Người thương binh vượt lên số phận cứu mình, giúp người

09:08 06/10/2016
Tại hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016 được tổ chức tại Cần Thơ cuối tháng 7 vừa qua, lương y Đào Viết Thoàn ở xã An Quý (Quỳnh Phụ, Thái Bình) gây sự chú ý không chỉ bởi sự nỗ lực vượt lên thương tật mà còn tạo nên nhiều sản phẩm có chất lượng, trở thành lương y chữa bỏng nổi tiếng giúp được nhiều người bệnh trọng.


Chiến thắng bệnh tật

Nhiều người đã nghĩ anh sẽ không qua khỏi, thế nhưng bằng nghị lực phi thường, với 10 lần mổ, anh đã chiến thắng tử thần, trở thành một lương y chữa bỏng nổi tiếng đất Thái Bình. Anh là Lương y Đào Viết Thoàn, SN 1958, ở thôn Đồng Ấu, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Tháng 7-1975, chàng thanh niên quê lúa lên đường nhập ngũ, khi chiến tranh biên giới xảy ra được điều về Quảng Ninh cầm súng bảo vệ biên cương Tổ quốc. Năm 1979, trong một trận chiến đấu, Thoàn bị thương rất nặng.

Đằng đẵng 4 năm nằm điều trị ở Bệnh viện Quân y 103, đau đớn liên miên hành hạ anh cả ngày lẫn đêm. Anh bị chấn thương sọ não, vỡ khoét bỏ bánh chè bên phải, gẫy xương sườn, mất toàn bộ hai cơ dép và hai cơ mông, mất một mắt trái... đó là những vết thương mà thương binh Đào Viết Thoàn phải chịu đựng. Nó hành hạ anh, quăng quật anh, gây ra những nỗi đau thể xác và cả sự chán chường về mặt tinh thần.

Lương y chữa bỏng cho bệnh nhân nhỏ tuổi.

Đào Viết Thoàn chia sẻ: "Ngần ấy vết thương hành hạ tôi, tôi phải chịu đau đớn ròng rã, cảm tưởng không còn chịu đựng nổi nữa. Tôi thấy mình mấp mé cửa miệng tử thần, nhưng chả lẽ, lại chết đi như một hạt cát vô danh...".

Lúc đó, trong đau đớn, một câu hỏi cứ chập chờn ám ảnh anh. Anh tự đặt câu hỏi tại sao mình phải chịu những đau đớn ấy, có cách gì chế ngự nó, chấm dứt nó trong thời gian ngắn nhất không? Rồi lại ngẫm thân phận mình thương tật, bi đát, làm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

"Phải vươn lên thôi, gạt bỏ mọi khó khăn, nín lại nước mắt, cố gắng luyện sức khỏe và làm người có ích" - Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, đủ để anh nuôi chí bền và anh đã không phải là một hạt cát vô danh. Được sự cứu chữa tận tình của các y, bác sĩ, sự quan tâm động viên của đồng đội và gia đình đã giúp người lính thương binh chiến thắng thần chết để trở về với cuộc sống đời thường.

Suốt thời gian nằm điều trị tại Bệnh viện Quân y 103, để đỡ buồn chán, anh Thoàn đã tự mày mò đọc sách, học hỏi, tìm hiểu tài liệu để khi xuất viện có thể tiếp tục tự chữa vết thương ở chân cho mình. Cảm thông với chàng trai thương binh nặng, các bác sĩ đã cho anh biết loại thuốc sinh cơ nuôi thịt đang điều trị cho anh được chế ra từ bàn tay của sư cụ Thích Đàm Lương ở chùa Trắng (thôn Hữu Lê - Hữu Hòa - Thanh Trì - Hà Nội).

Sau đó, Thoàn xin phép bệnh viện được đến chùa Trắng để đắp thuốc. Một thời gian, sư cụ nhà chùa thấy Thoàn vững tâm, cần mẫn, có nghị lực, có tố chất và năng khiếu để trở thành một lương y chữa bệnh cứu người, sư cụ đã nhận anh làm đệ tử, chữa khỏi cho anh và truyền dạy bí quyết chế thuốc, cách chữa bỏng và điều trị vết thương một cách hiệu quả nhất, hạn chế sẹo.

Nhiều sáng tạo vì người bệnh

Năm 1987, Đào Viết Thoàn trở về quê sau 4 năm học sư cụ chùa Trắng với  đôi chân tập tễnh. Ở thể trạng như thế, anh hoàn toàn có thể ở lại trại điều dưỡng để hưởng sự chăm sóc đặc biệt của Nhà nước, nhưng anh nhớ đến lời Bác Hồ dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế".

Sư cụ Thích Đàm Lương cũng đã truyền cả sự đức độ cho anh, giúp anh vững vàng hơn. Năm đó về quê, Thoàn đã gặp khó khăn lớn. Gia đình quá nghèo, con còn nhỏ, vợ chồng thương binh Đào Viết Thoàn đã được Nhà nước và địa phương quan tâm, xây dựng nhà tình nghĩa. Hai vợ chồng an tâm làm lụng, lao động sản xuất, đưa con thuyền gia đình thoát khỏi sự khủng hoảng.

Anh Đào Viết Thoàn.

Ở vùng quê Thái Bình có nhiều trường hợp bỏng nặng, Đào Viết Thoàn đã tận tình cứu chữa, làm theo tâm nguyện của mình là phải giúp đỡ những bệnh nhân nghèo. Tiếng lành đồn xa, ở xã, huyện và tỉnh Thái Bình, hễ ai bị bỏng đều được giới thiệu đến bác sĩ Thoàn. Anh đã nghiên cứu và tìm ra phương pháp tháo băng không bị dính, bôi thuốc mát không gây đau đớn cho bệnh nhân, vết thương, vết bỏng nhanh liền da, không để lại di chứng, tiết kiệm thời gian chữa trị, kinh phí cho người dân.

Trong lòng người lương y - thương binh ấy luôn có tư tưởng "Lương y như từ mẫu, thương người như thể thương thân". Và anh thông cảm, chia sẻ với nỗi đau của người bệnh nghèo, người tàn tật, trẻ mồ côi, bố mẹ liệt sỹ, gia đình chính sách... Tổng số tiền làm từ thiện, giúp đỡ như: miễn phí điện, nước, giường nằm; miễn tiền thuốc, tiền công... là hơn 3 tỷ đồng.

Những năm gần đây, không chỉ có bệnh nhân ở trong tỉnh, mà ở ngoài tỉnh, trong Nam, ngoài Bắc chẳng quản đường sá xa xôi tìm về "ông Thoàn bỏng" nhờ chữa trị, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng đã điều trị Tây y không khỏi.

"Mỗi năm, tôi đón tiếp từ 1.000 đến 1.500 bệnh nhân. Suốt 29 năm qua, tôi đã dành hết tình cảm, sức khỏe của một người thương tật cứu chữa cho bệnh nhân, bởi bệnh nhân đến với tôi nhiều người nghèo lắm, nhiều bệnh nhân bị bỏng tận gân, tận xương mà nhà nghèo. Nhìn họ sinh hoạt, ăn uống, tôi thấy là nên làm giúp họ thôi. Làm giàu lòng nhân đức còn hơn giàu của, giàu tiền".

Mỗi khi trái gió, trở trời toàn thân anh Thoàn vẫn đau nhức, nhưng anh không lùi bước, không kêu ca, không từ chối bệnh nhân. Lúc anh đau mà có bệnh nhân đến, anh gác cơn đau của mình lại, chữa cho người bỏng trước, khi nhớ ra mình thì lúc đó, cơn đau của mình đã tạm lui. Dù nghèo, dù đau đớn, nhưng anh Thoàn và vợ vẫn cố gắng cho con cái ăn học, bởi chúng như "của để dành", hy sinh cho chúng để chúng nên người, rồi chúng cũng thành những bông hoa. Hai vợ chồng lúc đó lại thơm lây.

Chị Nguyễn Thị Hơn - vợ anh là cựu thanh niên xung phong, là người phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó, hết mực ủng hộ những việc chồng làm và giúp đỡ chồng trong suốt những năm tháng đau yếu.

Khu tư gia của anh rộng gần 1.000m2, có tiện nghi, có cây xanh, góc ao nhỏ, có gió đồng lồng lộng thổi. Hàng ngày, người thương binh tập tễnh sống và làm việc ở không gian ấy. Anh tự viết lên bài ca của mình, bài ca chiến sĩ, bài ca về đạo đức và lòng hảo tâm. Anh không phải là một hạt cát vô danh nữa. Điều anh Thoàn tâm đắc nhất trong cuộc sống là lời dạy của sư cụ Thích Đàm Lương: "Muốn được hưởng phúc thì phải có đức, có tài, có tâm, có thiện. Ta mong con biết rồi, gắng học hỏi để giúp người"

Chăm sóc bệnh nhân bỏng ở chân.

Để việc điều trị có hiệu quả cao, lương y Đào Viết Thoàn chủ yếu đắp thuốc mỡ, nuôi da và cả kết hợp dùng thuốc kháng sinh và tiếp nước đối với những bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, mất nước. Việc chữa Tây y kết hợp Đông y, anh Thoàn có cả sự giúp đỡ của Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Phụ.

Tỷ lệ khỏi bệnh anh Thoàn cho biết vào khoảng hơn 95%. Giá cả thì rất rẻ, ca nhẹ chi phí chỉ 50 - 60 ngàn, ca nặng điều trị lâu ngày thì 1 đến 2 triệu. Vậy nhưng, có những người đi chữa, tốn kém vô kể, nhưng bệnh cũng không khỏi.

Năm 2009, anh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba. Phần thưởng động viên tinh thần đó, cũng thật ý nghĩa, để lương y Đào Viết Thoàn tiếp tục chiến đấu với khó khăn bản thân, cứu chữa bệnh nhân, phục vụ xã hội, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Anh cũng vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Với bài thuốc chữa bỏng hiệu quả, năm 2012, anh Thoàn được Viện nghiên cứu Phương Đông và Trung ương hiệp hội làng nghề Việt Nam tôn vinh và tặng thưởng danh hiệu cúp vàng "mỡ sinh cơ chữa bỏng"  là báu vật gia truyền Việt Nam, được Bộ Y tế tặng bằng khen, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo. Sản phẩm này đạt giải nhất hội thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật tỉnh Thái Bình và giải ba Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc.

Năm 2014, anh đã nghiên cứu bào chế thành công mỡ dưỡng da sau bỏng ứng dụng điều trị cho hàng nghìn người bệnh trên cả nước. Thuốc làm mềm vết sẹo, mờ vết thâm, chữa sẹo, nám má, tàn nhang, khô da, dị ứng. Sản phẩm này đoạt giải nhất hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật Thái Bình năm 2015.

Thương binh Lê Văn Bình là đồng đội cũ của lương y Đào Viết Thoàn xúc động chia sẻ: "Đời người là một khúc quân hành. Anh Thoàn đã viết lên bài ca của mình, bài ca chiến sĩ, bài ca về đạo đức và lòng hảo tâm. Anh là một hạt muối dâng vị mặn cho đời. Một lương y thầm lặng giữa miền quê!".

Diên Khánh

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Ngày 4/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Bình, SN 1994, trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khiến 1 người tử vong.

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Cơ quan phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, ngày 3/5 (giờ địa phương) cho biết trận lũ lụt kỷ lục ở bang đã khiến 39 người thiệt mạng và 68 người khác vẫn mất tích, buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đang được triển khai xây dựng theo kiểu “rùa bò”, chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải tỏa đền bù gặp khó khăn. Trong khi trường mới chưa được xây xong, thầy cô giáo cùng 562 học sinh nhà trường phải dạy và học trong ngôi trường cũ xập xệ, mất an toàn.

Một quan chức Liên hợp quốc (LHQ) cho hay, bất kỳ một cuộc tấn công bộ binh nào nhằm vào thành phố Rafah đều sẽ gây ra đau khổ, tổn thất lớn đối với cả triệu người Palestine tị nạn tại đây.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ các cá nhân riêng lẻ thực hiện, mà nay hoạt động này còn được “nâng cấp” bởi những ổ nhóm tội phạm có tổ chức dưới mác công ty, tập đoàn. Thay vì thành lập công ty, tập đoàn để hoạt động kinh doanh, sản xuất, mang lại giá trị tinh thần, vất chất cho xã hội, không ít đối tượng đã lấy đó làm bình phong để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Tại dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, đang được UBND TP Hà Nội lấy ý kiến người dân, TP lên kế hoạch cấm các hoạt động, sự kiện dưới hình thức thuần túy hội chợ thương mại, chương trình khuyến mại, giới thiệu sản phẩm... quanh phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文