Lớp học tình thương của bà giáo già

11:00 15/10/2015
Thương hoàn cảnh của các em nhỏ trong xóm không có điều kiện đi học thêm, bố mẹ đi làm công nhân cả ngày không người kèm cặp, bà đã mở lớp dạy học miễn phí và đi đến từng nhà vận động bố mẹ cho các em nhỏ theo học. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình vừa nuôi cháu nội còn nhỏ, vừa nuôi con trai đang ở tù nhưng bao năm nay, bà vẫn giúp đỡ sách vở, đồ dùng học tập, học phí cho các em học sinh nghèo, không có điều kiện đi học thêm.
Ở cái xóm Lào Táo Trung, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh này, cứ nhắc đến bà Sáu, cái tên thân thương mà người làng vẫn gọi bà Trần Thị Hằng bao năm nay, mọi người đều thương và cảm phục tấm lòng của bà giáo già.

Trong ngôi nhà rộng chừng hơn chục mét vuông, bà Sáu vừa dùng làm nơi ở của hai bà cháu, vừa kê mấy chiếc bàn tre ọp ẹp ở gian ngoài làm nơi học cho bọn trẻ. Tuy chưa đến giờ học buổi chiều, nhưng bọn trẻ con đã đến từ rất sớm. Bà Sáu dễ tính, chiều các cháu, chẳng quát mắng chúng bao giờ nên đứa nào cũng quý. Đến nơi là chúng lại ùa vào phòng ngủ bật tivi, tíu tít chơi đùa cùng đứa cháu nội của bà.

Nhìn bọn trẻ con lớp 4, lớp 5 nhưng đứa nào cũng gầy và bé như lớp 1, lớp 2, bà Sáu bảo, bố mẹ chúng đều là công nhân, đi làm suốt ngày không có thời gian chăm sóc dạy dỗ, nếu để chúng một mình ở nhà thì chúng chỉ mải lang thang, chơi bời mà không chịu học hành. Bởi thế mà lớp học của bà không chỉ truyền đạt, nâng cao kiến thức mà gần như là nơi trông chừng lũ trẻ con trong xóm.



Đứa nào đi học chính thức ở trường buổi sáng thì buổi chiều sẽ đến nhà bà Sáu học từ 2 giờ 30 đến 4 rưỡi chiều, còn đứa nào đi học buổi chiều thì sáng lại đến để bà kèm cặp từ 8 rưỡi đến 10 rưỡi. Học sinh nào học khá, giỏi thì bà Sáu cho thêm bài tập nâng cao và kiểm tra thường xuyên, còn cháu nào học bình thường hoặc kém hơn một chút thì bà giảng lại kiến thức trên lớp để nắm vững hơn.
Bà Sáu bên cháu nội.

Lớp học của bà Sáu có đầy đủ các lứa tuổi khác nhau, từ lớp 1 đến lớp 5 nhưng lúc nào cũng trật tự, nghiêm ngắn. Lúc bà giảng bài cho đứa này, đứa kia lại chăm chú luyện chữ, luyện đọc hay làm bài tập về nhà. Chúng đều gọi "bà" xưng "con", coi bà như bà nội, bà ngoại của mình. Nhớ lại ngày mới mở lớp học, bà Sáu phải đi từng nhà vận động các gia đình cho bọn trẻ con theo học. Để bọn trẻ con thích đi học và chịu khó học bài, bà lại nịnh chúng khi thì cái bánh cái kẹo, khi thì quyển vở, cái bút…

Bà thương chúng như con cháu mình. Mỗi đứa một hoàn cảnh. Đứa bị cha mẹ bỏ rơi. Đứa bị bệnh bẩm sinh từ nhỏ, học chữ chẳng vào. Có những đứa cả cha và mẹ đều đi tù như hai anh em Duy và Khoa, phải sống với bà nội hơn 60 tuổi. Mỗi ngày nội của hai em chỉ kiếm được 50.000 đồng, tiền ăn uống hằng ngày còn chả đủ nói gì đến tiền đi học. Không có cha mẹ ở bên chỉ bảo, không được đi học nên hai đứa nhỏ tính tình cộc cằn, lấc láo, ăn nói cụt ngủn, không đầu không đuôi. Biết hoàn cảnh của hai đứa, bà Sáu đến tận nhà xin được đưa hai đứa đến nhà dạy học.

Lớp học đơn sơ của bà Sáu.

Nhớ ngày đầu mới đến lớp, hai đứa đều không biết chữ, học trước quên sau, không nghe lời bà nhưng rồi bằng tình thương, trách nhiệm và sự quan tâm, dạy dỗ hết mục, hai đứa nhỏ dần dần đi vào quy củ và chịu khó đi học hẳn lên. Bà liên hệ xin cho hai đứa đi học ở trường tiểu học và tình nguyện dạy thêm ở nhà cho hai anh em. Hiện nay, Duy đang học lớp 4, Khoa học lớp 1, biết tự đưa đón nhau đi học, phụ giúp việc nhà cho bà nội.

Ba của Phi Long (lớp 3) bỏ đi, em phải sống với mẹ. Đang học lớp 1, em có những hành động giống người bị bệnh tâm thần nên nhà trường trả về cho gia đình. Nghe người hàng xóm kể chuyện của em, bà Sáu đến tận nhà động viên để em đến lớp học. Biết Long thích vẽ và xếp hình, bà Sáu gắn chữ cái, chữ số lên khuôn hình để em vừa học vừa chơi.

Hay như câu chuyện về cậu học trò Nguyễn Văn Cải nhà nghèo, mẹ bị tâm thần được bà Sáu giúp đỡ tận tình khiến nhiều người xúc động. Lần đầu tiên anh đến học lớp 4C của cô giáo Sáu khi chiếc cặp chỉ có duy nhất hai viên phấn và bộ quần áo vá chằng chịt. Dù lúc đó cô giáo Hằng không có tiền, phải nuôi chồng và con nhỏ nhưng vẫn đi mua chịu sách vở, đồ dùng học tập để tặng cậu học trò và còn đóng tiền học phí cho anh. Chính cô đã động viên, giúp đỡ để anh Cải tiếp tục học lên cao và hoàn thành ước mơ trở thành người giáo viên nhân dân. Hiện nay anh Cải đang là Phó Hiệu trưởng trường THPT Quang Trung, Củ Chi. Có được như ngày hôm nay, người anh biết ơn nhất chính là cô giáo Trần Thị Hằng.

Căn nhà nhỏ của hai bà cháu.

Sinh năm 1951 nhưng nhìn bà Sáu già và khắc khổ hơn nhiều so với cái tuổi của mình. Nhắc đến câu chuyện cuộc đời mình, bà Sáu lại rưng rưng nước mắt. Ở cái tuổi này lẽ ra được hạnh phúc quây quần bên con cháu thì bà vẫn phải nuôi đứa cháu nội mới hơn 3 tuổi và hằng tháng vẫn phải thăm nuôi cậu con trai đang ở tù vì tội buôn bán ma tuý.

Bà kể, ngày xưa kinh tế khó khăn nên vợ chồng bà thống nhất chỉ sinh một đứa con. Hai vợ chồng dồn hết tình thương để chăm bẵm cậu con trai duy nhất nên người nhưng cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Cậu con trai càng lớn lại càng chơi bời lêu lổng, không chịu học hành gì. Rồi chẳng biết vì sao mà anh quen và lấy một cô vợ ở tận Đồng Nai. Biết con trai mình không công ăn việc làm ổn định, thấy có người thương nên bà Sáu cũng không phản đối gì.

Khi đứa cháu nội sinh được 3 tháng, vì cô con dâu không có chứng minh thư nên bà khuyên hai vợ chồng về Đồng Nai làm chứng minh thư để dễ xin việc làm. Nhưng khi về đến nơi, bà thông gia không cho cô con dâu trở về nhà chồng vì thấy gia cảnh nhà chồng quá nghèo khổ, chồng lại không có công ăn việc làm. Đau đớn hơn là bà ngoại đứa bé còn bảo anh con rể có nuôi con thì bồng về quê nuôi chứ bà nhất định không cho con gái theo về cùng.

Bà Sáu vẫn còn nhớ như in hôm ấy giữa trưa trời nắng chang chang, anh con trai buộc đứa cháu nội mới 3 tháng tuổi trước ngực, một mình phóng xe máy từ Đồng Nai về Củ Chi không một đồng xu dính túi. Nhìn cháu mà bà rơi nước mắt. Bà lại lật đật đi mua bình, mua sữa về cho cháu uống, trong khi cô con dâu không một lời hỏi thăm xem đứa con còn đỏ hỏn về nhà thế nào. Thương con thương cháu, bà gọi điện ra năn nỉ con dâu trở về.

Nhưng đến lúc đứa cháu nội được 6 tháng, một lần nữa bà Sáu lại khuyên con dâu về quê làm chứng minh thư để đi làm. Cô con dâu đưa con trở về nhà ngoại và lần này dứt khoát không trở về. Gọi điện không được, bà Sáu lại lặn lội ra Đồng Nai để nói chuyện với thông gia và khuyên nhủ con dâu. "Nhà họ bảo tôi bồng cháu về chứ họ nhất định không cho con họ về vì chê nhà tôi nghèo, sợ con họ khổ. Lúc chúng nó về nhà tôi không công ăn việc làm, mình tôi phải chèo chống nuôi hai vợ chồng nó và sữa, bỉm cho cháu tôi. Hôm tôi đưa cháu về, anh xe ôm gần nhà họ bảo tôi về nuôi dạy cháu cho tốt chứ nhà họ đã định bán cháu tôi đi rồi", bà Sáu rưng rưng nước mắt kể lại.

3 tháng sau cô con dâu lại lần về nhà chồng và xin lỗi bà. Thương cháu, bà tha thứ cho cô con dâu nhưng chỉ 3 tháng sau, hai vợ chồng bị bắt vì tội buôn bán ma tuý. Vì con còn nhỏ nên cô con dâu được tại ngoại. Tưởng rằng chị ta sẽ tu chí làm ăn nhưng cuối cùng lại đi cặp bồ và tiếp tục buôn ma tuý. Lúc đầu bà Sáu không biết, nên khi con dâu ở tù, bà vẫn bế cháu đến thăm nom hai vợ chồng thường xuyên. Đến khi toà xét xử bà mới biết cô con dâu đã bỏ đứa con còn thơ dại, bỏ người chồng đang vướng vòng lao lý mà lao theo một tên trùm buôn ma tuý và bị bắt.

Bà đau khổ và trách con dâu nhiều lắm. Từ đó, bà coi như mình không có một cô con dâu hư hỏng như thế. Tháng nào bà Sáu cũng bế cháu xuống bến xe miền Đông từ chiều hôm trước, đến tối bắt xe đi Đồng Nai để thăm con trai. Bà bồng con bé đi thăm bố nó từ khi nó mới 1 tuổi, sáng hôm sau đến trại chỉ vào thăm được 1-2 tiếng rồi lại vội vã bắt xe về ngay trong ngày.

Thấm thoắt con bé đã được hơn 3 tuổi, anh con trai cũng sắp đến thời gian mãn hạn tù. Bà chỉ mong con trai trở về làm lại cuộc đời để nuôi con, bởi bà sợ mình đã già yếu, chẳng biết mình sống được bao lâu nữa mà chăm cháu.

Ngọc Mai

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文