Người phụ nữ đêm đêm đi gom xác hài nhi về chôn cất

10:18 23/08/2018
Mười năm qua, bà Nguyễn Thị Nếp, 49 tuổi, trú tại thôn Tây, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, Bắc Giang vẫn lặng lẽ đến từng phòng khám, từng bệnh viện trên địa bàn để gom xác hài nhi và mang về một góc nghĩa trang của thôn Tây để chôn cất.


Không chỉ vậy, bà Nếp còn nhiều lần thuyết phục thành công những người mẹ trẻ giữ lại thai nhi để chúng có cơ hội thành người.

Người đàn bà "gàn dở"

Chúng tôi tìm về thôn Tây hỏi thăm bà Nếp thì đều nhận được câu trả lời, đại loại "bà Nếp gàn" chứ gì. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, một người phụ nữ đang lúi húi bên chiếc tủ cấp đông. 

Biết chúng tôi đến với mục đích gì, bà Nếp cười bảo: "Công việc của tôi thì có gì đáng nói đâu. Chỉ là tâm mình muốn thế thì mình sẽ làm thế thôi mà". 

Nói về cơ duyên làm việc này, bà Nếp chia sẻ: "Thực ra tôi muốn làm việc này từ rất lâu rồi nhưng mà điều kiện, hoàn cảnh của mình chưa cho phép. Bởi khi đó các con tôi còn nhỏ quá, nhà lại nghèo nên phải làm đủ mọi việc để có tiền nuôi con. Phải đến năm 2009, khi mọi thứ đã ổn ổn, tôi mới bắt đầu bắt tay vào thực hiện tâm nguyện của mình".

Nhớ lại những ngày đầu đi gom xác thai nhi, bà Nếp đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình và nhiều lời dị nghị của bà con trong xóm ngoài làng. Họ bảo bà dỗi hơi nên mới đi làm cái việc vô bổ ấy, việc nhà lo chưa xong bày đặt đi lo chuyện bao đồng thiên hạ. 

Nhưng bỏ qua hết mọi lời đàm tiếu, bà Nếp vẫn quyết tâm theo đuổi tâm niệm của mình. Bà bắt đầu đi đến các bệnh viện, phòng khám để đặt vấn đề xin gom xác hài nhi. 

Ban đầu, hầu hết những nơi bà Nếp đến đều nói lời từ chối với bà. Nhưng sau khi thấy bà thực sự chân thành và làm việc từ tâm nên họ đã đồng ý. Do ban ngày phải đi làm đồng, làm cỏ thuê nên công việc thiện nguyện được bà Nếp làm vào ban đêm. Cũng chính vì vậy, từ những ngày đầu bắt tay vào làm, chồng con bà Nếp không ai tán thành. 

Chồng bà cho rằng, vợ mình là phụ nữ, ban ngày đã làm việc vất vả, đêm hôm lại lọc cọc trên chiếc xe máy cũ đi khắp nơi trong huyện để gom xác thai nhi thì quá mệt và nguy hiểm. 

"Thời gian đầu, vợ chồng tôi cũng khục khặc, cãi vã nhau nhiều vì chuyện này. Ông ấy mặc dù phản đối nhưng mà vẫn lo cho vợ lắm. Nhiều đêm tôi về nhà lúc 2,3 giờ sáng vẫn thấy ông ấy ngồi chòng chọc đợi mình. Nghĩ cũng tội" - bà Nếp nhớ lại.

Bà Nếp nói về công việc thiện nguyện.

Biết chồng lo cho mình nên bà Nếp đã đánh vào điểm yếu ấy. Bà bảo với chồng: "Thay bằng việc ông ở nhà đợi tôi và lo lắng cho tôi thì ông đi cùng tôi có phải yên tâm hơn nhiều không. Tôi cũng thuyết phục chồng mình và nói cho ông ấy hiểu rằng việc tôi đang làm là việc tốt. Cuối cùng, ông ấy cũng nghe ra, không những không phản đối vợ mà còn đồng ý đi làm việc thiện nguyện cùng vợ". 

Nhiều năm qua, cứ đêm đến, vợ chồng bà Nếp lại đèo nhau trên chiếc xe máy đến các phòng khám, bệnh viện để gom xác hài nhi. Vợ chồng bà Nếp quan niệm, những thai nhi xấu số ấy đã không thể có cơ hội được trở thành người nên họ muốn mang đến cho chúng chút ấm áp cuối cùng, như một sự an ủi.

Nhiều đêm, do những địa điểm cũ không còn xác thai nhi, vợ chồng bà Nếp đã phải lặn lội đi xa hơn để gom. Bà Nếp bảo, mặc dù làm việc đó đã lâu nhưng nhiều khi chứng kiến những cái xác không còn nguyên vẹn bà vẫn không sao cầm được nước mắt. Dù thế nào thì đó cũng là những sinh linh bé bỏng không được may mắn cần được chôn cất cẩn thận, chứ không nên vứt vào thùng rác như những vật phẩm y tế.

"Có những tháng, tôi gom được mấy trăm xác thai nhi, mà đó chỉ là ở những phòng khám, bệnh viện quen thuộc thôi. Thử hỏi còn biết bao những phòng khám, những bệnh viện mà tôi chưa từng tới thì con số ấy nó sẽ lớn như thế nào". 

Sau khi xác thai nhi được gom về, bà Nếp bọc cẩn thận lại trong túi ni-lông rồi bỏ vào tủ cấp đông, đợi đến một ngày nhất định trong tháng sẽ đem đi chôn cất. 

"Cuộc đời này nhiều khi bất công quá, nhiều đứa trẻ thì được ra đời trong niềm hạnh phúc, sung sướng không gì tả nổi của những người thân nhưng lại có những đứa trẻ bị tước quyền sống trước cả khi chúng được sinh ra. Tôi chỉ mong mình có thể làm được điều gì đó mang lại chút "ấm áp" cuối cùng rồi đưa các cháu về một "nhà", không để các cháu lang thang "cù bất cù bơ" ở thế giới bên kia nữa" - bà Nếp nghẹn ngào chia sẻ.

Đấu tranh để hài nhi được thành người

Bên cạnh việc ngày ngày đi gom xác hài nhi về chôn cất ở nghĩa trang thôn Tây, bà Nếp còn làm được những việc có ý nghĩa quyết định sinh mệnh của một con người. 

Đó chính là tâm huyết bảo vệ những thai nhi còn nằm trong bụng mẹ, cố gắng thuyết phục và ngăn cản họ từ bỏ ý định phá bỏ chính đứa con máu mủ của mình. Kể về việc này, bà Nếp cho biết, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên được. Bà bảo, công việc này đòi hỏi người làm phải biết cách thuyết phục người con gái không may "dại dột" có thai ngoài ý muốn.

Để làm được việc này không còn cách nào khác là nói những lời chân thành từ trái tim mình, phân tích cho những người mẹ trẻ hiểu được thế nào là tình mẫu tử, hiểu được sự quý giá của sinh mệnh con người. Nhiều năm qua, bà Nếp đã cứu được rất nhiều em bé thoát khỏi được "tử thần" trong gang tấc. Mỗi lần thuyết phục được người mẹ giữ lại đứa con của mình, bà Nếp vui như bắt được vàng. 

Có lần, trong một đêm mưa gió, Bà Nếp nhận được điện thoại từ một phòng khám tư thông báo rằng có một cô gái muốn phá bỏ cái thai ngoài ý muốn, họ muốn bà đến khuyên giải giúp. Nhận điện thoại, bà Nếp lập tức phóng xe máy đến thẳng phòng khám đó. 

"Quả thực suốt đoạn đường đi tôi chỉ lo người mẹ trẻ ấy không đồng ý mà bắt những bác sĩ, y tá ở đó "giải quyết" luôn. Khi đến phòng khám, tôi đã nói với cô gái đó về luật nhân quả và thuyết phục cô ấy đừng tước đi quyền được làm người của thai nhi. Cô gái ấy đã khóc và nói với tôi rằng người yêu cô ta đã chối bỏ trách nhiệm, giờ nếu giữ lại cái thai sẽ mang tiếng cho bố mẹ, người thân và ảnh hưởng tới tương lai của cô ấy. 

Lúc đó tôi khuyên cô ấy là hãy tạm xa gia đình một thời gian, cứ sinh đẻ mẹ tròn con vuông tôi sẽ tìm bố mẹ nuôi cho đứa trẻ. Cuối cùng thì cô ấy cũng đồng ý. Giờ đứa bé đó đã được một gia đình hiếm muộn nhận nuôi. Trộm vía cháu ngoan và khỏe mạnh lắm" - bà Nếp hào hứng kể lại.

Một trường hợp khác cũng khiến bà Nếp khó mà quên được, đó là một lần bà biết được một cô gái xinh xắn nhưng đầu óc không được bình thường bị một gã Sở Khanh lừa tình dẫn đến có thai. Bố mẹ phải đưa cô gái đi phá thai. Biết được điều này, bà Nếp đã vội vàng đến thuyết phục gia đình cô gái. 

Bà Nếp kể: "Khi đó tôi đã nói với gia đình rằng, dù gì thì con gái anh chị cũng không được tỉnh táo, minh mẫn như những người khác nên việc lấy chồng chắc cũng khó. 

Sau này anh chị già rồi mất đi thì ai sẽ là người chăm sóc con gái anh chị. Chi bằng anh chị cứ để cháu nó giữ lại cái thai, đứa bé ấy sẽ thay anh chị nuôi nấng, chăm sóc mẹ của nó". Nghe tôi nói hợp tình hợp lý nên gia đình đó đã quyết định giữ lại cái thai. Trộm vía đứa bé ấy phát triển hoàn toàn bình thường, thậm chí còn rất nhanh nhẹn".

Bà Nếp bên tủ đá đựng xác thai nhi.

Có lẽ tiếng lành đồn xa nên nhiều người khi có ý định bỏ đi giọt máu của mình thường mang đứa trẻ đến trước cổng nhà bà Nếp. Có lần, vào buổi sáng sớm, vừa mở cửa ngõ bà Nếp thấy một chiếc giỏ, bên trong là một đứa trẻ sơ sinh được quấn tã trắng đang huơ huơ chân đạp. 

Nhìn trước ngó sau không có ai, bà Nếp bế đứa bé lên rồi gọi to xem ai đã đặt đứa bé ở đây, nhưng gọi mãi mà không thấy ai trả lời. Sau bà Nếp đã nhờ chính quyền địa phương xác minh. Sau nhiều ngày chăm sóc, bà Nếp đã giao lại đứa bé cho một gia đình hiếm muộn trên địa bàn huyện Lạng Giang nuôi. Giờ đây đứa trẻ này đang học lớp mầm non và rất khỏe mạnh.

Khi được hỏi, vợ chồng bà có ý định làm việc thiện nguyện này đến khi nào thì bà Nếp đáp rằng: "Vợ chồng tôi vẫn sẽ làm đến khi nào còn đủ sức. Làm được việc gì cho những đứa trẻ bất hạnh không có cơ hội chào đời cảm thấy ấm áp là tôi sẽ cố. Nhưng thật tâm, tôi chỉ mong sao có một ngày mình thất nghiệp". 
Song Anh

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文