Người lương y đặc biệt ở “quê hương” Bá Kiến

11:00 11/11/2015
Trần Đức Mô - một nhà thơ ở tỉnh Hà Nam bị tai nạn dẫn đến cụt tay, song ông đã gượng dậy, đương đầu với khó khăn cuộc sống để trở thành một lương y giữa làng quê (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân - quê của nhà văn Nam Cao, "cha đẻ" của nhân vật Chí Phèo, Lão Hạc, Bá Kiến).

Năm 2010, người vợ yêu quý của ông qua đời, trong khi cần người giúp đỡ trong cuộc sống và công việc, ông đã tích cực tìm kiếm và rồi thật tình cờ, một người phụ nữ cá tính đã chấp nhận làm vợ ông.

Tai nạn nhớ đời

Con đường dẫn vào xóm 2, xã Hòa Hậu, nơi ông Mô sinh sống và bốc thuốc đầy cây trái. Mùa này, xoài, ổi, bưởi lên hương, cùng với tiếng thoi đưa, dệt lụa sinh động và nên thơ. Vườn thuốc và cây trái nhà ông cũng đậm mùi hương thu. Khách đến, ông vồn vã đón, đôi tay cụt đến gần khuỷu, nhưng vẫn rất linh hoạt. Và thật lạ, dù không còn bàn tay, nhưng ông vẫn pha, rót nước mời khách. Đưa cánh tay lên ngang mặt, ông nói: "Tôi vẫn làm được mọi việc để bảo đảm cuộc sống. Nếu không làm được việc nữa thì cuộc đời vô nghĩa lắm!".

Dòng ký ức ông dội về, nghe hoang hoải trong tiết thu. Trong giây lát, ông đã lặng đi. Sinh ra ở làng lụa, làng dệt, lớn lên Trần Đức Mô lên đường nhập ngũ. Ngày đất nước thống nhất, ông trở về quê và công tác tại Trường Trung cấp Xây dựng Nam Định (bây giờ là Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nam Định). Sau đó, ông chuyển về công tác tại Công ty Công nghệ thực phẩm Hà Nam Ninh. Vào một ngày năm 1985, trong lúc đang làm nhà giúp người thân thì dòng điện cao thế bị chập, ông bị điện giật. Để cứu ông, các bác sĩ phải cắt cụt hai tay đến gần khuỷu.

Vợ chồng nhà thơ Trần Đức Mô hiện tại.

Là trụ cột của gia đình, nhất là lúc đó ba con ông còn nhỏ, đứa lớn chưa đầy 10 tuổi, đứa út mới được vài tháng tuổi. Chưa hết, vợ ông lại thường xuyên đau yếu. Phải làm sao để đưa con thuyền gia đình vượt qua sóng gió? "Đó là một tai nạn, chẳng ai muốn cả. Nhưng có lúc tôi đã chán ghét mình. Nhưng rồi lại nghĩ kỹ, nếu tôi cũng bỏ bê gia đình, thì con cái ai lo. Vậy là, thương vợ con, tôi phải đứng lên. Từ đó tôi quyết tâm tập cầm nắm, lao động bằng đôi tay không còn lành lặn".

Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản. Để có thể cầm cuốc, xẻng làm đất, trồng cây, ông Mô phải tập tành, cố gắng rất nhiều. Thậm chí có lúc phát khóc vì "nó" không nghe lời. Sau cùng, những vật dụng lao động đã nghe lời ông, chịu để ông điều khiển. Và lòng yêu đời, khát sống đã giúp ông sống dậy hồn thơ mà bấy lâu ông ấp ủ. Trần Đức Mô lại tập cầm bút - vật dụng nhỏ hơn để viết văn, làm thơ.

Đến nay, ông đã xuất bản 4 tập sách. Việc tập tành đã khiến hai cùi tay của ông tứa máu. "Nay chữ tôi khá đẹp, đó là kết quả của bao tháng ngày cần cù, nhẫn nại. Tôi cứ hì hụi trong khó nhọc, trong đổ vỡ, thất vọng, để rồi lại hứng khởi cố gắng. Để giúp tôi lạc quan và vượt khó, vợ con cùng với tình yêu với tôi là một chất xúc tác lớn và tôi biết ơn vì điều đó", ông Mô bày tỏ.

Bốc thuốc và lấy vợ hai

Vừa làm ruộng, làm thơ, ông Mô còn được gợi ý học nghề thuốc đông y. Vốn là người ham học hỏi, sau khóa học cơ bản, ông đã đọc thêm nhiều sách đông Y. Lúc đó, ông mang tâm nguyện bào chế thuốc chữa bệnh cho người dân ở quê. Nhiều người bạn cho ông là gàn dở, chưa lo nổi bản thân mình còn nghĩ lo cho thiên hạ… Không nản lòng trước những khó khăn, cuối năm 1988 ông bào chế thành công những mẻ thuốc đầu tiên như: thuốc chữa cảm cúm, kiết lị và thuốc đau bụng... Tiếng lành đồn xa, nghe tin thuốc của ông Mô chữa bệnh hiệu quả mà ít tốn kém nên nhiều người dân tìm đến nhà ông mua thuốc. Đối với những người tàn tật, già cả, đi lại khó khăn, ông trực tiếp đến khám bệnh và bốc thuốc miễn phí.

Sau rồi, ông tiếp tục nghiên cứu để chữa được bệnh dạ dày, gan, thận… Ông tự hào khoe: "Đàn ông làng tôi vất vả một thì tôi vất vả hai, ba. Ngôi nhà vách đất ngày đó đã được thay bằng ngôi nhà xây cấp bốn. Cũng là hai cái mỏm tay cụt này biết nghe lời, cùng vợ tôi làm lụng mà thành". Tên tuổi người lương y tật nguyền Trần Đức Mô nhanh chóng lan khắp các vùng quê. Người dân nhiều tỉnh lân cận như: Thái Bình, Hưng Yên, tìm đến ông mua thuốc. Hơn 20 năm qua, ông không nhớ hết những người bệnh mà ông cứu giúp.

Nhưng số phận vẫn chưa buông tha mà còn khiến ông trải qua thêm những nỗi đau và vất vả khác. Đó là người vợ thường xuyên đau yếu, bản thân ông "dao sắc không gọt được chuôi", và từng đưa vợ đi điều trị ở nhiều bệnh viện. Ông cũng lao lực, gầy còm, nhưng vẫn đủ tỉnh táo để hướng cho cậu con trai cả theo học nghề y. Giờ anh đang làm ở Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, đã có nhiều điều kiện giúp đỡ bố.

Suốt một thời gian đằng đẵng chăm lo thuốc thang cho vợ, lo kinh tế gia đình, ông gầy hơn, chỉ đôi mắt vẫn sáng niềm lạc quan. Năm 2010, vợ ông kiệt sức rồi qua đời. Những tưởng cuộc đời ông Mô sẽ tiếp nối bởi cuộc sống cô đơn, nhưng ông lại có nguyện vọng lấy vợ hai. Vì sao vậy, dù năm 2013, khi có nguyện vọng này, ông đã ở tuổi 69? Ông Mô trả lời: "Đó là quyền con người. Tôi tật nguyền, tôi ao ước có được người vợ để chia sẻ. Hơn nữa, con cái lớn rồi xây dựng gia đình, đi cả, tôi còn phải bốc thuốc nữa. Có vợ vào, công việc sẽ thuận lợi hơn", ông Mô chia sẻ.

Ông Mô lạc quan sống bằng nghề bốc thuốc.

Không giấu giếm và khách sáo, ông có nguyện vọng và quyết định đi tìm. Khi đó, trong xóm có một cô gái quá lứa nhỡ thì, đã chấp thuận lấy ông. Khi hai người chuẩn bị làm vài mâm báo đôi bên hai họ thì nhiều lời xì xào bàn tán đã làm xôn xao cả xóm. Một số người bảo, lấy ông Mô sẽ khổ cả đời, vì phải hầu hạ ông ấy. "Sau chuyện đó, ở xã này chẳng ai nói đến chuyện lấy tôi nữa, dù tôi có đi hỏi thì họ cũng không đồng ý", ông Mô nói.

Một sự kiện đặc biệt với ông đã xảy ra, cuối năm 2013, bà Đoàn Thị Bình (sinh năm 1960) xã bên bị thấp khớp, đã sang ông Mô bốc thuốc. Cuộc tâm sự giữa hai người trở thành định mệnh để họ đến với nhau sau này. Qua hỏi han, bà Bình biết hoàn cảnh của ông Mô đang khó khăn. Bà Bình cũng tâm sự, bà đã trải qua một đời chồng. Đó là người đàn ông vũ phu, lại mắc bệnh cờ bạc, rượu chè.

Bà đã hết lòng thăm nom, chăm hai con khi ông chồng này phải đi ở tù do dính đến ma túy. Nhưng mãn hạn tù trở về, tính nết cũ không đổi thay được, buộc bà phải ly dị. Qua trò chuyện, bà Bình biết ông Mô đang cần một người phụ nữ để phụ ông lấy thuốc. Ông Mô cũng nhờ luôn bà Bình rằng, nếu thấy ai có hoàn cảnh tương tự, tuổi trên dưới 50 thì giới thiệu giúp.

Bà Bình đã làm mối cho ông Mô một người em họ xa, tên Đoàn ở Mỹ Lộc (Nam Định). Khi nom mặt, ông Mô thấy bà Đoàn lành hiền, nhưng hơi chậm, không thích hợp với nghề bốc thuốc, đành thôi.

Bà Bình tiếp tục giới thiệu cho một người bạn khác, là một thợ phu hồ, nhanh nhẹn hơn. Khi ông chuẩn bị đến gặp bà là thợ phu hồ, thì bà đã đồng ý lấy một người khác. Ông Mô chủ động gọi điện cho bà Bình, gợi ý: "Thôi, tôi và chị lấy nhau đi, chúng ta cùng cảnh, lại đã hiểu và hợp nhau".

Suy nghĩ mấy ngày, cuối cùng bà Bình đồng ý. Bà nói với ông: "Tôi tìm vợ cho ông, không tìm được, thì tôi phải đền ư?". Ngày hai ông bà quyết định về ở với nhau, có thưa chuyện với hai họ và làm hai chục mâm cơm để mọi người đến chung vui, động viên. Bà Bình cho biết: "Đó là cái số. Tôi thấy ông ấy có tuổi, tật nguyền nhưng lại lành hiền. Vậy là tôi quyết định lấy ông ấy".

Ở tuổi 71, hẳn ông Mô ước có người phụ nữ ở bên cạnh để tựa nương và giờ ông đã toại nguyện. Hằng ngày, ông dạy bà bốc thuốc. Bà vẫn cấy lúa, chăm vườn, chăm ông. Ông bà cũng đặt ra phương châm là vừa bốc thuốc, vừa làm từ thiện, tiếp tục gây dựng uy tín và cuộc sống mới nơi làng dệt, làng lụa. "Tình yêu mới đã cho tôi sức sống. Tôi biết bản thân phải biết xếp lại quá khứ, để sống mạnh mẽ và tốt hơn", ông Mô tâm sự.

Anh Khoa

Những ngày này, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội nơi có Nhà thờ Lớn đón rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi và đón lễ Giáng sinh. Nhằm đảm bảo cho nhân dân được đón lễ Giáng sinh, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an ninh, an toàn, Công an phường Hàng Trống đã lập kế hoạch, tham mưu cho Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính quyền địa phương tổ chức các phương án phân luồng giao thông và giữ gìn an ninh trật tự (ANTT).

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc vào cuối năm 2025 hoặc giữa năm 2026, với một kịch bản tiêu cực cho Ukraine, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bất ngờ đề cập đến việc sẽ sớm trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột này.

Tối 23/12, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) cho biết, Tổ công tác của đơn vị làm nhiệm vụ tại Km188 (Khu vực Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) vừa kịp thời dùng ô tô đặc chủng đưa 1 cháu bé đi cấp cứu.

Tối 23/12 (giờ địa phương), tân Thủ tướng Pháp François Bayrou đã chính thức công bố thành phần nội các mới sau hơn 2 tuần kể từ khi được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm. Ông François Bayrou bày tỏ tự hào và tin tưởng vào một chính phủ được xây dựng hướng tới sự cân bằng với kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10km/h.

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文