Người góp phần bảo tồn, trao truyền kho trí thức của bác học Lê Quý Đôn

10:26 18/11/2019
Ông Trần Hữu Vĩnh, một người con của quê hương Thái Bình, người đã dành nhiều tâm huyết sưu tầm, lưu giữ và trao truyền lại kho tàng tri thức của bác học Lê Quý Đôn cho thế hệ mai sau.


Bằng tài năng kiệt xuất, Nhà bác học Lê Quý Đôn đã để lại cho đời một kho tàng tri thức đồ sộ, làm vẻ vang dân tộc. Tuy nhiên, cùng với thời gian và nhiều lí do khách quan, những cuốn sách quý ông biên soạn nay có nguy cơ bị mai một, thất thoát... Đó cũng là nỗi trăn trở của ông Trần Hữu Vĩnh, một người con của quê hương Thái Bình, người đã dành nhiều tâm huyết sưu tầm, lưu giữ và trao truyền lại kho tàng tri thức ấy cho thế hệ mai sau.

Lê Quý Đôn sinh năm 1726, dưới triều vua Lê Dụ Tông, tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). 

Là một người ham hiểu biết, thích sưu tầm, ưa khám phá, lại có trí nhớ siêu việt nên người đương thời khuyên nhau “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn” - Có điều gì không biết, hãy đến hỏi Bảng nhãn Lê Quý Đôn, ông còn được gọi là “túi khôn của thời đại”, là nhà bác học lớn của nước Việt. 

Cho đến khi mất vào năm 1784, Lê Quý Đôn để lại khoảng 40 công trình nghiên cứu giá trị như bộ “Đại Việt thông sử”, “Phủ biên tạp lục”, “Thư kinh diễn nghĩa”, “Vân đài loại ngữ”. Những đóng góp của ông trải dài trên nhiều lĩnh vực khoa học, từ triết học, luật học, sử học, nông học, dân tộc học, xã hội học, thiên văn học, từ điển học…

Lê Quý Đôn cũng được coi là vị sứ giả văn hoá của dân tộc thời Lê Trung hưng. Ngoài những tố chất trời cho, Lê Quý Đôn còn là tấm gương về học tập, cần cù, chịu khó, quan sát để lĩnh hội kiến thức. 

Để hình dung, chỉ riêng cuốn “Vân đài loại ngữ”, ông đã trích dẫn tới 557 cuốn sách khác nhau. Nhà sử học Phan Huy Chú từng nhận định: “Ông tư chất khác đời, thông minh hơn người…, bình sinh làm sách rất nhiều, bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ, rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng ở trên đời”.

Ông Trần Hữu Vĩnh bên những cuốn sách của Nhà bác học Lê Quý Đôn.

Dù quý giá đến vậy, nhưng cùng dòng chảy thời gian và nhiều yếu tố khách quan của lịch sử, trong số 40 công trình - bộ sách do Lê Quý Đôn biên soạn, ước tính bao gồm cả trăm cuốn, nay không ít đã thất lạc. 

Bên cạnh đó, số những đầu sách được tìm thấy và lưu trữ nhưng chưa dịch và xuất bản ra tiếng Việt (nguyên bản viết bằng chữ Hán Nôm) cũng còn nhiều, khiến người ta khó lòng tiếp cận và am hiểu được kho tri thức mà Nhà bác học Lê Quý Đôn để lại cho đời. 

Ý thức được điều bức thiết đó, bằng niềm đam mê và trách nhiệm của một người con Thái Bình, ông Trần Hữu Vĩnh, 67 tuổi, trú tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội đã bắt tay sưu tầm, nghiên cứu và tự tìm nguồn lực cùng những nhà khoa học, những người có tâm lưu giữ, trao truyền lại kho tàng tri thức quý báu đó cho thế hệ mai sau.

Trong phòng làm việc rộng chừng 30m2 của ông Vĩnh ở Hà Đông, Hà Nội, điều đầu tiên ấn tượng chúng tôi là hình ảnh người đàn ông lớn tuổi cặm cụi nhìn qua lớp kính dày vào bản chép tay bằng tiếng Nôm thuộc bộ sách “Bắc sứ thông lục” của Lê Quý Đôn. 

Xung quanh ông, trên kệ sách, bàn làm việc hay thậm chí cả giường ngủ toàn là những chồng sách, tập bản thảo do nhà bác học Lê Quý Đôn biên soạn và nguồn tài liệu quý viết về nhà bác học. 

Hàng ngày, ngoài công việc của công ty, ông Vĩnh vẫn miệt mài tìm tòi, cố gắng đọc và cùng những nhà khoa học lưu truyền lại những giá trị uyên thâm mà nhà bác học của thế kỷ 18 để lại. 

Nửa thập kỉ qua, ông Vĩnh đã tài trợ toàn bộ cho việc biên dịch lại hai bộ sách với 24 cuốn của Lê Quý Đôn và hiện đang vận động các nhà khoa học tiếp tục biên dịch lại hàng chục cuốn trong bộ “Thái ất dị giản lục” và “Dịch phu tùng thuyết”. 

Tại quê ở Hưng Hà, Thái Bình, ông Vĩnh cũng tài trợ việc xây dựng một nhà thư viện khang trang làm nơi lưu trữ những cuốn sách quý của nhà bác học Lê Quý Đôn bằng cả chữ quốc ngữ lẫn chữ Nôm cho mọi người có thể đến tìm đọc…


"Lê Quý Đôn Tuyển Tập" (8 tập) của Nhà xuất bản Giáo dục.

Chia sẻ với PV, ông Vĩnh cho biết cái duyên đưa ông đến với việc chung tay lưu giữ và trao truyền lại sách của Nhà bác học Lê Quý Đôn cũng rất bất ngờ. 

Ông Vĩnh kể, ông không phải là người biết tiếng Nôm nhưng rất thích đọc sách, từ nhỏ ông luôn ngưỡng mộ và tự hào về người con ưu tú của quê hương Thái Bình là nhà bác học Lê Quý Đôn và lấy đó làm động lực để nỗ lực học tập, phấn đấu. Vài năm trước, khi được chính quyền địa phương chia sẻ về chủ trương trùng tu, xây dựng khu di tích Lê Quý Đôn, ông lập tức ủng hộ. 

“Tôi cho đó là một cái duyên với tiền nhân. Trong những hạng mục của khu di tích, tôi rất muốn xây dựng nhà thư viện. Trong những việc cần làm, tôi cho việc lưu trữ kho tri thức của cụ là quan trọng nhất”, ông Vĩnh nói và tâm sự, kể từ thời điểm đấy, ông dành thời gian nhiều hơn để tìm hiểu về kho tàng tri thức của Lê Quý Đôn và càng tìm đọc thì trong ông càng dâng lên niềm tôn kính và trách nhiệm với những gì cụ để lại cho đời.

Cũng theo ông Vĩnh, ngày nay rất ít người có thể đọc được tiếng Nôm nên việc dịch sách ra tiếng Việt là cách tốt nhất để lưu truyền, phát huy những kiến thức đó trong cuộc sống và cho thế hệ sau này. Tuy nhiên, quá trình đó tốn không ít công sức của các nhà dịch giả, dù cho họ đều là những chuyên gia hàng đầu. 

“Có đọc mới hiểu Lê Quý Đôn đúng là tủ sách tổng hợp biết nói của nước Việt Nam thời kì ấy. Cụ am tưởng thiên văn, địa lý và cả tính cách con người. Để hiểu và dịch những gì cụ viết không dễ. Tôi biết những nhà Nôm học tham gia dịch sách của cụ phải miệt mài đi sưu tầm ở thư viện khắp nơi, để cốt làm sao khi dịch xong sách, người đọc sẽ hiểu được ý của cụ”, ông Vĩnh nói. 

“Tôi không có khả năng dịch sách của cụ nhưng cứ có thời gian là tôi tới để bàn để nói chuyện với các dịch giả, hỏi họ xem việc dịch đến đâu, công tác sao in và phân loại đang ở chỗ nào”.

Ông Vĩnh tâm sự, sách viết bằng chữ Hán Nôm nói chung và những bộ sách của Lê Quý Đôn nói riêng chính là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa. 

“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho việc dịch kho tri thức của cụ Lê Quý Đôn ra tiếng quốc ngữ. Tôi tâm niệm tiền là công cụ để mình làm việc, chết không mang đi được nên muốn đầu tư cho những việc có ích. Tôi cũng mong ngày càng có nhiều người đầu tư, ủng hộ để lưu giữ và trao truyền lại kho tàng tri thức khổng lồ hết sức quý báu mà ông cha ta để lại, bởi đó chính là lịch sử, là văn hóa, là con đường để chúng ta hiểu hơn về nguồn cội”, ông Vĩnh nói.

Thái Hà

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.063 km. Công trình trọng điểm quốc gia này hoàn thành không chỉ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh....

Giá vàng thế giới đêm 25/11 đột ngột rơi thẳng đứng, khiến giá vàng trong nước sáng 26/11 cũng bị lao dốc theo, mất tới 2 triệu đồng/lượng.

Sáng 26/11, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác phối hợp với Đội TTGT quận Hai Bà Trưng tuần tra lưu động địa bàn đơn vị quản lý. Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý xe limousine, xe hợp đồng vi phạm giao thông, dừng đỗ đón trả khách sai quy định gây ảnh hưởng đến TTATGT tại Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文