Nghị lực phi thường của cô gái bại liệt mê văn chương
Gương mặt nhỏ nhắn, đôi mắt to tròn nhưng không giấu được vẻ buồn buồn của Đỗ Ánh Như Nguyệt, 23 tuổi (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên) luôn khiến người đối diện bị ám ảnh. Khó có thể tin được một cô gái quanh năm chỉ ở trong bốn bức tường, thứ duy nhất để em "liên hệ" được với thế giới bên ngoài chính là khung cửa sổ.
Nguyệt chia sẻ rằng, khung cửa sổ ấy cũng chính là bầu trời của em. Khi còn bé, nhìn bạn bè tung tăng dắt nhau qua khung cửa ấy để đến trường, Nguyệt chỉ biết khóc đòi mẹ cho em được như các bạn. Đôi mắt mẹ ầng ậng nước rồi ôm Nguyệt vào lòng. "Mẹ không nói gì nhiều mà lúc nào cũng chỉ là một câu "Mẹ xin lỗi". "Lúc đó, em chưa hiểu được ý nghĩa của câu nói đó, lớn hơn thì em hiểu, câu nói ấy chính là đỉnh điểm của sự bất lực của mẹ em" - Nguyệt nhớ lại.
Nguyệt sinh ra là một đứa trẻ bình thường, xinh xắn và bụ bẫm. Thế nhưng đến năm lên hai tuổi thì cơ thể không những không phát triển thêm mà còn teo tóp đi. Thấy con có điểm bất thường, bố mẹ Nguyệt đã đưa em đến bệnh viện khám. Kết quả, các bác sĩ kết luận em bị dính tủy, rỗng ống xương tủy nên vĩnh viễn không bao giờ đi lại được.
Như Nguyệt (trái) không gục ngã trước số phận. |
Nghe tin như sét đánh ngang tai, bố mẹ Nguyệt không chấp nhận sự thật đó. Suốt nhiều năm liền sau đó, bố mẹ đã đưa em đi khắp nơi từ Bắc chí Nam để tìm thầy tìm thuốc. Đông, Tây y đủ cả nhưng bệnh tình em không hề thuyên giảm. Đến nước đó thì bố mẹ Nguyệt cũng đành phải bất lực để số phận của con cho ông trời định đoạt.
Dù cơ thể yếu ớt nhưng Nguyệt lại là đứa trẻ rất thông minh. Đến tuổi đi học, Nguyệt nằng nặc đòi mẹ phải cho em đến trường như các bạn. Thương con, mẹ Nguyệt đã gõ cửa không biết bao nhiêu trường học nhưng nhận lại đều là cái lắc đầu không tiếp nhận. Thậm chí, cả trường khuyết tật cũng từ chối em với lý do sức khỏe, Nguyệt quá yếu, không thể tự chăm sóc bản thân nên họ không dám nhận.
Lúc biết là mình không bao giờ có thể cắp sách đến trường, Nguyệt rất buồn. Mẹ thương em nhưng cũng đành bất lực. Nhưng không chịu đầu hàng số phận, mẹ Nguyệt đã mua sách và tự lên giáo trình để dạy con. "Ông trời không cho Nguyệt đôi chân và đôi tay mạnh khỏe nhưng lại cho em nó một trí nhớ tốt và sự tiếp thu rất nhanh. Thế nên mặc dù không được học hành bài bản nhưng những gì mẹ dạy, Nguyệt đều nắm được hết" - mẹ Nguyệt chia sẻ.
Nhớ mặt chữ là việc không khó khăn gì đối với cô bé Nguyệt. Thế nhưng việc cầm được bút để viết lại là một việc quá sức với em. Những ngón tay mềm oặt không làm chủ được khiến nét bút cứ nguệch ngoạc. Nhiều lúc Nguyệt đã phải dùng chun cột chặt chiếc bút vào tay mình để viết.
Biết đọc chữ, Nguyệt say sưa đọc truyện. Có điều lạ là, Nguyệt không hề hứng thú với truyện tranh hay truyện thiếu nhi. Em đặc biệt thích đọc những truyện dài, tiểu thuyết nói về khát vọng sống, khát vọng vươn lên. "Em đọc nhiều tiểu thuyết lắm. Tính tới thời điểm này có khi em đã đọc đến hàng trăm cuốn rồi. Mỗi cuốn đều có những cái hay, cái thú vị riêng nhưng ấn tượng với em nhất vẫn là cuốn tiểu thuyết "Nhật ký Aya, một lít nước" vì em thấy có mình trong đó. Có điều em vẫn chưa thể nghị lực và mạnh mẽ như chị ấy được" - Nguyệt tâm sự.
Tựa vào những trang văn để đứng lên
Thời gian này Nguyệt đang dồn sức mình để viết những trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết "Đừng khóc nơi thiên đường". Cuốn tiểu thuyết dày khoảng 400 trang. Hỏi Nguyệt, cuốn tiểu thuyết ấy viết về cái gì thì em cười lém lỉnh trả lời: "Em nói ra sẽ lộ mất, để biết nó viết về cái gì thì khi nào xuất bản anh chị mua đọc ủng hộ em nhé!".
Khó có thể tin được một cô gái chân yếu, tay mềm chả khác nào sợi bún, cầm một cuốn sách dày cũng khó lại có thể là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết dày dặn. Mẹ Nguyệt chia sẻ: "Bình thường em nó muốn đọc một cuốn truyện dày thì cô đều phải đặt sẵn trước mặt, Nguyệt chỉ việc giở từng trang thôi. Đến bây giờ thì mọi sinh hoạt của Nguyệt đều phải phụ thuộc vào người khác. Chỉ còn duy nhất việc viết lách, gõ máy tính là con bé tự làm hết".
Một tác phẩm mới của Như Nguyệt. |
Nguyệt nói rằng, kể từ khi bố mẹ mua cho chiếc laptop nối mạng thì em thấy cuộc đời mình thực sự đã bước sang trang khác. Em không còn thấy cô độc quanh đi quẩn lại với bốn bức tường lạnh ngắt. Thế giới phẳng đã cho em nhiều bạn bè, giúp em hiểu được trên đời này còn rất nhiều người bất hạnh hơn mình nhưng họ vẫn cố gắng vươn lên để sống.
Dù không thể tự đi bằng đôi chân để bước ra khỏi căn phòng nhỏ, khám phá thế giới bên ngoài nhưng chiếc máy tính nối mạng đã làm giúp Nguyệt điều đó. Vốn sống của Nguyệt một phần cũng từ đó mà có. Cảm xúc của Nguyệt cũng dâng trào từ đó. Nguyệt đã nghĩ, sao mình không viết ra những cảm xúc đó nhỉ? Năm 2012, Nguyệt chính thức bắt tay vào công việc viết lách. Nguyệt bảo: "Văn chương với em không phải là nghề, vì nghề thì phải kiếm tiền được từ nghề ấy. Nhưng văn chương với em chính là nghiệp. Nhờ có nó mà em có chỗ “tựa” để đi lên, để vượt qua những đau đớn thể xác này".
Như tìm được chân trời mới, Nguyệt lao vào viết. Viết hăm hở, cuống cuồng như thể sợ ngày mai mình không còn sức để viết vậy. Đôi tay yếu ớt gõ lạch cạch từng con chữ chậm chạp. Nhiều lúc cảm xúc cứ ào ra mà đôi tay không sao ghi lại nổi khiến Nguyệt thấy tủi thân. Nguyệt lại tự trách mình kém cỏi. Thời gian đầu Nguyệt viết ngày viết đêm, viết đến mức bố mẹ em phải khống chế thời gian vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sau hơn 3 tháng vật lộn với chữ nghĩa, "đứa con đầu lòng" của Nguyệt cũng ra đời. Cảm giác vừa hoan hỉ, vừa hồi hộp lẫn lo lắng. Cuốn tiểu thuyết đầu tay, Nguyệt đặt cho nó cái tên rất mềm mại, rất tình là "Em vẫn chờ anh". "Nhiều người nếu chỉ nghe tựa đề thôi thì chắc nghĩ đó là một tiểu thuyết lụy tình, thế nhưng không phải thế đâu. "Anh" ở đây chính là khát vọng sống, hy vọng sống chứ không phải một anh nào cụ thể đâu ạ" - Nguyệt cười chia sẻ về cuốn tiểu thuyết đầu tay.
Thế nhưng, bản thảo gửi đi tới nhiều nhà xuất bản nhưng chờ mãi vẫn không thấy hồi âm. Có một chút ngậm ngùi, một chút tự ti không che giấu được. Sau rồi, Nguyệt lấy hết can đảm gọi điện đến Nhà xuất bản Văn học và tha thiết nhờ họ đọc bản thảo của mình một lần thôi. Kết quả thật bất ngờ vì không lâu sau đó Nhà xuất bản Văn học đã quyết định in tiểu thuyết "Em vẫn chờ anh". Nguyệt bảo: "Cuốn tiểu thuyết đầu tay em viết rất bản năng, gần như ghi lại những cảm xúc của em về cuộc sống, nó có thể sẽ không sắc sảo, mạch lạc như những cuốn tiểu thuyết về sau. Thế nhưng nó mãi là những rung cảm đẹp đẽ nhất trong cảm nhận của một cô gái mới lớn".
Tháng 8/2014, Nguyệt hoàn thành cuốn truyện thiếu nhi có tựa đề "Chuyến phiêu lưu đến xứ sở bên kia thác mây mù" dài hơn 200 trang.
Riêng về cuốn tiểu thuyết "Đừng khóc nơi thiên đường" sắp hoàn thành, Nguyệt phải viết đi viết lại rất nhiều lần. Nguyệt chia sẻ: "Văn chương là thứ đòi hỏi phải có cảm xúc. Có những lúc cảm xúc em đang ào ạt thì sức khỏe lại không cho phép nên em buộc phải dừng lại. Có những khi phải nghỉ một quãng dài, đến khi quay trở lại khó lấy lại được cảm hứng nên em thường viết lại từ đầu".
Nhìn đôi tay mềm oặt, khó nhọc gõ từng con chữ trên chiếc laptop mới thấy được tình yêu văn chương của cô gái 9x tật nguyền. Có chứng kiến mới hiểu, trong cuộc đời đầy rẫy những thiệt thòi, đau khổ của em thì văn chương đúng là cứu cánh, giúp em có thêm tự tin và nghị lực để hòa nhập vào cuộc sống này.