Lớp học miễn phí của cô Thanh

17:25 11/07/2018
Đó là lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Thanh, nguyên giáo viên Trường tiểu học Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.


Lớp học nhỏ tọa lạc trong mái hiên ngôi nhà cũ kỹ của cô Thanh. Một tấm bảng phai màu sơn đen và vài dãy bàn ghế đã in hằn nhiều vết ố. Trong lớp học ấy, các em bị nhiễm chất độc da cam, mồ côi cha mẹ và những đứa trẻ bình thường cùng học với nhau. Cô giáo có gương mặt khắc khổ trìu mến cầm tay mỗi đứa trẻ, tập cho chúng nắn nót viết từng chữ.

Cô Thanh kể đầu năm 1980 ra trường, cô dạy học ở huyện Trà My (Quảng Nam). Đến năm 1984, cô được chuyển về gần nhà dạy Trường tiểu học Trần Ngọc Sương (sau này là Trường tiểu học Tiên Thọ). Sinh ra, lớn lên ở vùng đất bom đạn khói lửa triền miên này, cô biết rõ nơi đây có nhiều trẻ em là nạn nhân chất độc da cam. Nhiều em không được đi học, cô thấy thương quá nên ấp ủ mở một lớp học tại nhà dạy miễn phí cho các em.

Năm 1993, tâm nguyện ấy của cô mới được thực hiện. Cô đã ngược xuôi lên Phòng giáo dục huyện xin một cái bảng và vài bộ bàn ghế cũ đem về tận dụng để dạy học. Lớp học của cô cũng rất đặc biệt: có bàn, có ghế, có học sinh nhưng “phòng học” lại chỉ là khoảng trống giữa sân với mái che là các loại băng rôn, bạt… để tránh mưa gió, nắng nóng.

Khoảng thời gian đầu mới mở lớp, học sinh của cô chỉ là vài ba học sinh khuyết tật, chậm tiến bộ được gia đình gửi đến nhờ cô kèm cặp. Dưới sự chỉ bảo ân cần, nhiệt tình của cô Thanh, sau một thời gian, bạn nào cũng tiến bộ rõ rệt, học lực khá hơn. Tiếng lành đồn xa, người dân trong vùng đưa con đến lớp nhờ cô giáo giúp đỡ ngày một nhiều hơn, số học sinh vì thế tăng lên vài chục. 

“Hồi đó cứ dạy một buổi trên trường, buổi còn lại tôi dạy cho các em ở nhà. Những em được người thân xin vào học chủ yếu bị khuyết tật, học sinh nghèo hoặc mồ côi cha mẹ. Mới đầu chỉ có hơn chục em nhưng sau đó phụ huynh xin vào đông mấy chục đứa, tôi nhận hết. Có năm tôi dạy gần trăm em”, cô Thanh nhớ lại.

Tất cả học sinh đến với lớp học cô Thanh đều hoàn toàn miễn phí, cô còn tặng quà, sách vở cho các bạn khuyết tật chăm chỉ đến lớp, vì thế các bạn có nhiều nỗ lực, tiến bộ trong học tập… Nhiều bạn cha mẹ bận chưa kịp đón về, cô Thanh nấu ăn cho luôn.

Chuyện cô Thanh dạy học miễn phí cho trẻ khuyết tật được đồn xa nên có một đoàn từ thiện về đây, đặt vấn đề tài trợ xây 2 lớp học cho trẻ khuyết tật ở xã Tiên Thọ với điều kiện cô Thanh phải là người trực tiếp dạy. Mừng quá cô nhận lời ngay, sắp xếp thời gian các buổi không có tiết dạy ở trường, cô đến 2 lớp này dạy. Thời gian còn lại cô dành cho các cháu mồ côi, nghèo khó tại nhà mình. 

“Dạy từ năm 1997 đến 2002 thì 2 lớp đó giải tán vì địa phương có cơ chế cho các cháu tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng một thời gian sau các cháu cũng trở về học lại tại nhà cô, thế là tôi nhận luôn” - cô Thanh kể.

Dường như việc “gõ đầu trẻ” và lo cho các em khiến cô không còn thời gian nghĩ đến hạnh phúc riêng. Cô nói: “Mình cảm thấy lòng đủ đầy khi có những đứa trẻ bên cạnh mỗi ngày. Đó là niềm vui duy nhất của đời mình”. Cô Thanh cho biết năm nay cô 57 tuổi và mới nghỉ hưu được 2 năm. Hiện cô sống cùng mẹ già 94 tuổi trong căn nhà cấp bốn nằm bên tuyến đường liên thôn của xã Tiên Thọ. Cuộc sống của mẹ con cô chỉ dựa vào đồng lương hưu ít ỏi của cô, khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng.

Cuộc sống cũng không dư dả gì nhưng cô rất yêu nghề và yêu thương những đứa trẻ thôn quê của mình, đặc biệt là những đứa trẻ chịu thiệt thòi vì bị tật nguyền, nên cô càng mong muốn giúp các em có thể nắm kiến thức vững hơn, giúp các em thêm cơ hội học tập ngang bằng với các bạn đồng trang lứa. “Về hưu rồi nên tôi dành trọn thời gian để kèm cặp các em học sinh tiểu học. Thời khóa biểu được lên lịch giống như các em học ở trường”, cô giáo Thanh chia sẻ.

Gần 25 năm dạy chữ, cô Thanh không đòi hỏi điều gì, chỉ mong trò chăm ngoan, học giỏi.  “Có em khuyết tật, không chịu đi học, tôi đến nhà dỗ dành đến lớp. Tôi mua sách vở cho chúng và dạy mấy tháng trời mới viết được chữ. Lúc đó, tôi rất vui. Còn sức, tôi còn duy trì lớp học để bù đắp những thiếu thốn cho bọn trẻ ở quê”, cô tâm sự.

Cô Thanh cho biết lớp học của cô hoàn toàn miễn phí, nhưng thỉnh thoảng có phụ huynh đóng góp 50.000-100.000 đồng, cô vẫn nhận để thêm tiền mua phấn và bút mực cho các em cũng như để chi trả đỡ một phần tiền điện, vì các em học ở ngoài sân chỉ che bằng bạt giữa cái nắng mùa hè nên nắng nóng vô cùng. Cô còn cho biết thêm cô đang ấp ủ xây một phòng học trên mảnh đất của gia đình để các em có chỗ học đàng hoàng.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã được tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tiên Thọ, cho biết nhiều năm nay cô Thanh đã giúp rất nhiều trẻ em khuyết tật, nghèo khó ở xã bằng một cái tâm trong sáng. 

“Cô đã đóng góp công sức cho công tác khuyến học của xã, giúp các em dù khó khăn đến mấy cũng được học hành đàng hoàng. Tất cả những việc cô làm đều từ xuất phát từ tấm lòng của  một nhà giáo”, bà Tâm nói.

Anh Khoa

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文