Con nghiện hoàn lương trở thành "bác sĩ bất đắc dĩ"

12:06 26/04/2017
Với "thành tích" gần 20 năm nghiện ma túy, 2 lần vào trung tâm cai nghiện, 2 lần vào nhà đá vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy, người ta vẫn gọi Hà Quang Hiệp (39 tuổi, trú tại phố Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) là "Hiệp nghiện" hay "Hiệp HIV".

Sau những tháng ngày đắm chìm với ma túy, sống đi chết lại với căn bệnh HIV, giờ đây anh được biết đến là một vị cứu tinh cho những người sốc thuốc. Số con nghiện được anh cứu sống lên tới vài trăm người.

Chặt ngón tay thề từ bỏ ma túy

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, phố Hàng Kênh nổi tiếng là địa bàn phức tạp, nửa chợ búa, nửa phố thị, tập trung đủ loại tệ nạn xã hội. Không những vậy, nơi đây sản sinh ra không ít những đại ca giang hồ khét tiếng như anh em nhà Giới "trâu", Thỏ "rít".

Mỗi lần đi giải cứu, anh Hiệp ghi chép rất cẩn thận trong cuốn nhật ký.

Ở phố Hàng Kênh chẳng ngày nào không xảy ra đánh chém, với những con nghiện lượn lờ. Những tụ điểm ma túy nổi như cồn như Chợ Con, xóm Chùa, đình Hàng một thời từng là nỗi ám ảnh của người dân. Hiệp là một trong những thanh niên không vượt qua được cám dỗ.

Với vẻ mặt lì lợm, hình xăm vằn vện khắp cánh tay, Hiệp nhẩm tính: "Mình bập vào ma túy cũng gần 20 năm rồi. Ngày đó cũng vì môi trường, khi mà ở đây có quá nhiều con nghiện, bạn bè rủ rê, lôi kéo. Bạn mình cùng trang lứa ở khu phố này có 10 đứa thì tất cả đều nghiện. Hút hít được một thời gian thì chuyển sang chích. Lao đầu vào làm, được đồng nào thì nướng vào ma túy hết. Rồi lại còn dính cả HIV nữa".

Nói đến đây anh như khựng lại: "10 thằng cùng trang lứa nghiện cả, bây giờ thì 8 thằng đã chết rồi, còn một thằng vẫn nghiện, chỉ có duy nhất mình may mắn sống được đến ngày nay thôi".

Nhắc tới căn bệnh thế kỷ đang mang trong người, Hiệp như lặng đi. Năm 2002, anh phát hiện mình bị HIV do dùng kim tiêm chung với bạn nghiện. Biết mình nhiễm bệnh, Hiệp chán nản nên càng lún sâu hơn vào ma túy.

Trong những lúc tuyệt vọng nhất thì người duy nhất ở bên anh, cũng là nguồn động viên anh chính là mẹ. Anh hiểu được nỗi đau mà mẹ mình đang phải chịu. Sinh ra được 4 anh em trai, một người bạt xứ sang Hồng Kông và cũng đang mắc nghiện, một người đã chết vì đâm chém, còn duy một cậu em út không nghiện ngập.

Bất kể lúc nào anh Hiệp cũng sẵn sàng lên đường cứu những người sốc thuốc.

Bản thân anh hai lần đi trung tâm cai nghiện, hai lần vào trại giam nhưng vẫn không thể chiến thắng được những cơn vật thuốc. Trong phút phẫn uất, căm thù chính bản thân mình, Hiệp đã chặt phăng ngón tay trỏ mà thề rằng "phải bỏ được cái chết trắng". Nhưng cũng chỉ bỏ được đúng một tuần rồi anh lại quay về nếp cũ.

"Thực sự đó là những tháng ngày kinh khủng với mình. Mẹ là người thương mình nhất, bà không chịu được mỗi khi thấy mình lên cơn vật nên lại đưa tiền cho đi mua thuốc, dù mẹ cũng chẳng khá giả gì. Tuy đói thuốc nhưng chưa khi nào mình nghĩ đến việc trộm cắp, đánh chém để có tiền mua thuốc. Khi có sức khỏe là lại đi làm, lấy tiền để mua thuốc chơi".

Năm 2008, khi đang cai nghiện tại trại Gia Minh, Hải Phòng, sức khỏe của Hiệp suy sụp đi trông thấy do căn bệnh HIV. Vốn là chàng trai cao to, vạm vỡ thì lúc đó Hiệp chỉ như cái xác không hồn, nặng chưa đầy 40 cân, hạch nổi khắp người.

Nhìn những hình ảnh này, chẳng ai nghĩ Hiệp cũng đã từng là con nghiện, vào tù ra tội.

Sau khi các bác sĩ tại Trung tâm thăm khám, họ quyết định trả anh về nhà để lo hậu sự. Biết tin ấy, Hiệp đón nhận với tâm thế rất thanh thản, khi đó anh chẳng còn biết sợ cái chết bởi hiện tại còn đớn đau, ê chề hơn.

Mọi người đã chuẩn bị tâm lý nhưng cuối cùng Hiệp lại không chết, khi trở về nhà sức khỏe của anh hồi phục một cách thần kỳ. Bệnh tật tự nhiên thuyên giảm, tăng cân nhanh chóng, chỉ chưa đầy một tháng sau anh lại có thể sinh hoạt bình thường.

Trở về từ cõi chết nên Hiệp hiểu hơn bao giờ hết giá trị của cuộc sống. Đó cũng chính là bước ngoặt định mệnh để anh đoạn tuyệt ma túy. Không chỉ quyết tâm làm lại cuộc đời, mà sau đó anh còn tự nguyện trở thành "bác sĩ" cứu sốc cho biết bao con nghiện.

Cứu tinh của hàng trăm con nghiện

Cơ duyên dẫn Hiệp đến công việc trở thành "bác sĩ bất đắc dĩ" cũng rất tình cờ. Trong một lần đi trên đường, thấy một đám người đang lố nhố, lại gần anh thấy người ta đang cứu sốc cho một người nghiện. Sau lần đó anh làm đơn xin gia nhập nhóm cộng đồng “Vòng tay bè bạn”.

Hỏi lý do vì sao anh làm điều đó thì Hiệp cười hiền đáp rằng: "Mình đã từng trải qua những lần thừa sống thiếu chết, nếu không được những người tốt cứu sốc kịp thời thì có khi xanh cỏ từ lâu rồi. Hơn nữa, mình cũng nghĩ, bao nhiêu năm qua mình đã sống cuộc sống quá vô nghĩa nên bây giờ muốn làm được việc gì đó có ích cho đời".

Để người ta có thể biết tới mình mà gọi khi gặp con nghiện sốc thuốc, Hiệp đã phải đi khắp các bến xe, bến tàu, gầm cầu, các quán nước trà… nơi mà anh biết con nghiện thường hay dặt dẹo ở đó để dán số điện thoại. Có số điện thoại rồi, người ta sẽ gọi anh bất kể lúc nào.

"Trời mưa hay nắng, ban ngày hay ban đêm mình đều có thể bị gọi đi. Có những đêm trời rét căm căm đang nằm ngủ trong chăn ấm cũng bị "bốc" dậy. Rét đã đành chứ thêm cả mưa nữa thì khủng khiếp lắm, cả "bác sĩ" lẫn con nghiện đều run bần bật, ướt như chuột lột" - anh Hiệp chia sẻ.

Anh Hiệp nhớ lại những tháng ngày lầm lỗi đã qua.

Cuốn sổ nhật ký ghi lại những lần mà anh trực tiếp tham gia cứu sốc ngày một đầy trang hơn. Hiệp cười bảo: "Nếu để tự nhớ thì quả thật là không nhớ hết mình đã cứu sốc bao nhiêu người đâu. Nhưng cứ nhìn vào cuốn sổ này thì sẽ biết con số đó đã lên tới hơn 500 người rồi. Sở dĩ mình phải ghi lại vì đây là nội quy của nhóm cộng đồng “Vòng tay bè bạn”. Sau mỗi ca cứu người sốc thuốc, các thành viên sẽ phải ghi lại đầy đủ thông tin về con nghiện, đồng thời còn phải chụp ảnh để tiện cho công việc nghiên cứu xã hội của nhóm".

Mỗi một ca cứu sốc như vậy thường mất ít nhất là 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Đó cũng là quãng thời gian đủ để cho con nghiện tỉnh dậy. Có đi cứu sốc Hiệp mới thấm thía hơn bao giờ hết sự kỳ thị của người đời dành cho những kẻ nghiện. "Có lần mình đang hô hấp nhân tạo và tiêm thuốc cứu sốc cho một con nghiện trước cổng một nhà dân. Khi họ phát hiện ra bọn mình ở đó, họ đã xua đuổi như xua đuổi tà ma.

Cho dù khi ấy mình đã giải thích hết nước rằng đợi cháu cứu người ta qua cơn nguy kịch rồi sẽ đưa đi nhưng họ vẫn nhất quyết không nghe. Có lẽ phải sống trong môi trường xung quanh nhìn đâu cũng thấy nghiện nên khiến họ trơ lì cảm xúc. Họ chỉ thấy sự phiền phức và coi thường chứ không thể nào có cảm giác xót thương được" - Hiệp tâm sự.

Có những lần đi cứu sốc, người nhà tưởng anh cũng là con nghiện nên thẳng tay ra đòn. Thế nên chuyện anh bị đấm chảy máu mồm hay rách mắt không phải là hiếm.

Không chỉ có vậy, Hiệp còn thường xuyên bị chính con nghiện khi tỉnh dậy đổ cho cái tội trộm đồ. Bởi mỗi khi con nghiện bị sốc thuốc thường bất tỉnh nên tư trang cũng luôn được "dọn dẹp" ngay sau đó. Khi "bác sĩ" đến thì con nghiện luôn trong tình trạng chỉ còn quần áo dính trên người.

Anh tâm sự: "Mỗi lúc bị đổ tiếng oan thế mình cũng thấy tủi thân và tự ái lắm. Nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề cho rảnh nhưng cứ nghĩ đến quá khứ của mình, nhớ đến những gì mình đã phải trải qua thì lại cố gắng gạt bỏ mọi thứ để tiếp tục công việc".

Có những lần cứu được con nghiện qua cơn sốc thuốc, gọi gia đình đến đưa họ về, anh còn bị mắng trong điện thoại rằng: "Sao không để cho nó chết quách đi. Cứu làm gì cái loại mất nhân tính, người chả ra người, ngợm không ra ngợm đó".

Không thuyết phục được người nhà đến đón, nhiều khi anh còn phải tự bỏ tiền túi thuê xe ôm đưa họ về. Nhưng cũng có những gia đình khi biết con cái mình được anh cứu sống đã đến cảm ơn rối rít. Có lẽ, đó cũng là niềm an ủi cho vị "bác sĩ bất đắc dĩ" này.

Không chỉ đơn thuần làm công việc cứu sốc, mà hằng tuần Hiệp cùng các đồng nghiệp trong nhóm “Vòng tay bè bạn” vẫn đến các khu gầm cầu, những nơi được coi là ổ nghiện để trò chuyện, động viên, tuyên truyền các con nghiện từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.

Với những con nghiện có tinh thần hướng thiện, anh sẽ cùng với các đồng nghiệp tư vấn, hướng dẫn họ tiếp cận những cơ sở cai nghiện bằng methadone trong thành phố. Hiệp cười bảo: "Mỗi lần giúp được một con nghiện từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời mình thấy hạnh phúc lắm. Mình chỉ ước sẽ thất nghiệp trong thời gian sớm nhất".

Phong Anh

Ngày 14/11, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà ở tặng người có công với cách mạng; trao kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết; trao thiết bị, máy tính tặng Trung tâm y tế, ngành giáo dục và đào tạo huyện.

Sáng 15/11, Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có công văn trả lời đơn khiếu nại của Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh Quảng Nam đối với Kết luận thanh tra số 102/KL-TTT ngày 7/10/2024 của Chánh Thanh tra tỉnh về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tài chính tại bệnh viện này (Báo CAND đã thông tin).

Mặc dù biết rõ hành vi chở người nước ngoài nhập cảnh không có giấy tờ, không có hộ chiếu, không làm thủ tục khai báo nhập cảnh là trái pháp luật, nhưng vì lợi nhuận cao, Thắng rủ thêm 3 người khác chạy 2 xe ô tô để chở 6 người Trung Quốc vào Việt Nam rồi xuất cảnh chui sang Campuchia...

5.000 năm trước, ở Bắc Phi, một vị vua đầy tham vọng, ngày nay được gọi là Narmer, đã thống nhất hai vùng đất Thượng Ai Cập ở phía Nam và Hạ Ai Cập ở phía Bắc thành lãnh thổ vĩ đại đầu tiên trên thế giới - Ai Cập. Nhưng cho đến nay, nguồn gốc của nền văn minh Ai Cập vẫn còn khá mơ hồ. Những gì còn sót lại về vị Pharaoh đầu tiên của Ai Cập chỉ là cái tên.

Hiện nay, một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện, phường trong công tác này. Tuy nhiên, hoạt động thực tế gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người CHXAPT có công ăn, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

Tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về phí bảo trì, diện tích sở hữu chung, chậm bàn giao sổ hồng… tại các khu nhà chung cư là vấn đề không mới và đã kéo dài nhiều năm. Tại nhiều nhà chung cư, tưởng như việc tổ chức được hội nghị bầu ra Ban Quản trị, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho cư dân sẽ hóa giải được những xung đột, thế nhưng mâu thuẫn vẫn chưa dừng lại. Các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư đã có, vậy nhưng tranh chấp ở các khu nhà chung cư chưa bao giờ hết “nóng” và dường như chưa có thuốc “đặc trị”.

Khi bụi lắng xuống sau các trận oanh tạc vào Dải Gaza, thi thể hàng ngàn người Palestine bị vùi lấp lẫn với gạch đá, rất khó phân biệt ai đến từ Hamas, ai là dân thường cố gắng vật lộn tìm đường sống. Ngay cả khi không chết vì bom đạn, cuộc sống ngột ngạt trong cảnh vây hãm tại dải đất hẹp bên Địa Trung Hải đang từng ngày chôn vùi những giấc mơ sống bình dị nhất…

Trong cuộc đời của mỗi người luôn có nhiều khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ. Một trong những khoảnh khắc đó đã mang đến sự may mắn cho họ như định mệnh và nên duyên vợ chồng hạnh phúc viên mãn cả cuộc đời. Riêng tình yêu của tôi với nhà giáo, Thiếu tướng Phạm Văn Dần, sau là Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, cũng xuất phát từ khoảnh khắc đẹp như vậy.

Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc ở Geneva ngày 14/11 (giờ địa phương) tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán chấm dứt chiến sự ở Ukraine nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khởi xướng, nhưng cuộc đàm phán nào cũng cần dựa trên thực tế về các bước tiến của Nga.

Nhiều khu đất lớn đang trong giai đoạn chính quyền TP Đà Nẵng rao bán đấu giá bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm làm công trình, bãi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chiếm đất công rồi tổ chức cho người khác đổ xà bần, rác thải để thu tiền theo đầu xe. Đã có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... 

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文