Những cựu phạm nhân phát cháo cho bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện K:

Làm việc thiện, trả ơn đời

20:39 25/11/2013

Ở Bệnh viện K, mỗi lần nồi cháo từ thiện Hòa Hương được chở đến, đã thấy hai hàng dài bệnh nhân điều trị ở đây xếp hàng đợi sẵn. Những gương mặt không giấu nổi niềm vui, cùng với sự lo lắng, rì rầm hỏi nhau không biết hôm nay có đủ cháo để chia cho tất cả. Những con người từng xăm lên mình dấu ấn thời "giang hồ bất hảo", cứ đều đặn trong suốt gần 2 năm nay, làm cái công việc mà quá khứ vằn vện ấy họ chưa bao giờ nghĩ đến.

Các bệnh nhân ở đây vẫn thấy thú vị với những người có nhiều hình xăm, nhưng lâu dần họ quen với bát cháo ngọt, được ninh nhừ cả thịt, cả xương. Mà hiếm người biết rằng, "Hướng thiện" đã ninh nhừ cả những tâm tư, suy nghĩ đúc kết sau quãng thời gian dài lầm lạc.

"Ninh nhừ" lối cũ...

Hai năm nay, ở Bệnh viện K (cơ sở Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), cả bệnh nhân cũ, lẫn bệnh nhân mới, ai cũng biết đến vợ chồng anh Đỗ Minh Hòa - chị Phạm Thị Lan Hương cùng tất cả các thành viên trong nhóm "Hướng thiện". Công việc của họ cũng giống như rất nhiều những đoàn thiện nguyện khác là mang đến bát cháo sẻ chia cho những bệnh nhân ung bướu ở đây. Nhưng điều đặc biệt ở chỗ, những người hì hục khiêng cháo, ân cần phát sữa cho bệnh nhân ở đây lại là những người từng có thời gian cải tạo tại Trại giam Phú Sơn 4, mà có lúc họ là nỗi đau buồn  tủi hổ của gia đình và là nỗi lo lắng của xã hội.

Đỗ Minh Hòa ngày xưa được mọi người nhắc đến với cái tên Hòa "dô", hình ảnh của một gã thanh niên ngang tàng, ăn chơi, suốt ngày bỏ nhà đi bụi. Bên cạnh cái tiếng nghịch ngợm, tung hoành thời đó, khả năng duy nhất của Hòa "dô" là đi buôn. Khi các cậu ấm cô chiêu chỉ lo phá tiền bố mẹ thì anh đã nghĩ tới đủ cách "làm ăn". Từ buôn hàng thùng, buôn chó Nhật, đến hàng quạt điện... Đối với Hòa, kiếm tiền dường như là chuyện dễ như trở bàn tay, vì anh vừa có duyên lại vừa chăm chỉ. Người ta kiếm được thì lo thu thu giấu giấu, cất dành cho tương lai, với bản tính "yêng hùng" thời đó, Hòa mang tiền ra "đốt" hết với những trò vui cùng đám bạn bè ngỗ ngược. Và những cuộc chơi vô tiền khoáng hậu đã dẫn Hòa đến con đường lầm lỗi.

Bệnh nhân đã quen với những cánh tay xăm trổ múc cháo.

Dính vào ma túy, tiền kiếm được bao nhiêu cũng không đủ, Hòa "dô" đánh liều chuẩn bị gậy chặn cướp xe. Bị bắt sau 1 năm gây án về tội cướp tài sản và cố ý gây thương tích, Hòa lĩnh án 6 năm và ngồi đủ 6 năm không được giảm án một ngày nào vì trong tù, Hòa nổi tiếng là "nghịch". Người ta đi lên từ số 0 đã mất cả một đời khó nhọc, ấy vậy mà vỏn vẹn 10 năm bắt đầu từ khi ra trại, anh Đỗ Minh Hòa giờ đã thành ông chủ nhà hàng, giúp đỡ rất nhiều những anh em từng có thời gian cải tạo ở Trại Phú Sơn 4, tạo cho họ công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.

Ngày xưa như thế đã qua, chẳng ai muốn một lần nghĩ lại, Đỗ Minh Hòa thì khác. Nói về thời nông nổi, lạc đường đó, anh luôn nghĩ rằng đó là cái may. May mắn vì có thời gian để chiêm nghiệm, "hoàn hồn" trở lại sau những cú vấp ngã trên đường đời của một gã thanh niên "có tố chất". Mẹ anh từng viết trong một cuốn nhật ký màu xanh gửi con trai trong tù rằng: "Tội gốc buồn đau, chôn vào dĩ vãng/ Mở đường tỉnh ngộ, gốc khổ tiêu tan...". Câu thơ đó giờ không phải chỉ của riêng anh, mà của tất cả những anh em từng đã trải qua một thời vào tù ra tội tập hợp trong "lớp Phú Sơn 4". Cứ mỗi năm một lần họp lớp, cùng chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống, không biết bao nhiêu anh em đã được Hòa "dô" ra tay giúp đỡ.

Anh Đỗ Minh Hòa (bên phải) tặng sữa cho một bệnh nhân.

Anh Phạm Anh Tuấn, người cũng đã từng chịu án ở Trại giam Phú Sơn ngậm ngùi kể về quá khứ. Bây giờ anh đã trở thành thành viên tích cực nhất của nhóm "Hướng thiện", dùng sức mình giúp người, giúp đời, cứu vớt những phận người khó khăn, bệnh tật. Cảm giác của anh vui lắm, khác lắm so với quá khứ ngày xưa mê muội. Thời gian còn thụ án, chưa bao giờ anh có thể nghĩ đến việc sẽ nuôi sống nổi bản thân, huống chi là làm việc thiện giúp đời. Bây giờ công việc ổn định, lại có thể sắp xếp được thời gian đi cùng "Hướng thiện" một tuần hai buổi.

Anh em cũng phải vất vả để nấu được cháo, mang được cháo đến cho bệnh nhân, khi thấy họ nâng niu bát cháo trên tay, anh Tuấn cũng như anh em trong nhóm "Hướng thiện" thấy vui sướng hơn bao giờ hết. Ban đầu, thấy trên cánh tay anh nhịt nhằng những hình xăm vằn vện, nhiều bệnh nhân có vẻ ái ngại. Anh cười: "Chắc là họ nghĩ trong cháo kia có độc". Lâu dần họ quen, không phải quen với những hình xăm ấy, mà quen với bát cháo ngọt đậm nước xương được chị Hương - vợ anh Hòa ninh nhừ cẩn thận, cho anh em "Hướng thiện" hì hục cả một quãng đường xa mang đến.

"Hướng thiện" - lối về duy nhất

Nói về bát cháo nóng của vợ chồng người dẫn đầu nhóm "Hướng thiện", anh Thành - một bệnh nhân K, quê ở Từ Liêm, Hà Nội hồ hởi lắm. Chiều nào anh cũng vội lấy cháo, vội về giường bệnh nhân, mấy khi được nói một câu chuyện có đầu có cuối với những người trong nhóm từ thiện đặc biệt này. Thế mà "như là thân thuộc, như là người nhà" rồi: "Lạ gì vợ chồng anh Hòa chị Hương". Những bát cháo chất lượng do một tay chị Phạm Thị Lan Hương nấu, các bệnh nhân đều đánh giá là ngon nhất trong số các đoàn đến đây từ thiện. Một nồi cháo được nấu từ 5 cân gạo tám, 2 cân xương, 2 cân thịt lợn ngon nhất được mua từ sáng sớm. Chị Hương say mê với công việc vợ chồng chị đang làm, đối với chị giúp người cũng là khi chị ngẫm lại quãng thời gian khốn khó của vợ chồng chị, thời gian sau khi anh Hòa mới mãn hạn tù đến xây dựng hạnh phúc gia đình với chị.

Bệnh nhân xếp thành 2 hàng đợi lấy cháo.

Vợ chồng chị không nề hà bất cứ việc gì để có thể kiếm thêm thu nhập, từ bán lọ hoa đến quần áo ở vỉa hè. Chọn một người đàn ông đã có lỗi lầm trong quá khứ đối với chị không phải là vấn đề. Người ta thường nói, đàn bà phải là người có quá khứ, còn đàn ông phải là kẻ có tương lai. Mặc dù từng mang tiền án nhưng sau khi được mãn hạn tù, điều chị thấy ở anh Đỗ Minh Hòa chính là tương lai, hạnh phúc.

Hình ảnh gã thanh niên đội mũ cối hì hụi đạp xe, hết đi làm ở nhà máy chè lại cần mẫn bán chè khô, cho thuê xe máy, chăm chỉ làm lại cuộc đời để trả ơn sinh thành của cha mẹ đã khiến chị Hương hoàn toàn tin tưởng, khi gắn cuộc đời mình với anh. Từ một quán bia nhỏ ở Thụy Khuê, vợ chồng anh chị Hương - Hòa đã xây dựng thành một nhà hàng với món lẩu cháo thơm nức Hà thành. Tâm niệm lời của mẹ, không chỉ giúp mình, vợ chồng anh chị còn giúp đỡ hơn 30 người có tiền án, trong đó có những người mang án tù vì tội giết người, không bao giờ quay lại lối cũ.

Chị Phan Thị Hoa, một người bán quán nước trước cổng Bệnh viện K Hà Nội đã tình nguyện tham gia, đóng góp cùng với nhóm "Hướng thiện" từ 5 tháng nay. Vừa phát cháo, chị Hoa vừa dặn dò người bệnh ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu để dành phần cho những người khác. Những bệnh nhân mới đến chưa biết lịch phát cháo, các thành viên trong nhóm chia nhau đến từng phòng gọi người nhà mang cặp lồng ra lấy.

Để quyết định nấu cháo ở Bệnh viện K, vợ chồng chị Hương đã đi khảo sát ở rất nhiều bệnh viện khác nhau và chọn nơi đây để làm công việc từ thiện cho mọi người. Anh chị mong muốn bát cháo của mình sẽ đến được tay những người thực sự cần tới nó, để lòng tốt của vợ chồng ông bà chủ nhà hàng lẩu cháo được đến đúng địa chỉ của những người nghèo. Chị Hương nói rằng, không ai xấu hết.

Sai lầm có thể bị xóa đi bởi lòng hướng thiện luôn là điều có sẵn trong mỗi con người. Những ai có lòng hướng thiện chính là những con người biết nhìn nhận hạnh phúc cuộc sống của mình trong hạnh phúc của nhiều người khác, trong hạnh phúc với xã hội. "Bây giờ tôi sống cùng chồng tôi là một người tốt với gia đình và cả với mọi người xung quanh", chị Hương chia sẻ. Cuộc thiện nguyện diễn ra nhanh chóng ở Bệnh viện K chỉ trong vòng hơn 30 phút. 200 suất cháo đã làm ấm lòng những bệnh nhân nghèo khổ. Khi người ta hướng thiện, "vua" sẽ ngự trị trong chính trái tim.

* Tấm lòng của những con người hoàn lương trở về đã có sức ảnh hưởng đến rất nhiều người có mong muốn hướng thiện. Theo anh Đỗ Minh Hòa, nhóm sẽ tiếp tục việc thiện nguyện này và kêu gọi thêm nhiều những tấm lòng hảo tâm cùng tham gia chung sức, chia sẻ với những số phận bất hạnh trong cuộc sống.

* Những cánh tay xăm trổ, những cái đầu trọc lốc, đã không còn là hình ảnh đáng sợ đối với các bệnh nhân ung bướu ở Bệnh viện K này. Hai năm nay, những hình ảnh ấy trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết. Anh Vũ Hồng Khanh, một người từng có 20 năm ngồi tù, được phong là "lớp trưởng lớp Phú Sơn" chia sẻ: Quãng thời gian sai lầm đã qua không lấy lại được nữa, nhưng từ nay về sau, chắc chắn chúng tôi sẽ sống tốt, sẽ giúp ích cho người, cho đời…

C.Huyền - Đ.Hiền

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh phân công 3 tổ công tác đồng loạt thi hành lệnh khám xét tại 3 điểm sản xuất, mua bán phân bón liên quan đến Công ty TNHH Hasa Mặt Trời tại huyện Hàm Tân.

Chiều 3/5, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh đã tạm giữ hình sự Trần Lập Duy (SN 1994, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành) để điều tra, làm rõ về hành vi giết người. Nạn nhân là con gái ruột của đối tượng và mới được 9 tháng tuổi.

Tối 2/5, trận mưa đá kéo dài chừng 30 phút tại một số địa bàn như Mai Sơn, TP Sơn La đã gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của người dân.

Ngày 3/5/2024, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng Đội tuyển Nam và Đội tuyển U23 Quốc gia Việt Nam, trong bản hợp đồng có thời hạn 2 năm (từ 1/5/2024 đến 31/3/2026). 

Hàng ngàn mét vuông đất công bị lấy chiếm, quán cà phê chòi, xưởng sản xuất, nhà hàng…cùng hàng trăm ngôi nhà mọc lên từ nhiều năm nay trong khuôn viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh (261 Hoàng Hữu Nam, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) khiến nhiều người bức xúc.

Họ "bắt cặp" với nhau không cần tình yêu, cũng chẳng cần tiền. Chỉ cần trao đổi qua tin nhắn, gặp mặt, đi ăn uống đôi lần, hoặc ngay từ lần đầu tiên, sau khi ưng ý và thỏa thuận vài "điều khoản thuộc vùng cấm" trong mối quan hệ, thì giữa hai người đã có thể tiến tới bước quan hệ thể xác. "Phong cách bạn bè" này mới xuất hiện trong giới trẻ, mang cái tên rất Tây: "Friends with benefit".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文