Cuộc đời đầy màu sắc của "tướng" Lê Công

20:54 22/05/2020
HLV Lê Công là nhân vật độc nhất vô nhị trong giới thể thao Việt Nam. Tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao với bằng HLV bóng đá nhưng cuối cùng, ông lại trở thành võ sư Việt Nam hiếm hoi có danh tiếng ở tầm quốc tế.


Tự cung tự cấp

Gần hai thập niên dẫn dắt đội tuyển karatedo Việt Nam, HLV Lê Công là một trong những người ít dùng đến ngân sách nhất. Lý do bởi các học trò của ông gần như chỉ rèn luyện trong nước chứ không ra nước ngoài tập huấn như các đội tuyển khác.

Thông thường mỗi năm đội tuyển (ĐT) karatedo Việt Nam sẽ tham dự 5-6 giải đấu quốc tế, mỗi lần kéo dài khoảng 1-2 tuần rồi lại về nước. Ít xuất ngoại, Việt Nam còn gây bất ngờ khi gần như không sử dụng chuyên gia nước ngoài trong thời gian HLV Lê Công dẫn dắt.

Võ sư Lê Công, tượng đài của karatedo Việt Nam.

ĐT karatedo quốc gia chỉ thỉnh thoảng mời cố vấn đến hướng dẫn các VĐV ngắn hạn trước khi đánh những giải quan trọng. Giải thích về chuyện ngược đời đó, HLV Lê Công nói: "Mình chỉ nên thuê thầy ngoại để cập nhật một vài thông tin, điều lệ thay đổi trước khi ra nước ngoài thi đấu thôi. Việc gì trong nước làm được thì nên làm". Ông cũng bật mí với những môn thể thao thành tích cao, điều quan trọng là phải giúp VĐV có nỗ lực vượt khó.

Có hai lý do khiến HLV Lê Công không thích tập huấn ở nước ngoài quá nhiều. Thứ nhất là vấn đề kinh phí. Nguồn ngân sách cấp hàng năm cho ĐT karatedo quốc gia có hạn nên không thể sử dụng bừa bãi. Thứ hai vấn đề học văn hóa của các VĐV. Sự nghiệp của họ rất ngắn, lại diễn ra ở thời tuổi trẻ còn sung sức nhất. Thay vì bắt VĐV tập luyện tối ngày ở nước ngoài, những người làm thể thao nên tính đến chuyện tạo điều kiện cho họ học tập và định hướng nghề nghiệp sau ngày giải nghệ.

Với suy nghĩ đó, HLV Lê Công thường tập luyện cùng các VĐV ở ĐT karatedo Việt Nam theo một thời khóa biểu lạ lùng. Ông ưu tiên giúp học trò học văn hóa để đảm bảo có bằng cao đẳng, đại học; sau đó mới tính đến chuyện tập luyện thành tích cao.

Thú vị là phương pháp huấn luyện khác người đó đã giúp HLV Lê Công gặt hái thành công ở mọi giải đấu quan trọng từ SEA Games đến Asian Games. ĐT karatedo luôn là "mỏ vàng" của Việt Nam ở các kỳ đại hội thể thao quốc tế.

Tất nhiên, chỉ có thầy giỏi mới tạo ra các thế hệ học trò giỏi giang. Người lính già Lê Công hiếm khi nào nói bản thân mình là một HLV có đẳng cấp quốc tế. Ông là người Việt Nam đầu tiên được Liên đoàn Karatedo Nhật Bản công nhận võ sư ngũ đẳng huyền đai, một tấm bằng giúp ông có thể dạy võ ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Chẳng cần đến thầy dạy, mọi kiến thức ông học về karatedo xuất phát từ một quyển sách tình cờ… nhặt được trong kháng chiến chống Mỹ. Ông tự đọc, tự tập theo, thỉnh thoảng lại sang Nhật tiếp thu kiến thức mới để thành tài.

Viết đơn xin ra trận

Cuộc đời HLV Lê Công có thể đã rất khác nếu ông tiếp nối truyền thống gia đình. Cha ông là nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính (nay là Bộ Giao thông Vận tải), mẹ là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Yên. Trong thời gian ở Việt Bắc, mẹ ông có vinh dự được Bác Hồ đặt tên.

Người hộ sinh giúp cậu bé Lê Công chào đời giữa chiến khu chính là bác sĩ Trần Duy Hưng, cố Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Là con một trong gia đình lão thành cách mạng nhưng Lê Công lại không muốn theo nghiệp khoa cử.

HLV Lê Công bên cạnh học trò trong giai đoạn hoàng kim của karatedo Việt Nam.

"Thuở nhỏ tôi là cậu bé ngỗ ngược, cá tính; không ít lần tôi đánh nhau để bảo vệ mình và bạn bè", HLV Lê Công hồi tưởng. Đến ngày chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông, ông nói với mẹ về nguyện vọng nhập ngũ. Đầu thập niên 70, ông có mặt ở Quảng Trị vào giai đoạn khốc liệt nhất. Mất đi bạn bè, đồng đội giữa chiến trường là điều đến bây giờ vẫn còn ám ảnh HLV Lê Công mỗi lần nhớ lại.

Chiến tranh kết thúc, Lê Công tất bật với vô vàn công việc mưu sinh giúp gia đình thời bao cấp. Ở thời điểm người người, nhà nhà đều khó khăn, ông trở thành một sĩ quan đa ngành nghề. Ở thập niên 70-80, Lê Công đã có "nghề" kiếm thêm bằng sửa chữa tủ lạnh, buôn bán xe máy, thậm chí luyện vàng. Những ngày vượt qua gian khó thuở ấy giúp ông truyền lại tinh thần không ngại các đối thủ mạnh hơn mình cho các học trò ở ĐT karatedo quốc gia.

Đãi cát tìm vàng

Kể từ ngày nhận trọng trách HLV trưởng ĐT karatedo Việt Nam, HLV Lê Công luôn sẵn sàng nhận trách nhiệm phòng trường hợp xấu nhất. Ông chia sẻ mình lúc nào cũng có thể phải xách va li rời đội tuyển nếu thất bại ở những giải đấu quan trọng như SEA Games hay Asian Games, nhưng điều đó không có nghĩa là cho phép bản thân buông xuôi trước những thách thức. Để thành công, một HLV cần phải tìm ra những VĐV trẻ có tố chất và rèn cho họ thành võ sĩ xuất sắc.

Trường hợp của Nguyễn Thị Hải Yến, nhà vô địch SEA Games 23 và Á quân Asian Games 2006, là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho thấy mắt nhìn người của HLV Lê Công. Ban đầu chẳng đội nào muốn nhận cô bé vừa gầy gò ốm yếu lại có tiền sử bệnh hen suyễn.

Chỉ có HLV Lê Công đích thân rèn luyện, lại đích thân dẫn cô đến khắp các bệnh viện lớn để chữa bệnh. Từ một người chẳng biết gì về võ thuật, thỉnh thoảng còn ngất trên thảm tập, Hải Yến trở thành một trong những VĐV karatedo xuất sắc nhất của Việt Nam.

Tương tự Hải Yến, gia đình VĐV Vũ Thị Nguyệt Ánh còn tin tưởng HLV Lê Công đến mức ủy quyền cho ông làm cha nuôi của cô. Chỉ có uy tín của thầy Công mới khiến gia đình Nguyệt Ánh chấp nhận để con gái "chinh chiến" karatedo chuyên nghiệp suốt hơn 1 thập niên. Có thời gian cô liên tục phải ra sân thi đấu với cái chân đau nhưng cuối cùng vẫn giành HCV để "tối hôm đó bác Công uống rượu".

"Mắt nhìn người của HLV rất quan trọng. HLV không chỉ nhìn ra tài năng của các VĐV, mà còn phải biết dò la đối thủ trong từng trận đấu để có đối sách phù hợp", HLV Lê Công bật mí về thành công của mình. Một trong những lần quan sát biết mình biết ta như thế của ông đã giúp võ sĩ Lê Bích Phương giành HCV Asian Games 2010. Đối thủ của Bích Phương hôm đó là nhà vô địch thế giới Miki Kobayashi, nổi tiếng với lối đánh nhanh nhưng vẫn phải chịu thua.

Ở những năm cuối sự nghiệp, HLV Lê Công mở rộng phạm vi tìm kiếm tài năng cho ĐT karatedo quốc gia. Việc đi lại thuận tiện hơn giúp ông có thể tuyển chọn thêm nhiều VĐV tiềm năng ở các tỉnh phía Nam. Đáng tiếc là công việc đó bị bỏ dở vì ông buộc phải rời ĐT đầu năm 2014. HLV Lê Công nghỉ hưu, ĐT karatedo Việt Nam cũng mất đi một người thầy.

ĐT karatedo quốc gia đã thay đổi rất nhiều từ ngày HLV Lê Công bị cho thôi việc. Một lãnh đạo ngày đó cho biết việc này đã được tính đến từ lâu bởi cách làm của HLV Lê Công đã cũ, không còn phù hợp với thể thao hiện đại. Thành tích của ĐT karatedo Việt Nam trong những năm cuối HLV Lê Công dẫn dắt cũng có phần sa sút, mất ngôi đầu vào tay Malaysia. Kể từ đó các VĐV Việt Nam có chuyên gia nước ngoài đến làm việc toàn thời gian, xuất ngoại tập luyện nhiều hơn, chế độ đãi ngộ cũng tốt hơn.

Tuy nhiên thành tích của karatedo Việt Nam trong 6 năm kể từ ngày chia tay HLV Lê Công lại không hề khá hơn, thậm chí kém đi nhiều so với trước đó. Tại SEA Games 30 vừa diễn ra, đoàn Việt Nam chỉ giành được 2 HCV ở môn karatedo, xếp sau Malaysia và Thái Lan. Tại 2 kỳ Asian Games gần nhất các VĐV Việt Nam cũng không giành thêm được HCV nào cả.

Đơn Ca

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文