Hoạ sĩ vẽ quảng cáo cuối cùng của Sài Gòn

10:26 15/02/2017
Người đàn ông vẻ ngoài mảnh khảnh, mang cái tên rất nghệ sĩ: Hoài Minh Phương - là người thợ cuối cùng vẽ bảng quảng cáo theo kiểu xưa vẫn còn giữ cái nghề cũ kỹ giữa nhịp phát triển không ngừng của đô thị bận rộn nhất cả nước.


+ Âm thầm mưu sinh

Phòng vẽ treo bảng tên “Vẽ quảng cáo: Hoài Minh Phương” nằm ở phía trước một căn nhà thuê rộng 50m² trên đường An Dương Dương, quận Bình Tân, kẹp giữa hai căn nhà phố lớn sát cạnh trên con đường lúc nào cũng nườm nượp xe cộ, khói bụi. Trong tiệm, người thợ 67 tuổi ngồi bó gối, tấm lưng cong cong, những cọng tóc bạc bay vần vò trước nếp trán của lão nghệ sĩ. Ông là Nguyễn Thế Minh, tức hoạ sĩ – nhà thơ Hoài Minh Phương, người thợ vẽ bảng quảng cáo có thâm niên gần 40 năm trong nghề.

Căn nhà khiêm tốn của ông ngồi ở phòng khách có thể nhìn thấy cửa sau. Phòng khách ngăn với phía trước bằng tấm vách, gian nhà hẹp phía sau dùng làm bếp đồng thời cơi nới thêm một tấm gác nhỏ. Ông tâm sự, gia đình ông ở đây trên dưới cũng hơn 20 năm nhưng cũng chỉ là nhà thuê. “May mắn bởi người chủ nhà tử tế và yêu ngón vẽ của tôi nên cho thuê với giá rẻ, vì vậy tiền nhà cũng nhẹ bớt phần nào”, ông nói.

Trong không gian chật hẹp, đồ nghề bày la liệt dưới nền nhà, gia đình ông tận dụng phía trước nhà để làm phòng kẽ, kiêm luôn “phòng khám” các bệnh gân cốt, trật đả mà ông tâm sự là “nghề gia truyền bên ngoại, làm kiếm thêm như một nghề tay trái”. Chỉ vào tấm bảng chuyên trị bong gân, trật xương phía trước nhà, ông cười hiền hiền, nói: “Nhờ phước gia đình bên ngoại mà tôi có thêm cái nghề làm thêm ‘tréo nghoe’ này, để có thêm đồng ra đồng vào chạy tiền chợ, mua đồ nghề”. 

Ông nhớ lại, gia đình bên ngoại có truyền thống võ học Thiếu Lâm nhưng ông không nối võ nghiệp mà lại trót mang “máu” nghệ sĩ như gia đình bên nội. Dù vậy, nhờ học hỏi được các phương pháp chữa bệnh dân gian mà ông cũng là một thầy thuốc mát tay “quen mặt” của nhiều người.

Tiếp chuyện với khách, ông thỉnh thoảng bước ra phía sau nhà để trông chừng cháu nội. Căn nhà nhỏ lúc nào cũng rộn ràng tiếng trẻ con. Chỉ vào hai đứa trẻ đang nằm trên nền gạch gian nhà nóng hầp hập, ông Hoài Minh Phương xuống giọng: “Lương công nhân của cha mẹ tụi nhỏ đâu có đủ để trang trải hết chuyện cơm áo gạo tiền rồi gửi nhà trẻ, nên hai vợ chồng tôi phải gồng thêm một chút để lo cho cháu khi cha mẹ chúng đi làm”. Ngoài hai con trai đầu làm công nhân, ông vẫn còn một người con trai út đang mưu sinh ở tận miền Tây.

Mặc cho ồn ào của dòng xe, dòng người bên ngoài, đôi mắt ông vẫn dán vào tấm bảng quảng cáo cho một tiệm billiard mà ông mới nhận vẽ. Lão hoạ sĩ tấm lưng cong, người gần như bất động, mặt ngửa lên chăm chú dán mắt vào tấm bảng lớn dựng bên tường. Dưới chân ông, la liệt trên nền đất những hộp sơn, cọ vẽ, chén nhựa dùng để đựng màu. Thi thoảng, người thợ già rời mắt khỏi bảng vẽ, luồn tay xuống chấm sơn, lúc đó mắt ông mới ngơi nghỉ để nhìn xung quanh. Chỉ khi nghe tiếng xe thắng kít bên ngoài, ông mới ngừng tay đứng dậy, đón người vợ trờ về với lỉnh kỉnh đồ nghề trên tay.

Mỉm cười trìu mến đón mớ sơn từ tay vợ, ánh mắt ông ánh lên niềm hạnh phúc khi nhắc đến người bạn đời hiền lành: “Tôi bận rộn cả ngày với mấy cọ màu, sức khoẻ lại yếu nên không ra ngoài nhiều, nên bà xã là người luôn chịu cực ‘chạy vòng ngoài’ lo đồ nghề và quán xuyến chuyện nội trợ cho tôi yên tâm làm nghề”. Với tay chỉnh lại gọng kính, ông trầm ngâm: “Làm vợ nghệ sĩ cực khổ lắm, chứ có vui sướng mấy khi”.

Vừa đi học, vừa làm thơ, thơ của ông ngày xưa nổi tiếng khắp giới học sinh và được nhiều người săn tìm, yêu mến. Hồi tưởng lại thời trai trẻ lãng tử, ông kể mình cũng từng có thời yêu cô đào hát, thế nhưng người xướng ca lại không chấp nhận bỏ đời rong ruổi để theo chàng hoạ sĩ nên duyên phận của họ chẳng thành. Chỉ có cô nữ sinh Nguyễn Thị Nhàn yêu những trang thơ của ông rồi cảm mến, mới chịu làm vợ nghệ sĩ, chia sẻ sướng khổ với ông mấy chục năm nay.

+ Thi sĩ cầm cọ

Chậm rãi lục lọi lại mớ ký ức, ông tâm sự, nếu không gặp hoạ sĩ Hoa Huệ, biết đâu bây giờ đã có một nhà thơ Hoài Minh Phương chứ không phải là hoạ sĩ. Nghiệp vẽ với ông như mối tình tìm được bến đỗ chứ không phải là mối duyên tình cờ chắp nối.

Ông đến với nghề từ rất sớm, khi còn là cậu học sinh trường Mạc Đĩnh Chi. Ham mê hội hoạ, có năng khiếu bẩm sinh, chàng trai Nguyễn Thế Minh vẫn thường lui tới để trộm xem hoạ sĩ Hoa Huệ vẽ. Trước 1975, hoạ sĩ Hoa Huệ là một trong những hoạ sĩ có tiếng tăm, mở phòng vẽ trên đường Phan Đình Phùng. Ngày ấy, vẽ bảng, biển quảng cáo là một nghề cực thịnh, người có nhu cầu vẽ cao nên hoạ sĩ sống rất được với nghề. Thấy cậu học sinh cứ thường xuyên ghé, trầm trồ say mê, hoạ sĩ cho đứng kế bên xem rồi dần dà nhận làm học trò. 

Xong bậc tú tài, ông tiếp tục theo hoạ sĩ học nghề rồi chính thức bước vào nghề cầm cọ. Nhiều xáo trộn năm 1975 khiến đời sống khựng lại, ông phải tạm xếp đam mê, rẽ ngang bước vào làm cho xí nghiệp Xe khách miền Tây năm 1978. “Làm nhà nước tận mấy chục năm, đến chừng cơ quan giải thể năm 1990, tôi mới cầm cọ trở lại, mở phòng vẽ này đến ngày nay”, hoạ sĩ chậm rãi.

Trong suốt 40 năm nghiệp vẽ, ông có một thói quen đặc trưng là đề thơ vào các bảng vẽ của mình. Nếu đi trên đường, người ta tình cờ bắt gặp một biển quảng cáo vẽ tay theo lối viết xưa ở miền Nam có đề thơ phía dưới thì đoan chắc đó là bút tích của ông. Ông nói, gia tài thơ ca của mình nếu tập hợp lại đầy đủ có khi phải lên đến mấy tập thơ, tiếc thay ông đã không còn giữ chúng trọn vẹn sau năm 1975. Với ông, mỗi bức vẽ là một tác phẩm, và đề thơ lên bảng vẽ như một cách thi vị hoá, để vần thơ tô điểm cho tác phẩm của mình.

+ Hoạ sĩ cuối cùng

“Thế nhưng, thời thịnh của nghề vẽ chỉ trong khoảng 10 năm. Đến năm 2000, những phòng vẽ lần lượt đóng cửa, hoạ sĩ lần lượt buông cọ, khi xuất hiện máy cắt decal”, giọng ông thoáng buồn. Nghề vẽ quảng cáo phút chốc nép chừng vào góc khuất, nhường chỗ cho công nghệ hiện đại. Lưng chừng mạch kể, ông ngửa cổ rít một hơi thuốc dài, thực thà: “Cùng cực nhất là những khi một tháng chỉ nhận có 2-3 đơn vẽ, trong khi một đơn vẽ tôi lấy công chưa đến 400 nghìn, cuộc sống gần như bế tắc”.

Ông tiếp, trong khi những bạn bè đồng môn, đồng nghiệp thay nhau chuyển nghề thì “bằng mối duyên kỳ lạ cứ đeo đuổi” mà ông vẫn cứ lặng lẽ đam mê, dù trầy trật trăm đường. “Nguồn mưu sinh trong cơn hấp hối khi người ta chuộng những biển, bảng quảng cáo đèn điện hào nhoáng, thức thời, chứ đâu ai còn thích kiểu vẽ tay, lỗi thời của phong cách tận mấy chục năm trước đâu”, ông bình thản.

“Khi theo nghề này, tôi biết sẽ không bao giờ giàu được. Những lúc túng thiếu, chuyện chạy vạy mượn gạo, đổi cháo là bình thường như cơm bữa”, ông cười chua chát, “thế nhưng, niềm an ủi, nguồn động viên của tôi còn có bà xã, làm vợ nghệ sĩ phải chịu cực khổ nhưng từng ấy năm chưa bao giờ tôi nghe bà ấy kêu than một tiếng”.

Nhắc lại những ngày khó khăn, ông bỏ lửng cuộc chuyện trò rồi cất giọng ngâm:

Ngõ về mưa lạnh ướt vai em
Xao xuyến hồn anh trọn nỗi niềm
Tình nhớ trong mưa chiều kỷ niệm,
Ngậm ngùi nghe nát vỡ con tim”

“Đây cũng là bốn câu thơ tôi đề trên tấm bảng treo trước nhà”, ông nói, “cũng là một trong những đoạn thơ tôi tâm đắc nhất”. Thấm thía cuộc sống vất vả, thơ của ông thường chất chứa nhiều tự sự, nỗi niềm của người phiêu bạt, hay tình yêu lãng mạn dành cho người tình. “Có thơ, cuộc sống của tôi cũng được an ủi, đồng cảm”, ông nhoẻn cười.

Dù hiếm khi nào đi ra ngoài do sức khoẻ yếu, lại không biết chạy xe, nhưng ông không mấy ngạc nhiên khi biết gần như chỉ còn mỗi phòng vẽ của bản thân là còn mở cửa. “Người ta biết đến tôi nhờ truyền miệng, người thích hoài cổ, hay người có nhu cầu nhưng ít tiền”, ông chỉ vào tấm bảng đen vẽ dang dở, “trung bình tôi lấy công 400 nghìn/ m² tuỳ kích cỡ, cũng phải mất nhiều ngày để hoàn thành”.

Kỷ niệm buồn vui trong đời mưu sinh thì nhiều không sao kể xiết, ông nói, biết bao người đã đến rồi đi trong cuộc đời, nhưng vui nhất khi rong ruổi trên đường vẽ thuê được bắt gặp tác phẩm của mình treo trước tiệm người ta dù vẽ cách đây chục năm. “Sức khoẻ tôi không cho phép bản thân dầm nắng mưa như người khác, thế nhưng, có nhiều người yêu mến lặn lội từ tận quận 8, Thủ Đức đến rước tôi về tận nơi vẽ cho họ, chỉ vì yêu ngón nghề, vì yêu thơ của tôi, nên tôi cũng gạt tuổi cao mà trút hết sức mình”, ông ngả người ra ghế cười hồ hởi.

+ Hạnh phúc chậm rãi hồi sinh

Rút xấp ảnh từ chiếc tủ gỗ mà ông coi như vật quý, ông phấn khích khoe tác phẩm ở một nhà hàng nước ngoài vừa khai trương mà hai vợ chồng chủ người Pháp đã đến tận nơi mời ông. Giọng ông nói như reo khi biết nhu cầu vẽ theo phong cách Sài Gòn trước 1975 đột nhiên sống dậy mạnh mẽ, nhu cầu tăng rất cao đến từ người trẻ. Những đơn hàng cho ông ngày một nhiều hơn, khiến người thợ phải tất bật cả ngày.

Không giấu được hạnh phúc rạng trên ánh mắt khi nhắc đến cậu con trai út, người làm việc ở tận Cần Thơ đã quyết định khăn gói trở về để giúp cha. “Trong số ba người con thì cậu út là có năng khiếu giống tôi nhất, là chịu đi tiếp con đường mà cha đã cặm cụi vẽ ra trong từng ấy năm. Ở từng tuổi này, tôi còn mong gì hơn”, ông thoáng nhìn mông lung.

Huỳnh Duyên

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文