp gỡ, yêu và cưới nhau từ hồi còn dạy học ở tỉnh Bắc Thái (cũ). Sau khi chuyển công tác nhiều nơi, rồi trở về quê hương Bắc Giang cho đến khi học sinh nơi trường ông Ái dạy không học Trung văn nữa. Ông Ái được xếp vào chân đánh trống trường, tiếp khách ở một trường của tỉnh Bắc Giang. 

Năm 1988, hai vợ chồng được nghỉ hưu, cuộc sống khó khăn, ông Ái đưa vợ con xuống Hà Nội… làm lại cuộc đời. Ở Hà Nội, hai vợ chồng sống vất vả bằng việc bán muối và bán than. Do bà vợ khéo thu vén, chăm lo nên gia đình cũng vượt qua khó khăn. Ông Ái cho biết, chính bà Hanh là nguồn động viên, an ủi ông khi "buồn tay, mỏi óc". 

Thế rồi, năm 1992 ông Ái nghĩ ra việc dịch sách tiếng Trung Quốc ra tiếng Việt vào lúc rỗi và được bà vợ ủng hộ nhiệt tình. Thời gian này, Giáo sư Phong Lê người bạn cũ của ông Ái đã giới thiệu với cán bộ Nhà xuất bản Công an nhân dân. Sách được in, ông Ái vui mừng cầm bút dịch những cuốn sách mà ông cho rằng có thể bán chạy. Ông trở thành nhà văn và liên tục nhận được "đơn đặt hàng". Khi có "mối", nhà văn hăng say làm việc và nghĩ rằng, công việc này phù hợp với mình nên có thể sống tốt với nghề. 

Kiến thức Trung văn ông học được đã có "đất dụng võ". Từ đó, cùng lúc vừa dịch, vừa biên soạn hàng chục cuốn sách. Số sách mà ông được Nhà xuất bản Công an nhân dân in và cấp phép đã lên đến hơn 60 cuốn. Giám đốc NXB hiện đang đặt hàng ông một bộ truyện cười gồm 12 cuốn. 

Trong vòng 20 năm, ông Dương Thu Ái liên tiếp cho hàng loạt bộ sách như "Mưu lược gia tinh tuyển" (gồm 7 tập, hơn 4.000 trang); "Thánh hiền thư" (hơn 2.000 trang); "Thi Công kỳ án" (1.600 trang); "Tào Tháo" (hơn 1.000 trang) rồi các cuốn như  "Võ Tắc Thiên", "Lưu Bang"... Ông cũng đã dịch xong tác phẩm "Duyên số" - bộ tiểu thuyết cổ điển cuối cùng của Trung Quốc (nguyên tác là "Kính hoa duyên") có thể sánh ngang với "Hồng Lâu mộng", "Thủy Hử"…Và nhiều cuốn sách văn học, văn hóa đang chờ in.

"Bao tháng bao năm, hai ta đi bên nhau".

Ông Dương Thu Ái nói rằng, ông có hai tình yêu lớn là tình yêu với vợ và sách vở. Để có thành quả như hôm nay, ông không bao giờ quên ơn vợ mình. Bà chẳng những là người bạn đời hết mực nhân hậu mà còn sinh ra cho ông những đứa con thông mình và chăm sóc chúng nên người, rồi cùng ông vượt qua bao sóng gió. 

Khi dịch sách và sưu tầm truyện cười, làm thơ, ông cũng nhận được sự giúp đỡ của bà. Nhiều cuốn ông để vợ cùng đứng tên với mình, do bà có công biên tập, chỉnh sửa và soát lỗi. Nói về tình yêu đẹp của mình, bà Nguyễn Kim Hanh tự hào: "Tôi vui vì được chăm sóc anh ấy, cho nên những lúc anh ấy làm việc, tôi đã chuẩn bị bánh kẹo, đồ ăn để lúc nghỉ thì thưởng thức. Ai cũng thấy tình cảm của chúng tôi khăng khít, cưới nhau xong là sống bên nhau, không rời nửa bước".

Vợ chồng nhà văn Dương Thu Ái nói rằng, duy trì được thói quen đi bộ sẽ chữa được rất nhiều bệnh. Bản thân hai ông bà chưa một lần phải đến bệnh viện và cảm thấy trong người mình vô bệnh tật nhờ đi bộ. Điều đó thật đáng quý và là mơ ước của nhiều người. Khi đi bộ, hai ông bà lại kết thân với những người khác cùng đi và có những người bạn đi bộ thâm niên 20 năm. Cùng với việc dịch sách, viết và sưu tầm truyện tiếu lâm, lối sống lành mạnh, tươi vui của cặp vợ chồng già đã khiến cho không khí gia đình lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm. Chẳng thế mà ông Ái nói với bà Hanh: "Em ơi, ngày nào ta cũng vui như Tết, sướng như Tết".

Đều đặn mỗi ngày nhà văn viết 10 trang giấy A4 bằng tay, chủ yếu là dịch và biên soạn. Những tập bản thảo viết tay của ông cứ mỗi ngày một nhiều lên, nếu xếp thành chồng đã cao quá tay người đứng với. Đến nỗi, vợ ông phải thốt lên: "Ông ấy ăn với sách, ngủ với sách, nhiều khi nói mê cũng nhắc đến sách. May mà sức ông ấy tốt".

Ngô Thục Miên

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ biểu dương Đảng uỷ Cục CSGT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, đã lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục đề ra.

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

Ngày 8/1, Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Khánh Hòa tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là đơn vị được Tỉnh ủy và Đảng bộ Công an tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tổ chức đại hội điểm, nhiệm kỳ 2025-2030. 

Đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng này đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng…

Thứ trưởng Phạm Thế Tùng yêu cầu, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược phát triển lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm mục tiêu đưa lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文