Người cha của hơn 100 trẻ mồ côi

10:53 03/01/2019
Dù không vợ con nhưng hơn 10 năm nay, một mình ông Đinh Minh Nhật (57 tuổi, ở thôn 1, xã Ia H'Lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã nuôi dạy 102 đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.


Với ông, hơn 100 cháu nhỏ này chính là những đứa con ruột thịt của mình. Ngôi nhà nằm giữa đại ngàn Tây Nguyên này lúc nào cũng rộn rã tiếng cười trẻ thơ. Và, ở đó cũng cần lắm sự đóng góp giúp đỡ của các nhà hảo tâm để cùng chung sức với ông lo cho các cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn.

1. Khá khó khăn chúng tôi mới tìm được ngôi nhà của ông Đinh Minh Nhật, bởi ngôi nhà nằm sâu trong một con ngõ nhỏ. Thoạt nhìn ban đầu, không ai nghĩ rằng đây chính là nơi cưu mang hơn 100 đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Ở sân nhà, một số đứa trẻ đang tíu tít chơi đùa. 

Phía bên trong, gần chục cháu đang ngồi học bài trong một căn phòng vừa rộng rãi thoáng mát, vừa ngăn nắp gọn gàng. Cạnh căn phòng lớn này là căn bếp nhỏ, những cháu lớn đang phụ nhau nấu ăn. Ở đó, cháu thì lặt rau, cháu đang nấu nồi canh lõng bõng toàn nước… Nhìn kế bên, người đàn ông mặc chiếc áo sờn vai, với gương mặt hiền hậu đang tắm cho đứa trẻ mắc bệnh down.

Người đàn ông đó không ai khác chính là người cha đáng kính của hơn 100 đứa trẻ nơi đây - ông Đinh Minh Nhật. Sau khi tắm rửa xong cho cậu bé, ông Nhật giản dị, cởi mở tiếp chuyện chúng tôi. 

Nhìn những đứa trẻ đang nô đùa ngoài sân, ông bảo: "Hiện giờ, gia tài của tôi là 102 đứa con, dù tôi chưa từng một lần làm chồng, làm cha theo đúng nghĩa. Hạnh phúc nhất với tôi là được nhìn thấy các con được sống hạnh phúc và nuôi dưỡng hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp cho các con".

Góc học tập của các cháu ở nhà ông Nhật.

Chúng tôi tò mò về cậu bé mắc bệnh down vừa tắm rửa, ông Nhật bảo, đó là đứa trẻ thứ 2 ông nhặt được trong 102 đứa trẻ ông cưu mang. Giữa năm 2008, khi đang trên đường từ thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) trở về ngôi nhà vừa xây được vài tháng ở thôn 1 này, ông thấy một đứa trẻ bị vứt bỏ bên đống rác ở vệ đường, ruồi bu khắp thân thể còn đỏ hỏn. Ẵm đứa trẻ lên, ông phát hiện cháu không có hậu môn.

 Ngay lập tức, ông đưa cháu về nhà, rồi nhờ hàng xóm chăm sóc đứa bé gái mình đã cứu sống trước đó. Xong việc, ông tức tốc đưa cậu bé vào TP Hồ Chí Minh để phẫu thuật, tạo hậu môn giả bên hông. Nghiệt ngã hơn, khi các bác sĩ khám thì phát hiện đứa bé còn mắc bệnh down.

Những ngày chăm cậu bé ở bệnh viện, ông Nhật kiệt quệ, thở dốc vì căn bệnh thận hành hạ. Bao nhiêu tiền bạc, ông dốc hết chữa bệnh cho cháu. Và rồi, cháu bé cũng qua cơn nguy kịch. Sau khi đưa về nhà, ông đặt tên cháu là Đinh Thái Bảo. Tuy nhiên hiện nay, Bảo vẫn không tỉnh táo và nhận thức được do mắc bệnh down. Mọi sinh hoạt hàng ngày của Bảo đều được ông và các anh chị lớn trong nhà giúp đỡ.

Ngược dòng thời gian, ông Nhật cho hay, mái ấm này hình thành vào năm 2008. Năm đó cũng là năm đầu tiên ông mang đồ đạc ở thị trấn Chư Sê về dựng nhà sống một mình ở nơi đây. Vào một đêm cuối tháng 4, ông có việc đi ra ngoài cách nhà khoảng  2 cây số thì thấy buôn làng mời thầy cúng chuẩn bị các thủ tục chôn một đứa bé theo mẹ xuống mộ. 

Đứa bé người dân tộc Jarai, sinh ra được 2 ngày thì mẹ mất, không biết cha mình là ai. Thấy vậy, ông chạy vào giật lấy đứa trẻ và ôm chạy đi nhưng bị đám người làng đuổi bắt được. Ông giải thích rằng đứa trẻ được mẹ sinh ra, nó không có tội tình gì, để cháu sống cũng không bị ai bắt tội mà còn cứu thêm được một mạng người.

Tuy nhiên, dù ông giải thích như thế nào người làng cũng không đồng ý cho đứa trẻ được sống. Bởi họ cho rằng, phong tục bao đời của người Jarai là thế, nếu chống lại Yàng (trời) thì cả làng sẽ mang họa. 

Biết chậm là đứa bé chết, ông Nhật xin dân làng chậm lại một giờ đồng hồ, rồi chạy hộc tốc đến nhà một cán bộ xã để cầu cứu. Cán bộ xã đến nơi thuyết phục mãi dân làng mới nhượng bộ, rồi bắt ông Nhật phải cúng một con lợn to, 10 ghè rượu để tạ lỗi với Yàng.

Sau khi giành lại sự sống cho cháu bé, ông Nhật phải bồng bế khắp các làng để xin từng giọt sữa. Nhưng xin mãi cũng không được, nhiều người thấy đứa trẻ ấy bú dữ quá nên quyết không cho sữa vì sợ con mình không còn cái ăn, ông phải đi đong từng lon gạo, mua từng bịch sữa để nuôi cháu lớn lên từng ngày. Rồi, ông đặt tên cháu theo họ của mình là Đinh Hồng Phúc. 

"Tôi đặt tên cho con là Phúc bởi vì con may mắn được giữ lại mạng sống sau khi vượt qua được những hủ tục. Tôi cũng hy vọng sau này lớn lên con sẽ là một người biết thương yêu giúp đỡ người khác", ông Nhật chia sẻ.

Từ đó về sau, hễ nghe tin các cháu nhỏ có cha mẹ qua đời, lang thang cơ nhỡ, ông Nhật đều góp nhặt đưa về chăm sóc, nuôi nấng. Nhiều người đi nương, đi rẫy hễ thấy trẻ bị bỏ rơi cũng nhặt đưa về cho ông nuôi. Năm này qua năm khác, bây giờ ngôi nhà của ông đã lên đến 102 cháu.

Cách đây 2 năm, gia đình nọ, vợ bị ung thư gan, chồng ung thư phổi rồi mất, để lại 4 đứa con, đứa nhỏ mới chỉ lọt lòng mẹ, ông Nhật đều mang về nuôi. Đến nay cháu lớn 11 tuổi tên Kpui H'Ngọc Lan, cháu Kpui H'Bun 7 tuổi, cháu Kpui H'Kiều Chinh 5 tuổi và cháu Kpui H'Thủy Tiên chỉ mới 2 tuổi. Hàng ngày, cháu Kpui H'Thủy Tiên được các cô ở trường mầm non địa phương đến đón đi học, chiều tối mới đưa về. 

"Cha Nhật là người tốt bụng, chăm lo tụi cháu rất chu đáo, dạy học bài, nấu ăn, cách ứng xử và biết cách yêu thương các em nhỏ. Ước mơ của cháu là sau này làm bác sĩ, để chữa bệnh cho các em ở đây", Kpui H'Ngọc Lan tâm sự.

Đối với chị em Kpui H'Ngọc Lan, ông Nhật giống như một người cha yêu thương.

2. Theo ông Nhật, các cháu ở các làng, xã, huyện khác nhau của tỉnh Gia Lai, lúc mới về không hòa nhập được. Qua thời gian, đến nay các cháu biết yêu thương nhau, không chia rẽ làng này với làng khác. Chị lớn biết chăm sóc em nhỏ, coi nhau như ruột thịt. Thấy em khóc là biết sẻ cơm, nhường bánh. Cõng em chơi, tối thì vỗ em ngủ như chị em ruột thịt trong một gia đình.

Ông Nhật cho rằng, những đứa trẻ này đa phần thiếu thốn tình cảm gia đình nên ông dạy các cháu bằng cách giáo dục cảm xúc. Theo đó, sau khi các cháu học trên trường về, thời gian rảnh ông dạy các cháu về tình người. 

Bên cạnh đó, ông thường kể cho các cháu nghe những câu chuyện về tình cảm gia đình, cho nghe những bài hát ý nghĩa, nhân văn để các cháu học được những điều hay, lẽ phải. Biết hoàn cảnh các cháu, một số giáo viên ở huyện tự nguyện về mái ấm này dạy phụ đạo để cháu tiến bộ hơn.

Ông Nhật tắm rửa cho cháu Đinh Thái Bảo bị bệnh down.

Để khuyến khích các cháu học tập tốt, ông Nhật đã đặt giải thưởng dù giá trị không đáng là bao nhưng để các cháu cố gắng phấn đấu học tốt. Năm vừa rồi, nhiều cháu đạt được thành tích cao khiến ông vui mừng khôn xiết. 

Cháu lớn nhất nay đã 21 tuổi và hiện đang theo học đại học tại Huế, một số cháu khác đang theo học các lớp trung cấp, cao đẳng. Trong khi đó, có 6 cháu do không có khả năng đến trường nên ông cho đi học tại những trường nghề. Giờ đây các cháu có thể tự làm nuôi bản thân, tự lo chi tiêu hàng ngày.

Hiện tại, ông Nhật có 600 gốc cà phê và 400 trụ tiêu làm kinh tế nuôi các cháu lâu dài. Trước khi vườn rẫy cho thu hoạch, ông đi đến các trung tâm y tế, các bệnh viện để chăm sóc người già. Sau đó, con cháu của họ bồi dưỡng cho ít tiền, dành dụm đem về mua thức ăn, áo quần cho các cháu. 

Ông bảo, nhờ các cá nhân, tổ chức hảo tâm gần xa biết đến chung tay giúp đỡ và cả nguồn thu nhập từ làm thuê của mình nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Bữa sáng của các cháu chủ yếu vẫn là mì tôm, cơm ngày 2 bữa chính chỉ có món canh. Biết là kham khổ nhưng có lẽ vẫn tốt hơn để các cháu phải sống lang thang, không nơi nương tựa.

"Tôi hy vọng rằng, sau này các con lớn lên sẽ là người có ích cho xã hội và biết quý trọng tình cảm giữa con người với con người. Tôi cũng mong muốn những bậc làm cha làm mẹ hãy biết yêu quý những đứa con mà mình khó nhọc sinh ra. Mặc dù những đứa trẻ khiếm khuyết nhưng cũng là một sinh linh cần được che chở, bảo bọc. Bên ngoài kia có rất nhiều người muốn có con mà không được nên những ai được trời ban cho thì hãy cố gắng trân trọng", ông Nhật bộc bạch.

Theo ông Nguyễn Văn Đương - Chủ tịch UBND xã Ia H'Lốp, hiện ông Nhật đang nhận nuôi hơn 100 đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nhờ ông Nhật mà khi lớn lên các cháu đều được đến trường đi học, một số cháu giờ đã có công việc ổn định. 

Nhận thấy việc làm của ông Nhật có ích cho xã hội nên chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm hỗ trợ về những thủ tục hành chính; đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ các cháu.

"Trái tim nhân hậu của ông Nhật khó ai sánh bằng, nhìn ông chăm các cháu đau ốm, tàn tật như con ruột, ai cũng cảm kích. Ít người biết rằng, không chỉ nhiều cháu trong số đó bị bệnh tật mà bản thân ông Nhật cũng đang mang trong mình bệnh thận rất nặng, mỗi lần tôi gặp thấy ông làm việc nặng là thở dốc. Hiện nay số trẻ đang dần lớn nên mọi thứ rất chật vật, tôi mong có thêm nhiều sự giúp đỡ để hỗ trợ cho các cháu", ông Đương cho biết
Phan Nhuận Phin

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文