Nghị lực phi thường của người phụ nữ khuyết tật

08:00 30/11/2017
Nếu đầu hàng số phận, có lẽ chị Huỳnh Thị Xậm, 39 tuổi, ngụ tại xã Xuân Tới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh vẫn đang quanh quẩn bên 4 bức tường. Bởi từ khi sinh ra, hai tay của Xậm đã bị co rút, hai chân cũng khó cử động. Thế nhưng, người phụ nữ bé nhỏ này lại có một nghị lực phi thường.


Xậm đã học chữ, trở thành cô quản thư, cô giáo dạy chữ và một họa sĩ với nhiều tác phẩm hội họa ấn tượng. Năm 2017, chị vinh dự là 1 trong 3 người phụ nữ Việt Nam được hãng thông tấn BBC của Anh bình chọn trong danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu.

15 tuổi mới học lớp vỡ lòng

Chúng tôi có dịp gặp Huỳnh Thị Xậm trong một lần chị có việc ra Hà Nội. Nhìn vóc dáng bé nhỏ, ngồi lọt thỏm trên chiếc xe lăn khó ai có thể hình dung ra những việc chị đã làm được. 

Sinh ra trong một gia đình đông con, Xậm là con thứ 3 trong số 6 anh chị em. Ngay từ khi mới lọt lòng, các ngón chân, ngón tay của chị đã bị co quắp lại, hai chân cũng teo dần khiến việc đi lại rất khó khăn. 

Càng lớn thì đôi bàn tay của chị càng trở nên yếu ớt, đến mức không thể cầm nắm một vật dù là nhẹ nhất. Đôi chân teo lại nên thay bằng đi thì chị Xậm đã phải lết từng chút một. Khi ấy, sinh hoạt hằng ngày chị đều phải dựa cả vào cha mẹ. Việc không thể tự chăm sóc bản thân đã khiến chị rất đau khổ rồi nhưng mỗi khi nghĩ đến việc cả đời này chị phải sống tầm gửi vào người thân khiến chị cảm thấy bế tắc. 

"Nhiều lần tôi tìm cách tự tử để kết thúc cuộc đời mình nhưng rồi người thân đều phát hiện ra. Sau mấy lần như thế tôi đã nghĩ rằng, chắc ông trời chưa muốn mình chết. Vậy thì mình phải sống, và sống thật ý nghĩa" - chị Xậm nhớ lại những ngày tháng bế tắc của đời mình.

Nghĩ là làm, sau lần chết hụt chị Xậm bắt đầu học làm mọi việc bằng chân. Hằng ngày chị có thể dùng đôi chân của mình để dọn dẹp nhà cửa và làm những việc lặt vặt khác. Điều ấy không chỉ giúp được bố mẹ mà còn khiến chị Xậm tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. 

Dù vậy, Xậm vẫn rất buồn, nỗi buồn của một đứa trẻ khát khao được đi học nhưng không thể. Lắm khi nhìn bạn bè cùng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường khiến Xậm tủi thân. Xậm tự lết đi lấy que củi giả vờ làm bút rồi kẹp giữa các đầu ngón chân vẽ nguệch ngoạc trên nền đất. 

Thấy con ham học, cha Xậm đã đến trường xin cho con đi học. Ban đầu thầy giáo tỏ ra e ngại vì không biết xếp chỗ cho cô học trò đặc biệt này ở đâu. Sau thầy quyết định cho Xậm ngồi bệt dưới cuối lớp để tiện cho việc tập viết chữ. 

Những ngày đầu đến lớp, cô học trò khuyết tật luôn tủi thân vì bị bạn bè trêu chọc. Càng bị trêu, Xậm càng quyết tâm để học thật giỏi. Nhưng đến trường chưa được bao lâu thì cha Xậm chẳng may qua đời. Gánh nặng cơm áo đè nặng lên vai mẹ Xậm. Thương mẹ, Xậm đành ngậm ngùi bỏ dở việc học hành. 

Phải đến năm 15 tuổi, cô gái Huỳnh Thị Xậm mới được trở lại trường để tiếp tục học những bài học vỡ lòng. Chị Xậm chia sẻ: "Hồi đó dù tôi làm các việc khác bằng chân khá thuần thục nhưng riêng việc kẹp bút để viết thì quá khó, lúc choại sang bên này, khi lại nguệch sang bên kia. Dù vậy tôi vẫn không từ bỏ, có những lúc luyện nhiều quá các ngón chân tê dại, trầy xước. Mỗi lần như thế tôi lại quấn giấy quanh bút để khi kẹp đỡ đau hơn".

Chị Huỳnh Thị Xậm vẽ tranh bằng chân.

Để đến được trường học, Xậm cùng em gái phải vượt qua quãng đường sông dài đến 10km. Gia đình khó khăn, cộng với việc đi lại không thuận tiện nên em gái Xậm đã bỏ học giữa chừng, riêng Xậm vẫn cố học đến cùng. Cuối cùng chị cũng cầm được tấm bằng tốt nghiệp THPT vào năm 27 tuổi.

Vừa đón nhận tấm bằng tốt nghiệp trên tay, cũng là lúc Xậm rục rịch khăn gói lên học nghề tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Đào tạo nghề cho người khuyết tật TP Hồ Chí Minh. Mặc dù ở Trung tâm có rất nhiều nghề nhưng cuối cùng Xậm thấy vẽ tranh là phù hợp với mình nhất. 

Chị chia sẻ: "Phải mất đến 3 tháng tôi mới dùng được cây cọ thành thạo bằng các ngón chân. Đến tháng thứ 6 thì những bức tranh tôi vẽ ra đã bán được. Và đó cũng là thời điểm đầu tiên trong đời tôi có thể gửi tiền về cho mẹ, số tiền chỉ 200 nghìn đồng thôi. Với người khác số tiền ấy thật chẳng đáng gì nhưng với tôi nó thật sự quý giá. Vì từ khi biết nhận thức về bệnh tật của mình, tôi chưa bao giờ dám mơ đến một ngày lại có thể tự mình kiếm được ra tiền".

Họa sĩ Nguyễn Hoàng, thầy dạy vẽ cho chị Xậm chia sẻ: "Xậm là một học viên đặc biệt so với các học viên khác. Vì cô ấy chỉ có thể học vẽ bằng chân nên tôi đã phải tìm nhiều cách để hướng dẫn Xậm. Có nhiều cơn đau bất chợt khiến Xậm phải bỏ cuộc nhưng đến khi hết bệnh thì Xậm lại quay lại học tiếp. Cũng từ sự kiên trì, ham học hỏi Xậm đã cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị. Từ những bức tranh, Xậm đã có nguồn thu nhập, có kinh phí mua cọ, mua màu để rồi nuôi dưỡng đam mê của mình".

Nhờ những thành tích xuất sắc trong học tập, chị Xậm được Trung tâm Nuôi dưỡng và Đào tạo nghề cho người khuyết tật TP Hồ Chí Minh giữ lại làm quản thư. Khi Trung tâm mở lớp dạy tin học, chị Xậm cũng đăng ký đi học. 

"Tôi nghĩ rằng, công việc quản thư không đơn giản như ngày trước nữa, bây giờ người ta quản lý chủ yếu bằng máy tính nên tôi nhất định phải học. Cũng giống như hồi học phổ thông, tôi phải ngồi dưới đất và để bàn phím xuống dưới đất mới học được. Bây giờ thì tôi có thể sử dụng máy tính vào công việc quản lý thư viện của mình một cách thành thạo rồi" - chị Xậm cho biết.

Anh Nguyễn Tấn Đạt, học viên ở Trung tâm cho biết: "Tuy chị Xậm chỉ sử dụng hai ngón chân để gõ phím nhưng thao tác luôn nhanh hơn so với các bạn bình thường, khiến bọn mình rất nể phục".

Mọi hoạt động của bản thân đều được chị Xậm dùng đôi chân của mình thực hiện.

Gieo hy vọng cho những mảnh đời bất hạnh

Nhiều người trong Trung tâm Nuôi dưỡng và Đào tạo nghề cho người khuyết tật TP Hồ Chí Minh luôn coi chị Xậm như một tấm gương để họ soi vào và phấn đấu. Chị Nguyễn Thị Hà - một học viên của Trung tâm chia sẻ: "Trước khi đến với Trung tâm này, em lúc nào cũng mặc cảm và luôn tự cho mình là kẻ bỏ đi. Nhưng đến đây rồi, nhìn nhiều anh chị đang nỗ lực từng ngày em đã nghĩ khác đi. Nhất là khi chứng kiến sự cố gắng của chị Xậm. Chị ấy không chỉ cố cho mình mà còn giúp đỡ được rất nhiều người khuyết tật khác".

Có kiến thức, chị Xậm bắt đầu mang những kiến thức ấy giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Ban đầu, chị dạy xóa mù chữ cho những học viên sáng mắt. Nhưng nghĩ đến những người khiếm thị thất học chị lại thương vô cùng. Sau nhiều đêm trăn trở, chị Xậm quyết định sẽ đi học chữ nổi để về dạy cho những người không có cơ hội nhìn thấy ánh sáng. Chị kể mình phải mất tới 3 tháng để học thành thạo bảng chữ nổi. Sau đó chị mở lớp dạy miễn phí cho các học viên khiếm thị trong Trung tâm.

Trước sự nỗ lực không ngừng, năm 2009, chị Xậm được Trung tâm cử đi học tại khoa Xã hội học, Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh. Chị Xậm nhớ lại: "Khi Trung tâm trao cho tôi cơ hội, tôi hạnh phúc lắm nhưng cũng biết mình sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tôi sẽ phải chuẩn bị giáo trình, tìm tài liệu và làm bài tập nhóm… Thế mà mọi sự rồi cũng qua, cuối cùng thì tôi cũng cầm được tấm bằng đại học, như thể chạm tới được cả giấc mơ của mình vậy".

Mới đây, khi biết mình là 1 trong 3 phụ nữ Việt Nam lọt vào top 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do hãng truyền thông BBC bình chọn, chị Xậm đã rất xúc động. Chị tâm sự: "Để có được ngày hôm nay, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành và yêu thương nhất tới mẹ của mình. Mẹ đã cùng tôi vượt qua biết bao khó khăn mà nhiều lúc tưởng chừng như không thể. Giờ thì tôi cũng có thể tự hào với chính bản thân mình vì đã giữ đúng lời hứa, đã sống thì phải sống có ích".

Bà Đinh Thị Hỏi, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Đào tạo nghề cho người khuyết tật TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Xậm là một cô gái có nghị lực phi thường, không chịu đầu hàng số phận. Tôi nhớ, những ngày đầu đến Trung tâm, Ban lãnh đạo cử một người giúp đỡ em trong sinh hoạt. Vài ngày sau, em quyết định tự học cách thay đồ, ăn uống… Chúng tôi khá bất ngờ với sự cố gắng đó.

Ngoài ra, Xậm dù chỉ học bằng bàn chân nhưng đã tốt nghiệp ĐH loại khá. Từ đó, chúng tôi mới thấy đây là một người tiêu biểu trong việc vượt qua số phận để có thể làm những điều mà người bình thường chưa chắc làm được. Vì vậy, chúng tôi đã giữ em ở lại Trung tâm công tác. Bằng nghị lực phi thường của mình, Xậm từ một cô bé khuyết tật, giờ đã trở thành một cô quản thư, cô giáo dạy chữ, một họa sĩ tài năng, được sống có ý nghĩa với bản thân, gia đình và xã hội".

Song Anh

Chiều 7/1, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, lãnh đạo TP Hải Phòng tổ chức gặp mặt, biểu dương và khen thưởng Thủ môn đội tuyển bóng đá Việt Nam Nguyễn Đình Triệu, với số tiền thưởng lên tới 550 triệu đồng cùng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.

Chiều 7/1, thông tin từ Ban ATGT TP Hải Phòng cho biết, cơ quan chức năng địa phương đang vào cuộc xử lý vụ tai nạn giao thông liên hoàn do lái xe vi phạm nồng độ cồn xảy ra trên địa bàn.

Human metapneumovirus (HMPV) không phải là virus mới, đây là một trong số các tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em trong các năm 2023-2024 và đã được ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, chiếm tỷ lệ thấp (12.5% ở trẻ em) so với các tác nhân khác như rhinovirus (44,6%), virus hô hấp hợp bào RSV (41,1%), cúm A (25%). Thông tin này được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đưa ra ngày 7/1 trong tình cảnh virus HMPV đang bùng phát tại Trung Quốc, gây ra đợt bệnh hô hấp diện rộng khiến người dân lo lắng…

Ngày 7/1, Hội đồng Anh và IDP Việt Nam, hai đơn vị được cấp phép tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS tại Việt Nam đã cùng thông báo việc các kỳ thi IELTS tại Việt Nam sẽ chuyển sang thi trên máy tính từ sau ngày 29/3.

Sáng 7/1, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (SN 1963, trú tại tổ 11, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Phó Trưởng Ban dân nguyện thuộc Ủy Ban Thường vụ Quốc hội) về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Ngày 7/1, Thanh tra tỉnh Kiên Giang công bố kết luận thanh tra về trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao gắn với việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng thu - chi tài chính, tài sản công và các dự án đầu tư tại Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang và các đơn vị trực thuộc.

Đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch sau chiến thắng thuyết phục trước Thái Lan. Sau giải đấu này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng như cá nhân huấn luyện viên Kim Sang-sik sẽ có thêm nhiều sự gợi ý, định hướng về định hướng chiến lược cho năm 2025 và xa hơn nữa.

Ngày 7/1, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 5 đối tượng về tội “Mua bán người”; đồng thời, tiếp tục điều tra các hành vi “Cho vay lãi nặng”; “Xuất nhập cảnh trái phép”; “Bắt giữ người trái pháp luật”…, mở rộng điều tra vụ án.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文