Cô gái dũng cảm đi xuyên qua nỗi đau bị lạm dụng tình dục

15:08 01/08/2016
Bích Ngọc, tên của cô gái, trong cuốn sách gọi là Sandy, bị chính người thân lạm dụng tình dục từ khi mới 8 tuổi. Ngọc đã ôm một nỗi đau, một nỗi buồn trĩu nặng trong nhiều năm tháng để lớn lên. Gần 20 năm đã qua, cô dường như không đêm nào ngủ được.

Kể lại đời mình bằng một cuốn sách, nghĩa là nói những bí mật đớn đau mình đã trải qua với độc giả, nghĩa là quyết định đi xuyên qua nỗi đau, để sống một cuộc đời mới. Dũng cảm vượt qua bóng tối, vượt qua những giày vò tâm can, giờ Ngọc đã có thể ngủ ngon, để tiếp tục con đường tương lai.

"Cát hay là ngọc", câu chuyện quá buồn nếu bạn đọc nó. Cuốn sách vỏn vẹn 50 trang, nhưng là những trang nặng trĩu về số phận của một cô gái trẻ. Cha mất sớm, Ngọc bị chính người thân của mình lạm dụng tình dục ở Cần Thơ. Đến tuổi học cấp 2, Ngọc lên Sài Gòn, lại tiếp tục bị lạm dụng. Đế năm 19 tuổi, cô chính thức bị người nhà đẩy ra đường, chỉ vì cô quyết định nói ra sự thực khốc liệt mà cô bị chính người thân đẩy vào. 

Cả một tuổi trẻ Ngọc (Sandy) phải sống trong khó khăn, cơ cực. Đường phố chính là trường học của cô. Không có tình cảm, hơi ấm của gia đình, người thân, không ai giúp đỡ, Sandy phải học mọi thứ từ đường phố. Bên cạnh sự lạnh lùng, Sandy cũng nhận được không ít sự cưu mang của người tốt bụng, và cô cảm thấy mắc nợ họ. 

Bích Ngọc dũng cảm kể lại cuộc đời mình. 

Cô cũng nhận ra rằng, cái môi trường sống đường phố đó, với không ít người trẻ là nguy cơ để tha hóa, là nơi có thể làm biến dạng tính cách, nhân cách những kẻ lang thang, nhưng nó không thể làm biến dạng cô, mà nó dạy cô những bài học cuộc đời. 

Ngọc chia sẻ khi đọc trên báo vụ án một cô bé bị hàng xóm hiếp dâm, người mẹ đã không thỏa thuận bất cứ một điều kiện hòa giải nào từ phía kẻ gây tội ác. Người mẹ đã mang đơn đi khắp nơi, nhằm đòi lại công lý cho con gái mình. Đó là câu chuyện xảy ra ở Vũng Tàu, mới đây thôi. 

Ngọc bảo, phải chi em cũng có người mẹ như cô bé bị xâm hại kia, sẵn sàng bao bọc, che chở và đi trên con đường cùng em, thì cuộc đời em đã có một hướng khác, bớt u buồn hơn.

Thông thường, các nạn nhân bị lạm dụng tình dục thường chôn sâu, chôn chặt cái quá khứ kinh khủng đó trong lòng. Họ thường phải sống trong giày vò, mặc cảm, tự ôm vết thương, không thể chia sẻ. Vì những rào cản trong tâm lý xã hội, vì nỗi sợ mơ hồ từ đáy sâu trong tâm hồn họ, vì sự cảm thông của người xung quanh không phải lúc nào cũng đủ ấm áp dành cho họ. Ngọc cũng đã sống như vậy. 

Gần 20 năm là quá dài. Không đêm nào cô ngon giấc. Những nỗi đau cứ cồn lên, giày vò khổ sở. Rồi cô gặp những người bạn, những người yêu thương cô và luôn sẵn sàng chia sẻ. Đầu tiên là dũng cảm kể lại câu chuyện đời mình cho bạn nghe. Để nhận về những cái ôm thật chặt, sự cảm thông đặc biệt. 

Và tiếp sau đó là cùng bạn đưa câu chuyện đời mình ra ánh sáng. Nỗi đau được viết ra, được chia sẻ với nhiều người. Bước qua chính mình để bỏ lại con người buồn bã đằng sau lưng, đi về tương lai trong một tâm thế khác.

Nhà văn Hòa Bình - một trong hai người bạn đã chắp bút giúp Ngọc cuốn sách này kể lại trong một bài trả lời phỏng vấn: "Với cuốn tự truyện chấp nhận kể lại câu chuyện thật đau đớn và ngập trong nước mắt “Cát hay là Ngọc”, Sandy chấp nhận thà tự giết chết chính mình, nhưng không chấp nhận chung sống thêm nữa với quá khứ đau đớn đó nữa". 

Trong buổi ra mắt sách, Ngọc cũng thừa nhận rằng, việc kể ra câu chuyện buồn đời mình là cô cũng đã tự tha thứ cho chính mình, quyết định bỏ lại những ngày tháng cũ, quên đi quá khứ để sống một cuộc đời mới, không còn đắm chìm trong nỗi đau.

Chúng ta thường hay nghe những câu chuyện trẻ em gái bị lạm dụng tình dục và ngỡ đó là những câu chuyện xa xôi lắm, không gần mình, không liên quan đến mình. Nhưng kỳ thực, con số trẻ em gái bị lạm dụng tình dục ở nước ta không hề nhỏ. Chúng ta thấy xa xôi, vì người trong cuộc ít khi dám dũng cảm để nói ra sự thật. Họ thường âm thầm chịu đựng, sống trong nỗi đau riêng mình. 

Số liệu từ tọa đàm "Chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy trong 5 năm từ 2011 dến 2015, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%), nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục ngay trong gia đình. 

Theo một số liệu khác của Bộ Công an, 90% người xâm hại tình dục trẻ em là hàng xóm, họ hàng, thầy giáo, bố đẻ, bố dượng. Đó là những con số khiến cho không chỉ các bậc phụ huynh mà toàn xã hội phải lo lắng. Đã đến lúc không chỉ gióng chuông, mà cần có những hành động quyết liệt bảo vệ trẻ em gái bởi nguy cơ xâm hại tình dục. 

Những nạn nhân bị xâm hại tình dục cần được giúp đỡ, cần được yêu thương, cần được điều trị những sang chấn nặng nề trong tâm lý. Và việc khuyến khích các em nói ra sự thật, lên tiếng mạnh mẽ đẩy lùi cái ác sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lòng khoan dung, cảm thông, yêu thương của mọi người, của toàn xã hội. 

Bích Ngọc (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè, những người chắp bút kể lại câu chuyện cuộc đời của cô với độc giả.

Sandy đã mạnh mẽ nói ra câu chuyện đời mình, nhưng ý nghĩa của cuốn sách "Cát hay là ngọc" không chỉ dừng ở đó. Cuốn sách là ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh cho những bạn trẻ không may rơi vào cảnh ngộ tương tự. Việc đi qua nỗi đau, chữa lành nỗi đau là cần thiết. Vì các em còn cả quãng đời dài phía trước. Các em cần được trở lại một cuộc sống bình thường như bất kỳ ai khác, mà không phải nỗi đau hay những ám ảnh nặng nề trong quá khứ.

Tham gia buổi ra mắt sách, rất nhiều nhà văn, nhà báo, chuyên gia về trẻ em, độc giả chia sẻ nỗi xúc động của mình khi nghe lại cuộc đời của Ngọc. Cô gái trẻ đã đi lên từ bi kịch của cuôc đời. Cô đã từng đi bán vé số dạo kiếm sống, nhưng luôn giữ một cái nhìn hướng thiện, bao dung với cuộc đời. Cô tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. 

Cô lấy chính cuộc đời mình, câu chuyện của mình để khuyến khích, động viên những người không may khác, tiếp thêm sức mạnh để họ đi qua u buồn quá khứ, để sống một cuộc đời tươi mới hơn, giúp ích nhiều hơn cho xã hội.

Một phụ nữ có mặt ttrong buổi tọa đàm ra mắt sách "Cát hay là ngọc" của Sandy tại Hà Nội đã không kìm được nước mắt khi nghe cô gái trẻ chia sẻ một phần những nỗi đau cô đã trải qua. Chị kể, chị cũng có con gái bị xâm hại tình dục từ khi em còn rất nhỏ. Nay con chị đã trưởng thành, đã có gia đình nhỏ của mình. 

Trong nhiều năm tháng, gia đình chị đã phải đưa con đi gặp rất nhiều bác sĩ tâm lý để điều trị. Tuy không chọn cách nói ra sự thật, nhưng chị nghĩ tình yêu thương của cha mẹ, của gia đình chính là liều thuốc giúp con gái chị chữa lành vết thương thuở nhỏ và tìm lại được một cuộc sống bình yên. Chị mong sao, những người như Sandy, nạn nhân của nạn xâm hại tình dục sẽ luôn nhận được yêu thương từ phía gia đình, bạn bè, và của toàn xã hội. 

Người mẹ này còn kể thêm, năm ngoái chị đọc một bài báo, kể về một nạn nhân bị xâm hại tình dục ở Hà Lan. Cô gái đã lớn lên trong ám ảnh quá khứ, và bị sang chấn tâm lý vô cùng lớn. Tình trạng của cô càng ngày càng tồi tệ. Cô gần như không ngủ và phần lớn thời gian phải sống trong bệnh viện và phải thường xuyên dùng thuốc chống trầm cảm. Cuối cùng, các bác sĩ quyết định giúp cô chấm dứt cuộc sống, giải thoát khỏi những nỗi đau tinh thần. 

Kể chuyện đó để nói rằng, các nạn nhân bị xâm hại tình dục phải chịu đựng gánh nặng tinh thần rất lớn. Không có sự yêu thương của những người xung quanh, họ rất khó tự mình vượt qua nỗi đau, và rất khó quay lại cuộc sống bình thường.

Sandy đã dũng cảm vượt qua nỗi đau để lựa chọn một cuộc đời mới. Cô đang cùng bạn bè xây dựng thư viện sách Amazing Home. Đây chỉ là một trong rất nhiều hoạt động thiện nguyện mà cô đã và đang tham gia. Câu chuyện về Sandy chắc chắn sẽ an ủi, khích lệ rất nhiều người khi bị rơi vào nghịch cảnh, nhất là với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục.

Thu Phong

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文