Khi nghịch cảnh chỉ là thử thách
- Nghị lực phi thường của người phụ nữ khiếm thị
- Nghị lực theo đuổi con chữ của cậu học trò không tay
- Nghị lực vươn lên của 3 chị em mồ côi cha mẹ
Buổi sáng, trong Hội trường Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chật kín người. Họ là những độc giả mến mộ đến để được gặp, được chia sẻ với những người cầm bút có hoàn cảnh đặc biệt như Trần Hồng Giang.
Buổi giao lưu với bạn đọc có tên “Ngày ý chí”. Những cây bút như Trần Hồng Giang, Đỗ Trọng Khơi, Nguyễn Bích Lan, Lê Dương Thế Hạnh... trải lòng về cuộc sống đời thường và công việc viết văn của mình. Thêm một lần, những người có mặt cảm phục khả năng vượt qua khó khăn, nghịch cảnh của những người cầm bút có mặt hôm ấy.
Trần Hồng Giang nhận giải thưởng trong một cuộc thi. |
Trần Hồng Giang vốn nổi tiếng trên facebook. Bạn bè quý mến anh vì sự hóm hỉnh, tếu táo, thông minh ở những note viết trên trang cá nhân. “Chém gió” đủ mọi sự đời, cứ ngỡ như anh chàng này đã đi cùng trời cuối đất, trải nghiệm cuộc đời sóng gió. Khi biết anh gắn bó với chiếc xe lăn, mọi người mới hiểu ra, Trần Hồng Giang đã đi khắp thế gian bằng những trang sách.
Anh đọc nhiều, ham mê đọc. Công nghệ internet cho anh có điều kiện tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Anh tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng, để tự làm giàu có mình. Anh viết văn làm thơ như một cách để gửi gắm những suy ngẫm cuộc đời. Một người mới đọc trên mạng thì tưởng như khó tính, chua chát, nhưng kỳ thực gặp ngoài đời lại rất hiền, rất dịu dàng, chỉ hay ngồi cười tủm tỉm.
Hình dung lại cách đây mấy chục năm, ở một ngôi làng nghèo khó ở huyện Nghĩa Hưng - Nam Định, một tai nạn khủng khiếp đến với cậu bé Trần Hồng Giang. Và rồi cậu phải nhận lấy một đòn đau của số phận, trở thành người bại liệt vĩnh viễn. Gia đình cậu và bản thân cậu chắc chắn đã trải qua những ngày tháng đau đớn như thế nào. Và để trở thành Giang của ngày hôm nay, không ai có thể đếm hết những gian nan, những cố gắng vượt thoát của Giang.
Từ lúc 5 tuổi nhận cú giáng của số phận đó, cậu bé Giang dĩ nhiên không thể đến trường. Tất cả đều là tự học, tự mày mò. Cái ô cửa cạnh giường của cậu bé bại liệt, là cả một thế giới để cậu nhìn ra đó, chiêm nghiệm và học hỏi.
Rồi đến năm 2003, qua bài báo của một tác giả, một người đàn ông Úc đang làm việc cho một tổ chức từ thiện đến Việt Nam tình cờ biết Giang. Ông ấy muốn tặng cậu bé giàu nghị lực ấy một món quà. Và Giang thông minh đã chọn món quà ấy là dàn máy tính.
Lúc đó làm gì đã có internet. Dàn máy tính đã là cả gia tài rồi, trong làng không mấy người có được. Có dàn máy tính rồi, học để biết sử dụng nó cũng là cả một câu chuyện. Giang nhờ người tìm giáo trình, tự học và sử dụng thành thạo.
Rồi internet đến làm thay đổi cuộc sống của mọi người, ngay cả ở làng quê của Giang. Anh bắt kịp những tiến bộ công nghệ rất nhanh. Anh trở thành một chuyên gia về máy tình. Giờ thì sao, cuộc sống của anh là công nghệ.
Mới đầu thấy Giang chém gió trên facebook ai cũng ngỡ anh chỉ là dân làm thơ, viết lách khơi khơi. Nhưng thực ra Giang sống bằng nghề thiết kế và quản trị trang web. Mỗi tháng kiếm tiền từ mấy trang web mình làm quản trị, cũng đủ sống tùng tiệm ở quê. Ngoài ra là viết sách, ký hợp đồng với các nhà xuất bản in và bán sách.
Chị Yến, một người chị đồng hương với Giang kể, chị biết Giang qua facebook thôi. Đầu tiên là cảm mến một người em đã biết vượt lên trên nghịch cảnh để đứng vững trong cuộc đời. Rồi chị chủ động ra Bắc gặp Giang. Rồi khi biết Giang in sách, chị tình nguyện đi bán sách dùm Giang. Chị thấy vui khi giúp Giang những việc nho nhỏ như vậy.
Chị bảo: “Thằng bé trông vậy thôi, nhưng cái đầu, sức nghĩ của nó ghê gớm lắm, chị phục lăn nó luôn đấy”. Mỗi lần về quê, chị không quên ghé thăm Giang, tặng cho Giang một món quà nhỏ hay nói chuyện tếu táo chị em cho vui.
Phải nói Trần Hồng Giang được rất nhiều bạn bè yêu mến. Từ các vị lãnh đạo địa phương, đến bạn bè văn chương, đến các nhà giáo. Ai cũng tìm thấy trong những câu chuyện của anh, những trang viết của anh niềm an ủi từ cuộc sống. Một người như Giang, ngỡ như khó mà giữ cái nhìn hồn nhiên, trong sáng về cuộc đời. Có thể sẽ là hay sầu muộn. Nhưng Giang không phải mấu người đó. Anh nhìn cuộc đời bằng đôi mắt biết ơn. Luôn luôn cảm ơn vì cuộc đời đã tặng cho anh những người bạn, những tình thương mến. Và chưa khi nào, người thanh niên tật nguyền đó thấy mình bi quan, thất vọng.
Hôm ra tiểu thuyết mới của Giang, trong Hội trường Bảo tàng phụ nữ, có một nhà báo chia sẻ thế này: “Mình đọc tác phẩm của Trần Hồng Giang thì thấy nể anh vô cùng. Anh viết không chỉ những chuyện cỏn con bé mọn, mà viết về những nỗi đau nhân tình thế thái. Nghĩ nhiều, suy ngẫm nhiều về cuộc sống. Bao nhiêu nhà văn lành lặn thể xác nhưng trang viết thì méo mó. Còn Giang, anh khuyết tật về cơ thể, nhưng trong trang viết luôn tròn đầy, tràn đầy tình người”.
Thiết kế trang web, quản trị trang web, đọc và dịch tiếng Anh thành thạo, đã xuất bản 5 đầu sách gồm thơ, tiểu thuyết, trường ca, hỏi mấy người làm được như Giang ở tuổi 40. Các cô giáo ở địa phương thường kể về Trần Hồng Giang như một tấm gương sáng, một người viết lên những điều kỳ diệu cho chính cuộc đời mình. Tự học mà có thể đọc dịch thành thạo tiếng Anh đã là một câu chuyện phi thường rồi. Viết văn thì là thứ gì đó trời cho, một dạng tài năng không phải cố học mà được.
Tôi dừng lại mãi ở một bài thơ của Trần Hồng Giang, bài thơ có nhan đề “Ngược dốc”: “Con dốc dài mòn vẹt những dấu chân/ Người tiếp người nối nhau đi hối hả/ Những mảnh đời mải lo toan tất tả/ Cứ trật trầy theo triền dốc nghiêng nghiêng”. Đọc, rồi nhắm mắt hình dung. Giang đó, một chàng thanh niên ngồi trên chiếc xe lăn. Anh chiêm nghiệm đời sống trong sự vượt dốc của chính mình. Những cuộc đời, những thân phận người, có anh trong họ và có họ trong anh. Đời sống vốn là những con dốc ngược, mỗi người phải chấp nhận thử thách để đi qua, và để trưởng thành, để thương yêu chính mình hơn, thương yêu mọi người hơn. Trần Hồng
Giang là chàng trai luôn mỉm cười trước những nghịch cảnh, không bao giờ khuất phục trước những khó khăn.
Trần Hồng Giang đang nuôi một mong ước, mà anh hy vọng rằng anh sẽ nhận được sự ủng hộ, chia sẻ, chung tay của cộng đồng. Đấy là ước mong lập ra một Trung tâm dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật tại Nam Định quê hương anh. Viết sách, làm thơ, dẫu đam mê, nhưng anh không xem nó như một công việc phải cố gắng. Khi nào cảm thấy cần viết thì viết, như một cách trò chuyện với mình thôi. Không xem trọng mình sẽ trở thành gì. Còn công việc chính yếu vẫn là làm sao để mỗi ngày giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh như mình hơn, tạo cho họ có được một công việc tốt, một chiếc cần câu lâu dài để bắt cá, để tự nuôi sống mình và làm những việc có ích cho cộng đồng.
Giống như tên gọi của cuốn sách “Những mặt trời không bao giờ tắt” của cô gái có tên Lê Dương Thế Hạnh, có gái bị u não và bị mù đôi mắt nhưng vẫn tràn ngập tình yêu đời, mà chúng ta sẽ trở lại gặp cô trong một bài viết khác, Trần Hồng Giang là hiện thân của một niềm hy vọng không bao giờ tắt. Anh thắp sáng trong chính mình và trong cộng đồng ngọn lửa của lòng nhân ái, lòng trắc ẩn sâu sắc. Những người như Trần Hồng Giang xứng đáng được nhận nhiều hơn nữa sự quan tâm thiết thực của cộng đồng.