Hai cha con trên hai chuyến bay định mệnh

14:47 07/11/2016
Anh hùng Dương Văn Thanh và người con trai Dương Lê Minh đã bay trên hai chuyến bay định mệnh về với biển và núi để an nghỉ ngàn thu, nhưng trong tâm thức của các thế hệ phi công Việt Nam, họ vẫn bay trong vùng trời bình yên, góp phần bảo vệ chủ quyền bầu trời Tổ quốc Việt Nam.

1. Cách đây hơn 11 năm, trong lúc tôi đang ngồi viết phóng sự sau chuyến đi điều tra vụ phá rừng, thì một đồng nghiệp khẩn báo sự cố máy bay quân sự rơi xuống vịnh Nha Trang (Khánh Hòa). 

Tôi liên lạc với Trường sĩ quan Không quân (SQKQ) ở đường Biệt Thự, phường Lộc Thọ để xác minh nguồn tin rồi khoác máy ảnh, tăng tốc xe máy dọc đường Trần Phú, nhưng sự cố xảy ra gần đảo Hòn Tre nên tôi chuyển hướng lên ca nô ra hiện trường. Lúc đó, các lực lượng quân đội, biên phòng, công an đang triển khai phương án tìm kiếm cứu nạn từ chiều đến tối. 

Tôi liên lạc một số nơi và được biết đó là chiếc máy bay L-39 mang số hiệu 8732 do Thượng tá Dương Văn Thanh – Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 910 điều khiển huấn luyện bay đơn cho Trung úy Đào Việt Hưng - học viên khóa 30 của Trường SQKQ. 

Thượng tá Thanh – người đã hy sinh là chồng của Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy – y sĩ  Bệnh xá Công an tỉnh Khánh Hòa, còn Trung úy Hưng đã nhảy dù thoát hiểm trước khi máy bay rơi xuống biển vài phút.

Trong một cuộc tiếp xúc, Đại tá Phạm Văn Đông, Chủ nhiệm chính trị lúc đó – nay là Phó Chính ủy Trường SQKQ, tôi được biết Thượng tá Dương Văn Thanh  sinh năm 1958, quê  ở xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. 

Đầu năm 1976, anh Thanh trúng tuyển phi công và được đào tạo ở Trường SQKQ khi tròn 18 tuổi, lứa tuổi đầy khát vọng được cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Khát vọng đó là động lực thúc đẩy anh miệt mài học tập và trở thành học viên giỏi 5 năm liền, Vanh tốt nghiệp xuất sắc trong kỳ thi cuối năm 1981, vinh dự được nhà trường tuyển dụng làm giáo viên. 

Sau 29 công tác, Thượng tá Thanh điều khiển 3 loại máy bay và đã thực hiện 2.195 giờ bay, chỉ huy hàng trăm ban bay đảm bảo an toàn; đồng thời trực tiếp đào tạo 48 phi công từ lúc họ mới vào trường cho đến khi tốt nghiệp, trong số đó có không ít người trở thành cán bộ quản lý Trung đoàn Không quân 910. 

Trong dịp kỷ niệm 40 năm Quốc khánh, Thượng tá Thanh là một trong những phi công điều khiển máy bay trong đội bay xếp hình con số 40 giữa không gian rực nắng thu vàng nơi Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đặc biệt trong công tác huấn luyện chiến đấu, Thượng tá Thanh đã 2 lần thực hiện đề tài của Quân chủng Phòng không – không quân về bắn đạn Rocket C5-KO lắp đặt trên máy bay L-39 ở vùng trời Thanh Hóa. 

Khi được giao nhiệm vụ nào, anh cũng hoàn thành xuất sắc bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm của một phi công dày dạn kinh nghiệm, một giáo viên mẫu mực. 

Trong chặng thời gian 29 năm công tác, Thượng tá Thanh lần lượt được Hiệu trưởng Trường SQKQ, Quân chủng Phòng không – không quân bổ nhiệm chức danh giáo viên bay kiêm Biên đội trưởng, Phó Phi đội trưởng, Phi đội trưởng, Tham mưu trưởng, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 910 và trực tiếp đào tạo phi công trên máy bay L-39.

Di ảnh Thượng tá Dương Văn Thanh - Anh hùng lực lượng vũ trang và con trai - Thiếu tá Dương Lê Minh.

Ông Michel Demontai Guene - một danh nhân người Pháp từng viết: “Mạnh mẽ nhất, đại lượng nhất và đáng tự hào trong mọi đức tính là lòng can đảm đích thực”. 

Thượng tá Dương Văn Thanh là một phi công giàu lòng can đảm đích thực khi chấp nhận đối mặt với sự hy sinh để đồng đội trẻ thoát hiểm trong chuyến bay định mệnh ngày 29-4-2005. 

Lúc đó, Trường SQKQ đã hoàn thành xuất sắc 100% chỉ tiêu kế hoạch bay đơn cho học viên khoá 30, Thượng tá Thanh cùng Trung úy phi công trẻ Đào Việt Hưng ngồi trên máy bay L-39 mang số hiệu 8732 huấn luyện chiến đấu cùng biên đội bay ở độ cao và thấp. Khi kim đồng hồ ở Sở chỉ huy bay chỉ số 15h25’ cũng là thời khắc máy bay L-39 do thượng tá Thanh điều khiển bất ngờ chết máy đột ngột. 

Từng là phi công giỏi, xử lý kịp thời những tình huống bất trắc, trong đó có lần Thượng tá Thanh xử lý thành công sự cố hỏng máy bay trên không và đã hạ cánh an toàn, nhưng trước sự cố kỹ thuật hiếm có không thể khắc phục được, Thượng tá Thanh khẩn báo cho Sở chỉ huy bay về tình trạng kỹ thuật máy bay chết máy. 

Mặc dù sĩ quan trực ban Sở chỉ huy bay cho phép nhảy dù thoát hiểm, nhưng lòng can đảm đích thực khiến Thượng tá Thanh bình tĩnh ra lệnh cho Trung úy, học viên Đào Việt Hưng bấm cửa, bung dù thoát hiểm. Khi khoảng cách giữa sự sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc, Thượng tá Thanh vẫn quyết định tận dụng độ lướt còn lại, điều khiển máy bay lượn vòng sang trái để tránh đảo Hòn Tre, vì ở đó là Khu du lịch Vinpearl Land có nhiều du khách tham quan, nghỉ mát. 

Đến lúc đó không còn đủ độ cao để Thượng tá Thanh thao tác kỹ thuật thoát hiểm, nên máy bay L-39 rơi xuống biển, mang theo một sĩ quan không quân được nhiều đồng đội cảm phục về bản lĩnh, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức cách mạng. 

Ngay sau đó, các đội cứu hộ, cứu nạn dưới biển, trên không của quân đội, công an, biên phòng đã được huy động khẩn cấp, nhưng khi tìm được máy bay dưới lòng biển, thì Thượng tá Thanh đã ra đi với tư thế ngồi trong khoang lái như đang bay giữa vùng trời bình yên. Những đoạn ghi âm thu được từ hộp đen máy bay và ở Sở chỉ huy bay Trường SQKQ đã minh chứng lòng can đảm đích thực của Thượng tá Thanh.

Gần 2 năm sau đó, ngày 9-1-2007, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết quyết định truy tặng Thượng tá Dương Văn Thanh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới. 

Trước đó, Thượng tá Thanh đã được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương chiến công hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng và Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. 

Nhiều đồng đội, học viên của Thượng tá Thanh nhìn nhận anh là giáo viên mẫu mực, một cán bộ chỉ huy có năng lực và trách nhiệm cao từ mỗi bài giảng lý thuyết cho đến những giờ bay thực hành. Thật vậy ! Danh nhân Thomas Fuller từng viết : “Kiến thức lý thuyết là kho báu, còn thực hành mới chính là chìa khóa”, Anh hùng phi công Dương Văn Thanh đã dành hết tâm lực, trí tuệ để mỗi học viên do anh đào tạo có cả “kho báu” và “chìa khóa” để vươn lên trưởng thành trên mỗi chặng bay.

2. 11 năm 6 tháng 9 ngày sau khi xảy ra sự cố máy bay L-39 mang số hiệu 8732 rơi xuống vịnh biển Nha Trang, sáng 18-10-2016, xảy ra sự cố máy bay trực thăng EC 130-T2 số hiệu VN-8632 của Trung tâm Huấn luyện bay thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam  - Binh đoàn 18 rơi xuống núi Dinh, thuộc địa phận xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Hai sự cố tai nạn ở hai thời điểm với hai loại máy bay khác nhau, L-39 rơi xuống biển, EC 130-T2 rơi trên núi nên tưởng chừng không liên quan đến nhau, nhưng khi cơ quan chức trách công bố tên tuổi 3 cán bộ - chiến sĩ hy sinh sau sự cố rơi máy bay trực thăng EC 130-T2 mang số hiệu VN-8632  là Đại úy, giáo viên Dương Lê Minh, 32 tuổi; Trung úy, học viên Đặng Đình Duy, 25 tuổi và Trung úy, học viên Nguyễn Văn Tùng, 25 tuổi, cả nước bàng hoàng đau xót. 

Đau xót vì sự mất mát lớn lao giữa thời bình, càng đau xót hơn khi mọi người biết được thông tin Đại úy, giáo viên Dương Lê Minh là con trai của Thượng tá Dương Văn Thanh – Anh hùng lực lượng vũ trang, sĩ quan không quân đã hy sinh trong sự cố máy bay L-39 mang số hiệu 8732 của Trung đoàn Không quân 910, Trường SQKQ rơi xuống vịnh biển Nha Trang chiều 29-4-2005.

Hơn một ngày đêm huy động nhiều lực lượng công an, quân đội, biên phòng phối hợp tìm kiếm, đến 11h15’ trưa 19-10, một tổ công tác đã tìm thấy và tiếp cận vị trí máy bay trực thăng EC 130-T2 mang số hiệu VN-8632 rơi. Đến 15h chiều cùng ngày, thi thể 3 phi công hy sinh đã được đưa xuống núi và chuyển về Nhà tang lễ phía Nam của Bộ Quốc phòng để tổ chức lễ truy điệu sáng 21-10. 

Trước đó vào chiều 19-10, thừa ủy quyền của Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Hà Tiến Dũng – Tư lệnh Binh đoàn 18 đã ký quyết định truy thăng quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá cho giáo viên Dương Lê Minh và từ Trung úy lên Thượng úy cho hai học viên Đặng Đình Duy, Nguyễn Văn Tùng. 

Ngày 20-10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Thiếu tá Dương Lê Minh, Huận chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho hai Thượng úy Đặng Đình Duy, Nguyễn Văn Tùng.

Nghĩ về Thiếu tá Dương Lê Minh, tôi chợt nhớ thời điểm Thượng tá Dương Văn Thanh ra đi cũng là lúc cậu con trai Dương Lê Minh bước vào Trường sĩ quan Không quân với tư cách học viên trúng tuyển sau một kỳ thi hết sức nghiêm ngặt. 

Mặc dù lúc đó người mẹ không muốn cậu con trai nối nghiệp bố nhưng Minh vẫn nén đau thương mất mát không có gì bù đắp nổi, vượt qua cú sốc lớn đầu đời bằng sự động viên, chia sẻ chân thành từ nhiều đồng đội của bố, để học tập rèn luyện và được Quân chủng Phòng không – không quân phong cấp hàm Trung úy sau khi tốt nghiệp loại giỏi. 

Năm 2008, Minh được tuyển chọn đi tu nghiệp ở nước ngoài học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn. Trong thời gian đó, cậu con trai của Anh hùng phi công Dương Văn Thanh được huấn luyện tại các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức và điều khiển các loại máy bay C25, EC-102 và nhiều loại máy bay hiện đại khác. 

Tháng 7-2016, được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng an toàn của Trung tâm Huấn luyện Binh đoàn 18. Sau hơn 14 năm công tác, Thiếu tá Dương Lê Minh không chỉ tích lũy 3.982 giờ bay mà còn là giáo viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm đào tạo, huấn luyện hàng chục học viên phi công.

Anh hùng Dương Văn Thanh và người con trai Dương Lê Minh đã bay trên hai chuyến bay định mệnh về với biển và núi để an nghỉ ngàn thu, nhưng trong tâm thức của các thế hệ phi công Việt Nam, họ vẫn bay trong vùng trời bình yên, góp phần bảo vệ chủ quyền bầu trời Tổ quốc Việt Nam.

Phan Thế Hữu Toàn

Ngày 26/5, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đang phối hợp với Công an thị xã Chơn Thành khám nghiệm hiện trường để điều tra làm rõ 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 2 công nhân tử vong.

Những "ông sao khiếm thính" có thể khiến bạn nghĩ đến một khiếm khuyết của cơ thể nhưng thực tế, những "ông sao" của showbiz Việt có khi còn thính tai hơn bất kỳ ai. Nhưng, họ chủ động "khiếm thính" vì sự kiêu ngạo ngông cuồng của chính mình theo kiểu "mục hạ vô nhân". Chính vì thế, thay vì được quý mến như những ngôi sao, họ đã bị cộng đồng gọi là "ông sao" hoặc "sao sao".

Người Toraja là một tộc miền núi đảo Sulawesi, Indonesia. Về nguồn gốc, có quan điểm cho rằng tổ tiên họ vốn là một chủ nhân của văn hóa Đông Sơn ở Bắc Việt Nam đã thiên di bằng đường biển tới vùng đảo cách đây khoảng trên dưới 2.000 năm.

Giữa thung lũng có một “tọa độ chết” được đánh dấu, nơi đó được gọi bằng những cái tên rất hãi hùng như “cái rốn da cam”, “vùng đất chết” khi mang trong đất sự hủy diệt của chiến tranh còn sót lại. Nhưng, nhiều nỗ lực đã giúp hồi sinh vùng đất này tươi xanh như từng có.

Kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức lễ kỷ niệm với chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quảng Bình hành trình khát vọng - phát triển” diễn ra tối 2/6, cùng nhiều hoạt động khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文