Hoa khôi cầu lông Nguyễn Thùy Linh và hành trình đến Olympic
Chiến thắng của nghị lực
Tại giải Áo mở rộng, Nguyễn Thùy Linh tiếp tục cho thấy bước tiến vững chắc của mình. Tay vợt sinh năm 1997 chơi rất hay trên đường tiến đến trận chung kết. Trong trận bán kết, Thùy Linh (hạng 47) thế giới đã vượt qua tay vợt hạt giống số 1 của giải là Britney Tam người Canada (hạng 43 thế giới).
Trước đối thủ cuối cùng là Yukino Nakai, thật đáng tiếc do thể lực bị ảnh hưởng bởi lịch thi đấu quá dày, Thùy Linh đã phải chịu gác vợt trước đối thủ người Nhật đứng thứ 156 trên bảng xếp hạng các tay vợt nữ thế giới.
Không thể có được chức vô địch nhưng ngôi á quân cũng đủ Thùy Linh có được lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh với đàn chị Vũ Thị Trang giành tấm vé duy nhất của cầu lông nữ Việt Nam tại Olympic 2020. Vũ Thị Trang cũng tham dự giải đấu tại Áo nhưng chỉ dừng bước ở vòng 2 trước tay vợt Liang Ting Yu (Đài Loan, hạng 120 thế giới).
Trước khi giải Áo mở rộng khởi tranh, Vũ Thị Trang đang xếp trên Nguyễn Thùy Linh 1 bậc ở bảng xếp hạng Liên đoàn cầu lông thế giới BWF. Cụ thể, Vũ Thị Trang đứng thứ 46 với 28.555 điểm, Nguyễn Thùy Linh xếp hạng 47 thế giới với 28.536 điểm. Sau khi giành ngôi á quân, Thùy Linh nhiều khả năng sẽ vượt qua đàn chị khi bảng xếp hạng tháng tới được công bố.
Hot girl cầu lông Nguyễn Thùy Linh đang tràn đầy cơ hội dự Olympic Tokyo 2020. |
Cả Thùy Linh và Vũ Thị Trang đều đang dốc sức cho tấm vé dự Olympic Tokyo 2020. Theo qui định của BWF, 38 tay vợt xếp đầu theo thứ hạng của BWF đến cuối tháng 4/2020 sẽ đoạt vé tham dự Olympic Tokyo. Trong đó mỗi quốc gia có đại diện trong tốp 16 tay vợt hạng đầu chỉ được tối đa 2 VĐV, các thứ hạng còn lại tối đa 1 VĐV. Hiện tại Vũ Thị Trang đang xếp thứ 25/38 tay vợt đủ điều kiện dự Olympic, tuy nhiên khả năng rất cao là tay vợt kỳ cựu này sẽ bị Thùy Linh qua mặt.
Đây là điều đã được nhiều nhà chuyên môn dự đoán từ trước, bởi Thùy Linh đang cực kỳ sung sức và đang có phong độ ấn tượng. Tại giải vô địch quốc gia năm 2019, tay vợt quê Phú Thọ cũng đã đánh bại Vũ Thị Trang ở trận chung kết để đăng quang.
Đầu tháng 10/2019, Thùy Linh lần đầu tiên đoạt vé vào bán kết đơn nữ giải cầu lông quốc tế Yuzu Indonesia Masters nằm trong hệ thống BWF Tour Super 100. Suốt từ thời điểm đó tới nay, tay vợt sinh năm 1997 thể hiện một phong độ rất ổn định và liên tục thăng tiến trên bảng xếp hạng của BWF.
Nếu vượt qua tay vợt kỳ cựu Vũ Thị Trang để giành tấm vé duy nhất của cầu lông nữ Việt Nam dự Olympic 2020, đó sẽ là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực suốt thời gian qua của Nguyễn Thùy Linh.
Những mất mát không dễ lấp đầy
Vẻ ngoài xinh đẹp cùng nụ cười luôn rộng mở, Thùy Linh được nhiều cổ động viên gọi là “hot girl” của cầu lông Việt Nam. Nhưng phải trực tiếp nói chuyện với Linh mới hiểu rằng bên trong vẻ trẻ trung, nhí nhảnh của một cô gái 23 tuổi là sự chín chắn cùng một nghị lực khủng khiếp. Những mất mát trong cuộc sống cá nhân của Thùy Linh khiến cô từng trở nên khép kín, và chỉ có niềm say mê với cầu lông mới giúp tay vợt sinh năm 1997 vượt qua những nỗi đau lớn từng gặp.
Nguyễn Thùy Linh sinh ra và lớn lên trong gia đình gồm 7 thành viên ở tỉnh Phú Thọ. Từ nhỏ, ông ngoại đã nhìn thấy năng khiếu cầu lông tiềm tàng trong cô cháu gái và hướng đi theo con đường thi đấu chuyên nghiệp.
"Tôi thích cầu lông từ nhỏ. Ngày nào tôi cũng xin ông cho ra sân xem mọi người đánh cầu và mượn vợt của ông đứng một góc tự tâng. Sau nhiều lần đạt giải Nhất cầu lông ở trường và thành phố, ông thấy tôi có năng khiếu nên đã hướng mình theo con đường này", “hot girl” của cầu lông Việt Nam kể lại. Do quê nhà không có phong trào cầu lông mạnh, Linh phải xa gia đình, xuống Hà Nội từ khi mới 10 tuổi. “Thần đồng” quê Phú Thọ lập tức gây ấn tượng mạnh với giới chuyên môn sau hàng loạt chiến thắng ở các giải trẻ.
Tuy nhiên đến năm 12 tuổi, mẹ của Thùy Linh lo lắng vì tương lai bấp bênh của nghiệp thể thao nên không muốn con gái mình tiếp tục theo đuổi cầu lông. Đó là tâm lý chung của rất nhiều bậc phụ huynh tại Việt Nam.
Bên trong nụ cười tỏa nắng là một nghị lực phi thường. |
“Tôi về Phú Thọ và nghỉ tập cầu lông suốt 2 năm. Mẹ không muốn tôi theo cầu lông vì sợ con gái vất vả, không có tương lai. Tôi nhớ lúc đó gia đình giấu hết vợt của tôi. Tôi nhớ lông cầu đến mức trốn cả học để đi đánh. Mẹ biết được mắng cho mấy trận. Đến khi mẹ mất một năm, tôi mới đi tập lại”, Linh nhớ lại.
Vượt qua nỗi đau, Thùy Linh có tấm huy chương vàng giải trẻ đầu tiên và đó là bước đệm để cô tiếp tục tự tin phấn đấu trên con đường trở thành VĐV chuyên nghiệp.
Nhưng khi nỗi đau mất mẹ chưa kịp nguôi ngoai, Thùy Linh lại nhận tin dữ khi ông ngoại lâm trọng bệnh. Chính ông ngoại là người đưa Linh đến với cầu lông, là “người bạn lớn” của tay vợt trẻ khi cô bị gia đình phản đối đi theo nghiệp thể thao. Ông chưa bao giờ vắng mặt trong các giải đấu mà Linh góp mặt.
“Hành lý của ông trong những chuyến đi ấy là đủ mọi loại thuốc, ông phải uống thuốc để đủ sức theo dõi Linh thi đấu. Từ đầu tới cuối, nguyện vọng của ông vẫn luôn là sự nghiệp thể thao của tôi", Linh kể lại. Năm tôi 15 tuổi, ông ngoại qua đời. Sự ra đi của mẹ rồi ông ngoại để lại một khoảng trống lớn trong lòng tay vợt sinh năm 1997, và cô quyết tâm lấy những thành tích trên sàn đấu để lấp đầy khoảng trống đó, để “mẹ và ông ngoại từ trên cao nhìn xuống có thể tự hào”.
Thùy Linh liên tiếp có nhiều huy chương vàng trong nước ở các giải vô địch cầu lông trẻ, giải toàn quốc. Tay vợt trẻ tiếp tục vươn ra thế giới khi giành ngôi vô địch quốc tế tại giải cầu lông Nepal International Series 2016 và Italian International 2017.
Cuối năm 2016, Linh gây “bão mạng” với bức ảnh ăn mừng bên cúp vô địch giải quốc tế tại Nepal. Bức ảnh này nhận được tới hơn 200 nghìn lượt like và chia sẻ. Ở giải đấu này, Linh đăng quang mà không để thua bất kỳ một set nào. Năm 2017, Linh cùng tay vợt đàn chị Vũ Thị Trang là 2 VĐV cầu lông lọt vào danh sách 55 VĐV được đầu tư trọng điểm của quốc gia.
20 tuổi đã là tay vợt số 2 Việt Nam, Thùy Linh thực sự là một đối thủ đáng gờm với Vũ Thị Trang, tay vợt “con nhà nòi” quê Bắc Giang. Thùy Linh từng 2 lần gác vợt trước Vũ Thị Trang ở chung kết quốc gia và luôn coi đàn chị vừa là tấm gương học tập, vừa là cái đích vượt qua. “Tôi chưa bao giờ nghĩ việc đứng thứ 2 là thành tích chấp nhận được. Tôi muốn trở thành số 1 và đại diện cho Việt Nam dự Olympic”, Thùy Linh từng khẳng định như thế, và bây giờ cô đang trên đường hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Hy sinh vì nghiệp thể thao Để trở thành một tay vợt xuất sắc, ngoài thể chất tốt, Linh còn cần sự khéo léo, tự tin và khả năng tính toán chuẩn xác từng đường cầu của đối thủ. Bên cạnh đó, chiến thuật hợp lý và nhạy cảm thời điểm sẽ là yếu tố quyết định cho chiến thắng. Thùy Linh liên tục trải qua quá trình khổ luyện và cọ xát với thực tế để nâng cao kỹ thuật hàng ngày. Tay vợt nữ buộc phải đánh đổi những niềm vui của tuổi trẻ để cháy hết mình trong những trận cầu. Cô gái 9X không có thời gian đi chơi, mua sắm và giải trí như những người bạn cùng trang lứa. Cuộc sống của Thùy Linh chỉ vỏn vẹn xoay quanh cây vợt, trái cầu. Thậm chí điều này còn tạo ra một áp lực với tay vợt trẻ. "Cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh việc tập luyện rồi đi thi đấu, thi xong lại về tập luyện. Mỗi ngày đều giống nhau cả, thức dậy vào lúc 7h sáng và bắt đầu tập từ 8h30 đến 12h, buổi chiều từ 15h30 đến 18h. Riêng thứ 7 được nghỉ nửa ngày và được nghỉ cả ngày chủ nhật để thả lỏng, tôi có thể về thăm gia đình”, Linh mô tả về lịch sinh hoạt “bình thường” của mình. Linh từng chia sẻ: “Trước và sau một giải đấu, tôi hay suy nghĩ rất nhiều đến mức mất ăn, mất ngủ. Trước giải thì sợ mình thi đấu không tốt, không làm được như kỳ vọng của mọi người. Sau giải thì buồn vì thất bại, sợ nhất là bị nói đánh kém... Tôi không muốn người ta nói mình chỉ được cái bề ngoài chứ đánh không ra gì. Chính vì vậy tôi muốn chiến đấu vì cầu lông cũng như tự cứu lấy nụ cười của mình”, tay vợt sinh năm 1997 tâm sự. |